Categories: Thời sựViệt Nam

Buýt nhanh BRT Hà Nội: Thêm lãng phí hơn 15 tỷ đồng, sai phạm hơn 43,5 tỷ đồng

Thanh tra Chính phủ Việt Nam vừa công bố tổng tiền sai phạm tại Hợp phần I – xe buýt nhanh BRT thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội là hơn 43,5 tỷ đồng. Hồi tháng 4/2021, Sở GTVT Hà Nội đưa ra số liệu tài chính cho thấy qua 4 năm thí điểm, doanh thu từ dự án qua mỗi năm lại sụt giảm hàng tỷ đồng. 

Thông tin kết luận về dự án được Thanh tra Chính phủ đưa ra trong “Thông báo kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay, việc chuyển đổi, chuyển nhượng, nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại thành phố Hà Nội (giai đoạn 2003-2016)”.

Một chiếc xe buýt nhanh BRT trên làn đường riêng, vào năm đầu tiên thí điểm mô hình, tháng 1/2017. (Ảnh: MinhHue/Shutterstock)

Làm lại mặt đường còn tốt, gây tổn thất hơn 15 tỷ đồng

Theo Kết luận thanh tra, trong Hợp phần I – Xe buýt nhanh BRT, tại các gói thầu BRT CP04a (xây dựng đường trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến Khuất Duy Tiến) và gói thầu BRT CP4b (xây dựng đường trạm xe buýt từ Khuất Duy Tiến – bến xe Yên Nghĩa), chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khi lập bước thiết kế đường đã thay thế mặt đường bê tông nhựa bằng mặt đường bê tông xi măng.

Trong khi đó, Công ty cổ phần tư vấn Việt Delta nhận định các tuyến đường này đều “cường độ mặt đường tốt” tại hồ sơ báo cáo khảo sát mặt đường dự án ngày 25/2/2009. Việc thay thế mặt đường đã gây lãng phí ngân sách nhà nước hơn 15 tỷ đồng.

Về việc đấu thầu, trong gói thầu 04/BRT-TB (BRT CP08) – đoàn xe BRT, chủ đầu tư thực hiện một số thủ tục chưa tuân thủ theo mẫu hồ sơ mời thầu và hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới như: Không lập dự toán Nhóm A và B theo nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước; lấy báo giá xe nhập khẩu nguyên chiếc để làm căn cứ mời thầu cho cả 3 nhóm A, B và C (nhóm xe nhập khẩu).

Vì vậy, Thanh tra Chính phủ cho rằng không có căn cứ để so sánh các nhóm với nhau trong việc lựa chọn nhà thầu.

Phần bổ sung các thiết bị vào gói thầu CP08 có tổng giá trị trên 17,6 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư không tổ chức đấu thầu mà ký hợp đồng bổ sung với nhà thầu là vi phạm Điều 22 Luật Đấu thầu và Điều 101 Luật Xây dựng về điều kiện được chỉ định thầu.

Sai phạm từ mua xe buýt, giá vật liệu… đến giải thể công trường

Theo công bố, về kinh tế, hợp phần I – xe buýt nhanh BRT thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội sai phạm hơn 43,5 tỷ đồng.

Trong đó, tại gói thầu 04/BRT-TB (BRT CP08): 42,4 tỷ đồng sai phạm do Công ty Cổ phần Thiên Thành An xuất bán cho chủ đầu tư 35 xe buýt BRT, giá trị chênh lệch tăng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện; 206,83 triệu đồng sai phạm về đơn giá dịch vụ kiểm tra xe (mục chi phí tiền ăn, thuê xe…) do chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu vượt so với hợp đồng đã ký, không đúng quy định.

Tại gói thầu 01d/BRT-XL (BRT CP4d), số tiền sai 625,91 triệu đồng, bao gồm: áp đơn giá vật liệu sai thời điểm, làm tăng giá trị 79,6 triệu đồng; thiếu sót trong lập, thẩm tra và phê duyệt dự toán điều chỉnh trạm biến áp làm tăng chi phí phần vỏ máy và vận chuyên máy phát điện không đúng 26,48 triệu đồng; 102,59 triệu đồng tiền đắp cát K95; 417,24 triệu đồng tiền không thực hiện bu lông, kích dầu.

Ngoài ra là 332,38 triệu đồng sai phạm của khoản chi phí huy động, giải thể công trường trong dự toán 7 gói thầu xây lắp (BRT CP4a, CP4b, CP4c, CP4d, CP4e, CP4f, CP4k) do lập không đúng quy định.

