Văn Hóa

Một phút tự do – Khát vọng yêu và sống đẹp

Tôi sống đơn độc, tâm hồn nhạy cảm dễ xúc động. Tôi có thói quen đọc sách trong đêm khuya. Cuốn sách “Một phút tự do” của nhà văn Elena Pucillo Trương với 14 truyện ngắn và 8 tùy bút, là người bạn đồng hành cùng tôi trong những đêm mưa rả rích. Chong đèn và đọc. Từng câu chuyện được nhà văn Elena thể hiện rõ nét, là những con người sống trong xã hội của thời hiện đại, bế tắc trong cuộc sống, bị áp chế, nỗi cô đơn đau đớn trước sự băng hoại về đạo đức, tuyệt vọng không lối thoát đưa con người đến cái chết, tự giải thoát cho chính mình. Có lẽ đó là một phút tự do cuối cùng của con người. Nhà văn viết nhẹ nhàng sâu lắng đầy kịch tính, đọng lại trong lòng tôi biết bao điều suy ngẫm về cuộc đời, về con người, và chính bản thân mình. Một phút tự do. Tự do. Con người ai cũng cần một phút tự do. Có không phút tự do đó?

Tác giả: Elena Pucillo Truong
Trương Văn Dân dịch từ nguyên tác tiếng Ý
Nxb Tổng Hợp tpHCM (Tái bản 4/2020)

Truyện “Phút mặc khải”

Một bà mẹ chồng sống với con trai và con dâu. Bà có tâm trạng thấy bất mãn và căm ghét:

“…Trước đây từ ngày chồng mất, đứa con là tất cả với tôi và ngược lại. Tôi là người duy nhất mà nó quấn quýt và ngưỡng mộ. Rồi khi cô gái bước vào nhà, tình yêu bị chia sẻ. Thứ gì cô ta cũng làm tốt hơn tôi. Tôi trở thành kẻ thừa thãi và vô dụng”. “…Đây rồi, cô ta đã bước ra khỏi nhà. Một tiếng thở phào giải thoát. Bây giờ thì tôi có thời gian dành cho mình” (tr.13).

Khi người con dâu trở về nhà, bà mẹ chồng phát hiện người con dâu rên rỉ nôn mữa trong phòng tắm:

“…Một tia chớp lóe lên trong đầu tôi! Ui chao, tôi chính là một con ngu ngốc! Quá đần độn chẳng hiểu gì” (tr.15).

“ Sao mình lại không nhận ra? Tôi đã đóng khung, đã đóng cửa trái tim trong chiếc lồng ích kỷ và lãnh đạm của mình! Bao nhiêu thời gian đã mất cho những phù phiếm là quan trọng, và sống bằng thành kiến ngu xuẩn để đời mình như tẩm độc” (tr. 16).

Thật không thể ngờ, bà mẹ chồng quay ngoắt 180 độ, bà nhớ lúc bà mang thai lần đầu mà hoàn toàn không nhận được sự giúp đỡ nào của mẹ chồng bà. Sự thức tỉnh và lòng yêu thương trong lòng bà dâng trào, bà dịu dàng an ủi và chăm sóc con dâu. Đôi mắt hai mẹ con đều ướt nước mắt. Những giọt nước mắt của hạnh phúc.

“Con chim nhỏ trong lồng”

Chuyện viết về bi kịch của người già. Người mẹ bị con trai và con dâu bạc đãi: “…Đứa con dâu khốn nạn có thể lấy đi hết nhà cửa, quần áo, vàng bạc,con trai… nhưng không thể đoạt những giây phút hạnh phúc của tôi và chồng, đứng ôm nhau quay lưng về phía biển trong một buổi sáng rực ánh mặt trời…” (Tr.20). “…Cái mà tôi cần chính là chiếc khung hình đặt trên chiếc bàn nhỏ bên giường. Bao nhiêu năm rồi tôi trưng khung hình lên đó để nó là hình ảnh cuối cùng mà tôi nhìn thấy trước khi đi ngủ và cũng là hình ảnh đầu tiên khi tôi vừa tỉnh dậy” (Tr 20).

Người mẹ được đưa về sống ở căn hộ chung cư tầng 15: “…Chẳng biết có chuyện gì xảy ra mà tôi cảm thấy khó thở không ngủ được. Nhiều đêm tôi mò mẫm đi dọc theo nhà, như tìm một lối thoát không hề có. Sự khiếp đảm và kinh hoàng đẩy tôi qua lại những chồng gạch xây cao, như con chim bị nhốt trong lồng đang tuyệt vọng tìm cách vượt qua những chắn song để tìm tự do…” (tr. 22).

