Vài giai thoại về tể tướng Nguyễn Văn Giai

Nguyễn Văn Giai là một vị tể tướng thời Lê Trung Hưng, nổi tiếng thanh liêm, công cao khiến Chúa phải kiêng nể.

Vào thế kỷ 16, thôn Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) có khóa sinh nghèo là Nguyễn Văn Củng. Dòng dõi gia đình ông vốn nhiều đời đỗ đạt, như Trạng nguyên Nguyễn Văn Long, Bảng nhãn Nguyễn Văn Quý, Thám hoa Nguyễn Văn Cẩn, Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Văn Lâm. Nhưng đến đời Nguyễn Văn Củng thì rất nghèo khó.

Nguyễn Văn Củng có cậu con trai là Nguyễn Văn Giai. Theo sách “Thiên Lộc huyện chí” thì Nguyễn Văn Giai 5 tuổi đã biết chữ nghĩa, 9 tuổi biết làm văn, 15 tuổi biết viết bài phú.

Mối duyên kỳ lạ

Gia cảnh nghèo khó nên thuở nhỏ, cậu bé Nguyễn Văn Giai phải đi xin ăn, ban đêm mới có thời gian đọc sách. Lớn lên một chút có sức khỏe thì Nguyễn Văn Giai làm nhiều việc khó nhọc để có tiền mua giấy bút, theo học một người thầy cùng làng.

Một hôm gánh thuê về, trời nắng nóng, ông xuống ao trước cửa nhà thầy học để tắm. Quần áo để trên bờ chẳng may bị ai đó lấy mất khiến ông cứ ngâm mình dưới nước mãi không dám lên.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Bên kia ao là nhà của một Giám sinh, có cô con gái ra ao giặt đồ nhưng thấy ông thì liền quay vào. Trở ra trở lại mấy lần đều thấy Nguyễn Văn Giai, cô gái hiểu chuyện liền để lại trên bờ tấm vải. Nhờ đó Nguyễn Văn Giai mới có thể lên bờ về nhà.

Năm 1579, nhà Lê Trung Hưng mở khoa thi ở Thanh Hóa. Bấy giờ kinh thành Thăng Long bị nhà Mạc chiếm giữ. Trong kỳ thi Hương, Nguyễn Văn Giai đỗ đầu tức Giải nguyên. Vào năm sau tổ chức thi Hội, ông lại đỗ đầu tức Hội nguyên, vào đến thi Đình ông lại đỗ đầu và trở thành Tam nguyên đầu tiên của nhà Lê Trung Hưng.

Sau khi thi đỗ Nguyễn Văn Giai đến nhà Giám sinh nọ xin hỏi cô gái làm vợ, đồng thời kể lại câu chuyện ngày xưa. Giám sinh đồng ý gả con gái cho ông.

Nguyễn Văn Giai lập công lớn và trở thành Tể tướng đầu triều

Nguyễn Văn Giai được chúa Trịnh Tùng cho làm Tán ký lục trong quân đội. Ông tham mưu kế sách giúp vua Lê chúa Trịnh chiếm được kinh thành Thăng Long vào năm 1592. Sau đó ông giữ chức Đề hình Giám sát Ngự sử.

Năm 1608, Nguyễn Văn Giai được thăng làm Đô Ngự Sử. Nhờ góp công lớn trong việc bang giao với nhà Minh và đánh nhà Mạc ở Cao Bằng, ông được phong chức Tham tụng (tương đương Tể Tướng), Thượng thư bộ Lại, nắm việc cả sáu Bộ kiêm Đô ngự sử, hàm Thiếu bảo, tước Lễ quận công, được xem là người có công lao đứng đầu lúc bấy giờ.

Năm 1623 chúa Trịnh Tùng ốm nặng, con thứ là Trịnh Xuân gây biến. Nguyễn Văn Giai lập công lớn khi bày mưu cho nhà Chúa dẹp yên loạn lạc, lại góp công lớn đánh nhà Mạc ở Cao Bằng, được phong Thái Bảo.

Phủ chúa Trịnh thế kỷ 17. (Tranh: Samuel Baron, Royal Society Collection, Wikipedia, Public Domain)

Nhận thấy chúa Trịnh lấn át vua Lê, ông đã đề xuất lập ra phủ Thừa tướng cạnh phủ Chúa, mục đích chính là ngầm bảo vệ vua Lê.

