Categories: Kiến thứcVideo

Top 5 trận hải chiến lớn nhất lịch sử Đại chiến thế giới lần thứ hai

Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc xung đột lớn nhất và chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại. Cuộc đại chiến toàn cầu này liên quan đến phần lớn các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới thời bấy giờ; đồng thời có sự tham gia trực tiếp của hơn 100 triệu người từ hơn 30 quốc gia. 

Những mặt trận khốc liệt được mở khắp trên bộ, trên không và trên biển; và trên thực tế, thì Thế chiến II được ghi nhận là có một số trận hải chiến lớn nhất trong lịch sử nhân loại, bao gồm Trận chiến Đại Tây Dương – một chiến dịch quân sự trải dài trong khoảng thời gian hơn 5 năm 8 tháng, cho đến khi quân Đức hoàn toàn bị đánh bại vào năm 1945. 

Tuy vậy, ngay cả khi được mô tả là cuộc giao tranh hải quân “dài nhất, lớn nhất và phức tạp nhất” trong lịch sử, một số chuyên gia vẫn cho rằng Trận chiến Đại Tây Dương thực tế là một loạt trận chiến diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau. 

Còn xét về các cuộc giao tranh trực diện theo kiểu “truyền thống” hơn, thì những trận chiến sau đây mới đứng đầu danh sách các trận hải chiến lớn nhất trong toàn bộ Thế chiến lần thứ hai.

Thứ nhất: Trận chiến Mũi Matapan (27–29 tháng 3 năm 1941) – Nhấn chìm tham vọng bá chủ của Ý tại Địa Trung Hải.

Trận chiến Mũi Matapan được cho là một trong những cuộc giao tranh hải quân lớn nhất từ ​​trước đến nay ở vùng biển Địa Trung Hải. Đây là cuộc chiến giữa một bên là Hải quân Hoàng gia Vương quốc Anh với sự hỗ trợ của Hải quân Hoàng gia Úc, và một bên là Hải quân Regia Marina của Vương quốc Ý. 

Thực chất nó là câu trả lời cho việc ai sẽ là kẻ bá chủ Địa Trung Hải vào năm 1941!? Anh hay là Italy?

Nhà độc tài Benito Mussolini có thể đã mơ về việc xây dựng một Đế chế La Mã mới, biến Địa Trung Hải thành cái hồ La Mã của Ý một lần nữa khi gọi nơi này là “vùng biển của chúng ta”; tuy vậy thì cuối cùng đó là một giấc mơ đã không thành hiện thực. 

Vào thời điểm bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, người Anh đã duy trì quyền kiểm soát eo biển Gibraltar và kênh đào Suez; đồng thời có một lực lượng đặc nhiệm hùng hậu đóng tại đảo quốc Malta. 

Trong khi đó thì Hitler của Đức Quốc xã lại không thể điều động bất kỳ tàu chiến mặt nước nào ở Địa Trung Hải để hỗ trợ đồng minh Mussolini của ông ta, điều đó buộc nước Ý phải hành động đơn độc ở vùng biển này. 

Tháng 3 năm 1941, một đội tàu của phe Đồng minh bao gồm: một tàu sân bay, ba thiết giáp hạm, bảy tuần dương hạm hạng nhẹ và 17 khu trục hạm đã giao tranh với hạm đội Ý bao gồm kỳ hạm mới được đóng, thiết giáp hạm hiện đại Vittorio Veneto, cùng sự tham gia của sáu tàu tuần dương hạng nặng, hai tàu tuần dương hạng nhẹ và 13 tàu khu trục. 

Quân đội của Hitler đã cảnh báo không chính xác cho quân Ý rằng, người Anh chỉ có duy nhất một thiết giáp hạm hoạt động và không có tàu sân bay nào. Và điều tồi tệ hơn nữa đối với Hải quân của Mussolini, đó là Hải quân Anh đã chặn được liên lạc của Ý và tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ tại ngoài khơi Mũi Matapan, miền nam Hi Lạp. 

