5 sự kiện lớn trong “hộp đen” chính trị – xã hội Trung Quốc năm 2021
- Tôn Vân
- •
Năm qua, Trung Quốc đã xảy ra nhiều sự kiện chấn động, có những sự kiện thậm chí thành tâm điểm quan tâm của cộng đồng quốc tế. Như thông lệ, những vấn đề nhạy cảm này đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm duyệt nghiêm ngặt và ngăn chặn thông tin. Cùng Trí Thức VN điểm lại 5 sự kiện được quan tâm hàng đầu trong năm 2021 tại Trung Quốc Đại Lục.
1. Vụ bê bối tình dục của ông Trương Cao Lệ
Nữ danh thủ quần vợt nổi tiếng Bành Soái của Trung Quốc cáo buộc từng bị cựu Phó Thủ tướng ĐCSTQ Trương Cao Lệ xâm hại tình dục.
Ngày 2/11, trên trang Weibo cá nhân, tay vợt Bành Soái đã cáo buộc bị ông Trương Cao Lệ xâm hại tình dục. Sau đó cô Bành bị “mất tích” 19 ngày, nhưng những bức ảnh và video về cô khi xuất hiện được phóng viên của ĐCSTQ đăng tải trên Twitter cũng gây nhiều nghi vấn. Ngày 21/11, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế là Thomas Bach đã tuyên bố có một cuộc gọi điện video với Bành Soái và được thông báo cô rất an toàn. Tuy nhiên, công luận nghi ngờ liệu cô Bành có được tự do phát biểu hay không?
Phản ứng của ĐCSTQ đối với vụ việc Bành Soái tiếp tục khiến cộng đồng quốc tế lên án.
– Ngày 1/12, Hiệp hội quần vợt nữ quốc tế (WTA) thông báo sẽ đình chỉ tất cả các giải đấu quần vợt được tổ chức tại Trung Quốc, bao gồm cả ở Hồng Kông.
– Mỹ, Anh, Úc và Canada đã liên tiếp thông báo họ có kế hoạch không cử đại diện đến Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng 2/2022, như một phần của hoạt động tẩy chay ngoại giao vì vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.
– Ngày 8/12, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết về vấn đề này với toàn bộ 428 phiếu nhất trí. Theo đó, Nghị quyết cho rằng Ủy ban Olympic Quốc tế (ICO) không tuân thủ cam kết nhân quyền khi đang giúp “hợp pháp hóa” tuyên bố của ĐCSTQ về an toàn của cô Bành Soái.
Cần nhắc thêm rằng ông Trương Cao Lệ từng là quan chức chủ chốt thúc đẩy ĐCSTQ đăng cai Thế vận hội Mùa đông của Bắc Kinh.
Nhưng có góc nhìn khác chỉ ra, vụ việc Bành Soái cũng được cho là có liên quan đến việc tranh giành quyền lực ở Trung Nam Hải. Như học giả Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing) tiết lộ với Epoch Times rằng ông Trương Cao Lệ thuộc phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân trong cuộc đấu nội bộ với phe ông Tập Cận Bình, và đây là lý do tại sao vụ bê bối được công khai.
Thẩm Đông (Shen Dong) – tác giả của cuốn sách “Canh bạc Đỏ” (Red Roulette) nổi tiếng trong việc vạch trần nội bộ quan trường ĐCSTQ, nói với truyền thông Anh rằng rõ ràng có thể Bành Soái biết sẽ bị “biến mất” sau mâu thuẫn với ông Trương Cao Lệ nên cô mới quyết định công khai mối quan hệ này.
Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) cho rằng vụ Bành Soái rất nóng trên công luận quốc tế. Nhưng dù ĐCSTQ đã chặn tin tức trong nước thì nhiều người ở Trung Quốc vẫn biết và thảo luận riêng tư rất sôi nổi, nội dung liên quan đến Bành Soái lưu hành trên WeChat không hề thua kém ở nước ngoài. Hiện nay, tình hình câu chuyện có vẻ lắng xuống ở Trung Quốc là do vấn đề kiểm duyệt thông tin chứ thực tế nó được bàn luận rất nhiều tại nước này, ông Lý cho biết.
