Kinh tế Trung Quốc ảm đạm: 42 nhà hàng lẩu thanh lý thiết bị trong một tháng
- Lương Phán
- •
Trong nửa năm 2024, ước mơ của nhiều người kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Trung Quốc đã tan vỡ. Năm nay, cái lạnh trên thị trường ăn uống ngày càng gia tăng, các nhà hàng lớn và lâu năm không còn sức chịu đựng được nữa. Lẩu, trà, làm bánh, đã trở thành những lĩnh vực bị phá sản nặng nề nhất. Những người tham gia cũng trở nên thận trọng, và tốc độ chu chuyển kho của các nhà sản xuất thiết bị cũng bắt đầu chậm lại.
Thị trường ăn uống hạ nhiệt, thiết bị cũ không bán được
Vào cuối năm ngoái, một nhà thu mua lại thiết bị đã qua sử dụng nói với trang mạng “Hong Can Wang” (canyin88.com) rằng: Nửa đầu năm là trào lưu mở cửa hàng, nửa cuối năm là trào lưu đóng cửa hàng.
Bước sang năm 2024, thị trường ăn uống đã hạ nhiệt rất nhiều. Dữ liệu của Qichacha (trang tin truy vấn thông tin doanh nghiệp) cho thấy trong nửa đầu năm, có thêm tổng cộng 1,31 triệu công ty mới liên quan đến dịch vụ ăn uống trên cả nước Trung Quốc. So với con số 1,68 triệu công ty cung cấp dịch vụ ăn uống cùng kỳ năm 2023, mức tăng trưởng đã thu hẹp đáng kể.
Các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống phổ biến như đồ uống từ trà, bánh nướng và lẩu, đều đã trải qua những mức độ suy giảm khác nhau. Trong nửa đầu năm, số lượng đăng ký của các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống liên quan đến làm bánh và trà giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng đăng ký của các công ty cung cấp dịch vụ liên quan đến lẩu giảm hơn 7.000 so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống mới đã giảm, và những người thu mua lại thiết bị đã qua sử dụng rõ ràng cảm thấy rằng việc kinh doanh không hề dễ dàng. So với những năm trước, năm nay một số sản phẩm không bán được, không những giá cả không tăng, mà doanh số bán hàng cũng giảm sút. Ví dụ, một chiếc lò nướng năm ngoái được bán với giá 40.000 nhân dân tệ, thì năm nay chỉ có thể bán được với giá 30.000 nhân dân tệ. Trong nửa đầu năm, số lượng thiết bị được Yuqing thu mua lại đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, nhưng doanh số bán hàng lại giảm 30%.
Đồng thời, người thu mua lại thiết bị nhận thấy rằng tỷ lệ mua lại thiết bị cũ đã thấp hơn đáng kể trong năm nay. Thông thường, nhiều nhà cung cấp dịch vụ ăn uống không chỉ mua thiết bị cũ trước khi mở cửa hàng, mà sẽ tiếp tục mua nếu hoạt động kinh doanh của họ phát triển và mở chi nhánh, sau khi thất bại, thiết bị đó sẽ được bán lại cho những người buôn bán thiết bị cũ.
Trào lưu phá sản trước thời hạn, các cựu binh ngành ăn uống không còn gánh lỗ được
Dữ liệu liên quan cho thấy từ tháng 1 – 6/2024, hơn 1 triệu công ty dịch vụ nhà hàng ăn uống đóng cửa, tương đương với tổng số của năm ngoái.
Ông Zhang Hengming, người gốc Đường Sơn, đang tham gia kinh doanh thu mua thiết bị đã qua sử dụng ở quê hương. Về tình trạng này, ông cũng có cảm nhận sâu sắc. Ông nói với giới truyền thông rằng những năm trước, khoảng thời gian từ mùa hè đến ngày lễ Quốc khánh 1/10 là mùa cao điểm của ngành dịch vụ ăn uống. Sau tháng 10 là thời kỳ cao điểm đóng cửa các cửa hàng nhà hàng. Nhưng sau ngày nghỉ lễ 1/5 năm nay, nhiều nhà hàng lần lượt đóng cửa. Zhang Hengming tiết lộ rằng sau 1/5, lượng thiết bị ông thu mua lại hàng tháng nhiều hơn 1/3 so với tháng 3 và tháng 4.
So với những năm trước, xu hướng đóng cửa nhà hàng năm nay diễn ra vào đầu năm nay, một số cửa hàng lớn và lâu năm cũng không trụ được nữa.
Một số người phát hiện năm nay ngày càng có nhiều các cửa hàng kinh doanh hơn 10 năm đã bị phá sản. Ngoài ra, việc mở một cửa hàng lớn cũng rất khó khăn. Gou Ge, công ty thu mua lại thiết bị cũ, đã mua lại các thiết bị từ các cửa hàng lớn nhiều hơn 5 – 6 lần so với năm ngoái, trong đó hầu hết đều là những cửa hàng đã hoạt động được 5 đến 10 năm.