Kết quả sau 3 ngày giao tranh: Năm tàu ​​của Ý đã bị đánh chìm và hai chiếc khác bị hư hỏng nặng. Khoảng 2.300 quân Ý bị giết, cùng 1.015 người khác bị bắt. Về phía phe Đồng minh, chỉ có ba thủy thủ thiệt mạng, cùng với 4 trong số các tàu tuần dương bị hư hại. 

Trận Mũi Matapan là chiến thắng lớn cho Hải quân Hoàng gia Anh và một thất bại hoàn toàn của Hải quân Ý và phe Trục; đồng thời mở đầu cho một loạt các trận hải chiến quy mô và khốc liệt hơn nữa; lần này là trên mặt trận Thái Bình Dương.

Thứ hai: Trận chiến biển San Hô (4-8 tháng 5 năm 1942) – Chiến thắng mà như chiến bại của Nhật Bản.

Trận hải chiến này được gọi là màn dạo đầu cho một cuộc giao tranh quan trọng hơn rất nhiều sẽ diễn ra một tháng sau đó: trận Midway lừng danh. Tuy nhiên, Trận chiến Biển San hô vẫn đáng chú ý ở chỗ, đây là trận chiến đầu tiên trong lịch sử hải quân mà tàu chiến của hai bên chưa bao giờ thực sự nhìn thấy nhau. 

Đây cũng là lần đầu tiên các tàu sân bay giao chiến và là nơi hầu hết các cuộc giao tranh được tiến hành trên không.

Trận biển San Hô diễn ra tại vùng biển giữa Úc, New Guinea và quần đảo Solomon thuộc Thái Bình Dương, với sự tham gia của khoảng 27 tàu từ Hải quân Hoa Kỳ; và phía bên kia là 53 tàu của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, Cũng cần lưu ý rằng, đã không có thiết giáp hạm nào tham gia vào cuộc giao tranh này. Vậy mà bên nào cũng sẵn sàng chiến đấu. 

Khoảng 650 quân Mỹ đã thiệt mạng sau cuộc giao tranh, trong khi con số đó về phía Nhật Bản là hơn 900 quân.

Hải quân Mỹ thiệt hại nặng hơn, mất 3 tàu, bao gồm hàng không mẫu hạm USS Lexington, trong khi USS Yorktown cũng bị hư hại nặng. Người Nhật chỉ mất một tàu sân bay hạng nhẹ duy nhất là Shōkaku  – tuy nhiên trận chiến này đã phá hủy lượng lớn máy bay của họ, lên đến 92 chiếc trong số 127 chiếc tham gia trận chiến, nhiều đến nỗi tàu sân bay thứ ba Zuikaku của quân Nhật đã mất toàn bộ không đoàn. 

Về kết quả của trận chiến, Đế quốc Nhật Bản sau đó đã buộc phải ngừng cuộc xâm lược Papua New Guinea; đồng thời đối với Tokyo, trận chiến Biển san hô là một Chiến thắng kiểu Pyrros theo nghĩa chân thực nhất; nghĩa là một thắng lợi gây ra những tổn thất khủng khiếp ở phe chiến thắng mà chính vì vậy, tương đương với thất bại.

Còn đối với người Mỹ, họ đã có được một số lợi thế trước trận đánh quyết định sau đó 1 tháng tại chiến trường Thái Bình Dương – Trận Midway.

Thứ 3: Trận Midway (4-7 tháng 6 năm 1942) – Trận Hải chiến lừng danh nhất Thế chiến II.

Trận Midway đã là chủ đề của ít nhất hai bộ phim điện ảnh lớn, hàng chục cuốn sách và hàng nghìn bài báo. 

Trận chiến lừng danh này thường được xem là một bước ngoặt quan trọng tại chiến trường Thái Bình Dương; và điều đó hết sức hợp lý. 