Bi kịch xảy ra: “Đủ rồi! Con không thể nào sống như thế này được! Con còn phải đi làm và cần phải ngủ! Má phải bỏ cái tật đi lung tung khắp nhà như mụ điên. Thằng con trai tôi đã hét lên như thế!”. (tr. 23).

“Chỉ còn vài giây thôi! Tôi nhoài người, bay qua khung cửa sổ rơi tự do trong không khí. Trên môi tôi vẫn nở một nụ cười thật ngọt ngào, để khỏi hét lên làm phiền người khác” (tr. 24).

Tôi phải gấp sách lại. Tim tôi như ngừng đập. Ôi! Một cái chết dã man, máu loang tràn trên mặt đất. Tỉnh dậy đi hỡi những đứa con man rợ, mất tính người. Chỉ một câu nói thôi đã cướp đi mạng sống người mẹ đã sinh ra mình.

Nhà văn Elena viết câu chuyện này, là một thực tế xảy ra nhiều trong xã hội thời nay, cái thời đại con người coi trọng tiền bạc vật chất, tình gia đình đạo đức không còn giá trị bằng cuộc sống vật chất của họ. Người mẹ già không một lời đối kháng đã chọn một phút tự do cho chính mình. Giải thoát cuộc đời khỏi cõi trầm luân, làm sao chịu đựng được mãi trước những hành động vô luân của đứa con ruột thịt mình sinh ra. Cầu mong bà thanh thản ra đi. Cái chết sẽ cảnh tỉnh được đứa con này hay không? Đó là điều tôi suy nghĩ…

“Giọt nước hồi sinh”

“…Tôi nhớ đến từng giây phút của buổi tối ba năm về trước và cảm thấy ngạt thở. Tôi đang lái chiếc xe máy chạy trên đường sau một buổi tối gặp mặt bạn bè. Đêm đó thật vui, giữa những trận cười và đùa nghịch, chúng tôi còn hẹn gặp nhau ăn điểm tâm vào sáng hôm sau, ở nơi thường gặp” (tr.38).

Trên đường về nhà, một chiếc xe thật lớn tông vào anh thanh niên, chiếc xe bỏ chạy.Từ một người bình thường, sau tai nạn anh thành người tàn phế. Cuộc sống của anh lâm vào cảnh khốn cùng, anh mất tất cả, mất việc, mất nhà, mất bạn:

“…Cô đơn và vô tích sự, càng ngày tôi càng lăn xuống đáy cuộc đời đến nỗi phải ăn mày để sống…” “…Có lẽ định mệnh đã muốn cho tôi một cơ hội được gặp em” (tr.40).

Người thanh niên ngất xỉu trên đường, được một cô gái làm y tá cứu giúp đưa vào bệnh viện, giúp anh thanh niên chữa trị, giải phẫu. Một năm sau: “…Anh đang sống trong một hiện thực đẹp như mơ và mỗi sáng anh thức giấc bên em, vuốt ve em để biết chắc là em hiện hữu, em là trái tim của trái tim anh. Em là người đang mang lại cho anh nụ cười và hy vọng”. (tr.43)

Câu chuyện cổ tích giữa đời thường, nhẹ nhàng sâu lắng. Nhà văn Elena tôn vinh tình nhân ái giữa con người với nhau. Và tình yêu hạnh phúc được tìm thấy từ lòng nhân ái ấy. Tôi mỉm cười và vui với tình yêu ấy. Bởi trong đời này không phải ai cũng may mắn như anh ấy!

“Quá khứ dưới lớp tuyết mùa giáng sinh”

Một người thanh niên trở về quê hương Milano sau năm lưu lạc: “Có qua nhiều ý nghĩa ập đến trong đầu và trong đầu tôi. Bao nhiêu kỷ niệm cũ ngày xưa đang tràn đến và trong trí nhớ còn nhiều thứ đang làm tôi buồn khổ đến bây giờ” (tr 45).

