Vì sao ĐCSTQ đàn áp các luật sư nhân quyền?
- Kiều Tùng
- •
Ngày 13/8 năm nay là tròn 7 năm luật sư nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc, ông Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng) bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cưỡng bức biến mất, đến nay vẫn chưa rõ sống chết và tung tích của ông.
Ngoài ông Cao Trí Thịnh, còn bao nhiêu luật sư nhân quyền khác của Trung Quốc đã bị đàn áp? Tại sao ĐCSTQ đàn áp các luật sư nhân quyền?
Ông Cao Trí Thịnh bị kết án bí mật và đã mất tích 7 năm sau khi mãn hạn tù
Ông Cao Trí Thịnh tự học thành tài, và bắt đầu hành nghề luật sư từ năm 1996. Năm 2001, ông được Bộ Tư pháp ĐCSTQ phong tặng danh hiệu “10 luật sư hàng đầu Trung Quốc”.
Ông Cao Trí Thịnh có can đảm để bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương. Năm 2004, ông bắt đầu đại diện cho các vụ án Pháp Luân Công. Kể từ tháng 10/2005, ông đã viết 3 bức thư ngỏ gửi Tổng Bí thư ĐCSTQ lúc bấy giờ là ông Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, yêu cầu chính quyền ĐCSTQ chấm dứt cuộc đàn áp tàn bạo đối với những người tập Pháp Luân Công.
Vào tháng 3/2006, sau khi hành vi thu hoạch nội tạng sống từ người tập Pháp Luân Công của ĐCSTQ bị vạch trần, ông Cao Trí Thịnh đã công khai bày tỏ mong muốn tham gia vào cuộc điều tra và tích cực mời ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách Châu Á và Thái Bình Dương, và ông David Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế, tới Trung Quốc để điều tra. Bắt đầu từ tháng 6/2006, hai ông David Kilgour và ông David Matas yêu cầu được vào Trung Quốc để điều tra độc lập, nhưng ĐCSTQ liên tục từ chối.
Vào tháng 8/2006, ông Cao Trí Thịnh bị bắt bí mật và bị kết án bí mật ba năm tù và năm năm quản chế. Ông Cao Trí Thịnh biến mất vào năm 2017 sau khi ra tù.
Năm 2009, vợ của ông Cao Trí Thịnh là bà Cảnh Hòa bị buộc phải trốn khỏi Trung Quốc cùng hai người con của họ và sống lưu vong ở Mỹ.
Vào tháng 5/2020, em gái của ông Cao Trí Thịnh nhảy sông tự tử vì sợ hãi và trầm cảm.
Luật sư Dư Văn Sinh lại bị bắt
Ông Dư Văn Sinh đã vượt qua kỳ thi luật sư năm 1999 và bắt đầu hành nghề luật sư vào năm 2002, chủ yếu tham gia vào các vụ kiện tụng thương mại. Vào năm 2014, ông thụ lý vụ án liên quan đến Phong trào Ô dù ở Hồng Kông. Ông đã đại diện cho nhiều vụ án liên quan đến người tập Pháp Luân Công và các luật sư nhân quyền.
Ông Dư Văn Sinh từng nói rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ “quá rõ ràng và nghiêm trọng, thảm họa khốc liệt, trên phạm vi rộng, quá lâu dài và liên quan đến rất nhiều người tốt và vô tội đến mức có lẽ chưa từng có trong lịch sử”.
Sau vụ bắt giữ hàng loạt luật sư nhân quyền vào ngày 9/7/2015 (còn gọi là Sự kiện 709) của ĐCSTQ, vào ngày 30/7, ông Dư Văn Sinh đã kiện Bộ Công an và bộ trưởng của bộ này vì đã bắt giữ trái phép công dân.
Năm 2018, ông bị kết án 4 năm tù. Ông mãn hạn tù và ra tù vào năm 2022.
Vào ngày 15/4/ 2023, ông và vợ là bà Hứa Diễm (Xu Yan) bị bắt giữ hình sự. Con trai duy nhất của họ bị trầm cảm nặng và tự tử nhiều lần.
Ông Vương Toàn Chương ra tù, bị buộc phải tiếp tục chuyển nơi ở
Ông Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang) tốt nghiệp Trường Luật Đại học Sơn Đông năm 2000. Ông thường đại diện cho các vụ án nhạy cảm, bao gồm cả việc bào chữa cho một số lượng lớn các nhóm dễ bị tổn thương. Ông có thể là một trong những luật sư đầu tiên bào chữa cho Pháp Luân Công.
