Cuộc trò chuyện nhân dịp đầu năm mới Quý Mão 2023 của Trí Thức VN xin được bắt đầu với một bác sĩ có hơn 40 năm kinh nghiệm trong ngành. Ông là Tiến sĩ y khoa, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Sỹ Hóa, sinh năm 1952 tại Nghệ An, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, trở thành Giám đốc khu điều trị phong Quỳnh Lập khi mới 33 tuổi, từng giữ chức phó viện trưởng viện da liễu TW từ năm 1992 – 2012.
Coi bệnh nhân phong như người thân
Được biết, ông đã phẫu thuật tạo hình cho hàng chục nghìn bệnh nhân phong và các bệnh nhân mắc các bệnh về da liễu, có khiếm khuyết trên cơ thể. Ngoài ra, ông còn được biết đến là một trong những bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ tại Việt Nam.
Xin chào, ông có thể chia sẻ về câu chuyện trở thành bác sĩ được không?
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo tại Nghệ An, nhà lại đông anh em. Từ nhỏ sức khỏe của tôi không tốt, đau ốm nhiều, mắt không nhìn rõ trên bảng thầy giáo viết gì (ngay cả khi ngồi bàn đầu), phải nhìn vở bạn ngồi cạnh để nắm bắt con chữ nhưng vẫn thấy lóa. Nói thì có thể nhiều người không tin, từ lớp 1 đến lớp 10 là tôi học hoàn toàn bằng tai, nghe thầy đọc, chứ không nhìn được mấy, cận bẩm sinh, hai bố con cùng một số đo thị lực. Tuy vậy, tôi ham học, luôn nằm trong số học sinh có thành tích học tập tốt nhất. Tôi nghĩ mình học được, nên thử thi vào trường Đại học Y Hà Nội và kết quả là đậu, còn đủ điểm đi học ở nước ngoài. Nhưng do không đủ điều kiện về mặt thị lực (cận 5 độ) nên tôi không đi được.
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, tại sao thời điểm đó ông lại quyết định rời mảnh đất hứa hẹn này để trở về công tác tại trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An)?
Thực ra khi đó học trường Y thì tôi cũng được xếp vào loại khá và được tiêu chuẩn ở lại trường. Lúc ấy tốt nghiệp vào năm 1976, tôi quyết định về Quỳnh Lập chỉ vì muốn làm việc gần nhà chứ không có mơ ước hay tính toán gì đâu.
Ông có thể cho biết những khó khăn ở trại phong Quỳnh Lập lúc đó cũng như bước đường phát triển sự nghiệp của mình tại nơi ấy?
Đến giờ này, tôi vẫn không tưởng tượng được đến ngày hôm nay. Thời điểm tôi ra trường năm 1976 có thể nói là lúc khó khăn nhất trong cả nước. Như gia đình tôi, điều kiện kinh tế rất khó khăn. Mình ra trường thì lương thấp và ở trong một khu điều trị phong, về vật chất cũng như tinh thần đều rất khó khăn. Không hề có điện, thậm chí điện máy nổ cũng không có mà chỉ có đèn dầu thôi. Về tinh thần, khu điều trị phong thì thuộc dạng biệt lập với xã hội, rất ít quan hệ với bên ngoài, chủ yếu là bệnh nhân phong với thầy thuốc mà thôi. Không ngờ là đến giờ này tôi cũng vượt qua được.
Khi làm việc trong môi trường như vậy thì cảm xúc của ông vào lúc ấy ra sao, đối với một người trẻ vừa tốt nghiệp từ trường Y?
Tôi nhớ mình bắt đầu làm việc ở trại phong từ ngày 10/10/1976. Lúc về tôi rất ngỡ ngàng và sợ, từ bác sĩ cho đến người phục vụ đều bịt kín mặt, chân đi tất và ủng, quần áo thì đã được khử trùng. Bệnh nhân người thì cụt tay, người thì sập mũi, nhìn chung hình dáng không được bình thường. Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi thấy quen dần và đồng cảm với bệnh nhân, thấy họ khổ quá rồi mình lại tiếp tục ở lại.