Anh về đúng ngày giáng sinh, không khí trong lành, nhìn những bông tuyết lác đác từ bầu trời, bỗng chốc khiến anh nhớ đến mùa giáng sinh lúc anh vừa ba bốn tuổi. Đêm đó cha anh về nhà trên tay có hộp quà. Anh và người anh trai lớn vui mừng mở quà, đó là chiếc xe lửa chạy bằng pin, hai anh em vừa kịp bỏ pin vào cho xe lửa vận hành. Bỗng, hai anh em nghe tiếng cha mẹ cãi vã, chửi thề… từ cơn giận dữ người cha đập nát món quà giáng sinh vừa cho hai đứa con mình.

Nhà văn Elena mở đầu câu chuyện “Quá khứ dưới lớp tuyết mùa giánh sinh” bằng những hồi tưởng của nhân vật xưng tôi. Từ đó dẫn dắt người đọc vào một bi kịch gia đình rất thương tâm. Người chồng người cha độc ác, về nhà là đánh đập vợ con. Người mẹ qua đời vì tai nạn xe, người cha đem người đàn bà khác vào nhà, đuổi hai đứa con ra khỏi nhà. Hai anh em được họ hàng nhận về nuôi. Lớn lên họ có cuộc đời khác nhau, tự lập sống. Hai anh em không liên lạc với nhau một khoảng thời gian dài: “…Đây chính là lý do mà tôi trở lại thành phố này, dù lúc đầu tôi hoàn toàn không muốn. Vô ích, tất cả đều vô ích. Về làm gì để dự đám tang của một người mà chỉ thỉnh thoảng mới nhớ mình là một người cha” (tr.49). “…Tôi muốn có được một chút xót thương cho người đàn ông xa lạ này. Thế nhưng chỉ cảm thấy xót thương cho chính mình, hằng đêm bị rượt đuổi bởi những bóng ma, tuy chỉ là hoài niệm, nhưng cũng đủ hủy hoại cuộc đời tôi” (tr.54).

Anh thanh niên trở về căn hộ nơi đặt quan tài của người cha. Hai anh em ở bên nhau trong căn nhà trống hoắc: “…Chúng tôi ở bên nhau ba ngày, lúc đưa tang cha tôi chẳng có ai khác ngoài hai chúng tôi. Thê thảm như cuộc đời của ông ấy” (tr.55).

Đến lúc chia tay:“ Tôi nhìn gói quà. Bỗng thấy mình đãng trí vì không mua chút quà để tặng lại anh. Tôi mở ra. Và giữa những dòng nước mắt, tôi nhìn thấy chiếc đầu máy xe lửa chạy bằng pin của những năm tháng cũ” (tr.56).

Những giọt nước mắt muộn màng. Điều này chứng tỏ tình cảm thiêng liêng của gia đình là điều quý giá nhất, giúp người con quên hết những oán hờn thuở nhỏ, anh sẽ nhớ về cha mẹ mình với tấm lòng thanh thản. Tình yêu và cuộc sống tươi đẹp đang chờ đợi anh với trái tim rộng mở đón nhận tình yêu thương, chờ đợi anh trở về quê hương của mình.

“Trên chuyến tàu về quê ăn Tết”

Một cô gái trẻ từ thôn quê lên thành phố học tập: “…Có một thời gian con tìm được một việc làm mà con tưởng là đã giải quyết được vấn đề của mình. Buổi sáng con có thể đến trường đại học còn buổi chiều và buổi tối phục vụ trong một cửa hàng. Tất cả trôi qua bình yên cho đến một hôm, một thực khách, sau một chầu say xỉn, đã giỏ trò bông lơn, rồi sàm sỡ sờ soạng lên người con… Con không biết điều gì đã đến trong đầu ông ta, mà, như trong một cơn điên, ông hất đổ nồi lẩu đang sôi vào người con… Con không đủ can đảm để nhìn khuôn mạt mình bị biến dạng, cái đầu không tóc và một cánh tay bị bong da… Sau đó chừng gần một năm dài tóc mới mọc lại và một chiếc thẹo xấu xí nằm trên khuôn mặt để con nhớ đến câu chuyện đau lòng xảy ra” (tr.71).

Từ cuộc sống thác loạn của những kẻ có tiền, không còn nhân tính. Đêm đêm núp bóng trong những nhà hàng vũ trường đã hủy hoại biết bao con người, hủy hoại những cô gái nghèo như nhân vật trong truyện, bi kịch cô gái phải gánh chịu suốt cuộc đời. Đã ba năm cô gái không dám nói sự thật cho mẹ cô biết về vết thẹo trên khuôn mặt. Và điều quan trong là cô vất vả mưu sinh nơi chốn thị thành, cô nghèo, phải chạy vạy nhờ bạn bè giúp đỡ mới có đủ tiền mua một chiếc vé tàu mơ ước: “Tôi muốn tìm lại vài giây hạnh phúc, bình an và được ngã vào vòng tay của mẹ thêm một lần nữa” (tr.76).

