Lãnh đạo Hồng vệ binh Tống Bân Bân qua đời, từng xin lỗi về tội ác Cách mạng Văn hóa
- Hạ Tùng
- •
Ngày 16/9, bà Tống Bân Bân (Song Binbin), con gái của tướng Tống Nhiệm Cùng (Song Renqiong), lãnh đạo Hồng vệ binh trong Cách mạng Văn hóa, qua đời tại Hoa Kỳ, thọ 77 tuổi. 10 năm trước lúc sinh thời bà đã xin lỗi về tội ác Cách mạng Văn hóa của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trong Cách mạng Văn hóa, bà Tống Bân Bân đã tặng Mao Trạch Đông một chiếc băng tay màu đỏ tại Cổng Thiên An Môn, và đổi tên thành “Tống Yêu Vũ” (Song Yaowu), trở thành một nhân vật mang tính biểu tượng của Cách mạng Văn hóa.
10 năm trước, bà Tống Bân Bân đã công khai xin lỗi bà Biện Trọng Vân (Bian Zhongyun), phó hiệu trưởng trường cũ của bà và những nạn nhân khác của Cách mạng Văn hóa, nhưng tranh cãi vẫn còn.
Theo cáo phó do ông Tống Khắc Hoang (Song Ke-huang), con trai của ông Tống Nhiệm Cùng, gửi cho bạn bè, bà Tống Bân Bân từ bệnh viện trở về nhà lúc 13:50 ngày 14/9, nghỉ ngơi 36 giờ và qua đời ở tuổi 77 lúc 00:20 ngày 16/9 trong vòng tay gia đình.
Tài khoản công khai WeChat “Hong Chuan” dẫn lời em gái của bà Tống Bân Bân nói với một người bạn, rằng “sẽ không tổ chức bất kỳ hoạt động tưởng niệm nào sau khi qua đời và hy vọng bà sẽ ra đi thanh thản”.
Ngày 18/8/1966, Mao Trạch Đông gặp Hồng vệ binh lần đầu tiên tại Quảng trường Thiên An Môn. Bà Tống Bân Bân tặng chiếc băng tay Hồng vệ binh cho Mao Trạch Đông tại Tháp Cổng Thiên An Môn.
Khi Mao Trạch Đông biết tên bà bắt nguồn từ câu “Văn chất bân bân” (văn và chất đều nhau), Mao nói: “Yêu Vũ mà” (Phải chiến đấu), thế là bà đổi tên thành “Tống Yêu Vũ”.
Tháng 8 năm đó, tờ báo nhà nước “Quang Minh Nhật báo” đã đăng một bài viết có tựa đề “Tôi đeo băng đỏ cho Chủ tịch Mao” có chữ ký của “Tống Yêu Vũ (Tống Bân Bân)”. Sau đó, Nhân dân Nhật báo đã đăng lại bài viết này.
Bài báo viết: “Đây là ngày tôi không bao giờ quên. Tôi đeo băng Hồng vệ binh cho Chủ tịch Mao, Chủ tịch đặt cho tôi một cái tên có ý nghĩa to lớn. Mao Chủ tịch đã chỉ đường cho chúng ta, chúng ta hãy đứng lên, nổi dậy. Chúng ta đến lúc phải chiến đấu rồi!”
Kể từ đó, bà Tống Bân Bân trở thành biểu tượng của bạo lực và hỗn loạn trong phong trào Hồng vệ binh.
Năm 1969, bà Tống Bân Bân đến khu phục vụ của Liên đoàn Xilingol (Tích Lâm Quách Lặc) ở Khu tự trị Nội Mông, để gia nhập đội và về nông thôn.
Năm 1972, bà vào Học viện Địa chất Trường Xuân, trở thành sinh viên công nông binh và tốt nghiệp năm 1975. Năm 1980, bà di cư sang Hoa Kỳ với danh nghĩa du học và đổi tên thành Tống Nham.
Ngày 12/1/2014, bà Tống Bân Bân xin lỗi thầy cô, các bạn cùng lớp và con cháu của thầy trong phòng họp, nơi đặt bức tượng đồng của Hiệu phó Biện Trọng Vân tại Trường Trung học Thực nghiệm trực thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh (trước đây là Trường Trung học Nữ sinh trực thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh). Gia đình bà Biện Trọng Vân đều vắng mặt.
Bà Tống Bân Bân cho biết, nếu không xin lỗi thì bà sẽ không còn cơ hội. Bà đọc bản tuyên bố soạn sẵn trong nước mắt, nói rằng bà “phải chịu trách nhiệm về cái chết đáng tiếc của Hiệu trưởng Biện Trọng Vân”. Mặc dù lúc đó bà Biện Trọng Vân là Hiệu phó nhưng trên thực tế lại người phụ trách.
Bà Tống Bân Bân cũng nói: “Cách mạng Văn hóa là một thảm họa”.
“Tương lai của một đất nước phụ thuộc phần lớn vào cách Nó đối mặt với quá khứ của chính mình.”
“Tôi hy vọng rằng tất cả những người đã làm sai, làm hại giáo viên và bạn học của mình trong Cách mạng Văn hóa có thể đối mặt với chính mình, suy ngẫm về Cách mạng Văn hóa, tìm kiếm sự tha thứ và đạt được sự hòa giải.”
Ngày 27/1, khi sự thật được tiết lộ, chồng của bà Biện Trọng Vân, ông Vương Tinh Nghiêu (Jingyao Wang), đã đưa ra một tuyên bố, nói rằng ông không chấp nhận lời xin lỗi đạo đức giả từ “Hồng vệ binh” của Trường Trung học Nữ sinh trực thuộc Đại học Sư phạm.
Hạ Tùng / Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Mao Trạch Đông Cách mạng Văn hóa