Khủng hoảng tiêu dùng Trung Quốc: Kiếp nạn Trung Thu
- Lý Chính Hâm
- •
Khi Tết Trung thu và Quốc khánh đến gần, doanh số bán bánh Trung thu, rượu Mao Đài và các loại rượu khác đang chậm lại. Thậm chí một số chuỗi nhà hàng còn kêu gọi quay trở lại mức giá năm 2008.
Nhu cầu trong nước ì ạch, suy thoái tiêu dùng ngày càng nổi bật
Dưới hiệu ứng domino do kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, người tiêu dùng không còn sẵn sàng mua bất động sản. Sau nhiều năm trả nợ thế chấp mua nhà, căn nhà đã trở thành khoản nợ ròng của họ.
Báo cáo tài chính do các nền tảng mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng công bố cho thấy, người tiêu dùng mua sắm ít hơn hoặc không mua gì.
Trong đó, báo cáo tài chính của ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử Alibaba không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường. JD.com chỉ tăng trưởng nhẹ. Tuy nhiên, Pinduoduo, công ty đã vượt qua JD.com về quy mô và tầm ảnh hưởng, lại báo cáo kết quả tài chính thấp hơn dự kiến. Triển vọng của hãng khá bi quan, giá cổ phiếu sụt giảm, giá trị thị trường bốc hơi khoảng 55 tỷ USD.
Khi Tết Trung thu và Quốc khánh Trung Quốc (1/10) đến gần, doanh số bán bánh Trung thu và rượu Mao Đài đang chậm lại.
Đây vốn là mùa bán hàng cao điểm của Mao Đài và các loại rượu khác. Nhưng năm nay giá của Mao Đài không tăng đột biến trong mùa cao điểm, thậm chí còn tiếp tục giảm trước kỳ nghỉ lễ.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng rượu Mao Đài là mặt hàng có đặc tính tài chính ở Trung Quốc. Giá của Mao Đài giảm một mặt là do các nhà sưu tập không lạc quan về triển vọng và lợi dụng mùa cao điểm để bán và rút tiền. Mặt khác, sự suy giảm tài chính của chính quyền địa phương đã ảnh hưởng đến tương tác giữa chính phủ và doanh nghiệp cũng như nhu cầu về rượu Mao Đài.
Sự biến động giá của rượu Mao Đài có liên quan chặt chẽ đến nền kinh tế thực của Trung Quốc. Giá của rượu Mao Đài đã giảm trong mùa tặng quà truyền thống. Điều này cho thấy hoạt động và động lực của nền kinh tế thực đang suy giảm. Nếu nền kinh tế Trung Quốc không phục hồi trong nửa cuối năm, giá bán rượu Mao Đài trước Tết Nguyên đán sẽ tiếp tục giảm do nền kinh tế suy thoái.
Tương tự, đêm trước Trung thu là mùa cao điểm bán bánh Trung thu nhưng năm nay, doanh số bán bánh Trung thu ở Trung Quốc đặc biệt vắng vẻ.
Theo phương tiện truyền thông Trung Quốc “Time Weekly” trích dẫn dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Bánh và Sản phẩm Đường Trung Quốc, sản lượng bánh Trung thu Tết Trung thu năm nay ước tính khoảng 300.000 tấn và doanh thu dự kiến là 20 tỷ nhân dân tệ (khoảng 69.300 tỷ VNĐ), cả hai đều giảm so với năm trước.
Đồng thời, mức giá có mức tiêu thụ tập trung nhất là 70 tệ – 220 tệ (khoảng 243.000 VNĐ – 762.000 VNĐ). So với mức 80 tệ – 280 tệ (khoảng 277.000 VNĐ – 970.000 VNĐ) năm ngoái, mức giá chung đã giảm đáng kể.
Giám đốc bán hàng của một nhà máy sản xuất bánh Trung thu ở Thâm Quyến tiết lộ, những năm trước, nửa tháng trước Tết Trung thu là khoảng thời gian bán hàng tấp nập nhất. Nhà máy bận rộn vận chuyển hàng vào sáng sớm. Nhưng năm nay lượng tiêu thụ giảm đáng kể, cường độ làm việc cũng giảm.
Giám đốc bán hàng của một nhà máy sản xuất bánh Trung thu lớn ở Quảng Châu cho biết, do không có đơn hàng nên một số nhà sản xuất hiện đang làm việc 3 ngày nghỉ 1 ngày, ngày hôm sau đã có thể xuất hàng.
Thị trường ế ẩm cũng khiến các thương lái phải bắt đầu cuộc chiến khuyến mãi sớm hơn. Nhiều thương hiệu bắt đầu khuyến mại. So với những năm trước, năm nay thương lái gần như không kiếm được tiền từ việc bán bánh Trung thu.
Ngành ẩm thực của Trung Quốc cũng thay đổi đáng kể
Ngành ẩm thực là một mô hình thu nhỏ của ngành công nghiệp nhà hàng. Người tiêu dùng đang thắt chặt túi tiền, nhiều công ty cung cấp dịch vụ ăn uống đã hạ giá các món ăn của họ.
Bà Lý Hồng, chủ tịch chuỗi 1.300 cửa hàng cung cấp dịch vụ ăn uống Country Style Cooking, đã nêu khẩu hiệu “Giá quay trở lại năm 2008”.
Bà nói với hãng truyền thông Trung Quốc Yicai, rằng sở dĩ so với giá của năm 2008 là vì ngành ăn uống cũng gặp khó khăn sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lúc bấy giờ. Hiện tại ngành ẩm thực cũng cần kiên nhẫn, bền bỉ vượt qua thời kỳ suy thoái.
Theo báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 15/9, ông Lý Hằng Thanh, nhà kinh tế tại Viện Thông tin và Chiến lược ở Maryland, tin rằng môi trường kinh tế Trung Quốc không tốt, hầu hết người dân không còn khả năng chi tiêu như trước.
Là lực lượng tiêu dùng chính, tầng lớp trung lưu còn phải đối mặt với nhiều thách thức và áp lực từ việc bị công ty sa thải, cắt giảm lương và suy giảm tài sản.
Ông nói: “Giai tầng làm công ăn lương thuộc tầng lớp trung lưu hiện nay thực sự chịu nhiều áp lực hơn so với giai tầng dưới cùng. Hầu hết họ đều thế chấp mua nhà. Với cuộc khủng hoảng bất động sản nói chung, họ đều nghĩ rằng họ có một khối tài sản ròng khổng lồ trong tay. Kết quả họ lại phát hiện ra rằng không chỉ tài sản ròng đã biến mất, mà giờ đây nó còn là một khoản nợ ròng.”
Ông cho rằng thu nhập đã giảm và bong bóng tài sản ban đầu đã vỡ. Những yếu tố này sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến tiêu dùng. Tiêu dùng trực tiếp nhất là thực phẩm, quần áo và giáo dục.
Dữ liệu của Tianyancha cho thấy trong nửa đầu năm nay, số lượng công ty liên quan đến dịch vụ ăn uống mới mở ở Trung Quốc lên tới 1,347 triệu, nhưng số lượng doanh nghiệp đóng cửa lên tới con số 1,056 triệu.
Lý Chính Hâm / Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa bánh Trung thu Trung thu Rượu Mao Đài kinh tế Trung quốc