Hải quân Hoa Kỳ đã bắt đầu cuộc giao tranh với hạm đội gồm ba tàu sân bay, bảy tàu tuần dương hạng nặng, một tàu tuần dương hạng nhẹ và 15 khu trục hạm; trong khi Hải quân Nhật Bản bắt đầu với hạm đội gồm bốn tàu sân bay, hai thiết giáp hạm, hai tàu tuần dương hạng nặng, một tàu tuần dương hạng nhẹ và 12 tàu khu trục.

Trong trận Midway, mưu mẹo đã đóng một vai trò quan trọng quyết định đối với Hải quân Hoa Kỳ. Những nhà phân tích mật mã của Washington đã bắt đầu phá mã liên lạc của Nhật Bản từ đầu năm 1942 và biết được trước nhiều tuần rằng, quân đội Nhật đang lên kế hoạch tấn công ở Thái Bình Dương tại một địa điểm mà họ gọi là “AF”. 

Các quan chức Mỹ nghi ngờ đó chính là đảo Midway và quyết định giăng một cái bẫy bằng cách thử gửi một thông điệp sai từ căn cứ, báo đi rằng Midway đang thiếu nước ngọt trầm trọng. Ngay sau đó, các nhà khai thác vô tuyến của Nhật Bản đã gửi cho hạm đội Nhật ở Thái Bình Dương một tin nhắn có nội dung tương tự về “AF”; điều đó đã giúp người Mỹ đủ cơ sở để xác nhận vị trí cuộc tấn công đang được Tokyo nhắm đến: “AF” chính xác là đảo Midway. 

Vậy là, khi Hải quân Nhật Bản tấn công vào Midway thì Hải quân Mỹ đã bố trí sẵn sàng lực lượng ở đó. 

Ngoài ra, người Nhật cũng phạm thêm sai lầm khi cho rằng hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Yorktown sẽ không thể hoạt động tại Midway, do đã bị hư hại trong Trận chiến Biển San hô trước đó. Nhưng trên thực tế, chiếc tàu sân bay này đã được sửa chữa chỉ trong hai ngày tại Xưởng hải quân Trân Châu Cảng, và sau đó được đưa ngay vào trận chiến.

Khi khói tan sau ba ngày giao tranh, Hải quân Hoa Kỳ cuối cùng cũng đã mất Yorktown vĩnh viễn cùng một tàu khu trục khác; nhưng Hải quân Nhật thì đã chứng kiến ​​bốn tàu sân bay cỡ lớn và một tàu tuần dương hạng nặng bị đánh chìm. Lực lượng Hoa Kỳ mất khoảng một nửa – khoảng 150 – máy bay, trong khi Nhật Bản mất tất cả 248 máy bay; và quan trọng hơn đó là mất đi các phi công giàu kinh nghiệm nhất của họ. 

Trận Midway không phải là một trận đấu loại trực tiếp, nhưng đó vẫn là một trận thua cực kỳ nặng nề đối với Hải quân Nhật Bản.

Thứ 4: Trận chiến Biển Philippines (19–20 tháng 6 năm 1944). Cuộc bắn gà tây vĩ đại ở quần đảo Mariana. 

Ngay cả sau khi thất bại trong Trận Midway hai năm trước đó, Hải quân Đế quốc Nhật Bản vẫn còn là một lực lượng chiến đấu thực sự – và hạm đội tàu sân bay của Tokyo vẫn được coi là một mối đe dọa đáng kể. 

Nhưng điều đó không còn đúng nữa sau Trận chiến Biển Philippines, vì cuộc giao tranh này về cơ bản đã loại bỏ khả năng tiến hành các hoạt động tác chiến trên tàu sân bay quy mô lớn của quân Nhật.