Nguyễn Văn Giai làm quan rất thanh liêm, nên nhà Chúa cũng phải kiêng nể, trong gia phả còn chi lại lời ông răn dạy triều thần:

“Ta giữ việc triều chính cốt cho liêm chính, không nhận hối lộ của bất kỳ ai. Người có tài đức thì phải biết trọng dụng; ai có lỗi lầm phải biết lựa lời can ngăn; ai oan uổng phải biết cứu xét phân minh cẩn trọng và bênh vực; kẻ nghèo khó phải ra tay giúp đỡ. Không nên làm những điều bất chính để tích trữ vàng ngọc làm giàu; phải biết tu nhân tích đức cho đời sau con cháu vậy.”

Bỏ món ăn ưa thích để tránh bị lợi dụng

Dưới thời chúa Trịnh Tùng, có vị Quận Mã là con rể của Chúa đánh giặc nhưng lại bỏ chạy. Nguyễn Văn Giai theo luật định liền bắt vị Quận Mã này giam vào ngục chờ ngày xử tử.

Chúa Trịnh thương con rể nhưng cũng không biết phải làm thế nào. Quận Chúa (vợ của Quận Mã) muốn cứu chồng nhưng biết Tể tướng làm quan thanh liêm chính trực, không có cách nào thuyết phục được, nên mang vàng bạc nhờ vợ của ông nói giúp.

Vợ ông không nhận, nói rằng chồng mình tính liêm khiết, rất ghét của đút lót. Nhưng thấy Quận Chúa nài nỉ mãi, lại thương cảnh phụ nữ sắp phải chịu cảnh góa bụa, liền nói Quận Chúa sáng mai đưa mâm xôi nếp cái, một con lợn nhỏ luộc chín đến để mình tìm cách nói giúp.

Sáng hôm sau người vợ cố tình làm bữa sáng muộn, khiến Nguyễn Văn Giai phải vội vào Triều cho kịp buổi chầu mà không kịp ăn sáng. Ở nhà vợ ông chuẩn bị sẵn xôi thịt lợn cùng tương dấm đúng theo kiểu chồng thích.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Đến trưa tan buổi chầu, Nguyễn Văn Giai về nhà thấy có sẵn mâm xôi thịt lợn, đúng món mình thích thì ngồi ăn luôn. Ăn xong ông mới hỏi thì được vợ đáp là của Quận Chúa mang sang. Ông giận lắm, nhưng lỡ ăn của Quận Chúa mà không tha cho Quận Mã thì không phải, mà muốn trả lại cũng không được vì lỡ ăn rồi. Ông thầm nghĩ phải chăng Quận Mã chưa đến số chết, đành vào phủ Chúa xin tha chết cho Quận Mã, chúa Trịnh mừng lắm cho thi hành ngay.

Từ đó Nguyễn Văn Giai luôn cẩn trọng, thấy món nào lạ là ông hỏi ngay nguồn gốc mới dám ăn.

Nguyễn Văn Giai mất năm 1628 khi đang tại chức, thọ 75 tuổi, triều đình phong cho ông là Đại Tư Đồ, thụy là Cẩn Độ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Dùng ma túy, 5 cầu thủ CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị khởi tố

5 cầu thủ CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị khởi tố gồm 2 Tiền vệ,…

8 giờ ago

Hàng trăm công nhân tại Vĩnh Phúc phải cấp cứu, nghi ngộ độc

Hơn 350 công nhân làm việc tại một công ty ở TP. Vĩnh Yên, Vĩnh…

8 giờ ago

Sai phạm của cựu Bí thư TP.HCM ‘gây hậu quả rất nghiêm trọng’

Ông Lê Thanh Hải bị xác định thiếu trách nhiệm để xảy ra nhiều sai…

9 giờ ago

Báo cáo về việc chính quyền Trung Quốc đàn áp du học sinh xuyên biên giới

Một báo cáo điều tra do Tổ chức Ân xá Quốc tế chỉ ra ĐCSTQ…

10 giờ ago

TQ: Hàng ngàn người bao vây phản đối “mẹ của thị trưởng”, nhiều người bị bắt

Ngày 12/5 trên mạng lan truyền tin, hàng ngàn người dân ở Thành Đô, tỉnh…

11 giờ ago

Những sai lầm phổ biến này sẽ biến tủ lạnh thành “kho thuốc độc”

Hội đồng Y tế Toàn cầu đã tiến hành một cuộc khảo sát về vệ…

14 giờ ago