Thế Giới

Bloomberg: Một tổ chức khoa học hàng đầu của Mỹ vẫn âm thầm hợp tác với Huawei

Bất chấp các hạn chế của Chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc, tổ chức khoa học Hiệp hội Quang học (Optica) phi lợi nhuận ở Mỹ vẫn hợp tác với Huawei, họ cho biết đây là hoạt động chia sẻ kiến ​​thức một cách thiện chí. Thông qua tổ chức này, Huawei có thể bí mật tài trợ cho các dự án quan trọng liên quan đến các nhà khoa học mà Lầu Năm Góc và các cơ quan khác của Mỹ đồng thời chọn tài trợ.

Một cửa hàng thương hiệu Huawei ở Kyiv, Ukraine, ngày 20/10/2018 (Ảnh: viewimage/Shutterstock)

Theo một bản tin dài của Bloomberg hôm 25/6, khi Giám đốc điều hành Elizabeth Rogan của Hiệp hội Quang học Mỹ (Optical) tới Trung Quốc vào tháng 11/2023, tổ chức khoa học nổi tiếng của Mỹ mà bà lãnh đạo đã tuyên truyền rộng rãi trên truyền thông và mạng xã hội về chuyến đi đó. Nhưng theo các thông tin liên lạc và tài liệu được Bloomberg xem xét, bà Rogan đã bỏ qua một bước quan trọng: Chuyến thăm trụ sở chính của hãng công nghệ Huawei. 

Tài trợ ẩn danh

Đến tháng Tư năm nay, cuộc gặp bí mật của bà Rogan với Huawei bị tố cáo, tiết lộ mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa tổ chức khoa học phi lợi nhuận của bà với ‘gã khổng lồ’ viễn thông Trung Quốc này – công ty vốn đang chịu sự giám sát của các quan chức an ninh quốc gia Mỹ.

Việc xem xét hồ sơ nội bộ của Hiệp hội Quang học cho thấy sự hợp tác sâu sắc hơn nhiều so với những gì công luận biết được. Hợp tác giữa họ đã tiếp tục trong nhiều thập niên ngay cả khi quan hệ giữa Mỹ – Trung căng thẳng vì các vấn đề công nghệ.

Bloomberg đưa tin vào tháng Năm rằng Huawei đã bí mật tài trợ cho một cuộc thi nghiên cứu do Quỹ Hiệp hội Quang học tổ chức. Điều này giúp Huawei tài trợ cho các nghiên cứu tiên tiến trị giá hàng triệu đô la mà các trường đại học Mỹ không hề hay biết, bao gồm cả những trường cấm các nhà nghiên cứu nhận tiền của Huawei.

Những tiết lộ này đã dẫn đến một cuộc điều tra của Quốc hội Hoa Kỳ, khiến Hiệp hội Quang học quyết định hoàn trả số tiền mà Huawei đã đầu tư vào chương trình.

Theo thông tin, quan hệ hợp tác này đã giúp Huawei duy trì hiệu quả các kênh hợp tác với các nhà khoa học hàng đầu của Mỹ. Ví dụ, theo cuộc điều tra mới nhất của Bloomberg, trong cuộc thi của Hiệp hội Quang học, ít nhất 3 trong số 6 nhà nghiên cứu người Mỹ được Huawei bí mật tài trợ thì cùng thời gian đó đã nhận được tài trợ của Lầu Năm Góc.

Cuộc gặp kín

Vào ngày 4/4, một nhân viên của Hiệp hội Quang học Mỹ đã theo chính sách báo cáo của tổ chức gửi một phản ánh đến Cố vấn pháp lý trưởng của tổ chức, cho hay bà Rogan được cho là đã đến thăm trụ sở Huawei một cách “bí mật”, theo đó lo ngại về việc tài trợ từ Huawei ảnh hưởng vấn đề lựa chọn các nhà khoa học nào sẽ tham gia cuộc thi. Người tố cáo cũng cho biết cuộc thi đang được đề cập có thể gây nguy hiểm cho công việc do Chính phủ Mỹ tài trợ, bao gồm cả công việc được Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng Mỹ (DARPA) hỗ trợ.