An Dawei, người được mệnh danh là “Người thu thập xác chết“, gần đây đã mua lại một cửa hàng rộng 1.500 mét vuông do hai anh em điều hành và đã kinh doanh được 7 năm. Công việc kinh doanh cũng rất phong phú, bao gồm ẩm thực Tứ Xuyên, thịt nướng, cá nướng, v.v. Trước khi đóng cửa cửa hàng, mặc dù doanh thu hàng ngày là 20.000 đến 30.000 nhân dân tệ, nhưng cũng chỉ có thể đạt được mức hòa vốn, thậm chí là lỗ nhẹ. Sau đó, hai anh em bất hòa trong việc mua bán và quyết định đóng cửa cơ sở kinh doanh vào ngày hôm sau.
Trong số các cửa hàng bị thu mua lại, cửa hàng lâu năm chiếm 50%, và hầu hết các cửa hàng bị thua lỗ đóng cửa năm ngoái đều là cửa hàng mới khai trương. Một số nhà phân tích cho rằng điều này có liên quan đến việc giảm số lượng người mới tham gia vào thị trường cung cấp dịch vụ ăn uống, và sự sụt giảm nhiệt tình mở cửa hàng. “Nhiều người hiện nay hiểu rằng kinh doanh là mạo hiểm và trở nên thận trọng hơn”. Theo quan điểm của ông, sau đợt cải tổ năm ngoái, một số cửa hàng mới đã sụp đổ trên thị trường. Ngoài ra, năm nay có ít người mở cửa hàng hơn và nhiều cửa hàng lâu năm cũng sụp đổ.
Tình hình các cửa hàng lẩu thảm nhất
Lẩu, đồ uống từ trà, làm bánh có tỷ lệ chuỗi hóa cao, vẫn luôn là ngành khởi nghiệp được ưa chuộng. Năm nay, ngành này cũng chứng kiến sự đào thải khốc liệt.
Dữ liệu của Qichacha cho thấy đến cuối năm 2023, số lượng các doanh nghiệp ăn uống liên quan đến lẩu là 410.000. Tính đến cuối tháng 7 năm nay, con số này còn 400.000. Số lượng công ty đã giảm gần 10.000 trong nửa đầu năm, cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt.
Gần đây, Andawei đã liên tiếp mua lại 3 cửa hàng nhượng quyền của một thương hiệu chuỗi lẩu Trùng Khánh. Theo công ty này, trong 3 bên nhượng quyền, người thua lỗ ít nhất là cũng lên đến hơn 3 triệu nhân dân tệ. Trong số đó, một người ban đầu kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng khi ngành này suy thoái, anh chuyển sang kinh doanh dịch vụ ăn uống, kết quả là anh ta lỗ hơn 4 triệu nhân dân tệ mỗi năm.
Zhang Hengming đã đề cập ở trên, thiết bị cũ năm nay ông mua lại nhiều nhất ở Đường Sơn cũng là từ cửa hàng lẩu và làm bánh, không ít cửa hàng chỉ kinh doanh được nửa năm đến một năm. Tính đến các chi phí khác nhau như tiền thuê nhà, nhân công, phí nhượng quyền, v.v., một cửa hàng như vậy sẽ lỗ ít nhất 400.000 đến 500.000 nhân dân tệ. Một doanh nhân khác được biết đến với cái tên “Anh Hầu”, thu mua lại đồ cũ của 40 – 50 cửa hàng mỗi tháng, 70% trong số đó là nhà hàng lẩu. Anh kể rằng do mùa đông ở Quảng Châu ngắn, nên nhiều chủ quán lẩu chỉ làm việc 3, 4 tháng là kiếm đủ tiền cho cả năm. Nhưng năm nay, ý tưởng đó đơn giản là không thực tế. Anh cho biết kể từ tháng 3, các nhà hàng lẩu ở Quảng Châu đã đóng cửa hàng loạt.
Trà và cà phê, những mặt hàng có tính tiêu chuẩn hóa cao, luôn được các doanh nhân ưa chuộng. Năm nay, quy mô tăng trưởng của ngành kinh doanh này cũng đang chậm lại. “Anh Hầu” tiết lộ số lượng quán trà sữa anh thu mua lại dụng cụ máy móc chỉ đứng sau các quán lẩu. Đồng thời, anh cũng đang thu mua lại dụng cụ từ hàng chục cửa hàng của một chuỗi thương hiệu cà phê trong năm nay. Số lượng cửa hàng của thương hiệu này đã giảm hơn một nửa so với thời kỳ đỉnh cao.
