Blog: Tăng tuổi nghỉ hưu chỉ giúp kéo dài thời kỳ hấp hối của ĐCSTQ
- Nhan Đan
- •
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây đã công bố các quy định mới về việc tăng tuổi nghỉ hưu và tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Tác giả bài này cho rằng lý do chính bắt nguồn từ việc nguồn quỹ an sinh xã hội này đang dần thiếu hụt. Tuy nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là biện pháp xử lý phần ngọn, giúp kéo dài thời kỳ hấp hối của nhà cầm quyền.
Tóm lược, về tăng tuổi nghỉ hưu là trong vòng 15 năm tính từ năm 2025, tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ sẽ tăng dần theo từng đợt (với nam giới, độ tuổi nghỉ hưu hiện tại là 60 tuổi sẽ được điều chỉnh dần dần lên 63 tuổi; với nữ có mức nghỉ hưu hiện nay 50 và 55 tuổi sẽ tăng dần lên tương ứng 55 và 58 tuổi). Về tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bắt đầu từ năm 2030 thời gian tối thiểu người lao động Trung Quốc đóng phí quỹ hưu trí cũng sẽ tăng dần từ 15 năm hiện nay lên 20 năm.
Điều này có nghĩa là không lâu nữa người dân Trung Quốc muốn có lương hưu thì phải đóng tiền nhiều hơn cùng việc lùi thời gian cuộc đời bắt đầu được nhận lương hưu.
Chính sách mới này ngay lập tức làm dấy lên làn sóng dư luận phản đối trên khắp Trung Quốc.
Thực tế, không ít quan chức ĐCSTQ đã dự đoán trước xu thế phản đối này. Tiêu biểu như người đăng lại bài viết xuất bản vào năm 2013 “Tăng tuổi nghỉ hưu có thể là vi phạm cam kết đối với một thế hệ” – bài này sau đó bị kiểm duyệt gỡ bỏ. Bài viết dẫn ý kiến quan chức cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu phải áp dụng kiểu “từng bước, dần dần”, bởi “một bước cho đến cùng” là quá “cấp tiến”, và “người bình thường về mặt tâm lý không thể chấp nhận”.
Có thể thấy 10 năm trước họ đã có dự đoán việc tăng đột ngột tuổi nghỉ hưu có thể gây ra tình trạng bất ổn dân sự.
Tuy nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu với cái giá là “phá bỏ cam kết” đã phơi bày sự thật rằng ĐCSTQ đang cạn kiệt đạn dược và lương thực.
Ở Vũ Hán – Trung Quốc hồi tháng 2/2023 đã nổ ra hai “cuộc cách mạng đầu bạc” nhằm phản đối cải cách bảo hiểm y tế, theo đó hàng chục ngàn người về hưu đã tụ tập biểu tình vì quy định mới khiến chi phí hàng tháng cho bảo hiểm y tế cá nhân bị giảm và nguy cơ họ phải trả thêm tiền cho viện phí. Hoạt động phản đối này cũng lây lan ở nhiều thành phố khác tại Trung Quốc như Đại Liên, An Sơn (Liêu Ninh)…
Kể từ khi thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu suy thoái, ngày càng có nhiều vụ chủ sở hữu bất động sản cũ xông vào văn phòng kinh doanh các tòa nhà mới đập phá để trút giận. Việc bất động sản mua bằng tiền cả đời làm việc vất vả nhưng bất ngờ không còn bao nhiêu giá trị có thể khiến tinh thần của người mua nhà suy sụp. Điều tương tự cũng xảy ra với thị trường chứng khoán Trung Quốc đã lao dốc trong hai năm qua, từng có những lúc khiến giới đầu tư kêu gọi phải ôm lấy Mỹ và trở thành công dân Mỹ; thậm chí ngay cả Ấn Độ là nơi thường bị người Trung Quốc xem thường cũng từng trở thành mục tiêu “đào thoát” của giới đầu tư Trung Quốc.
Dù ĐCSTQ lo lắng về sự ủng hộ của người dân, nhưng điều họ quan tâm hơn là bảo vệ chế độ. Nhiều năm trước, dữ liệu chính thức tiết lộ 80% quỹ bảo hiểm y tế của Trung Quốc được sử dụng để phục vụ 8,5 triệu người chủ yếu là cán bộ cấp cao của nhà cầm quyền. Bây giờ vấn đề cũng gây nghi ngờ có tình trạng tương tự trong quỹ lương hưu!