“Tôi nghi rằng nghiên cứu được tài trợ bởi DARPA và các cơ quan khác, cũng như các bằng sáng chế mà Chính phủ Mỹ có một số quyền nhất định, đã được cố ý xuất khẩu sang Huawei và do đó rơi vào tay nhà cầm quyền Trung Quốc”, đơn khiếu nại nêu rõ, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Người phát ngôn của Hiệp hội Quang học cho biết tuyên bố này là “hoàn toàn không chính xác”, rằng Hiệp hội chưa bao giờ cung cấp kết quả nghiên cứu cho Huawei của Trung Quốc hoặc bất kỳ tổ chức Chính phủ Trung Quốc nào. Trong một lưu ý nội bộ gửi nhân viên vào ngày 3/6, bà Rogan cho biết tập đoàn đang “tích cực xem xét các chính sách để đảm bảo tính thực tiễn cao nhất và tính minh bạch tối đa”.

Một phát ngôn viên của Huawei cho biết, mục đích tài trợ của Huawei cho cuộc thi nghiên cứu của Hiệp hội Quang học là nhằm “thúc đẩy các nhà khoa học trẻ, khuyến khích trao đổi học thuật, và thúc đẩy chia sẻ kiến ​​thức toàn cầu”.

Tuy nhiên Bloomberg cho rằng đối với Hiệp hội Quang học ở Washington là tổ chức xuất bản tạp chí khoa học có ảnh hưởng hàng thế kỷ, việc hợp tác với một công ty hàng đầu Trung Quốc (Huawei) giúp họ có được chỗ đứng tại một khu vực quan trọng, ngay cả trong bối cảnh xung đột Mỹ – Trung ngày càng leo thang. Hiệp hội Quang học Mỹ ngày càng quan tâm đến Trung Quốc – nơi được coi là thị trường lớn thứ hai sau Mỹ và có nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Chất bán dẫn

Vấn đề đáng lo ngại là nghiên cứu do 24.000 thành viên của Hiệp hội Quang học Mỹ thực hiện liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm như chất bán dẫn – chiến trường then chốt trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ, trong đó Huawei đóng vai trò quan trọng.

Chỉ vài tháng trước chuyến thăm của Giám đốc điều hành Hiệp hội Quang học Rogan tới trụ sở của Huawei, vào tháng Tám Huawei đã công bố mẫu điện thoại thông minh mới được trang bị chip 7 nanomet – trong khi kiểm soát xuất khẩu của Mỹ được cho là sẽ ngăn chặn sự phát triển loại chip này (ở Trung Quốc). Động thái công bố của Huawei vào ngay thời điểm chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo – quan chức Mỹ chịu trách nhiệm kiểm soát xuất khẩu – được cho là một chiêu khiêu khích.

Bà Rogan xuất thân là một kế toán, nhậm chức Giám đốc điều hành của Hiệp hội Quang học từ năm 2002, vị trí trước đó là trợ lý giám đốc tài chính của Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật John F. Kennedy. Ban đầu bà Rogan nói với Bloomberg rằng một số nhà tài trợ muốn giấu tên, nói rằng cách tiếp cận này không có gì sai.

Tuy nhiên, trong một lá thư ngày 6/6 gửi ban quản trị Hiệp hội Quang học, bà Rogan cho biết rằng nguồn tài trợ của Huawei “chuyển sự chú ý ra khỏi sứ mệnh của chương trình là hỗ trợ các chuyên gia khởi nghiệp sớm”, và rằng Hiệp hội sẽ trả lại tiền cho Huawei.

Theo giới chuyên gia kiểm soát xuất khẩu, thỏa thuận tài trợ có thể không vi phạm các quy định của Bộ Thương mại Mỹ cấm chia sẻ công nghệ với Huawei, vì quy tắc đó không áp dụng đối với các thành quả khoa học được công bố công khai.

Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu về an ninh cho rằng thỏa thuận này ảnh hưởng tiêu cực đối với các chính sách của Chính phủ và các trường đại học Mỹ – những chính sách nhằm đảm bảo tính minh bạch về cách các nhà khoa học được tài trợ để bảo vệ an ninh quốc gia và tiền đóng thuế của người Mỹ.

Khoản tài trợ ngầm của Huawei đã dẫn đến việc một số người chiến thắng trong cuộc thi – như vậy đã vô tình vi phạm lệnh cấm nhận tiền từ Huawei của nhà trường. Vấn đề cũng dẫn đến việc một số người nộp đơn xin các quỹ liên bang như trợ cấp của Lầu Năm Góc không thể tiết lộ chính xác cho nhà chức trách Mỹ về nguồn hỗ trợ tài chính của họ, do đó ảnh hưởng đến các quyết định tài trợ của chính phủ.