Trên chuyến tàu về quê ăn Tết, chung quanh cô những hành khách đi tàu là những anh bộ đội vô tư hồn nhiên chơi bài. Đôi tình nhân âu yếm nhau, tiếng nói chuyện trộn lẫn với tiếng khóc trẻ con. Cô vẫn đắm chìm trong những hồi ức của mình, nhưng giác quan của người phụ nữ mách bảo, một anh sinh viên âm thầm quan sát cô, anh đã mời cô ly cà phê ấm áp: “…Tôi chuyển chiếc vali cho anh, hai bàn tay chúng tôi tình cờ chạm nhau mà tác dụng như một sự chạm điện. Tôi ngước mắt nhìn anh và thấy anh cũng đang nhìn tôi và dường như anh không có vẻ giật mình. “Đừng bận tâm! Với tôi cô vẫn đẹp lắm” (tr. 77).

Cảm ơn nhà văn Elena. Một câu chuyện đầy tính nhân văn. Cô gái gặp tai nạn, cuộc sống khó khăn, cô biết chấp nhận nghịch cảnh, không thù hận oán trách cuộc đời, không oán trách con người. Tự mình vươn lên, sống lương thiện, lao động chân chính, tìm lại chính mình: “…Tôi cứ để anh ta tự do nhìn ngắm và cũng không muốn phá hủy cái cảm xúc về một câu chuyên đẹp đang hình thành trong trí tưởng tượng của anh. Và làm thế khác nào tôi cũng từ bỏ cho mình một niềm hạnh trong một cuộc đời khác”. (tr.73).

Tôi mong cô sẽ gặp được tình yêu và hạnh phúc bình thường như tất cả cô gái dung nhan đẹp đẻ trên thế gian này.

“Một ngày mưa”

Người đàn ông chứng kiến người vợ thân yêu gục chết trước mặt mình, trong lúc ngồi đợi nơi quán cà phê quen thuộc hai người hẹn nhau như hai kẻ tình nhân: “…Tuyệt vọng, chẳng có thể làm gì được nữa. Trái tim của em đã vĩnh viễn ngừng đập. Và từ đó lòng anh bắt đầu khô héo. Không còn tình yêu của em, anh chẳng biết làm sao để sống” (tr. 81).

Nhân vật xưng tôi cô đơn trong căn nhà của mình, nhớ lại, nhớ và nhớ. Không thoát ra được nỗi cô đơn, không vượt qua được nỗi mất mát, cuộc sống của anh rơi vào bi kịch: “…Mọi người rồi cũng nhận ra sự yếu đuối của anh. Anh đang bị mọi người ngấm ngầm lên án và cô lập. Một vài người cố tình biểu lộ ra mặt. Những kẻ khác âm thầm, mà dần dà xa lánh anh”( tr.82). “…Hầu như anh không bước ra khỏi nhà và toàn bộ thời gian chỉ dành để bước ra từ giường đến cửa sổ, để nhìn những người khác sồng. Rồi đi từ cửa sổ đến cầm chiếc điện thoại trên bàn” (tr.83). Cuộc sống của anh ta lặng lẽ trôi qua, khi tiếng chuông điện thoại không còn reo. Mà anh ta cũng chẳng muốn gọi cho ai.

Kết thúc câu chuyện: “…Anh chỉ cần ở lại đây.Thỉnh thoảng cầm lấy chiếc điện thoại, nhìn vào màn hình để đọc lại tin nhắn của em: “Em nhớ anh. Vẫn nơi ấy, 5 giờ chiều nhé. Em yêu của anh”.” (tr.83)

Hồi tưởng! Độc thoại một mình! Hay!

“Một phút tự do”

Tiến sĩ De Rossi: “…Tôi đang đứng đối diện với tòa nhà bằng kính. Mái tóc đen và dài, chiếc tailleur trang nhã bó sát người, như thể người thợ may khéo léo ướm xấp vải vào thân mình trước khi đo cắt. Đôi chân khỏe và dài, còn được kéo dài thêm với đôi giày son cao gót. Chuyên nghiệp, quyền hành và nữ tính. Tất cả những vũ khí tối cần cho thế giới này. Thế giới của tôi.” (tr.93).

