Văn Hóa

Mỗi người lớn chúng ta đều đã từng là một đứa trẻ

Khi trưởng thành, chúng ta dần quên chúng ta đã từng là những đứa trẻ. Theo thời gian cùng những biến động của nó bên ngoài xã hội cũng như bên trong tâm sinh lý con người, chúng ta quên gần hết những sự kiện đã xảy ra trong thời thơ ấu, thiếu niên. Chúng ta chỉ còn nhớ một vài sự kiện, hình ảnh ấn tượng, nhiều khi không rõ ràng chính xác, còn lại là những mờ nhạt, như tàn tích của một thời đã qua.

Chúng ta quên chúng ta đã từng hồn nhiên, đã từng yêu thương mọi người mọi vật vô điều kiện. Chúng ta quên chúng ta đã từng sống động mỗi giây, đã từng ham thích khám phá học hỏi như thế nào. Chúng ta quên chúng ta từng có những nhu cầu gì về mặt tinh thần và chúng ta đã quên khi những nhu cầu tinh thần đó không được đáp ứng thì chúng ta đã cảm thấy ra sao.

Trong quá trình dưỡng dục con cháu, mấy người trong chúng ta hiểu con cháu mình cần được đáp ứng những nhu cầu tinh thần cơ bản nào? Nhiều người nghĩ chúng ta làm việc và lo lắng đáp ứng các nhu cầu cơ bản về ăn mặc học hành giải trí cho con cái đầy đủ không thiếu thốn so với bạn bè là đã cố gắng lắm rồi. Nhiều người trong chúng ta rất quan tâm đến phần vật chất cho con cháu, nhưng về tinh thần thì thường bỏ mặc cho chúng tự chống chọi một mình. Chúng ta quên hồi nhỏ chúng ta chỉ cần ăn uống vừa đủ và chẳng đòi hỏi gì nhiều về cái ăn cái mặc mà chúng ta thường đòi được gần gũi làm bạn yêu thương.

Chúng ta không nhớ mình đã từng buồn tủi hoảng sợ vì cảm thấy mất an toàn như thế nào khi phải ở nhà, hoặc tệ hơn là ở một nơi hoàn toàn xa lạ, với những người không phải cha mẹ mình. Nên chúng ta dễ dàng trao con mình cho người không phải là cha mẹ chúng, lìa xa chúng để kiếm tiền hòng đáp ứng cho chúng nhu cầu vật chất. Chúng ta bắt chúng phải từ bỏ nhu cầu tinh thần bằng cách sử dụng đòn roi, đe nẹt, răn dạy hoặc thưởng phạt. “Con ngoan ở nhà, đừng đòi đừng khóc quấy, ba mẹ đi làm kiếm tiền mua đồ chơi cho con.” Chúng ta lấy đồ chơi ra để thay thế chính chúng ta. “Muốn ăn thịt gà hông? Muốn ăn thịt gà thì phải để ba đi làm chứ! Ngoan nào, tránh ra để ba đi làm kiếm tiền mua sữa cho con.” Chúng ta đặt đứa trẻ vào tình cảnh phải lựa chọn giữa miếng ăn và tinh thần. Nếu nó chọn tinh thần thì nó trở thành người ích kỷ vì ba đi làm là để lo cho nó cơ mà! Chúng ta buộc nó phải chấp nhận từ bỏ miếng ăn tinh thần để phục vụ vật chất. Chúng ta quên bản thân đã từng bị giằng xé ra sao khi phải chọn lựa. Và chúng ta đã quên chúng ta luôn chọn tinh thần, cho đến khi chúng ta hết hơi và cũng là khoảng thời gian dài vừa đủ để những vật chất quanh ta có cơ hội thế chỗ đấng sinh thành. Chèn ơi chúng ta đâu nhớ gì và vì vậy chúng ta cứ lặp lại những nỗi đau của bản thân lên thế hệ kế tiếp hoài hoài. Chúng ta học mãi không qua nổi bài học.

