Bộ Ngoại giao TQ phản ứng về thông tin 200.000 tài khoản Twitter bị khoá
- Trí Đạt
- •
Sự kiện phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông đã kéo dài hơn 2 tháng qua. Chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa dùng truyền thông nhà nước bóp méo sự thật, bôi nhọ hình ảnh người biểu tình, vừa tung ra đội quân mạng “dư luận viên” vượt “tường lửa” để tấn công người biểu tình trên không gian mạng. Hôm 19/8, mạng xã hội Twitter và Facebook đã tuyên bố ngừng quyền truy cập và xoá những tài khoản đáng ngờ, chống lại việc “dư luận viên” của ĐCSTQ tung tin giả về Hồng Kông. Sau khi nắm được thông tin này, trong cuộc họp báo hôm 20/8, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận.
Twitter khoá hơn 200.000 tài khoản
Ngày 19/8, Twitter đăng thông báo cho biết, đã xoá bỏ 936 tài khoản và ngừng quyền truy cập của 200.000 tài khoản, bởi vì những tài khoản này bị chính quyền ĐCSTQ kiểm soát, đã tạo nhiều tin giả về phong trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông, cố ý làm tổn hại đến tính hợp lý của phong trào chính trị ở Hồng Kông.
Twitter giải thích thêm, do Twitter ở Trung Quốc bị chính quyền nước này ngăn chặn, nên nhiều tài khoản người dùng tại Trung Quốc phải thông qua VPN thì mới có thể truy cập được, nhưng gần đây, lượng lớn tài khoản có địa chỉ IP Trung Quốc đã truy cập vào Twitter.
Twitter còn nói, “Chúng tôi đã cập nhật chính sách quảng cáo, vì chúng tôi từ chối cung cấp quảng cáo cho các kênh truyền thông kiểm soát bởi quốc gia”.
Facebook: Những tài khoản này đứng sau là chính phủ ĐCSTQ
Facebook cũng có hành động tương tự, hôm 19/8, công ty này tuyên bố đã xoá 7 fanpage, 3 nhóm, và 5 tài khoản. Bởi khi điều tra thì phát hiện, những trang này liên quan đến phát tán tin tức giả, thông tin giả liên quan đến phong trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông, trong đó có một fanpage có gần 15.000 người theo dõi, ngoài ra còn có một nhóm với 2.200 thành viên. Facebook nghi ngờ những tài khoản này có liên quan đến chính phủ ĐCSTQ.
“Chúng tôi không hy vọng dịch vụ mà Facebook cung cấp bị lợi dụng để kiểm soát người dân.” Facebook cho biết, “Chúng tôi xoá những fanpage, nhóm và tài khoản này, không phải vì những nội dung họ đăng, mà là những hành vi của họ.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tức giận
Về vấn đề này, trong cuộc họp báo ngày 20/8 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, có phóng viên nêu ra những nghi ngờ của mình, người phát ngôn Cảnh Sảng nói một cách hàm hồ rằng không rõ “truyền thông chính thức của nhà nước Trung Quốc đã miêu tả trái ngược về tình hình Hồng Kông” là chỉ điều gì, “Tôi không hiểu tình huống cụ thể mà bạn nói. Nhưng tôi nghĩ, về tình hình hiện nay tại Hồng Kông, thái độ của 1,4 tỉ người Trung Quốc là thế nào, bạn có lẽ hiểu nên hiểu rõ.”
Còn về việc Twitter đưa ra chính sách mới, Cảnh Sảng nói, “Bạn có thể đi hỏi công ty Twitter, xem vì sao họ lại đưa ra chính sách như vậy. … Tôi cũng không biết vì sao công ty nào đó hay người nào đó lại có phản ứng mạnh mẽ về việc này như vậy. Tôi không biết đây có phải là đâm trúng những khiếm khuyết nào đó của họ hay không.”
ĐCSTQ phát động “cuộc chiến tin tức giả”
Thực tế, từ khi người dân Hồng Kông chống lại dự luật “Luật đào phạm” đến nay, các cuộc biểu tình, xung đột và diễu hành hầu như đều trở thành những thông tin quan trọng hàng tuần. Cùng với sự chia rẽ giữa chính quyền và người dân ngày càng sâu sắc, truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng bắt đầu phát động “cuộc chiến tin tức giả” đối với Hồng Kông.
Ví dụ như, ngày 10/8, khi xảy ra biểu tình tại nhiều nơi như Tiêm Sa Chuỷ (Tsim Sha Tsui), Sa Điền (Sha Tin), Đại Phố (Tai Po), Hồng Thạch (Hung Hom), v.v, truyền thông của ĐCSTQ là tờ Nhân dân Nhật báo lại đăng trên Twitter nói, toàn thể xã hội Hồng Kông kêu gọi chấm dứt bạo lực; khi Sân bay Quốc tế Hồng Kông bùng nổ sự kiện “Vạn người đón khách, Hồng Kông hoan nghênh bạn” và tĩnh toạ tại sân bay kéo dài 3 ngày từ ngày 9/8, truyền thông Trung Quốc lại đăng trên Weibo video một người dân tức giận gào thét vào người biểu tình “Chỉ muốn Hồng Kông được an toàn”.
Ngày 11/8, một cô gái Hồng Kông bị cảnh sát bắn trúng đạn túi vải vào mắt, khiến mắt của cô bị mù; nhưng CCTV lại đưa tin nói, cô gái này bị mù nguyên nhân không phải là cảnh sát bắn trúng đạn túi vải, mà là bị “đồng đội heo” (chỉ người đeo mặt nạ phòng độc) của mình làm bị thương. Đồng thời còn đăng một bức ảnh nói, cô gái này từng đứng trên đường phố Hồng Kông để phát tiền cho người biểu tình, và cùng người biểu tình bêu xấu cảnh sát Hồng Kông.
Ngoài ra, truyền thông tại Trung Quốc Đại lục còn đăng cảnh quay phong trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông, đều là cảnh người biểu tình cầm gạch ném và bao vây trụ sở cảnh sát; còn cảnh sát ném lựu đạn hơi cay, xịt hơi cay, dùng bạo lực trấn áp người dân, rất nhiều người biểu tình bị thương, và việc xã hội đen đánh người rồi rời khỏi hiện trường, v.v, thì lại đều không hề nhắc tới.
New York Times chỉ ra, kiểu đưa tin này của truyền thông của ĐCSTQ, thực ra là miêu tả mang tính dẫn hướng hoặc tin tức giả.
Điều đáng lưu ý là, ngoài việc ĐCSTQ tạo và dẫn hướng dư luận, gần đây, lãnh sự quán của ĐCSTQ ở nước ngoài cũng lên tiếng mạnh mẽ, bao gồm Lãnh sự quán Trung Quốc trú tại Anh, Canada, Liên minh châu Âu, Mỹ, Australia, đều phát biểu “lập trường” công kích chính phủ nước sở tại, thậm chí đe doạ lãnh đạo nước sở tại cẩn thận về lời nói và hành vi, để tránh làm tổn hại đến quan hệ thương mại cũng như hợp tác giữa hai nước.
Hàng loạt những hành vi này của chính quyền ĐCSTQ đã khiến cộng đồng quốc tế chỉ trích.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa biểu tình Hồng Kông Facebook Twitter Dư luận viên Dòng sự kiện phản đối luật dẫn độ