2. Một năm buồn cho Jack Ma
Từ cuối năm 2020, Jack Ma (Mã Vân) – người sáng lập Alibaba – đã bị chính quyền Trung Quốc chỉnh đốn. Ngày 2/11/2020, Jack Ma đã bị 4 cơ quan quản lý tài chính của ĐCSTQ mời làm việc và sau đó kế hoạch niêm yết của Ant Group đã bị đình chỉ khẩn cấp. Bản thân Jack Ma cũng biến mất trong một thời gian dài. Cũng trong thời gian này, Alibaba bị phạt 18,2 tỷ nhân dân tệ (RMB) vì vi phạm Luật chống độc quyền. Ngoài ra, Đại học Lakeside do Jack Ma thành lập từ 4 năm trước cũng bị nhà cầm quyền đóng cửa.
Người ta cho rằng thảm họa xảy ra với Jack Ma là do tại một diễn đàn ở Thượng Hải vào tháng 10/2020, ông đã lên án cơ quan quản lý tài chính của ĐCSTQ kìm hãm đổi mới. Tuy nhiên, có thể đây không phải là lý do chính.
Reuters từng đưa tin rằng cuộc gặp ngày 9/1/2017 của Jack Ma với Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc bấy giờ đã khiến các quan chức cấp cao của ĐCSTQ cảm thấy tức giận. Thời điểm đó, Jack Ma hứa sẽ tạo ra một triệu việc làm cho người Mỹ. ĐCSTQ không hài lòng vì cuộc gặp đó không được họ chấp thuận, còn Jack Ma xem các cuộc gặp với các chính trị gia nước ngoài là “hoạt động ngoại giao không chính thức” của Trung Quốc.
Wall Street Journal tiết lộ, đằng sau cấu trúc vốn chủ sở hữu phức tạp của Ant Group là tiềm ẩn những gia tộc chính trị gây rủi ro cho ông Tập Cận Bình và phe cánh. Tiêu biểu như người tham gia thành lập Boyu Capital Giang Chí Thành là cháu trai của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, hay con rể của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Giả Khánh Lâm là Lý Bác Đàm (Li Botan) kiểm soát Tập đoàn đầu tư Thiệu Đức (Zhaode) Bắc Kinh.
Ngoài ra, ĐCSTQ luôn muốn giành được dữ liệu người dùng có giá trị từ tay Jack Ma.
Jack Ma trở lại xuất hiện lẻ tẻ vài lần sau khi biến mất vài tháng. Ví dụ tháng Một năm nay, Jack Ma nói chuyện với một nhóm giáo viên qua video và xuất hiện tại công viên văn phòng công ty ở Hàng Châu vào tháng 5, hôm đó là ngày hoạt động thường niên của nhân viên Alibaba.
Cho đến cuối tháng 10, Jack Ma vẫn tiếp tục xuất hiện ở Hồng Kông, Tây Ban Nha và Hà Lan, đồng thời các phương tiện truyền thông của Jack Ma tiết lộ, hành trình Jack Ma đi khảo sát hoạt động nông nghiệp ở châu Âu.
Những hoạt động tưởng chừng Jack Ma hoàn toàn tự do, nhưng một luật gia nổi tiếng ở Úc là ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing) nói với Epoch Times rằng tin tức mà ông có được là chính quyền đã hoàn toàn kiểm soát Jack Ma. Tất cả người thân và tài sản của Jack Ma ở Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông) đều trở thành con tin của ĐCSTQ.
Còn chuyên gia kinh tế tại Mỹ là ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) thì cho rằng có thể hiện nay Jack Ma đã rời khỏi Trung Quốc, lý do quan trọng là ông đã bàn giao dữ liệu giao dịch tài chính của Ant Group cho Ngân hàng Trung ương ĐCSTQ.