Những điều tôi viết không phải lấy từ sách ra, không phải từ những nghiên cứu tâm lý của các chuyên gia, mà từ cuộc sống quanh ta hằng ngày hằng giờ. Nó ở đó, hiển hiện trong mỗi gia đình trên mọi vùng miền. Chỉ cần nhìn, nghe là thấy.

Chúng ta bận quá, bận đến mức không còn nhìn, không còn nghe thấy gì trong chính ta và gia đình, chòm xóm, cộng đồng. Những đứa trẻ bị bỏ rơi về mặt tinh thần đang phải lớn lên trong thế giới hỗn độn này làm sao đối mặt? Dĩ nhiên chúng có sự thích ứng của chúng để tồn tại, như chúng ta đã từng phải thích ứng để tồn tại. Và chúng ta không thích cách mà chúng thích ứng, cũng như ngày trước ông bà cha mẹ không thích cách chúng ta thích ứng. Vẫn cái vòng lặp đó lặp đi lặp lại và người ta đặt cho nó cái tên rất sai bản chất vấn đề là: sự khác biệt giữa các thế hệ. Ở đây không có sự khác biệt nào, chỉ là chúng ta phủ nhận chúng ta đã từng như thế – đồng nghĩa chúng ta phủ nhận bản thân. Anh không có khả năng chấp nhận bản thân thì anh có khả năng chấp nhận ai?

Mỗi người chúng ta đều đã từng là một đứa trẻ. Ký ức vẫn còn đó, nó chỉ bị chúng ta khóa lại để tránh phải đối mặt với những vết thương cũ. Nhưng khi không đối mặt, không chữa vết thương cũ thì chúng ta không thể hiểu được bản thân lẫn những người xung quanh, nhất là thế hệ con cháu. Không hiểu sẽ không thể yêu thương đúng cách, không thể dưỡng dục đúng cách.

Người cha người mẹ người ông người bà nào cũng nói mình hết mực yêu thương con cháu. Tôi tin đó là sự thật. Không ai muốn con cháu mình bị mảy may tổn hại nào chớ đừng nói đến chuyện chính mình làm tổn hại con cháu. Nhưng chúng ta có chắc mình chưa bao giờ vô tình gây tổn hại mà không biết? Những câu chúng ta nói, những việc chúng ta làm, những thói quen lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ, hằng ngày hằng giờ đều in vào trong thế hệ trẻ. Tình yêu của chúng ta dành cho chúng có đủ lớn, có là động lực mạnh mẽ để ta dũng cảm một lần nhìn lại tất cả hòng làm một cuộc chuyển mình?

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Mời xem video:

Nguyễn Thị Bích Ngà

Published by
Nguyễn Thị Bích Ngà

Recent Posts

Bình luận: Putin thăm Trung Quốc và quan hệ Trung Quốc, Nga – Mỹ, châu Âu, Nhật Bản

Nhu cầu cấp bách hơn của ông Putin trong chuyến thăm Trung Quốc là gì?…

1 giờ ago

Phòng đuối nước mùa nắng nóng: Biết bơi thôi chưa đủ

Trẻ em cần được trang bị nhiều kỹ năng để vui chơi an toàn, đồng…

3 giờ ago

Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber được chỉ định thay cố Tổng thống Raisi

Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber hôm thứ Hai (20/5) đã được Lãnh…

3 giờ ago

Đầu cơ vàng, đầu cơ đất đai ‘lũng đoạn’ nền kinh tế

Lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường…

4 giờ ago

Tân Tổng thống Đài Loan kêu gọi Trung Quốc chấm dứt động thái đe dọa

Thứ Hai (20/5), trong bài phát biểu nhậm chức của mình, tân Tổng thống Đài…

4 giờ ago

Bàn về hôn nhân truyền thống: Sự trân trọng và lòng trung thành gắn kết nhân duyên

Thời xa xưa, con người xem hôn nhân là một nghi thức thiêng liêng, vợ…

6 giờ ago