Khó khăn nhiều như vậy, có lúc nào ông nghĩ đến chuyện làm việc tại một nơi có điều kiện tốt hơn không?
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc chuyển đi chỗ khác. Tôi được sống cạnh một người bác sĩ rất tận tâm trong công việc nên cũng không nỡ bỏ đi. Thấy tôi trẻ và hăng hái, nên anh đã liên tục cho tôi đi học, từ viện 108 học phẫu thuật miệng – hàm mặt trong 1 năm, học ngoại ngữ 1 năm tại Hà Nội rồi lại quay vào trong Quy Hòa phẫu thuật cho bệnh nhân phong. Sau đó, anh cho tôi đi Ấn Độ học trong 6 tháng về phẫu thuật chỉnh hình cho bệnh nhân phong. Cứ liên tục như vậy, tôi thấy được niềm vui trong nghề nghiệp, trong công việc. Đối với tôi, những bệnh nhân phong cũng như người thân của mình.
Tôi làm giám đốc bệnh viện phong Quỳnh Lập, sau đó giữ chức phó viện trưởng viện da liễu TW, chuyên phụ trách công tác phòng và trị bệnh phong tại Tây Nguyên. Việc đầu tiên tôi làm sau khi giữ chức vụ mới tại viện da liễu TW là củng cố mạng lưới điều trị phong. Tôi có ý tưởng điều các bác sĩ ở các tỉnh, từ những trung tâm và trạm da liễu để phục vụ cho công tác giảng dạy và cấp thuốc cho người dân. Khoảng 3 – 4 năm sau, rất nhiều bệnh nhân phong đã được điều trị, cắt nguồn lây và được khỏi bệnh.
Bên cạnh việc khám chữa bệnh và góp phần hỗ trợ công tác đào tạo cho các y bác sĩ tại bệnh viện cũng như y bác sĩ phục vụ cho ngành da liễu nói chung, thì tôi cũng đã tham gia nghiên cứu và viết 2 cuốn sách về y khoa có tên: “Đại cương về ngoại khoa trong chuyên ngành da liễu” và “Phẫu thuật trong bệnh phong”.
Cơ duyên tu luyện Pháp Luân Công
Là một bác sĩ, hẳn ông phải quan tâm nhiều đến vấn đề sức khỏe của mình?
Tôi là một bác sĩ có thâm niên trong ngành, là chuyên gia nhiều kinh nghiệm điều trị các bệnh về da liễu. Nhưng rồi đến lúc, tôi đã mắc trọng bệnh, tôi bị viêm gan B, xơ gan có nước, 99% có khả năng chuyển sang ung thư gan, rơi vào trạng thái hoảng loạn.
Dù đã điều trị tích cực, bỏ rượu, không bia rồi uống thuốc diệt virus, nhưng khi xét nghiệm thấy vẫn còn. Mà uống thuốc diệt virus thì mỗi lọ là 700.000 – 800.000, rất chi tốn kém. Dù dùng thuốc đắt tiền nhưng bệnh cũng không thuyên giảm.
Tôi tốt nghiệp Thạc sỹ ở Hà Lan, được đi hơn 20 nước khác nhau, trong đó có 3 lần đến Mỹ. Tham dự nhiều hội thảo trên khắp thế giới, tôi có nhiều kinh nghiệm. Tôi là người ham học nên gần như cả đời đã đọc rất nhiều sách, từ chuyên môn đến văn học, rồi cả sách Phật giáo tôi cũng đọc khá nhiều. Một hôm, tôi được một người anh họ (cũng là bác sĩ) tặng cho cuốn Chuyển Pháp Luân. Tôi đọc mà thấy hay lắm, hay hơn tất cả những cuốn sách mà tôi đã từng đọc trước đó. Tôi đã bước vào tu luyện Pháp Luân Công như thế đấy, bắt đầu từ năm 2017, tính đến nay đã gần 6 năm.