Cuối tháng 9, Ant Group tiết lộ rằng dữ liệu tín dụng do dịch vụ cho vay tiêu dùng nổi tiếng Ant Credit Pay tạo ra đã được tích hợp đầy đủ vào hệ thống điều tra tín dụng của Ngân hàng Trung ương ĐCSTQ. Trước đó, việc chia sẻ thông tin người dùng với chính quyền luôn là vấn đề cốt lõi gây căng thẳng giữa Jack Ma và các nhà chức trách.
Sau khi chính quyền Tập Cận Bình thúc đẩy “thịnh vượng chung” thì Alibaba và một số ‘gã khổng lồ’ Internet đã nhiều lần “quyên tặng” số tiền khổng lồ. Trong một trường hợp, Alibaba hứa đầu tư 100 tỷ RMB vào quỹ từ thiện.
Ngày 18/11, ĐCSTQ đã nâng cấp thành lập Cục Chống Độc quyền Quốc gia, hai ngày sau đã phạt nặng Alibaba hơn 5 triệu RMB vì vi phạm Luật Chống Độc quyền.
Nhà kinh tế học Lý Hằng Thanh nói với Epoch Times rằng ưu tiên hàng đầu của Jack Ma là bảo toàn sinh mạng.
Hiện vẫn chưa rõ tung tích của Jack Ma sau lần xuất hiện ở châu Âu.
3. Biến cố phá sản của Hứa Gia Ấn (Evergrande)
Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin), nhà sáng lập tập đoàn bất động sản khổng lồ Trung Quốc Evergrande, cũng là người làm “náo loạn Trung Quốc” trong năm nay.
Theo tài liệu do Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông tiết lộ ngày 10/12, có 277,8 triệu cổ phiếu Evergrande do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Evergrande Hứa Gia Ấn cầm cố đã bị buộc phải bán ra, khiến tỷ lệ sở hữu của ông tại Evergrande giảm xuống còn 59,78%.
Vào tháng 9 năm nay, bùng nổ vấn đề nợ nần của Tập đoàn Evergrande đã chính thức kích hoạt một cuộc khủng hoảng toàn diện trong ngành bất động sản Trung Quốc. Rủi ro vỡ nợ của Evergrande vượt quá 300 tỷ USD.
Ông Hứa Gia Ấn từng tự nhận bí quyết thành công của ông là “mua, mua, mua”, nhưng giờ phải “bán, bán và bán” để trả nợ cho công ty.
Reuters đưa tin, nhà chức trách ĐCSTQ đã yêu cầu ông Hứa Gia Ấn sử dụng một phần tài sản cá nhân để giúp trả cho các trái chủ (người cho nhà phát hành vay tiền thông qua việc mua trái phiếu).
Trong những tháng gần đây, ông Hứa Gia Ấn liên tục bán tài sản cá nhân để có tiền trang trải duy trì sự tồn tại của Evergrande.
– Gói tài sản mà ông Hứa Gia Ấn đã bán bao gồm 3 biệt thự ở Hồng Kông, những ngôi nhà sang trọng ở Quảng Châu và Thâm Quyến, và một số máy bay phản lực tư nhân.
– Vào cuối tháng 9, một công ty con của China Evergrande đã bán gần 20% cổ phần của Shengjing Bank cho Shenyang Shengjing Investment thu về gần 10 tỷ RMB.
– Ngày 18/11, Tập đoàn Evergrande đã bán hết toàn bộ cổ phần của Hengteng và thu về 2,127 tỷ đô la Hồng Kông.
– Ngày 16/11, tờ Yicai của Trung Quốc dẫn nguồn thạo tin cho biết, để duy trì tính thanh khoản của tập đoàn, kể từ ngày 1/7 đến nay, ông Hứa Gia Ấn đã bán tài sản cá nhân thu về được hơn 7 tỷ RMB tiền mặt.
