Dây chuyền suy thoái kinh tế Trung Quốc lan sang ngành tài chính
- Lý Chính Hâm
- •
Suy thoái kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng đến “bát cơm vàng” là ngành tài chính, theo đó 42 ngân hàng được niêm yết lần đầu tiên suy giảm về tổng số nhân viên và tổng mức lương. Có nhận định cho rằng điều này liên quan đến kế hoạch “thịnh vượng chung” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy.
Thu hồi lại tiền lương trong ngành tài chính
Suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã lan sang ngành tài chính. Reuters đưa tin độc quyền vào ngày 4/9 rằng 10 công ty quỹ hàng đầu của Trung Quốc đã bắt đầu thu hồi lại mức lương quá giới hạn duy trì trong 5 năm qua dành cho các lãnh đạo cấp cao, mục đích để phù hợp với nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm thúc đẩy bình đẳng về kinh tế.
Được biết, một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Trung Quốc là China Merchants Group (CMG) đã thông báo cho các quản lý cấp cao của công ty quản lý quỹ liên doanh trực thuộc là China Merchants Fund rằng cần phải hoàn trả lại phần tiền lương vượt quá 3 triệu RMB mà họ đã nhận trong giai đoạn từ năm 2019 – 2023 – biện pháp nhằm kiểm soát chi phí hợp lý trong việc trả lương cho các lãnh đạo của quỹ này.
China Merchants Fund là công ty liên doanh đầu tiên với nước ngoài của đơn vị sự nghiệp Trung Quốc, được Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc phê duyệt.
Reuters có nhận định cho rằng việc hạn chế tiền lương và thu hồi tiền lương quá cao đã trở thành động thái chuẩn mực chung của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nhằm hợp tác với chiến dịch “thịnh vượng chung” của Chính phủ. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại.
Chính sách “thịnh vượng chung” bắt đầu vào năm 2021 nhằm tìm cách giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập trong xã hội Trung Quốc. Trong phong trào này, chính quyền Bắc Kinh yêu cầu giới thượng lưu tài chính từ bỏ lối sống xa hoa của họ. Những người nắm rõ vấn đề này cho biết các nhà quản lý quỹ kiếm được lợi nhuận khổng lồ bất chấp hoạt động kém hiệu quả của thị trường chứng khoán đang được chú ý.
Tin vào tháng 7 năm nay cho biết, China Merchants Fund đã yêu cầu một số nhà quản lý danh mục đầu tư trả lại phần thu nhập vượt quá 3 triệu RMB vào năm ngoái của họ. Một người giấu tên quen thuộc với vấn đề này nói rằng công ty vào tháng 6 đã thông báo cho các nhà quản lý danh mục đầu tư và quản lý cấp cao (tổng cộng khoảng 60 người), và bắt đầu nhận được tiền hoàn lại vào tháng 7. Tuy nhiên, Reuters cho biết vẫn chưa rõ liệu quỹ đầu tư có thể thu hồi được thu nhập vượt mức từ các cựu quản lý cấp cao đã rời công ty hay không.
China Merchants sở hữu 49% cổ phần của Bosera Capital đặt mức trần thu nhập năm của các quản lý cấp cao Bosera Capital ở mức 2,9 triệu RMB, mọi khoản vượt quá đều phải được hoàn lại. Được biết biện pháp này đã được thực hiện vào tháng 6.
Theo Hướng dẫn về lương Trung Quốc năm 2023 của công ty “săn đầu người” Morgan McKinley, mức lương cơ bản hàng năm của các quản lý cấp cao kinh doanh và đầu tư cũng như trưởng bộ phận của các công ty quản lý quỹ Trung Quốc dao động từ 1,6 triệu RMB đến 6 triệu RMB.
Chuyên gia trong ngành tin rằng việc cắt giảm lương và phúc lợi sẽ khiến ngành quỹ công trị giá 31,08 nghìn tỷ RMB của Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời làm giảm động lực cải thiện hiệu suất công việc của các nhà quản lý danh mục đầu tư và các nhân viên khác.
Theo một thông tin từ hồi tháng 7 của hãng truyền thông tài chính Mỹ Bloomberg, một số công ty Trung Quốc khác cũng có động thái tương tự tiêu biểu như Tập đoàn Everbright, Huarong…, những tháng gần đây đã yêu cầu một số nhà quản lý và thậm chí cả nhân viên cũ trú tại Hồng Kông trả lại một số tiền thưởng đã lĩnh trước đây. Thông tin cho biết, trước đó các hạn chế về lương của ngành tài chính Trung Quốc chỉ nhắm đến nhân viên tại Đại Lục, do đó thay đổi mới cho thấy các tập đoàn tài chính nhà nước đang đẩy mạnh hơn nữa chính sách giới hạn lương và tiết kiệm chi phí tiền lương.
Lần đầu hàng chục ngân hàng đồng thời giảm nhân viên và mức lương
Nhiều ngân hàng Trung Quốc mới đây đã công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm, trong đó sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận ròng đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Truyền thông tại Trung Quốc đã phân tích dữ liệu nhân sự và tiền lương trong nửa đầu năm nay của 42 ngân hàng niêm yết, qua đó phát hiện 32 ngân hàng trong số đó đã giảm quy mô, dẫn đến tổng số nhân viên bị cắt giảm khoảng 38.000 nhân viên.