Tháng 10 năm nay là tròn 10 năm ĐCSTQ “thống nhất 2 hệ thống hưu trí giữa người lao động trong và ngoài nhà nước”, và vấn đề lại sắp phải đưa ra bàn thảo. Khi nói về khác biệt sau khi “sáp nhập” của lương hưu giữa những người trong và ngoài nhà nước, một bài báo trên tờ Lifeweek ở Bắc Kinh đã chỉ ra, thực tế có sự chênh lệch lớn giữa lương hưu của nhân viên trong hệ thống công và nhân viên trong doanh nghiệp tư nhân.
Một bài báo khác đăng bị báo lỗi 404 (gỡ bỏ) vì chỉ ra rằng “công chức nghỉ hưu thường nhận lương hưu gấp 3 lần người ngoài nhà nước”. Bài này đã nói lên tiếng nói của tất cả những người làm ngoài nhà nước: “Sự bất công trong hệ thống lương hưu của Trung Quốc được thực hiện một cách công khai… Đây là ‘phân biệt chế độ lương hưu’ khiến cả thần thánh cũng phải phẫn nộ”.
Thực tế mức chênh lệch gấp 3 lần đó còn chưa khủng khiếp nhất. Theo cuốn sách “Quan sát tình báo quân sự” xuất bản năm 2015, lợi ích của các quan chức cấp tỉnh và cấp bộ đã nghỉ hưu của ĐCSTQ bao gồm: (1) Tài xế riêng kiêm bảo vệ và nhân viên, người sức khỏe kém (trên 80 tuổi) có nhân viên y tế phụ trách; (2) Hàng năm được hưởng 4 lần du lịch trong nước, mỗi lần 2 tuần, được mang theo thành viên trong gia đình với số lượng người giới hạn 5 người. Ngoài những quyền lợi đặc biệt nêu trên, mỗi người ở cấp phó tỉnh và cấp bộ còn có thể nhận được bồi dưỡng trung bình lên tới 940.000 RMB (~ 3,27 tỷ đồng) một năm dưới dạng phúc lợi, trợ cấp và các khoản thanh toán khác (không bao gồm lương hưu và phúc lợi theo cấp bậc)…
Ngược lại, “Bảng giá lương hưu cho nông dân năm 2024” được ĐCSTQ công bố chỉ ra rằng 84% nông dân lương hưu dưới 200 RMB (~ 7 triệu đồng). Tóm lại, đối với ĐCSTQ, lương hưu không được dùng để cung cấp cho những người thực sự cần, mà để lấy lòng trung thành của các quan chức và bộ máy an ninh bảo vệ chế độ. Nếu không, tại sao 90% đảng viên ĐCSTQ vốn có “tín ngưỡng thứ hai” lại vẫn có thể trung thành với “mẹ Đảng”?
Khi người dân xuống đường bảo vệ quyền lợi, ĐCSTQ có thể cử cảnh sát đến để duy trì ổn định. Để tránh rủi ro nòng súng bị xoay chiều, thì phải có chế độ dưỡng lão tốt cho bộ máy an ninh công cộng. Lâu nay, ĐCSTQ luôn tận dụng tối đa 3 hệ thống công cụ là tuyên truyền tẩy não (báo chí), nòng súng (quân đội) và cán dao (công an) – chủ yếu dùng bạo lực để răn đe. Chế độ ĐCSTQ sẽ khó có thể ổn định khi các công cụ bạo lực đó suy yếu. Vì vậy, mặc dù ĐCSTQ biết rằng đối với đa số người dân thường Trung Quốc, chế độ kép về lương hưu đã gây hại cho họ, và việc nghỉ hưu muộn đã làm tổn hại thêm đến lợi ích của họ sau một đời làm việc chăm chỉ, nhưng ĐCSTQ vẫn duy trì thực hiện đến cùng phương châm “tăng gom tiền, giảm phát tiền” đối với đa số người dân thường Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu của ĐCSTQ “chỉ có thể là một biện pháp tạm thời”, suy cho cùng “không thể giải quyết được vấn đề đào rỗng quỹ lương hưu”. Điều mà ĐCSTQ lo sợ nhất hiện nay là sự sụp đổ của chế độ, để tiếp tục chiếm giữ quyền lực khiến ĐCSTQ bất chấp mọi thủ đoạn, dùng mọi biện pháp có thể. Nhưng ĐCSTQ hãy tự hỏi lòng mình: Có bao nhiêu người còn sẵn lòng đóng tiền an sinh xã hội? Ngoài ra với nguồn thu từ thuế sụt giảm mạnh, quỹ hưu trí có thể tăng thêm được bao nhiêu? Suy cho cùng, sớm muộn ĐCSTQ cũng phải đối mặt thực tế: Lúa không ra thóc thì dù lưỡi liềm có sắc bén đến đâu cũng sẽ vô ích!
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Bảo hiểm xã hội lương hưu tuổi nghỉ hưu kinh tế Trung quốc