– Ngày 25/11, ông Hứa Gia Ấn và vợ là bà Đinh Ngọc Mai (Ding Yumei) đã bán 1,2 tỷ cổ phiếu của Evergrande với giá trung bình 2,23 đô la Hồng Kông/cổ phiếu và thu về 2,676 tỷ đô la Hồng Kông (khoảng 344 triệu USD). Trang tài chính của Sina Trung Quốc dẫn lời những người quen thuộc tình hình cho biết, ông Hứa Gia Ấn dùng toàn bộ số tiền thu được để trả các khoản nợ của Evergrande.
– Ngày 26/11, có thông tin cho rằng sân vận động bóng đá Evergrande có giá 12 tỷ RMB đã chính thức được thu hồi và sẵn sàng được bán đấu giá trở lại.
– Evergrande cũng bán với giá rẻ hai công ty con ở nước ngoài thuộc Evergrande Motor, chiếc e-Traction mới mua được 2 năm với giá 500 triệu RMB (78,22 triệu USD) chỉ được bán với giá khoảng 14,52 triệu RMB (khoảng 2,27 triệu USD).
– Ngày 6/12, trang Sohu của Trung Quốc đưa tin, con trai thứ hai của ông Hứa Gia Ấn là Peter Xu đã chịu lỗ 5 triệu USD khi bán một dinh thự cổ ở Los Angeles Mỹ.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực của ông Hứa Gia Ấn rõ ràng là không có kết quả. Ngày 3/12, Tập đoàn Evergrande thông báo họ đã không thể hoàn thành thanh toán khoản nợ 260 triệu USD, đồng nghĩa với việc công ty vỡ nợ.
Ngày 6/12, Evergrande đã thành lập ban xử lý rủi ro với Hứa Gia Ấn làm chủ tịch. Có thông tin cho rằng Evergrande dự định đưa tất cả các khoản nợ nước ngoài vào kế hoạch tái cơ cấu.
Nhà kinh tế Ngô Gia Long (Henry Wu) của Đài Loan nói với Epoch Times rằng biện pháp của các nhà chức trách chỉ là làm chậm tốc độ bùng phát của cuộc khủng hoảng này, nhưng không thể hóa giải cuộc khủng hoảng này. Ông cho hay giới chức trách xử lý cuộc khủng hoảng Evergrande giống như mô hình xử lý HNA: một là xử lý tài sản và hai là xử lý các khoản nợ, họ sẽ phân tách các lĩnh vực và cho người tiếp quản; nhà chức trách hy vọng sẽ giảm được các khoản nợ, điều này có thể khả thi đối với các nhà đầu tư trong nước, nhưng không hiệu quả đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tập đoàn Evergrande niêm yết tại Hồng Kông được thành lập năm 1996, từng bước phát triển đến có hơn 1300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc với gần 200.000 nhân viên, được biết đến nằm trong nhóm 500 công ty hàng đầu thế giới.
Ông Hứa Gia Ấn là dạng “doanh nhân Đỏ” ở cấp cao nhất của ĐCSTQ vì là ủy viên Chính hiệp ĐCSTQ, ngày 1/7 năm nay từng xuất hiện trên đài quan sát của Lễ kỷ niệm 100 năm ĐCSTQ.
Luật gia Viên Hồng Băng cho rằng bất động sản của ông Hứa Gia Ấn có thể lớn như vậy bởi vì ông ta là “sân sau” của gia đình cựu Chủ tịch ĐCSTQ Tăng Khánh Hồng – cánh tay phải của ông Giang Trạch Dân. Ông dẫn một câu nói được lưu truyền rộng rãi trong quan trường Trung Quốc rằng mồi lửa Evergrande chính là do ông Tập Cận Bình tự tay đốt. Ông Tập đã ra lệnh các tổ chức tài chính không được phép tiếp tục cho Evergrande vay, tập đoàn khổng lồ này bị thanh trừng là vì có thế lực quyền quý đứng sau.
