Hồng Kông: Người dân phát động phong trào bất hợp tác, tiếp tục phản đối dự luật dẫn độ
- Trí Đạt
- •
Do chính phủ Hồng Kông không trả lời về 4 yêu cầu lớn trong đó có việc rút lại dự luật này trước 5 giờ chiều ngày hôm qua (20/6), nên liên đoàn trường cao đẳng và đại học Hồng Kông cùng các tổ chức dân sự đã kêu gọi tiếp tục kháng nghị. Sáng ngày 21/6, nhiều người đã tập trung tại các cơ quan như trụ sở chính phủ Hồng Kông và Hội đồng Lập pháp cùng nhà khách chính phủ, kêu gọi người dân cùng phát động phong trào bất hợp tác, chính phủ Hồng Kông đã nâng cao cấp độ cảnh giới, tuyên bố đóng cửa vào ngày hôm nay.
Theo truyền thông Hồng Kông, ngày 19/6, các trường cao đẳng đại học tại Hồng Kông đã công bố 4 yêu cầu lớn với chính phủ, trong đó có yêu cầu Trưởng đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga rút lại dự luật “Luật đào phạm” trước 5 giờ chiều ngày 20/6.
Các yêu cầu khác bao gồm, thu hồi lại định tính cuộc diễu hành hôm 12/6 là “bạo động”, miễn trừ tội danh người tham gia biểu tình và truy cứu cảnh sát Hồng Kông lạm dụng bạo lực.
Tuyên bố nhấn mạnh, nếu chính phủ Hồng Kông vẫn phớt lờ sự chờ đợi của xã hội, giới giáo dục tại Hồng Kông sẽ toàn lực ủng hộ và tham gia “phong trào bất hợp tác” vào sáng ngày 21/6.
Giới giáo dục tại Hồng Kông cũng kêu gọi người dân xuống đường từ 7 giờ sáng ngày 21/6 để bao vây trụ sở chính phủ Hồng Kông, và dùng phương thức hoà bình tiếp tục gây áp lực, thúc giục chính phủ Hồng Kông phải đồng ý 4 yêu cầu.
Tối qua (21/6), Liên đoàn sinh viên Hồng Kông (Hong Kong Federation of Students) cũng phát đi tuyên bố nói, “Thời hạn đã đến, chính phủ Hồng Kông vẫn không hề để ý tới yêu cầu của người dân. Do đó, giới giáo dục thuộc các trường cao đẳng đại học chính thức tuyên bố hành động leo thang, sáng ngày mai sẽ phát động phong trào bất hợp tác, bao vây trụ sở chính phủ để biểu đạt yêu cầu một cách hoà bình.”
Tối ngày 20, tại khu vực biểu tình trước Hội đồng Lập pháp, có hơn 100 người dân phân tán ở nhiều góc khác nhau để biểu đạt yêu cầu, hát thánh ca trong bầu không khí yên bình; người thỉnh nguyện tại hiện trường nói rằng, cách dùng câu chữ “tạm hoãn” và “rút lại” là có sự khác nhau, đồng thời cũng phê bình quan chức chính phủ Hồng Kông đẩy trách nhiệm cho nhau.
Sáng ngày 21/6, nhiều thanh niên Hồng Kông mặc áo đen liên tiếp đến Kim Chung tập hợp, một bộ phận dân chúng thậm chí còn trang bị đầy đủ như đội mũ sắt, v.v. Khoảng gần 10 giờ sáng, khu vực biểu tình trước Hội đồng Lập pháp đã có khoảng hơn 1000 người tập hợp, thỉnh thoảng lại có người cầm loa lên tiếng.
Sáng nay, Liên đoàn sinh viên Hồng Kông tiếp tục đăng bài viết nhấn mạnh, ngay cả khi trụ sở chính phủ Hồng Kông đóng cửa, thì phong trào bất hợp tác vẫn sẽ tiếp tục, người Hồng Kông tuỳ cơ ứng biến, kêu gọi mọi người trong các ngành nghề khác nhau cùng đến Kim Chung, “Bắt đầu từ bây giờ, chính quyền Hồng Kông cần phải trả lời người dân một cách tích cực”.
Trả lời phỏng vấn của báo giới, Tổng thư ký đảng Demosisto Hoàng Chi Phong cho biết: “Lâm Trịnh Nguyệt Nga vẫn phớt lờ yêu cầu của người dân Hồng Kông, chỉ có thể khiến cho Trung Quốc đối diện với áp lực dư luận và chỉ trích lớn hơn của quốc tế, cũng như thể hiện ra khủng hoảng quản trị của chính phủ Hồng Kông.
Theo thông tin, trước 11 giờ trưa, đã có rất nhiều người biểu tình xuất phát từ phía Đông đường Harcourt, 4 làn đường dành cho xe cộ đi lại đã bị bít kín, Tổng thư ký đảng Demosisto Hoàng Chi Phong dẫn đầu đoàn người biểu tình khởi hành về hướng trụ sở cảnh sát ở Wan Chai.
Trụ sở cảnh sát đã đóng cửa thép lại, nhiều nghị viên phe dân chủ đã đến hiện trường như Lâm Trác Đình, Quảng Tuấn Vũ, họ đều kêu gọi mọi người không để đổ máu, không bị thương, không bị bắt.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông biểu tình phản đối luật dẫn độ