Nhân vật Tôi trong “Một phút tự do”, thuở nhỏ bất hạnh, người cha đối xử tàn nhẫn bạo lực, ruồng bỏ vợ con. Trong khi người mẹ chỉ thụ động, cam chịu: “…Và thế là tôi không thể giống mẹ mình. Tôi không cần trái tim. Tôi không còn tình cảm, chỉ lao đầu vào việc học, làm mọi thứ để tích lũy kinh nghiệm, giẫm đạp lên mọi thứ và mọi người. Tôi là mẫu người đàn bà của sự nghiệp, hay đúng hơn một gã đàn ông trong thân xác con đàn bà. Bởi vì tôi không còn giới tính, không có tình yêu; dĩ nhiên tôi vẫn có đàn ông, nhưng họ chỉ là những công cụ để tôi sử dụng rồi quên ngay vì họ không cho tôi được gì mà tôi cũng chẳng để lại cho họ chút gì” (tr. 95).

Cho đến một ngày: “…Hàng ngàn khuôn mặt, tất cả đều là những góc cạnh của chính mình Cô độc. Cô độc trong công việc. Cô độc giữa đám đông. Hoàn toàn cô độc. Cố tình cô độc. Rồi, như bất thình lình, cơn nôn mửa vụt biến thành cơn giận dữ, bằng tất cả sức mạnh, tôi cầm lấy chiếc tách cà phê, ném thẳng vào mặt kính” (tr. 97).

Như người mất trí, bà tiến sĩ rời văn phòng ào ra thang máy. Bà ngơ ngác giữa chốn đông người, suýt chút nữa bà bị chiếc xe đụng phải. Một cánh tay ngăn bà lại, tránh được tai nạn: “…Bàn tay thép của cô gái như đang siết chặt hơn. Linda kéo tôi, và từng bước chúng tôi bước vào cửa tháp, bên trong những bức tường bằng kính và tôi như không còn sinh lực, cứ để cứ để cô kéo mình vào trong nhà ngục” (tr. 99).

Môt phút tự do của bà tiến sĩ đã bị tước đoạt một cách cương quyết bởi tha nhân. Bà không phản kháng được, với lý do: “…Mình đi lên nhé… còn bao nhiêu việc phải làm. Bao nhiêu hồ sơ đang chờ bà ký… Bà chưa thể bỏ đi được đâu…”.(tr.99).

Tội nghiệp bà tiến sĩ, tại sao bà không tự cứu lấy mình?

“Dải ruy băng màu tím”

“…Tất cả bắt đầu từ mười năm trước, khi tôi rời quê hương để tìm việc làm ở phía bên kia trái đất. Thật chẳng dễ chút nào… nhưng thời đó đâu có nhiều chọn lựa: chết hoặc sống bấp bênh với những cơn đói thường trực… Thế là phải nắm bắt cơ hội để có thể đổi đời… mà nào chỉ là cuộc đời của riêng tôi.” (tr.121)

Người thanh niên lao động miệt mài, góp nhặt từng đồng tiền ít ỏi gửi về cho ba má, hai người già đang sống cuộc đời cơ cực nơi quê nhà: “…Cảm ơn số tiền con vừa gửi về cho ba má. Nhờ nó mà mẹ con vừa may được một bộ đồ và ba cũng mua được một cái quần mới. Ba mẹ khỏe, con yên tâm. Hãy cố gắng sống bình an và hạnh phúc. Bên này ba má chỉ cần ít tiền để sống, điều quan trọng là con viết thư thường xuyên để ba má khỏi trông. Con biết không, cứ mỗi lần đọc lại những bức thư, ba má cứ tưởng là con vẫn còn hiện diện ở đây với gia đình chứ không xa ngút ngàn như sự thật.” (tr.124)

Mười năm, người thanh niên đã trưởng thành, thành đạt trong cuộc sống, hàng tháng anh gửi tiền về cho ba má và số tiền càng nhiều hơn, nhưng thư của họ thưa dần, anh yêu cầu ba má gửi cho anh bức hình mới chụp, nhưng không nhận được, tin tức vẫn mịt mù. Thế nên anh thanh niên quyết định về thăm gia đình: “…Họ đã chết cách đây năm năm, còn tôi giờ đứng trước hai nấm mồ lạnh lẽo… Họ đã quá già và hai trái tim cằn cỗi đã không còn chịu nổi. Còn tôi, nếu bỏ lại trái tim cạnh đó còn chưa đủ… Tôi khóc nức nở cho đến hết những giọt nước mắt cuối cùng” (tr.128)

