Vũ Phạm Hàm: Vị Tam nguyên Thám hoa cuối cùng trong lịch sử

Giai thoại người làng Đôn Thư, làng Chuông cùng cuốn “Mộng Hồ gia tập” đều có kể về Vũ Phạm Hàm, ông là vị Tam nguyên Thám hoa cuối cùng trong lịch sử khoa bảng của nước ta.

Tài năng từ nhỏ

Vào thời nhà Nguyễn, ở làng Chuông ngay phía dưới làng Đôn Thư (thuộc huyện Thanh Oai, Hà Đông, Hà Nội ngày nay) có hai vợ chồng nhà thầy đồ họ Vũ Phạm hay chữ nhưng nghèo. Người chồng dạy học, còn người vợ làm ruộng lại thêm làm nón vốn là nghề truyền thống của làng Chuông và làng Đôn Thư.

Năm 1864, hai vợ chồng có được cậu con trai đặt tên làm Vũ Phạm Hàm. Năm lên 3 tuổi, Phạm Hàm thường nghe cha giảng cho các học trò, năm lên 4 tuổi cậu bé đã xin mẹ cho đến làng Kim Bài để theo học với thầy. Hai vợ chồng định đợi con lớn lên một chút mới cho đi học, nhưng đứa bé nói rằng “Chữ bố dạy cho các anh, con đều thuộc cả rồi”. Người cha kiểm tra thử thì quả nhiên đúng, hai vợ chồng liền cho con theo học ở làng Kim Bài. Thầy giáo thấy đứa bé dù còn nhỏ nhưng mặt mày sáng sủa lại ứng đáp trôi chảy liền đồng ý cho nhập trường ngay.

Nhờ học giỏi lại có tài ứng đối mau lẹ nên Phạm Hàm được thầy quý lắm, năm 6 tuổi thì thầy đi đâu cũng cho theo.

Một lần thầy có người bạn là quan Ngự sử Lê Văn Xuân người làng Kim Lâm, từ Kinh đô Huế về thăm nhà. Thầy liền cùng Phạm Hàm đến chơi, cũng là có ý gửi gắm quan để được học trường Quốc tử giám Huế. Quan Ngự sử đoán đây chắc là trò cưng của bạn mình liền thử tài câu đối: “Phên đan mắt cáo, mèo chui lọt ”. Phạm Hàm đối lại: “Đó dóc lòng tôm, tép nhảy qua”.

Nhờ sự giới thiệu của quan Ngự sử Lê Văn Xuân mà cậu bé Phạm Hàm được học tại trường Quốc tử giám Huế. Việc học hành ngày càng tấn tới, năm 13 tuổi Vũ Phạm Hàm đã đăng ký đi thi Hương, tuy nhiên vì còn quá nhỏ nên trường không lấy đỗ.

Tam nguyên Thám hoa cuối cùng trong lịch sử

Sau đấy Vũ Phạm Hàm có việc phải về nhà với cha mẹ, nên phải đến năm 1884 khi 20 tuổi ông mới thi Hương và lần này đỗ đầu tức Giải nguyên.

Năm 26 tuổi, ông dự thi Hội, nhưng năm ấy các sĩ tử phá trường thi nên kết quả bị Triều đình hủy bỏ. Đến khoa thi năm 1892 thời vua Thành Thái, ông đăng ký thi Hội và đỗ đầu tức Hội nguyên. Vào đến thi Đình ông lại đỗ đầu. Đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình nên Vũ Phạm Hàm trở thành Tam nguyên.

Tuy nhiên do khoa thi này không lấy Trạng nguyên hay Bảng Nhãn, nên Vũ Phạm Hàm chỉ được chấm đỗ Thám hoa. Vũ Phạm Hàm là vị Tam nguyên cuối cùng và cũng là Thám hoa cuối cùng trong lịch sử khoa bảng nước ta. Từ đó Vũ Phạm Hàm thường được gọi là Tam nguyên Thám hoa, hay Thám Hàm.

Việc Vũ Phạm Hàm đạt được kỳ tích này khiến tờ “Đồng văn” nhật báo thời đấy đã đăng rằng: “Vũ quân kỳ khôi tinh giáng thế”, nghĩa là “ông Vũ phải chăng là sao khôi giáng thế?”.