Theo ông Paul Moore, mặc dù Hiệp hội Quang học cho biết họ sẽ trả lại tiền của Huawei, nhưng các công tố viên vẫn có thể buộc tội tổ chức này theo Đạo luật Tuyên bố Sai (False Claims Act) khiến các nhà nghiên cứu thông tin không đúng cho Chính phủ Mỹ về nguồn tài trợ. Moore từng là cố vấn điều tra trưởng của Bộ Giáo dục Mỹ về nguồn tài trợ nước ngoài không được tiết lộ trong giáo dục đại học.

Trong một lá thư gửi bà Rogan vào ngày 16/5, các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Khoa học, Không gian và Công nghệ Hạ viện Mỹ nói rằng việc Hiệp hội trước đó không tiết lộ sự tham gia của Huawei trong cuộc thi là kết quả của sự thiếu hiểu biết trắng trợn về an toàn nghiên cứu khoa học, nếu không thì là “cố tình rửa tiền từ Huawei để nâng cao tình hình tài chính của Tổ chức Hiệp hội Quang học một cách kín đáo”.

Trước những cáo buộc và chỉ trích, người phát ngôn của Hiệp hội quang học (Optica) phản hồi, “Tin rằng chúng tôi đã hành động đúng đắn và có thiện chí trong việc xử lý các khoản tiền của Huawei”.

Nhà khoa học nhận tiền từ hai phía

Bloomberg dẫn cảnh báo từ các bên liên quan cho biết, không loại trừ khả năng Huawei bí mật đồng thời tài trợ cho một số nhà khoa học tham gia dự án quan trọng mà Lầu Năm Góc và các cơ quan khác của Mỹ chọn tài trợ. Đó là những nhà khoa học đã được chọn tham gia vào dự án như: Phát triển chip máy tính dựa trên ánh sáng của Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA), nghiên cứu phát thải nhiệt của Phòng Vũ khí và Chiến tranh Hải quân – Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ, và dự án nghiên cứu hệ thống thị giác máy tính dựa trên trí tuệ nhân tạo – một phần của nhóm nghiên cứu được tài trợ bởi Đạo luật Khoa học và CHIPS năm 2022 và Dự án ​​Chất bán dẫn của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ.

Một phát ngôn viên của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ cho biết, mặc dù không thể bình luận về các trường hợp riêng lẻ, nhưng “chúng tôi nhận thấy rằng có những cơ hội để lôi kéo các nhà nghiên cứu và tổ chức Mỹ vào những tình huống mà họ có thể vô tình không tuân thủ các yêu cầu của liên bang. Quỹ Khoa học Quốc gia sẽ tiếp tục theo dõi và giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng xấu từ nước ngoài không phù hợp đối với khoa học Mỹ”.

Thông tin cũng tiết lộ rằng kể từ khi bắt đầu cuộc thi của Hiệp hội Quang học vào năm 2022 đến nay, có hai nhà khoa học trẻ thuộc Khoa Kỹ thuật Werner tại Đại học Nam California thông qua cuộc thi đã giành được quỹ nghiên cứu do Huawei cung cấp. Đại học Nam California công bố vào tháng Tư rằng nhóm của họ đã nhận được tài trợ từ Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến để phát triển chip điện toán dựa trên ánh sáng – đây là một phần của dự án kéo dài 4 năm do Lầu Năm Góc tài trợ.

Theo RFI

Published by
Theo RFI

Recent Posts

Thủ tướng Orban của Hungary tới Kyiv họp bàn với Tổng thống Zelensky

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đến Kyiv vào thứ Ba (2/7) để họp với…

12 phút ago

Úc: Hàng trăm phụ huynh ủng hộ phong trào ngăn trẻ em sử dụng điện thoại thông minh

Một chiến dịch mới khuyến khích phụ huynh ngăn chặn con cái họ tiếp cận…

45 phút ago

Nguyên tắc giáo dục của bà mẹ Mỹ có con gái lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 18

Trong môi trường giáo dục có tính cạnh tranh cao hiện nay, kinh nghiệm nuôi…

4 giờ ago

Tay vợt trẻ Trung Quốc đột tử trên sân đấu, đồn đoán về vắc-xin lại nổi lên

Tay vợt đơn người Trung Quốc bất ngờ ngã xuống đất và co giật dữ…

4 giờ ago

Ninh Bình cần chi ít nhất 6,5 tỷ đồng/tháng cho tổ an ninh trật tự cơ sở

Với gần 1.700 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở, tổng…

5 giờ ago

Ngân hàng Thế giới: Nga trở thành quốc gia có “thu nhập cao”

Bảng xếp hạng thu nhập quốc dân hàng năm của Ngân hàng Thế giới (World…

6 giờ ago