Thế Giới

Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan tham gia vào hệ thống LHQ và các diễn đàn quốc tế khác

Sau một vòng thảo luận khác tại Đài Bắc, Hoa Kỳ nhắc lại sự ủng hộ của mình về việc mở rộng sự tham gia của Đài Loan vào hệ thống Liên Hợp Quốc (LHQ) và các diễn đàn quốc tế khác.

Dân biểu Hoa Kỳ Young Kim (Đảng Cộng hoà, California) (ở giữa). (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Trong một thông cáo báo chí hôm 22/6, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Chuyên môn đẳng cấp thế giới của Đài Loan mang đến giá trị gia tăng đáng kể trong việc giải quyết những thách thức cấp bách nhất hiện nay, bao gồm sức khỏe công cộng quốc tế, an ninh lương thực, an toàn hàng không, và biến đổi khí hậu.”

Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: “Những người tham gia thảo luận của Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với việc tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào hệ thống LHQ and cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.”

Các cuộc thảo luận, có tên gọi chính thức Cuộc họp Nhóm Công tác Hoa Kỳ – Đài Loan về các Tổ chức Quốc tế, bao gồm các đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Ngoại giao Đài Loan. Cuộc họp do Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT), đại sứ quán trên thực tế của Hoa Kỳ tại Đài Bắc, và Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hoa Kỳ (TECRO), đại sứ quán trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ, đồng tổ chức. 

Một số cuộc thảo luận tương tự đã được tổ chức kể từ năm 2021, khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra một thông báo khuyến khích các quốc gia thành viên LHQ cùng với Hoa Kỳ “ủng hộ sự tham gia mạnh mẽ có ý nghĩa của Đài Loan vào hệ thống LHQ và cộng đồng quốc tế.”

Đài Loan đã bị loại khỏi nhiều tổ chức quốc tế do sự phản đối của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bởi vì Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan tự trị là một trong các tỉnh của mình. Tuy nhiên, trên thực tế ĐCSTQ chưa bao giờ cai trị đảo quốc này. Đài Loan là một quốc gia độc lập trên thực tế với các quan chức được bầu một cách dân chủ cùng với hiến pháp, tiền tệ, và quân đội riêng của chính mình.

Cộng hòa Trung Hoa Dân quốc (ROC), tên chính thức của Đài Loan, đã giữ ghế đại diện cho Trung Quốc tại LHQ cho đến ngày 25/10/1971, khi Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết trao chiếc ghế này cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do ĐCSTQ lãnh đạo.

Trong thông cáo báo chí tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý: “Sự ủng hộ của chúng tôi đối với việc tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào các diễn đàn quốc tế là phù hợp với chính sách một Trung Quốc của chúng tôi, được hướng dẫn bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, ba Thông cáo Chung, và Sáu Đảm bảo.”

Hoa Kỳ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan vào năm 1979 để ủng hộ Trung Quốc cộng sản. Tuy nhiên, trên thực tế Washington và Đài Bắc vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ dựa trên Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, một đạo luật cho phép Hoa Kỳ cung cấp cho đảo quốc này các thiết bị quân sự để tự vệ.

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết, cuộc họp hôm thứ Sáu (21/6) giữa Hoa Kỳ và Đài Loan đã thành công, bởi vì hai bên đã có “các cuộc thảo luận thực chất mang tính xây dựng” và đồng ý “tiếp tục hợp tác với nhau một cách chặt chẽ.” Bộ này nhắc lại việc Đài Loan mong muốn được tham gia vào Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

Đài Loan đã tham gia vào đại hội đồng của WHO (WHA) với tư cách quan sát viên dưới thời chính quyền của Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou), một thành viên của Quốc dân Đảng (KMT) thân Trung Quốc.

ĐCSTQ bắt đầu ngăn chặn Đài Loan tham gia WHA vào năm 2017, năm mà bà Thái Anh Văn, một thành viên của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) có quan điểm chống ĐCSTQ, giành chiến thắng đầu tiên trong cuộc bầu cử tổng thống của Đài Loan. Bà Thái đã nắm giữ chức vị tổng thống Đài Loan trong hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Hồi tháng Năm, Ngoại trưởng Blinken đã đưa ra một thông báo kêu gọi WHO khôi phục lại lời mời Đài Loan tham gia WHA, viện dẫn rằng việc đảo quốc này “tiếp tục bị loại khỏi diễn đàn y tế toàn cầu ưu việt này sẽ làm suy yếu sự hợp tác và an ninh y tế công cộng toàn cầu bao trùm này.”

Bất chấp lời kêu gọi của Ngoại trưởng Blinken và các nhà lập pháp châu Âu, WHO vẫn quyết định không mời Đài Loan tham gia WHA.

Hồi tháng Một, Hạ viên Mỹ đã thông qua dự luật “Đạo luật Không phân biệt đối xử với Đài Loan (H.R. 540)”, trong đó yêu cầu Hoa Kỳ hỗ trợ để Đài Loan được nhận vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với tư cách một thành viên. Dự luật này do Dân biểu Đảng Cộng hòa Young Kim cùng với Dân biểu Đảng Dân chủ Al Green đồng bảo trợ và đưa ra vào tháng 1/2023.

Khi giới thiệu dự luật này tại Hạ viện, nữ dân biểu Đảng Cộng hòa nhấn mạnh: “Là nền kinh tế lớn thứ 21 trên thế giới và là đối tác thương mại hàng hóa lớn lớn thứ 10 của Hoa Kỳ, Đài Loan xứng đáng có một ghế tại IMF.”

Bà Kim giải thích: “Đã quá lâu rồi, các quyền tự do của Đài Loan đã bị đàn áp và tiếng nói đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bịt miệng. Đạo luận Không phân biệt đối xử với Đài Loan sẽ giúp khắc phục sai lầm này và đảm bảo tiếng nói của Đài Loan sẽ được lắng nghe trong các quyết định tài chính quốc tế.”

Gia Huy

Published by
Gia Huy

Recent Posts

EU chọn Thủ tướng Estonia làm đại diện đối ngoại cấp cao

EU đã chính thức đề cử Thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas thay thế ông…

45 giây ago

Những điểm đáng chú ý trong cuộc tranh biện tổng thống 2024 Biden-Trump

Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã trình bày tầm nhìn…

13 phút ago

Tổng trị giá xuất khẩu cả nước tính đến 15/6, doanh nghiệp FDI chiếm 72%

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng…

56 phút ago

LHQ và Đức cảnh báo tình hình nguy hiểm trong cuộc chiến Israel – Hezbollah

Xung đột giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon gần đây không ngừng gia tăng, người…

2 giờ ago

‘Xe điên’ tông chết người ở Vũng Tàu: Nữ tài xế có nồng độ cồn vượt khung

Nữ tài xế trong vụ "xe điên" ở TP. Vũng Tàu tối 27/6 có độ…

2 giờ ago

Cử tri các bang chiến trường tin tưởng ông Trump hơn trong việc bảo vệ nền dân chủ

Khảo sát của Washington Post cho thấy đa số cử tri ở các bang chiến…

2 giờ ago