Khoa thi của Vũ Phạm Hàm lấy đỗ 9 tiến sĩ, 7 phó bảng. Ngoài Vũ Phạm Hàm đỗ Thám hoa ra còn có 2 danh sĩ nổi tiếng khác nữa là Nguyễn Thượng Hiền và Chu Mạnh Trinh.

Sau khi thi đỗ, Phạm Hàm được cử làm Giáo thụ ở phủ Kiến Thụy (Thái Bình ngày nay), Đốc học, năm 1901 làm Án sát ở Sơn Tây, sau đó ông cáo quan về quê dạy học cho đến lúc mất. Khi làm thầy giáo ông rất thanh bạch, làm quan thì thanh liêm. Giới sĩ phu cùng các môn sinh thời đấy rất ngưỡng mộ tài năng và đức độ của ông.

Thời kỳ của Vũ Phạm Hàm đất nước đầy biến động, nhà Nguyễn suy yếu trước người Pháp, các cuộc khởi nghĩa của dân chúng dần bị dập tắt, thời gian làm quan của Vũ Phạm Hàm cũng chủ yếu là dạy học. Ông sáng tác nhiều thơ văn, nhiều tác phẩm của ông được đánh giá cao. Về thơ có: Kinh sử thi tập, Tập Đường thuật hoài, Mộng Hồ gia tập, Thư trì thi tập… Văn có: Thám hoa văn tập, Cầu Đơ tỉnh nhân phú, Hà kiều thành phú, Nhị Kiều khán binh thư phú.

Mộ Vũ Phạm Hàm tại Đôn Thư (Thanh Oai). (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Vũ Phạm Hàm mất vào năm 1906, mộ của ông được đặt tại làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Khi làm Đốc học ở Hà Nội, Vũ Phạm Hàm làm cho cả báo “quán Đồng Văn”, báo này có liên quan đến phong trào yêu nước là Duy Tân và Đông kinh nghĩa thục. Vì đây là những tổ chức hoạt động bí mật do người Pháp theo dõi bắt bớ người yêu nước rất gắt gao, nên cũng không rõ ông có tham gia vào tổ chức nào hay không.

Ngày nay ở đền Trung Liệt – Thái Hà (Đống Đa – Hà Nội) vẫn còn lưu lại đôi câu đối thể hiện tinh thần của ông:

Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa
Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự cộng thanh thiên.

Nghĩa là:

Này thành quách, này giang sơn, trăm trận phong trần còn dư thước đất
Làm trăng sao, làm sông núi, mười năm tâm sự chung một bầu trời.

Đôi câu đối của Vũ Phạm Hàm vẫn còn trước cửa đền Kiếp Bạc. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Hay trước cửa đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo Vương vẫn còn đó đôi câu đối hào khí của Vũ Phạm Hàm:

Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
萬 劫 有 山 皆 劍 氣
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh
六 頭 無 水 不 秋 聲

Đến nay vẫn chưa có ai hiểu hết ý nghĩa câu đối này dù đã có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra, câu này chỉ có thể tạm dịch là:

Núi Vạn Kiếp đâu đâu cũng có tiếng gươm đao,
Sông Lục Đầu không ngọn sóng nào không có tiếng trống trận.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng
Tags: khoa bảng

Recent Posts

Bình luận: Putin thăm Trung Quốc và quan hệ Trung Quốc, Nga – Mỹ, châu Âu, Nhật Bản

Nhu cầu cấp bách hơn của ông Putin trong chuyến thăm Trung Quốc là gì?…

4 giờ ago

Phòng đuối nước mùa nắng nóng: Biết bơi thôi chưa đủ

Trẻ em cần được trang bị nhiều kỹ năng để vui chơi an toàn, đồng…

6 giờ ago

Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber được chỉ định thay cố Tổng thống Raisi

Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber hôm thứ Hai (20/5) đã được Lãnh…

6 giờ ago

Đầu cơ vàng, đầu cơ đất đai ‘lũng đoạn’ nền kinh tế

Lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường…

7 giờ ago

Tân Tổng thống Đài Loan kêu gọi Trung Quốc chấm dứt động thái đe dọa

Thứ Hai (20/5), trong bài phát biểu nhậm chức của mình, tân Tổng thống Đài…

7 giờ ago

Bàn về hôn nhân truyền thống: Sự trân trọng và lòng trung thành gắn kết nhân duyên

Thời xa xưa, con người xem hôn nhân là một nghi thức thiêng liêng, vợ…

9 giờ ago