Trong số 6 ngân hàng quốc doanh lớn, chỉ có Bank of China tăng nhân sự, trong khi các ngân hàng khác đang sa thải nhân viên. Ngân hàng Công Thương Trung Quốc đã giảm hơn 10.000 nhân viên trong nửa năm, trong khi Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cũng mất hơn 4.000 nhân viên.
Đồng thời với việc giảm số lượng nhân viên, lương nhân viên cũng giảm. 70% ngân hàng đã giảm lương bình quân đầu người. Ngân hàng Thương mại Rural tại Trùng Khánh trong nửa đầu năm nay có mức giảm lớn nhất là 21,3% (so với cùng kỳ năm ngoái).
Số liệu nửa đầu năm nay cho thấy đây cũng là lần đầu tiên tại Trung Quốc xảy ra trường hợp 42 ngân hàng cùng một lúc có mức tăng trưởng âm về tổng lương thưởng và tổng nhân sự.
Đài RFA ngày 5/9 dẫn lời một giáo sư Đài Loan cho biết, trước đó Trung Quốc đã cho phép các ngân hàng nhanh chóng tăng vốn để kích thích nền kinh tế, nhưng trong bối bong bóng bất động sản vỡ và suy thoái kinh tế, hiệu quả cho vay của các ngân hàng bị thu hẹp khiến các chi nhánh cũng giảm dần quỹ lương và việc giảm nhân viên là điều khó tránh khỏi.
Chuyên gia kinh tế Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) sống ở Mỹ cho rằng sau khi bất động sản Trung Quốc vỡ bong bóng, nợ xấu gia tăng và lãi suất tiền gửi, cho vay quá thấp khiến các ngân hàng thua lỗ, cho nên phải giảm nhân viên và cắt giảm lương để tồn tại. Nhưng yếu tố xấu nhất là việc chính phủ rút vốn khỏi các ngân hàng để tự cứu mình. Việc ngân hàng sa thải nhân sự và cắt giảm lương cũng phản ánh tình trạng tài chính của các chính quyền địa phương Trung Quốc đang xấu đi.
Giáo sư Tạ Điền (Xie Tian) tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina cũng cho hay hoạt động ngân hàng là một trong những chỉ số phản ánh tình trạng nền kinh tế, việc họ đồng loạt giảm người và giảm lương phản ánh nền kinh tế Trung Quốc đã bước vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng. Ông nói: “Hoạt động kinh doanh ngân hàng giảm, do một là lợi nhuận của các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp ngày càng giảm khiến, hai là do bong bóng bất động sản vỡ. Đây thực sự là minh chứng rất rõ ràng cho thấy toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Nền kinh tế Trung Quốc có thể đã bước vào thời kỳ Đại suy thoái, rất giống với tình hình thời kỳ Đại suy thoái. của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thế giới vào năm 1929”.
Thúc đẩy “thịnh vượng chung” đã qua 3 năm
Cải cách “thịnh vượng chung” của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình cũng là lý do gây suy thoái trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc, do các ngân hàng đầu tư và công ty quỹ cắt giảm lương và thưởng để hưởng ứng. Trước phong trào này, nhiều chuyên gia tài chính đã bắt đầu nhận ra cái gọi là “sự thịnh vượng chung” có thể có nghĩa là tài sản của chính họ đang dần bị ĐCSTQ làm xói mòn. Tính đến tháng 8/2024, phong trào này đã diễn ra được tròn 3 năm.
Theo Đài VOA ngày 11/8, nhiều nhân viên ngành tài chính Trung Quốc được phỏng vấn cho biết, trong trường hợp hiệu quả công việc tốt thì tiền thưởng cuối năm thường được nhận vào tháng 4, nhưng năm nay đã sang tháng 8 rồi mà vẫn chưa có một xu nào, có nghĩa là vô tình giảm 10% – 20% thu nhập hàng năm. Như chia sẻ của một người làm tư vấn đầu tư tại một công ty chứng khoán ở Quảng Châu cho biết cô chưa được tiền thưởng cuối năm 2023, cô đã trải qua hai đợt cắt lương lớn từ sau khi kết thúc đại dịch COVID-19.
Vì thiếu tiền thưởng cuối năm, có những phân tích chỉ ra do cho chiến dịch “thịnh vượng chung” của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình phát động. Ví dụ nhà tư vấn đầu tư Wu Hui tại một công ty chứng khoán ở Quảng Châu đề cập rằng quy định tài chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc cắt giảm lương trong ngành, nhưng cô cảm thấy bất bình: “Lãnh đạo lớn (ám chỉ ông Tập Cận Bình) có vấn đề không? Nên truy lùng những quan chức tham nhũng để thu hồi tiền, còn ngành tài chính muốn cắt lương thì chủ yếu nên dành cho lãnh đạo, sao lại nhắm vào những vị trí nhỏ bé như chúng tôi?”
Từ khóa Ngân hàng Trung Quốc kinh tế Trung quốc