Tổng sai phạm kinh tế tại dự án là 43.565.120.000 đồng (hơn 43,5 tỷ đồng).

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ giao UBND TP Hà Nội xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thống nhất với nhà tài trợ để thu hồi số tiền theo kết luận thanh tra.

“Nếu liên danh Công ty Cổ phần Thiên Thành An và Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải không thực hiện thì UBND TP. Hà Nội chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”, cơ quan này nêu trong kết luận thanh tra.

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ đã giao UBND TP Hà Nội thực hiện theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, không để xảy ra khiếu kiện quốc tế. Trường hợp xảy ra khiếu kiện quốc tế thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội, cơ quan liên quan giải quyết theo quy định.

Ùn tắc và lấn làn, giao thông xung đột lớn trên các tuyến đường thí điểm mô hình BRT, tháng 1/2017. (Ảnh: MinhHue/Shutterstock)

Chiếm 1/3 lòng đường nhưng chỉ đạt 44,3% công suất thiết kế

Đánh giá về hiệu quả đầu tư tại dự án BRT, Thanh tra Chính phủ cho hay việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích để khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện vận tải công cộng, như các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ chưa thuận tiện cho sử dụng, một số nhà chờ chưa có cầu vượt đi bộ, cầu vượt đi bộ chưa hỗ trợ cho người khuyết tật.

Xe buýt BRT được phân làn đường riêng, chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có, nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, xung đột rất lớn với hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách bình quân của tuyến xe buýt nhanh BRT đạt 39,9 người/lượt, mới chỉ đạt 44,3% so với công suất thiết kế là 90 người/lượt; lượng khách bình quân giờ cao điểm cũng chỉ đạt 69,7/90 người/lượt, đạt 75,4% công suất.

“Mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi…”, Thanh tra Chính phủ đưa ra kết luận vào năm thứ 5 thí điểm mô hình.

Xe buýt BRT là một trong 3 hợp phần thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng), từ nguồn vay ODA của Ngân hàng Thế giới.

Dù vấp phải nhiều ý kiến góp ý, cảnh báo về thất bại của loại hình này, tuyến BRT 01 Kim Mã – Yên Nghĩa – tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội vẫn được khởi công xây dựng từ năm 2013, khai thác thương mại từ năm 2017, với tổng chiều dài khoảng 14,7km, chiều rộng mặt đường dành riêng là khoảng 3,75m với 21 nhà chờ.

Tháng 4/2021, Sở GTVT Hà Nội cho biết tổng hành khách vận chuyển năm 2018 đạt 5,3 triệu lượt, tăng 6,3% so với năm 2017; sản lượng năm 2019 đạt 5,5 triệu lượt, tăng 3,7% so với thực hiện cùng kỳ năm 2018. Đến năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), sản lượng 5,35 triệu lượt hành khách, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Trên thực tế, chỉ hơn một năm thí điểm, tháng 3/2018, giới chức Sở GTVT Hà Nội tuyên bố dừng triển khai tuyến buýt nhanh BRT 02 Kim Mã- Hòa Lạc như dự định, gián tiếp thừa nhận thất bại của BRT 01 Kim Mã – Yên Nghĩa.

Sơn Nguyên

Xem thêm:

Sơn Nguyên

Published by
Sơn Nguyên

Recent Posts

Nguồn gốc tên gọi các địa danh ở miền Trung, Tây Nguyên (P1)

Nguồn gốc tên gọi các tỉnh miền Trung là từ tiếng người Chăm, Thượng; hoặc…

1 giờ ago

Litva ủng hộ việc gửi quân NATO tới Ukraine

NATO có thể thành lập một liên minh gồm các huấn luyện quân sự để…

1 giờ ago

Mấy kỷ niệm về một đoạn đời sau tháng 4.1975 (Kỳ kết)

Vào những tháng cuối năm 1977, có một bất ngờ vượt lên trên mọi bất…

1 giờ ago

Trước ngày 13/5, nhiều học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại dã man

Sắp đến "Ngày 13/5" (Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới), Đảng Cộng sản Trung…

1 giờ ago

Chuyện hài hước về nguồn gốc cái tên “sầu riêng” ở xứ ta

Trái Sầu Riêng kể ra rất bổ tuy cái vị nó bùi, nhưng mùi nó…

1 giờ ago

Đạo trị quốc của cổ nhân: Khoan thứ bao dung

Bao dung, nhường nhịn là một khí phách phi phàm, là một tấm lòng bao…

2 giờ ago