Đầu năm 2015, ông Hứa Gia Ấn đã cho con trai Tăng Vỹ (Zeng Wei) của ông Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) mượn ngôi biệt thự để tổ chức tiệc, và từ đó bám theo gia đình Tăng Khánh Hồng. Khi đó, Tăng Vỹ đang phá bỏ và xây lại ngôi biệt thự Craig-y-Mor có tuổi đời cả thế kỷ, lúc đó là dinh thự đắt thứ ba trong lịch sử giao dịch bất động sản của Úc.
Ngoài Tăng Khánh Hồng, ẩn sau Evergrande còn có gia đình Giả Khánh Lâm – cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ.
Tiến sĩ Tạ Điền (Xie Tian) tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina (Mỹ) nói với Epoch Times rằng tất cả các công ty bất động sản như Evergrande bị thanh trừng đều là “sân sau” của những gia đình quyền thế thuộc các phe phái khác nhau trong ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đang làm suy yếu của cải của họ. Tiến sĩ Tạ Điền nói: “Ông Tập Cận Bình phải quét sạch mọi trở ngại trước Đại hội 20 ĐCSTQ”.
4. Thanh trừng “vua cờ bạc” Châu Trác Hoa
Châu Trác Hoa (Zhou Zhuohua), vua cờ bạc Ma Cao và là Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn Suncity, đã bị cảnh sát Ôn Châu tỉnh Chiết Giang bắt ngày 26/11, ngày hôm sau giao cho cảnh sát Ma Cao.
Một số phương tiện truyền thông thân Bắc Kinh và Hồng Kông đưa tin, chính Bắc Kinh đã dẫn đầu vụ bắt giữ, thân tín của ông Tập Cận Bình là Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an Vương Tiểu Hồng chỉ đạo hành động.
Trước đó có thông tin cho rằng Châu Trác Hoa bị bắt vì điều hành hoạt động đánh bạc trực tuyến ở Philippines, mỗi năm thu hút lượng lớn con bạc từ Đại Lục.
Châu Trác Hoa còn kiêm nhiều chức vụ như Ủy viên của Ủy ban Công nghiệp Văn hóa Ma Cao, ông cũng từng là ủy viên Chính hiệp ĐCSTQ khóa 11 của tỉnh Quảng Đông, cũng là cố vấn danh dự của Hiệp hội thúc đẩy thống nhất hòa bình của ĐCSTQ tại Ma Cao. Hơn nữa trong nhiều năm ông ta đã hợp tác với hệ thống Chính trị Pháp luật của ĐCSTQ và đã quay những bộ phim ca ngợi cảnh sát ĐCSTQ, chẳng hạn như “Chiến dịch Mekong”. Truyền thông của ĐCSTQ đưa tin rằng ngày 1/11/2016, Mạnh Kiến Trụ (khi đó là Bí thư Ban Chính trị Pháp luật Trung ương) đã có cuộc thảo luận với những người làm bộ phim “Chiến dịch Mekong” và rất ngưỡng mộ bộ phim.
Ngày 29/11, luật gia Viên Hồng Băng cho biết, Châu Trác Hoa thực sự là “sân sau” của các gia đình quyền lực phe Giang như Tăng Khánh Hồng và Mạnh Kiến Trụ. Mục đích của việc bắt giữ ông Châu là phá hủy nền tảng kinh tế của thế lực phe Giang.
Một nhà bình luận thời sự người Hoa khác sống ở Canada là Hà Lương Mậu (He Liangmao) cũng cho biết, “Trong hệ thống Cộng sản Trung Quốc, một núi không thể chứa hai ‘cọp’, kẻ cướp nhỏ bị kẻ cướp lớn hớt tay trên, xã hội đen nhỏ đụng phải xã hội đen lớn, kết quả cuối cùng chính là bị nuốt chửng.”