Ông Vương Toàn Chương cho biết khi đại diện cho Pháp Luân Công trong các vụ bào chữa, ông đã nhiều lần bị “đối xử một cách kỳ lạ”. Ví dụ: Vào ngày 31/8/2012, vì đại diện cho người tập Pháp Luân Công Miêu Phúc (Miao Fu) ở huyện Đông Ninh (Dongning), tỉnh Hắc Long Giang, ông đã bị Thẩm phán Vương Truyền Phát (Wang Chuanfa) của quận Đông Ninh đánh đập và chửi rủa; ông cũng bị Thẩm phán Thượng Hải Từ Mẫn Phương (Xu Minfang) trục xuất khỏi tòa án; thậm chí còn bị một chiếc ô tô của Công an Đường Sơn ở tỉnh Hà Bắc tấn công, đe dọa đến sự an toàn cá nhân của ông.
Vào ngày 28/3/2014, ông Vương Toàn Chương đã đến Trại giam Thất Tinh (Qixing) của Cục Cải tạo Nông nghiệp Kiến Tam Giang ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang để bảo vệ quyền lợi của các luật sư bị bức hại trong Vụ án Kiến Tam Giang năm 2014; trước đó nhiều luật sư do điều tra nhà tù Kiến Tam Giang, yêu cầu thả người tập Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp, đã bị cảnh sát đánh.
Vào ngày 9/7/2015, ĐCSTQ đã phát động vụ bắt giữ hàng loạt luật sư nhân quyền. Ngày 10/7, ông Vương Toàn Chương mất tích. Vào ngày 28/1/2019, ông bị kết án 4 năm rưỡi tù giam.
Ông được thả ra khỏi Nhà tù Lâm Nghi ở tỉnh Sơn Đông vào sáng sớm ngày 5/4/2020. Sau khi ra tù, ông đã liên tục bị buộc phải chuyển nơi ở và rời khỏi Bắc Kinh, còn các con của ông thì bị buộc phải nghỉ học.
Luật sư Vương Vĩnh Hàng bị kết án 7 năm tù
Ông Vương Vĩnh Hàng (Wang Yonghang) đã vượt qua Kỳ thi lấy bằng Luật sư của Trung Quốc năm 1999 và trở thành luật sư hành nghề vào năm 2003.
Vào ngày 3/5/2008, ông công bố một bức thư ngỏ gửi ông Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo, chỉ ra rằng việc chính quyền sử dụng Điều 300 của Bộ luật Hình sự như một tội danh nhắm vào người tập viên Pháp Luân Công là đã vi phạm luật pháp và hiến pháp, đồng thời kêu gọi chính quyền cải chính và thả người tập Pháp Luân Công.
Vào tháng 5/2008, ông Vương Vĩnh Hàng đã bị chính quyền tước giấy phép hành nghề luật sư một cách bất hợp pháp.
Vào ngày 4/7/2009, ông đã bị lục soát trái phép tại nhà riêng, bí mật bắt cóc và đánh đập cho đến nỗi vỡ xương chân. Tháng 11 cùng năm, ông bị kết án 7 năm tù.
ĐCSTQ chưa bao giờ dừng việc đàn áp các luật sư nhân quyền
Ông Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping), một cựu luật sư nhân quyền người người Trung Quốc hiện đang sống ở Mỹ, nói với tờ Epoch Times rằng ĐCSTQ vẫn luôn đàn áp các luật sư nhân quyền và “chưa bao giờ dừng lại”.
“Ví dụ, gần đây liên quan đến luật sư Lư Tư Vị (Lu Siwei) không chỉ bị thu hồi giấy phép (luật sư) trái phép và bị hạn chế xuất cảnh một cách bất hợp pháp, mà khi ông đến Lào, (ĐCSTQ) còn dùng các biện pháp phi pháp để cưỡng bức, bắt cóc ông từ Lào trở về Trung Quốc Đại Lục. Sau đó ông được tại ngoại chờ xét xử với cáo buộc vô căn cứ. Bây giờ, chỉ một năm sau, họ (ĐCSTQ) đang cố gắng truy tố ông với một tội danh vô căn cứ. Có thể thấy việc đàn áp các luật sư nhân quyền của ĐCSTQ chưa bao giờ dừng lại.”
“Dư Văn Sinh, Đường Cát Điền, đều là những ví dụ sống.”
Bản thân ông Ngô Thiệu Bình đã bị đuổi khỏi tòa án khi bào chữa cho người tập Pháp Luân Công tên Loan Ngưng tại tòa án vào ngày 14/2/2019. Sau đó người tập Pháp Luân Công này bị kết án trái luật 9 năm tù.
