ĐCSTQ phá bỏ tu viện 135 năm tuổi của người Tây Tạng để xây nhà máy thủy điện
- Bình Minh
- •
Sau khi ra lệnh di dời một số tu viện Tây Tạng ở huyện Dege, Tứ Xuyên, đầu năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã buộc Tu viện Atsok 135 năm tuổi ở huyện Hưng Hải, Thanh Hải, phải di dời với lý do xây dựng một nhà máy thủy điện.
Đến nay, ngôi chùa Tây Tạng 135 năm tuổi này đã bị phá bỏ và chìm trong nước. Đây là một bằng chứng khác cho thấy ĐCSTQ đã phá hủy văn hóa truyền thống của dân tộc Trung Hoa.
Theo báo cáo của Đài phát thanh Tiếng nói Tây Tạng, Tu viện Atsok được thành lập vào năm 1889. Đây là một tu viện Tây Tạng nổi tiếng với các tăng ni nhập thất tu hành quanh năm.
Ban đầu Tu viện Atsok là di sản được bảo vệ di tích văn hóa cấp quận, nhưng Chính quyền quận Hưng Hải cho biết, vào năm 2023 rằng nơi này không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ di tích văn hóa.
Ngày 26/9 cùng năm, ĐCSTQ thông báo“Dự án phá dỡ và xây dựng Tu viện Atsok ở huyện Hưng Hải thuộc Dự án trạm thủy điện Dương Khúc sông Hoàng Hà” đã chính thức được khởi động.
Ngoài Tu viện Atsok, ĐCSTQ cũng cưỡng chế di dời một số ngôi làng gần Tu viện Atsok, ảnh hưởng đến hàng nghìn người.
Theo Đài Á Châu Tự Do, Trạm Thủy điện Dương Khúc (Yangqu) là dự án mở rộng của Đập Dương Khúc. Đập Dương Khúc được hoàn thành vào năm 2010 và đi vào hoạt động từ năm 2016. Công suất hiện tại (tức sản lượng điện tối đa) là 1.200 MW điện.
Chính quyền ĐCSTQ đã bắt đầu dự án phá hủy Tu viện Atsok vào tháng 4 năm nay. Các chuyên gia xem ảnh vệ tinh cho biết, sau khi đóng cửa đập vào khoảng ngày 10/8, các hồ chứa ở thượng nguồn sông Hoàng Hà đã đầy và mực nước dâng cao.
Ông Y. Nithiyanandam, Giám đốc chương trình không gian địa lý, kiêm Giáo sư tại Viện nghiên cứu Takshashila của Ấn Độ, tiết lộ hình ảnh vệ tinh cho thấy Tu viện Atsok rộng 18 ha. Một ngôi làng gần đó đã bị nhấn chìm hoàn toàn. Đất nông nghiệp gần một ngôi làng khác cũng bị nhấn chìm một phần.
Ông Nithiyanandam cho biết, mực nước hiện tại cao hơn mực nước trước đó khoảng 100 m khiến ngôi làng bị nhấn chìm. Rất khó dự đoán liệu mực nước hiện nay đã đạt đến ngưỡng, hay vẫn còn tiếp tục dâng cao.
Nhà phân tích hình ảnh vệ tinh Jacob Bogle cũng cho biết, hình ảnh vệ tinh cho thấy mực nước ngày 16/8 đã đạt đến độ cao của Tu viện Atsok. Đến ngày 31/8, toàn bộ khu vực tu viện đã bị ngập hoàn toàn.
Người Tây Tạng tin rằng vị trí của Tu viện Atsok rất linh thiêng. Sau 135 năm cầu nguyện và tu hành qua nhiều thế hệ, nơi này càng trở nên thiêng liêng hơn.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc tuyên bố họ sẽ tài trợ chi phí phá dỡ và xây dựng lại các phần của ngôi chùa, nhưng nhiều bức bích họa và các ngôi chùa xung quanh không thể di chuyển và đã bị phá hủy.
Người Tây Tạng lên án việc xây dựng trạm thủy điện Dương Khúc. Họ coi đây là một ví dụ khác về việc chính quyền Trung Quốc coi thường văn hóa, tôn giáo và môi trường của họ.
Những người Tây Tạng tại địa phương, giấu tên vì sợ bị trả thù khi nói với Đài Á Châu Tự Do, rằng họ lo ngại con đập có thể gây thêm lũ lụt, phá hủy nhà cửa cũng như đất nông nghiệp của họ ở làng Dương Khúc lân cận.
Chính quyền trung ương ĐCSTQ đã thực hiện chiến dịch đàn áp tất cả tôn giáo. Rất nhiều chùa chiền, đạo quán và tượng thần linh cũng như thánh giá đã bị phá hủy trên khắp Trung Quốc.
Các tôn giáo vốn được coi là hợp pháp tại nước này như Phật giáo, Đạo giáo bắt đầu bị chèn ép nghiêm trọng. Các nhóm tín ngưỡng bị đàn áp từ trước như Phật giáo Tây Tạng, Pháp Luân Công, Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, nhóm Kitô giáo Đông Phương Thiểm Điện (Church of Almighty God) cũng gặp phải đàn áp ngày càng nghiêm trọng hơn.
Năm 2019, Tạp chí nhân quyền Bitter Winter đưa tin, trong lịch sử đàn áp tất cả tôn giáo trên diện rộng của ĐCSTQ, những năm gần đây, ngày càng nhiều tượng Phật đang bị phá hủy, ngay cả tại những nơi được cho là thánh địa Phật giáo.
Bình Minh (t/h)
Từ khóa Tây Tạng Văn hóa truyền thống Thụy Điển Tu viện Tây Tạng