Cửa hàng bánh cũng đang gặp khó khăn. Bởi vì ngưỡng thấp nên có nhiều người tham gia ngành này cũng tương đối nhiều, và phá sản đóng cửa cũng nhiều. Có một khách hàng đầu tư hơn 1 triệu tệ để mở tiệm bánh, nhưng đóng cửa chỉ sau 3 tháng hoạt động. Thiết bị đã được bán đi và cuối cùng chỉ thu hồi được 30.000 đến 40.000 nhân dân tệ.
Một số sản phẩm nổi tiếng trên mạng đã tăng trưởng nhanh chóng và chết nhanh chóng. Năm nay, món Tianshui Malatang đã trở nên rất nổi tiếng, và một lượng lớn người đã theo xu hướng và đổ xô đến đường đua này. Nhưng cửa hàng của nhiều người chỉ tồn tại được vài tháng.
An Dawei cho biết nhiều cửa hàng Tianshui Malatang đã ngừng hoạt động trong chưa đầy 3 tháng. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng Tianshui Malatang là doanh nghiệp kinh doanh đồ ăn mang đi thuần túy và hầu hết khoản lỗ của họ đều nằm trong khoảng 100.000 nhân dân tệ (khoảng 350 triệu).
42 nhà hàng lẩu đóng cửa trong 1 tháng, cạnh tranh phục vụ ăn uống ở các đô thị hạng nhất ngày càng gay gắt
Kể từ năm nay, xu hướng dịch vụ ăn uống “thoát” khỏi Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến (4 thành phố hạng nhất Trung Quốc) dường như rõ ràng hơn.
Dữ liệu công khai cho thấy trong nửa đầu năm, doanh thu ngành ăn uống của Bắc Kinh giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, ngành lưu trú và ăn uống của Thượng Hải giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dữ liệu của Qichacha, trong 5 tháng đầu năm nay, số nhà hàng hủy đăng ký ở 4 thành phố lớn hạng nhất (Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến) là 31.000, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường tiêu dùng ế ẩm và lượng khách đến các trung tâm mua sắm giảm sút. “Anh Hầu” phát hiện ra rằng một số trung tâm mua sắm ở Quảng Châu đã tăng giá thuê. Một số trung tâm mua sắm thậm chí còn tăng giá thuê gấp 3, buộc nhiều nhà hàng phải rút lui.
Sự cạnh tranh trong ngành dịch vụ ăn uống ở Bắc Kinh cũng khốc liệt không kém. An Dawei nói với giới truyền thông rằng anh đã thu mua lại đồ đạc của 42 nhà hàng lẩu ở Bắc Kinh trong vòng một tháng, phá kỷ lục. Năm ngoái, hầu hết các nhà hàng lẩu mà anh thu mua lại đều là loại nhãn trắng. Năm nay, các cửa hàng nhượng quyền đã chiếm lĩnh xu hướng chủ đạo.
Một trong những khách hàng của An Dawei đã đóng cửa cửa hàng của mình sau chưa đầy 3 ngày hoạt động. Trước khi mở cửa hàng, người chủ rất tham vọng và dự định mở cửa hàng đồ chiên đầu tiên trên con phố đó. Thật bất ngờ, trước khi cửa hàng của ông được cải tạo, 4 cửa hàng mới cùng loại đã mọc lên. Ông chủ đột nhiên mất niềm tin vào việc tiếp tục kinh doanh và đóng cửa chỉ sau 3 ngày hoạt động.
Ngược lại, Zhang Hengming, người thu mua lại thiết bị cũ ở Đường Sơn, nhận thấy rằng một số cửa hàng ăn uống vẫn đang hoạt động tương đối tốt. Trong số các cửa hàng mà ông phụ trách cung cấp thiết bị, các cửa hàng nhỏ lẻ 2 vợ chồng kinh doanh chiếm chưa đến 5%. Ông nói rằng so với các loại cửa hàng khác, cửa hàng vợ chồng có thời gian tồn tại lâu hơn. Hơn nữa, ở các thành phố hạng 3 như Đường Sơn, càng có nhiều thương hiệu cấp thấp thì càng nổi tiếng và hoạt động càng tốt.
Một mặt, vợ chồng mở cửa hàng sẽ tự mình làm, không tính đến chi phí nhân công, cũng không có kiểu yêu cầu người khác làm trong khi mình thì không làm. Không giống như mối quan hệ hợp tác giữa những người bạn, kế toán sẽ xem ai làm nhiều hơn và ai làm ít hơn để phân chia lợi ích, cho nên mâu thuẫn tương đối nhiều. Mặt khác, một gia đình cùng nhau điều hành một cửa hàng thì tương đối ổn định. Zhang Hengming nhận thấy rằng các cửa hàng nhỏ đóng cửa, chủ yếu vì thu nhập của họ không đáp ứng được kỳ vọng, hoặc vì họ không thể đảm đương công việc kinh doanh của cửa hàng do vấn đề gia đình.
