TP.HCM muốn thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe của vùng Đông Nam Á
- Minh Long
- •
Thông tin trên được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 8 của HĐND TP khóa X, ngày 8/12.
- Giới chức TP.HCM đính chính thông tin ‘6.177 công chức, viên chức nghỉ việc trong 6 tháng’
- Bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế: ‘Bao nhiêu khó khăn đổ hết lên đầu bệnh nhân nghèo’
- Thao túng đấu thầu tại BV Mắt TP.HCM: Người bệnh phải thanh toán thêm gần 9 tỷ đồng
Theo ông Mãi, thời gian tới, thành phố sẽ bố trí quỹ đất cũng như nghiên cứu các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư xã hội nhằm phát triển hệ thống các bệnh viện cửa ngõ, bệnh viện chuyên sâu.
Đối với những bệnh viện đang quá tải, xuống cấp như Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM… ông Mãi cho biết thành phố cũng đã có chủ trương rất cụ thể về đất đai, quy hoạch, bố trí nguồn vốn và sẽ triển khai trong thời gian tới; sẽ có những bệnh viện trước mắt cải tạo hiện hữu, sau đó thực hiện quy hoạch và xây dựng mới theo thủ tục.
Ông Mãi cho hay Bộ Y tế có đề nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng hơn nữa để triển khai các bệnh viện như Nội tiết, Chợ Rẫy, các Trung tâm của Bộ Y tế hay mở rộng khu điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Thống Nhất. Ngoài ra, thành phố sẽ triển khai các kế hoạch để nâng cấp hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115.
“UBND sẽ kiên trì xây dựng TP.HCM thành trung tâm điều trị chuyên sâu một số lĩnh vực, trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của cả nước và vùng Đông Nam Á”, ông Mãi nói.
Trước đó, tại buổi tổ chức sơ kết hoạt động 9 tháng năm 2022, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở Y tế cần hỗ trợ gần 515 tỷ đồng để giữ chân nhân viên y tế.
Với số tiền gần 515 tỷ đồng, Sở Y tế kiến nghị hỗ trợ khoảng 209 tỷ đồng từ ngân sách để các bệnh viện chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 trong năm nay (với các bệnh viện mà nhân viên chưa được hưởng).
Còn 305 tỷ đồng, Sở kiến nghị để thực hiện mở rộng đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm từ Nghị quyết 03, bao gồm tất cả viên chức, người lao động trong chỉ tiêu biên chế được giao và theo đề án vị trí việc làm.
Ông Thượng cho hay thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc ngày càng tăng. Mới 9 tháng của năm 2022, y tế thành phố có trên 1.000 nhân viên nghỉ việc (tương đương số lượng của cả năm 2021).
Trong đó, theo ông Thượng, đáng lo ngại là điều dưỡng nghỉ rất nhiều khiến một số khoa ghi nhận hiện tượng bác sĩ nhiều hơn điều dưỡng. Nhân sự mới tuyển dụng lại không đủ bù đắp số đã nghỉ.
Ông Thượng kiến nghị cần có cơ chế hỗ trợ học phí, thậm chí miễn phí cho người đăng ký học điều dưỡng để “kích thích” học sinh sau khi tốt nghiệp đăng ký ngành điều dưỡng.
“Nếu không có hỗ trợ này thì ngành y tế cực kỳ khó khăn, tạo một tiền lệ là không ai học điều dưỡng. Đồng thời cần có thêm trợ lý điều dưỡng, bổ sung chức danh trợ lý điều dưỡng như các nước phát triển đang làm”, ông Thượng nhận định.
Theo ông Thượng, các trạm y tế hiện chưa thu hút được người dân khám chữa bệnh ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu là do thuốc của trạm chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây mới, kéo dài rất nhiều năm qua, khiến người bệnh chịu thiệt thòi.
Các bệnh viện về tình hình tự chủ tài chính càng lúc càng khó khăn. Hiện nay, số lượt khám chưa phục hồi, một số bệnh viện mất cân đối thu chi, đặc biệt là các bệnh viện đa khoa.
Nhiều bệnh viện chưa được cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí vượt tổng mức thanh toán. Điều này làm cho tình trạng mất cân đối thu chi của các bệnh viện càng lúc càng tăng, làm tăng thời gian giải quyết công nợ.
“Một số bệnh viện sa vào cảnh nợ nần kéo dài, rất khó cho các giám đốc bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện nhỏ”, ông Thượng nói.
TP.HCM còn nợ hơn 900 tỷ đồng hỗ trợ sau COVID-19
Đặt câu hỏi chất vấn ông Phan Văn Mãi tại kỳ họp thứ 8, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú cho rằng thành phố đã ban hành nhiều chính sách sau đại dịch COVID-19, nhưng đến nay kinh phí hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn vẫn chưa giải quyết.
Trả lời, ông Mãi cho biết khi dịch COVID-19 bùng phát vào 2021, thành phố đã phê duyệt ba gói hỗ trợ. Gói thứ nhất 886 tỷ đồng được Sở LĐ-TB&XH TP kiến nghị đầu tháng 6. Gói thứ hai hơn 900 tỷ đồng thông qua vào đầu tháng 8. Gói hỗ trợ thứ ba 7.300 tỷ đồng thông qua hồi cuối tháng 9.
Theo ông Mãi, thành phố phát sinh 57 tỷ đồng tiền hỗ trợ cán bộ tham gia phòng dịch và UBND đã yêu cầu thống nhất phương án bổ sung kinh phí. Gói thứ hai thành phố đã hoàn thành chi trả. Gói thứ ba chủ yếu còn thiếu ở quận Bình Tân và huyện Củ Chi, Bình Chánh khoảng 849 tỷ đồng. Thành phố sẽ sớm chi từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi năm 2021.
Đối với việc chậm chi nguồn vốn giảm nghèo năm 2022, ông Mãi cho biết năm nay dự kiến bố trí 600 tỷ đồng vốn này từ nguồn tăng thu, nhưng đến giờ, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan chưa hoàn thành, sẽ nỗ lực xong trong tháng 12.
“Đây là việc có chậm, các hộ nghèo rất cần vốn để phát triển sinh kế, tránh phải vay nặng lãi. Nhưng thủ tục hành chính còn chậm và sự chỉ đạo chưa kịp thời. Chúng tôi xin nhận khuyết điểm”, ông Mãi nói.
Từ khóa bệnh viện quá tải bác sĩ nghỉ việc ông Phan Văn Mãi gói hỗ trợ COVID-19 Chủ tịch UBND TP.HCM Trung tâm chăm sóc sức khỏe Đông Nam Á tự chủ bệnh viện bệnh viện xuống cấp