Anh thanh niên phát hiện ra sự thật năm năm qua, người hàng xóm giấu nhẹm chuyện ba má anh qua đời, tiếp tục nhận thư nhận tiền anh gửi về: “Tôi đã hiểu tất cả và bây giờ tôi không muốn làm gì khác hơn là chạy thật xa hai con ma không có trái tim và trốn khỏi căn nhà khốn nạn đó.” (tr.130). Anh thanh niên đau đớn tuyệt vọng: “…Tôi không còn là tôi nữa. Tôi không còn quá khứ, một cuộc đời ở phía sau lưng. Tệ hơn nữa là tôi cũng chẳng biết dựa vào điều gì để sống trong tương lai. Như thể tôi cũng bị chôn vùi trong hai huyệt mộ ở quê nhà.” (tr.131).

Anh thanh niên tìm thấy dải ruy băng màu tím và những lá thư: “…Tôi cầm lấy một bức hình đã úa màu và cảm giác như mình đang chạm vào một cái gì đó rất thiêng liêng. Rồi bằng một cảm xúc mãnh liệt tôi bắt đầu lật những trang giấy đã úa vàng và tìm thấy trong mỗi hàng chữ một sức mạnh mới.” (tr.131). “…Con yêu dấu, cảm ơn con về tất cả những niềm vui dành cho ba má. Nhưng con đừng bận tâm. Mỗi lần đọc những hàng chữ này thì cũng như ba má đang ở bên con. Hãy sống hạnh phúc. Cuộc đời đầy những khó khăn. Ba má lúc nào cũng cầu nguyện cho con, ngõ hầu con có thể sống một cuộc đời tốt đẹp. Hãy bảo trong con nhé, con yêu”. (tr.132)

Đọc đến đây tôi rơi nước mắt… Cảm ơn nhà văn Elena.

Ba tản văn: Angkor Wat Đi với trái tim. Tà áo lụa giữa những cánh sen và Lễ hội Tây Sơn Bình Định tự hào, đem đến cho người đọc nhiều cảm xúc mới lạ. Người phụ nữ Ý viết văn với một trái tim đầy yêu thương nhân hậu là một tâm hồn Thuần Việt.

Một phút tự do: tôi đọc, cảm nhận và viết. Nghĩ gì viết đó theo suy nghĩ của mình. Với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ nhà văn Elena Pucillo Trương và dịch giả Trương Văn Dân. Và rất vui khi được gặp gỡ làm bạn với anh chị. Cảm ơn anh chị đã trở về quê hương Việt Nam, sống, làm việc, viết những tác phẩm hay, tôn vinh văn hóa Việt. Chúc anh chị Hạnh Phúc.

Huỳnh Thiên Kim Bội
Sài Gòn, tháng 6 năm 2023

Trích từ Facebook Nhà văn Trương Văn Dân

Xem thêm:

Huỳnh Thiên Kim Bội

Published by
Huỳnh Thiên Kim Bội

Recent Posts

Phòng đuối nước mùa nắng nóng: Biết bơi thôi chưa đủ

Trẻ em cần được trang bị nhiều kỹ năng để vui chơi an toàn, đồng…

2 giờ ago

Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber được chỉ định thay cố Tổng thống Raisi

Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber hôm thứ Hai (20/5) đã được Lãnh…

2 giờ ago

Đầu cơ vàng, đầu cơ đất đai ‘lũng đoạn’ nền kinh tế

Lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường…

2 giờ ago

Tân Tổng thống Đài Loan kêu gọi Trung Quốc chấm dứt động thái đe dọa

Thứ Hai (20/5), trong bài phát biểu nhậm chức của mình, tân Tổng thống Đài…

3 giờ ago

Bàn về hôn nhân truyền thống: Sự trân trọng và lòng trung thành gắn kết nhân duyên

Thời xa xưa, con người xem hôn nhân là một nghi thức thiêng liêng, vợ…

4 giờ ago

Pháp tiến hành “chiến dịch lớn” trong tình trạng bất ổn ở New Caledonia

Pháp đã tiến hành một “chiến dịch lớn” tại vùng lãnh thổ New Caledonia ở…

5 giờ ago