“Mở nhà hàng vẫn không bằng thu mua thiết bị cũ”. Trong mắt nhiều người, thu mua lại thiết bị đã qua sử dụng là một hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao và ít rủi ro.
Sau khi trao đổi với nhiều nhà thu mua lại thiết bị phục vụ ăn uống, Canyin88 được biết rằng nhiều người trong số họ có kinh nghiệm trong ngành phục vụ ăn uống. Tất cả họ đều nói rằng việc thu mua lại thiết bị có khả năng chống chịu rủi ro cao hơn việc kinh doanh phục vụ ăn uống.
Cách đây vài năm, người kinh doanh ăn uống Liu Hongbing đã mở một cửa hàng bán cá Bobo mang đi. Ban đầu dự định sử dụng cửa hàng này làm cửa hàng hàng đầu và sau này sẽ thu hút đầu tư bên ngoài, nhưng sau khi thực sự thực hiện, anh nhận ra việc thu hút khách hàng khó đến mức nào. Sau đó, Liu Hongbing tạm dừng dự án cá Bobo và bắt đầu kinh doanh thiết bị phục vụ ăn uống. Sau vài năm kinh doanh thu mua lại thiết bị, Liu Hongbing nhận thấy chi phí đầu tư thấp hơn và rủi ro cũng nhỏ hơn.
Mở một nhà hàng bao gồm nhân công, tiền thuê nhà, nguyên liệu, vận hành và nhiều chi phí khác. Chi phí chính của người kinh doanh thiết bị cũ là lưu kho. Đồng thời, thiết bị có thể được bán cho các thương gia cung cấp dịch vụ ăn uống và còn có thể bán lại cho những người cùng ngành.
Zhang Hengming cũng từng mở một nhà hàng. Vài năm trước, ông hợp tác với 2 người bạn và mở một nhà hàng thịt nướng có diện tích hơn 100 mét vuông ở Đường Sơn, với tổng vốn đầu tư 100.000 nhân dân tệ. Thời gian đầu, hoạt động kinh doanh của nhà hàng thịt nướng rất tốt, doanh thu hàng ngày đạt 5.000 đến 6.000 nhân dân tệ và lợi nhuận ròng là 50%. Nhưng thời gian tốt đẹp không kéo dài được lâu, sau đó doanh thu hàng ngày giảm xuống còn khoảng 1.000 nhân dân tệ. Năm ngoái, ông bắt đầu kinh doanh thu mua thiết bị phục vụ ăn uống. Cảm giác lớn nhất của ông là không còn lo lắng nữa: “Thu mua thiết bị cũ đã mệt, nhưng làm nghề phục vụ ăn uống vừa mệt vừa lo lắng. Bây giờ sau khi thu mua được thiết bị, tôi có thể ước tính mình có thể kiếm được bao nhiêu tiền”.
Ông kể lại, ngày xưa khi mở nhà hàng, ông phải mua nguyên liệu, chuẩn bị món ăn, phục vụ bữa ăn, chiêu đãi khách và dọn dẹp hàng ngày, bận cho đến 9h tối mới có thể ăn cơm. Bây giờ tất cả những gì ông phải làm là vệ sinh thiết bị, quay video và trao đổi với khách hàng. Ông không còn phải lo lắng về doanh thu hàng ngày, cũng như không phải lo lắng về việc không có khách hàng, hay đánh giá không tốt.
Theo ông, trong vòng 3 tháng kể từ khi thu mua lại thiết bị cũ, học phí đào tạo và tiền thuê nhà mỗi năm là 20.000 nhân dân tệ đã được hoàn trả (thu lại được vốn). Ông nói rằng tỷ suất lợi nhuận gộp trong ngành này có thể đạt 45% -50%.
Tuy nhiên, những người đã chuyển đổi từ người phục vụ ăn uống thành “người thu mua lại thiết bị phục vụ ăn uống” như Zhang Hengming và Liu Hongbing vẫn là số ít. Một số người khởi nghiệp vẫn kiên trì đi theo con đường kinh doanh ăn uống đến cùng.
An Dawei tiết lộ rằng chủ một nhà hàng lẩu Trùng Khánh mà anh thu mua lại thiết bị là chủ nhà hàng thế hệ thứ hai. Dù lỗ hơn 3 triệu nhân dân tệ nhưng gần đây anh ấy lại mở một nhà hàng lẩu chua. Chia sẻ đầu tiên của anh ấy là: “Vì đã bị thua lỗ trong nồi lẩu nên phải kiếm lại tiền ở chính trong đó.” Có thể thấy có một số người vẫn không cam tâm chịu thua lỗ, nhưng cuối cùng vẫn là phải đầu hàng.
Từ khóa kinh doanh ăn uống kinh tế Trung quốc nhà hàng