Tuổi thọ trung bình của người Việt là 74,5 tuổi nhưng nhiều người mắc 2-3 bệnh nền
- Khánh Vy
- •
Tuổi thọ trung bình của người Việt cao, năm 2023 đạt 73,7, nhưng nhiều người mắc 2-3 bệnh nền. Bình quân mỗi người có khoảng 15 năm sống trong ốm yếu. 65% người già, tức khoảng 10,5 triệu người chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động chính sách khi xây dựng Luật Dân số của Bộ Y tế.
Bộ Y tế đề xuất xây dựng dịch vụ chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, phát triển chuyên ngành lão khoa, viện dưỡng lão, xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi phù hợp với độ tuổi, học vấn, vùng miền.
Chính sách này nhằm thích ứng tình trạng già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người cao tuổi ngày càng tăng. Cơ quan soạn thảo dẫn dữ liệu dân cư quốc gia cho biết cả nước có hơn 16,1 triệu người cao tuổi (60 tuổi trở lên), chiếm 16% dân số. Khoảng 5,4 triệu người trong số này được hưởng chính sách xã hội gồm lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp hàng tháng.
Người cao tuổi chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước, phải sống dựa vào nguồn tiết kiệm nếu có, con cái, người thân chu cấp hoặc tiếp tục làm việc với thu nhập thấp. Khoảng 5% độ tuổi 60-80 không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, không có lương hưu, trợ cấp, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí.
Thống kê năm 2023, cứ 7 người trong độ tuổi lao động hỗ trợ một người cao tuổi thì đến năm 2036 giảm còn hơn 3 người và năm 2049 còn hơn 2 người. Tuổi thọ trung bình của người Việt cao, năm 2023 đạt 73,7, nhưng mắc 2-3 bệnh nền. Bình quân mỗi người có khoảng 15 năm sống trong ốm yếu.
Chi phí điều trị cho người cao tuổi cao gấp gần chục lần người trẻ và chiếm trên 50% tổng chi phí điều trị mỗi năm. Nhiều gia đình neo con, sống xa cha mẹ trong khi cơ sở chăm sóc người cao tuổi chưa nhiều và giá dịch vụ cao.
Trong báo cáo, Bộ Y tế cũng đề xuất xây dựng thêm các chương trình, dự án đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi bước sang tuổi già, phù hợp với sức khỏe, trình độ, năng lực và nhu cầu thị trường.
Hiện hơn 4 triệu người cao tuổi làm việc nhưng chủ yếu tự làm hoặc trong hộ gia đình, thu nhập thấp. Lương bình quân của nhóm này gần 3,8 triệu đồng mỗi tháng, bằng 34% so với mức bình quân thị trường. Chính sách tạo công văn việc làm cho người cao tuổi có nhu cầu đã ban hành, nhưng mới tập trung vào nhóm trình độ cao, ưu đãi tín dụng tạo việc làm thiếu tính khả thi.
Cơ quan soạn thảo nhận định nếu nhu cầu làm việc của người già được đáp ứng hoàn toàn thì năm 2030 có khoảng 8,5 triệu và năm 2049 có 13,5 triệu lao động cao tuổi. Đây là đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao an sinh thu nhập cho người già, cải thiện tình trạng thiếu lao động do mức sinh thấp.
Khánh Vy
Từ khóa người cao tuổi dân số già hóa chính sách dân số