Lúc đầu tôi không tin lắm, nhưng vì tôi đã có những năm tháng công tác trong trại phong, chứng kiến những câu chuyện tâm linh. Hồi đó, có 209 bệnh nhân phong mà người nhà bỏ rơi, khi mất cũng không ai đến thắp hương chôn cất. Thậm chí khi bố mẹ bị bệnh phong con cái mang đến quăng ở đó rồi về mất, gần 50 năm cũng không thấy đoái hoài gì. Đã nhiều năm nay tôi là người đứng ra làm giỗ cho họ. Vì trung tâm điều trị bệnh phong sát biển, có một năm khi thắp hương xong thì hàng trăm con cò bay về đậu trắng cả vùng biển ven bờ. Tôi cũng không để ý chỉ thấy nhân viên gọi: “Bác Hoá ơi, cò bay về nhiều lắm, chao chao như thế này”.
Có năm vừa hoá vàng xong thì có một cơn gió rất mạnh ập đến… Tối đó tôi về tự dưng sáng tác ra được một bài hát. Tôi đâu có biết gì về nhạc lý, từ hồi lớp bốn lớp năm chỉ nhớ được: Đồ, Rê, Mi, Fa, Son, La, Si là hết. Bài hát này như là “đứa con tinh thần”, Đài truyền hình VTV10 cũng đã giành 30 phút lên sóng… Vì sao tôi lại kể lể dài dòng, vì nó liên quan đến đức tin, về một thế giới bí ẩn mà con người chúng ta không thể chạm tới, không giải thích được.
Hiện nay người ta đa số không còn tin vào Thần Phật nữa. Bề ngoài có thể họ thắp hương đấy nhưng thật sự có tin hay không thì họ vẫn cho là mê tín. Họ không tin vào những điều kỳ diệu mà người ta vẫn gọi là Thần tích hiển linh.
Cuộc sống của ông đã thay đổi như thế nào sau khi tu luyện Pháp Luân Công?
Tôi thu nhận được lợi ích cả về sức khỏe và thân tâm từ môn này. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, sức khỏe của tôi được cải thiện rõ rệt, tình trạng về gan đã trở lại hoàn toàn bình thường, đốt sống cổ cũng không còn đau như trước nữa. Ngoài ra, các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, siêu âm trở về bình thường như thời còn trẻ. Tôi đã bỏ được rượu, bia, không nói tục. Nghĩ lại ngày còn nói tục, tôi thấy xấu hổ lắm! Tôi thấy mình tốt hẳn lên, ít cáu gắt, nóng giận.
Hình như tôi không có “kẻ thù” bởi không thù ai, không tranh, không đấu…để lấy những thứ không phải của mình và có lẽ không ai sợ tôi bởi mình cố không nghĩ, làm điều ác để tổn hại đến họ.
|
Ông dành thời tu luyện Pháp Luân Công ra sao?
Tôi nghĩ rằng điều này tùy vào mỗi người tự sắp xếp thời gian. Về phần mình, tôi ra công viên luyện 5 bài công pháp vào buổi chiều, thay vì ra quán nhậu như trước kia. Buổi đêm tôi sẽ dành thời gian đọc cuốn Chuyển Pháp Luân và các cuốn sách khác của Pháp Luân Công.
Ông nghĩ thế nào về những phản ứng trái chiều đối với môn tu luyện này?
Bản thân tôi là bác sĩ công tác lâu năm trong ngành y, đã nhận được rất nhiều lợi ích vô cùng to lớn từ việc tu luyện Pháp Luân Công dù trước đó không tin lắm. Vậy nên, mong rằng khi chúng ta còn chưa đọc, chưa hiểu thì đừng nên vội bài xích và phỉ báng môn tu luyện này.
Cảm ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện!
Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng rất lớn trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe. Môn này đã được Đại sư Lý Hồng Chí truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được người dân đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an Trung Quốc, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người. Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật. Rất nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Tính đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. |
Phan Anh