TQ: 100.000 công chức tỉnh Sơn Đông sẽ được chuyển đổi thành nhân viên công ty
- Bình Minh
- •
Cách đây vài ngày, 10 sở ban ngành, gồm Sở Nhân lực và An sinh xã hội tỉnh Sơn Đông và Văn phòng Ban Biên chế, cơ cấu tỉnh ủy thông báo về việc các công chức trên địa bàn tỉnh sẽ được chuyển đổi thành nhân viên hợp đồng của doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân, liên quan đến 100.000 nhân sự. Nhiều người cho rằng nguyên nhân là do chính phủ cạn tiền.
Gần đây, các cơ quan hữu quan ở Sơn Đông cùng ban hành “Ý kiến về việc xử lý các vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi các tổ chức công cấp tỉnh thành doanh nghiệp”.
Khi một tổ chức công được chuyển đổi thành doanh nghiệp, họ phải chính thức chấm dứt quan hệ nhân sự với các công chức trong cơ sở, và xóa bỏ thông tin hệ thống biên chế tên thật của các nhân viên có liên quan trong thời gian quy định.
Truyền thông Tế Nam đưa tin, một số tổ chức cấp tỉnh đã được chuyển đổi thành doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp cổ phần. Thông báo trên làm rõ việc chuyển đổi quan hệ nhân sự, lao động giữa các cán bộ của đơn vị được chuyển đổi, cũng như ý kiến về cách xử lý việc chuyển đổi tổ chức công lập thành doanh nghiệp tư nhân.
Sơn Đông là tỉnh nông nghiệp số một của Trung Quốc. Tính đến năm 2022, xuất khẩu nông sản của Sơn Đông vẫn dẫn đầu cả nước trong 22 năm liên tiếp.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê tỉnh Sơn Đông, tỉnh này đạt GDP khu vực là 9.206,87 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.286,64 tỷ USD) vào năm 2023, tăng 6% so với năm trước. Tuy nhiên, tỉnh này vẫn cần phải cắt giảm chi phí hành chính.
Thông báo do các cơ quan hữu quan ở Sơn Đông đồng đưa ra quy định các tiêu chuẩn bồi thường kinh tế cho công chức chọn không tham gia đơn vị được chuyển đổi theo từng hạng mục.
Trong đó, những người quyết định không tham gia đơn vị chuyển đổi khi tổ chức công lập chuyển đổi thành doanh nghiệp nhà nước, phải có đơn xin từ chức, và được cơ quan quản lý nhân sự chấp thuận.
Những người được phép từ chức sẽ được đơn vị tái cơ cấu bồi thường tài chính. Nói cách khác, quá trình chuyển đổi thể chế công được chia thành 2 phần, một phần được chuyển đổi thành doanh nghiệp nhà nước, phần còn lại được chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân.
Trên thực tế, năm 2023, nhiều nơi ở Trung Quốc đã bắt đầu sa thải trên quy mô lớn những nhân sự không phải là công chức trong các cơ quan và tổ chức chính phủ. Điều này làm dấy lên mối lo ngại rộng rãi trong xã hội.
Tháng 3/2023, tờ China Newsweek đưa tin, Văn phòng Ủy ban Biên chế cơ cấu của thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang thông báo, rằng các cơ quan và tổ chức chính quyền thành phố đã tiến hành sa thải và tiêu chuẩn hóa những người không phải là công chức.
Mục tiêu của hành động nhắm vào những nhân viên hiện có của các cơ quan và tổ chức thành phố Cáp Nhĩ Tân, nhân viên toàn thời gian trong ngành, nhân viên làm việc và nhân viên tự kinh doanh của các đơn vị.
Về việc chính phủ Sơn Đông chuyển đổi công chức thành nhân viên hợp đồng, Đài Á Châu Tự do đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 5/8, Giáo sư Đường Vân đã nghỉ hưu tại Đại học Sư phạm Trùng Khánh, cho biết: “Một lý do có thể là tài chính của chính phủ đã quá tải.”
Ông nói: “Vì tình hình kinh tế hiện tại và toàn bộ hệ thống thể chế, cũng như áp lực tài hính do sự cồng kềnh của toàn bộ hệ thống gây ra, họ phải cân nhắc về điều này. Từ lâu họ đã nói về việc tinh gọn cơ cấu, sa thải nhân viên, nhưng tới giờ khi không còn lựa chọn nào khác, họ đành phải thực hiện các biện pháp này.”
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Đỗ Văn, cựu cố vấn pháp lý cho chính quyền Khu tự trị Nội Mông, người từng phục vụ trong hệ thống chính phủ Trung Quốc, cho biết, vòng cải cách hiện nay từ thể chế công sang doanh nghiệp ở tỉnh Sơn Đông có tổng cộng 79 đơn vị, chiếm khoảng 1/10 trong tổng số, hầu hết đều là các tổ chức công tự chủ về tài chính.
Ông tin rằng kế hoạch xử lý tài sản quan trọng hơn. Các cán bộ lãnh đạo của ĐCSTQ có thể sẽ kiếm được khối tài sản khổng lồ trong quá trình tái cơ cấu, bằng cách chiếm đoạt nhiều tài sản nhà nước chất lượng cao với giá rẻ mạt. Những người khốn khổ nhất là những người bị sa thải và bỏ rơi.
Ông cho biết, phần lớn nhóm này ở độ tuổi từ 40 đến 50. Họ là nhóm đặc biệt dễ bị bỏ rơi và không có giải pháp. Cuộc cải cách này sẽ khiến nhiều người mất việc làm và nhiều gia đình có thể rơi vào khó khăn rất lớn.
Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc tiếp tục gia tăng và vấn đề việc làm gây áp lực rất lớn lên giới trẻ. Nhiều người thất nghiệp sợ gia đình biết chuyện sẽ lo lắng nên hàng ngày vẫn giả vờ đi làm. Họ thường đến thư viện ở nhiều nơi khác nhau, coi chúng như nơi tạm lánh trong quá trình thất nghiệp.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp trung bình được khảo sát ở thành thị trong quý 1 năm nay là 5,2%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả nhóm thanh niên, vốn có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, cũng chỉ ghi nhận 14,7% trong tháng 4 năm nay, giảm so với mức 15,3% trong tháng 3. Nhiều người cho rằng dữ liệu này khác xa với thực tế.
Từ khóa Xã hội Trung Quốc thất nghiệp ở Trung Quốc kinh tế Trung quốc