5. “Biến loạn” Tôn Lực Quân
Năm 2021, hệ thống Chính trị Pháp luật của ĐCSTQ thành tâm điểm thanh trừng. Sau khi thân tín Vương Tiểu Hồng của ông Tập Cận Bình được thăng chức Bí thư Đảng ủy Bộ Công an vào tháng 11 thì lần lượt hàng loạt “hổ to” hệ thống Chính trị Pháp luật và Công an đã “thất thủ”, trong đó cựu Thứ trưởng Tôn Lực Quân của Bộ Công an được coi là nhân vật quan trọng nhất. Vụ Tôn Lực Quân “ngã ngựa” vào năm 2020 được coi là “làm náo động Trung Quốc”, nhưng vào 9/2021 mới bắt đầu quá trình xử lý tư pháp.
Cựu thứ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ Tôn Lực Quân “ngã ngựa” vào tháng 4/2020 được ví là “hổ lớn” ngang hàng với Chu Vĩnh Khang và Mạnh Hồng Vĩ.
Ngày 30/9 năm nay, Tôn Lực Quân đã bị khai trừ khỏi Đảng và hệ thống công chức. Ngôn từ thông báo về ông này cũng là hiếm thấy: cáo buộc ngông cuồng với trung ương, tạo tin đồn chính trị, kéo kết phe phái bồi đắp quyền lực cá nhân, hình thành nhóm lợi ích kiểm soát các bộ phận quan trọng, cất giấu lượng lớn tài liệu mật…
Tôn Lực Quân từng là Thư ký của Bí thư Ban Chính pháp Mạnh Kiến Trụ; ngoài ra nhiều quan to chính pháp khác đã bị thanh trừng từ năm ngoái đến năm nay như Đặng Khôi Lâm, Cung Đạo An, Lưu Tân Vân, Vương Lập Khoa… cũng đều được Mạnh Kiến Trụ đề bạt. Tất cả đều bị cáo buộc “kéo kết bè phái trong Đảng”.
Ngày 24/11, Bí thư Đảng ủy Bộ Công an Vương Tiểu Hồng nhấn mạnh rằng cần phải “để mắt những kẻ có vấn đề” để loại bỏ “ảnh hưởng độc hại” của Tôn Lực Quân.
Nhà bình luận chính trị Lý Lâm Nhất từng phân tích việc Tôn Lực Quân bị cáo buộc “kéo kết bè phái chính trị” cho thấy, phạm vi của vụ án này còn đang mở rộng.
Tôn Lực Quân cũng từng là Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia thuộc Cục 1 Bộ Công an, Trưởng Ban chống Tôn giáo X thuộc Cục 26 Bộ Công an (tức “Phòng 610” của Bộ Công an), Phó Chủ nhiệm “Phòng 610” của Trung ương ĐCSTQ, Giám đốc Văn phòng Vấn đề Hồng Kông – Ma Cao – Đài Loan của Bộ Công an. Ba hệ thống trước chuyên trách chỉ huy đàn áp Pháp Luân Công.
Chuyên gia Hoành Hà về vấn đề Trung Quốc nói với Epoch Times rằng thông tin liên quan cho thấy Tôn Lực Quân chủ mưu tổ chức thế lực chống lại ông Tập Cận Bình, dù có thể vấn đề này không bao giờ được ĐCSTQ công khai.
Còn nhà bình luận Lý Lâm Nhất nói rằng những người như Tôn Lực Quân và Mạnh Kiến Trụ chắc chắn đã “đánh sau lưng” ông Tập nên bị thanh trừng. Còn việc họ đã làm là như thế nào thì có tin đồn rằng họ đã theo dõi ông Tập, hoặc họ có thể đã làm điều gì đó chống lại ông Tập. Ông tin rằng ông Tập Cận Bình đã “chơi đòn” Tôn Lực Quân để răn đe các phe phái trước Đại hội 20 ĐCSTQ.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công an Phó Chính Hoa đã “ngã ngựa” ngày 2/10. Luật gia Viên Hồng Băng cho rằng Tôn Lực Quân và Phó Chính Hoa gặp nạn đều vì tranh giành quyền lực với Vương Tiểu Hồng.
Theo Tôn Vân, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Jack Ma Hứa Gia Ấn Dòng sự kiện Tôn Lực Quân Evergrande Bành Soái Châu Trác Hoa Trương Cao Lệ Alibaba