Vì sao ĐCSTQ đàn áp các luật sư nhân quyền?
Luật sư Ngô Thiệu Bình nói: “Ông ấy (Luật sư Cao Trí Thịnh) đã dũng cảm vạch trần hành vi tra tấn và đàn áp vô nhân đạo đối với Pháp Luân Công của ĐCSTQ… Đây là những điều đáng xấu hổ và vô liêm sỉ (của ĐCSTQ). Luật sư Cao Trí Thịnh đã vạch trần những sự thật này, cả thế giới đã thấy ĐCSTQ là một lỗ đen khổng lồ – lỗ đen pháp lý, lỗ đen nhân quyền, lỗ đen xã hội, lỗ đen chính trị… Bộ mặt của ĐCSTQ đã lộ rõ. Đây là lý do quan trọng nhất cho thấy vì sao ĐCSTQ đã tra tấn luật sư Cao Trí Thịnh một cách vô nhân đạo, bao gồm cả việc khiến ông mất tích 7 năm không rõ sống chết.”
Ông nói rằng ĐCSTQ đã đàn áp các luật sư nhân quyền trong “Sự kiện 709”, bao gồm cả những người bạn công dân khác không phải là luật sư, “(Họ) đã bị ĐCSTQ tra tấn. (ĐCSTQ) đã thêu dệt tội danh cho họ mà không có trường hợp ngoại lệ nào, tiến hành bỏ tù vài năm thậm chí lên đến 8 năm tù. Ví dụ như các luật sư Vương Toàn Chương, Dư Văn Sinh, Tạ Dương, Ngô Cam, Chu Thế Phong, v.v.”
Ông nói: “Việc ĐCSTQ đàn áp các luật sư nhân quyền cũng giống như lý do tại sao họ đàn áp luật sư Cao Trí Thịnh, tức là các luật sư nhân quyền đã vạch trần tình hình nhân quyền thực sự của ĐCSTQ.”
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), một cựu luật sư ở Bắc Kinh, nói với tờ Epoch Times về vụ mất tích 7 năm của ông Cao Trí Thịnh: “ĐCSTQ hiện đang sợ hãi nhất, các vụ án nhạy cảm có lẽ có hai loại, một là các vụ án có liên quan đến Pháp Luân Công.”
“Bởi vì nhóm Pháp Luân Công khác với dân chúng nói chung. Họ có niềm tin, tín ngưỡng mạnh mẽ. Trong những năm gần đây, họ đã có thái độ phản kháng không thỏa hiệp với ĐCSTQ và có ảnh hưởng rất lớn, cả trong vòng tròn người Trung Quốc lẫn trên trường quốc tế, tương đương với nhóm chống cộng lớn nhất, cho nên nó (ĐCSTQ) sợ nhất là Pháp Luân Công. ĐCSTQ có tâm lý trả thù luật sư đối với ông Cao Trí Thịnh để ngăn cản ông gây ảnh hưởng xã hội.”
“Thứ hai là các luật sư nhân quyền, người biểu tình và nhà bất đồng chính kiến khác, chẳng hạn như Đinh Gia Hỷ (Ding Jiaxi), Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), và Bành Tái Chu gần đây, v.v.”
“Cuộc khủng hoảng kinh tế, đối nội và đối ngoại của chính quyền (ĐCSTQ) ngày càng sâu sắc hơn, và chế độ này ngày càng đối mặt với nguy cơ bị lật đổ. Vì vậy, ĐCSTQ hiện nay rất lo lắng, nhìn gà hóa cuốc, thần hồn nát thần tính nên nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.”
“Vì vậy, những người ‘nhạy cảm’ và luật sư nhân quyền có ảnh hưởng như luật sư Cao Trí Thịnh bị buộc phải biến mất mà không rõ sống chết ra sao. Tình trạng này sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn.”
“ĐCSTQ là một chế độ cực kỳ tà ác, không có pháp quyền gì cả. Vì vậy, để duy trì chế độ chuyên chính, độc tài độc đảng của mình, nó dám làm bất cứ điều phi pháp, không có giới hạn nào. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ có nhiều người gặp phải tình cảnh bị cưỡng bức mất tích ở tầm quốc gia giống như ông Cao Trí Thịnh. Tôi cảm thấy điều này rất đáng sợ,” ông Lại Kiến Bình nói.
Từ khóa Cao Trí Thịnh nhân quyền Trung Quốc luật sư nhân quyền Pháp Luân Công