Trận chiến Biển Philippines là hoạt động tác chiến hàng không mẫu hạm lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai, và Hải quân Hoa Kỳ có lợi thế khi tham chiến với hạm đội bảy tàu sân bay cỡ lớn, cùng tám tàu ​​sân bay cỡ nhỏ, bảy thiết giáp hạm và hơn 100 tàu khác. Hải quân Nhật có ba tàu sân bay cỡ lớn, cùng sáu tàu sân bay cỡ nhỏ và năm thiết giáp hạm. 

Vào cuối trận giao tranh, một thiết giáp hạm Hoa Kỳ bị hư hại; còn về phía Nhật Bản có 2 tàu sân bay cỡ lớn và 1 tàu sân bay cỡ nhỏ bị đánh chìm.  

Với tỷ lệ tổn thất chênh lệch nghiêm trọng do phi công và pháo thủ phòng không Mỹ gây ra cho máy bay Nhật Bản, cuộc chiến trên không của trận giao tranh này được gọi là “Cuộc bắn gà vĩ đại ở quần đảo Mariana”. 

Ước tính phía Nhật có từ 550–645 máy bay bị phá hủy và 2.987 lính thiệt mạng, trong khi con số về phía Hoa Kỳ là 123 máy bay bị phá hủy và 109 lính tử vong. 

Nhưng cũng như các trận chiến khác, quân đội Nhật Bản đã giấu kín mức độ tổn thất này trước công chúng trong nước.

Thứ 5: Trận chiến Vịnh Leyte  (23-26 tháng 10 năm 1944) – Trận hải chiến lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Thường được coi là trận hải chiến lớn nhất trong lịch sử, mặc dù vẫn còn có một số tranh cãi, Trận chiến Vịnh Leyte diễn ra vào cuối tháng 10 năm 1944 ngoài khơi bờ biển Philippines, gần các đảo Leyte, Samar và Luzon. 

Gần 200.000 người, hàng trăm tàu chiến, tàu sân bay, thiết giáp hạm, tuần dương hạm và hàng ngàn máy bay đã tham gia vào trận đánh vĩ đại trải ra trên vùng biển rộng khoảng 100.000 dặm vuông. 

Trận chiến Vịnh Leyte là trận chiến đầu tiên mà máy bay Nhật Bản thực hiện các cuộc tấn công kamikaze có tổ chức; đồng thời cũng là trận hải chiến cuối cùng giữa các thiết giáp hạm trong lịch sử. 

Không bao giờ có bất kỳ cuộc giao tranh trên biển nào lại chứng kiến nhiều chiến hạm lớn đến như vậy.

Trận chiến Vịnh Leyte cũng đáng chú ý ở chỗ, nó có sự tham gia của Hạm đội Ba và Bảy của Hải quân Hoa Kỳ, bao gồm khoảng tám tàu ​​sân bay cỡ lớn, tám tàu ​​sân bay cỡ nhỏ cùng với 18 tàu sân bay hộ tống và một chục thiết giáp hạm. 

Sau 4 ngày giao tranh, các lực lượng phe Đồng minh cuối cùng đã giành được một chiến thắng quyết định trước Hải quân Nhật Bản, với cái giá phải trả là hơn 3.000 người thương vong. Thiệt hại về phía Nhật được ghi nhận còn lớn hơn rất nhiều; với 12.500 thương vong cùng một tàu sân bay cỡ lớn, ba tàu sân bay cỡ nhỏ và ba thiết giáp hạm bị phá hủy. 

Xét về con số thống kê, có thể dễ dàng nhận thấy tại sao Trận chiến Vịnh Leyte  tuyệt đối được coi là trận hải chiến lớn nhất trong lịch sử; cho dù một số nhà sử học vẫn tranh cãi rằng, cuộc giao tranh này thực sự là sự kết hợp của bốn trận chiến phụ lớn diễn ra cùng một lúc.  

Tuy vậy, bất kể thế nào thì Trận chiến Vịnh Leyte vẫn là cú đấm nốc-ao dành cho Hải quân Đế quốc Nhật Bản! Quân đội Nhật sau đó đã không bao giờ có thể ra khơi với lực lượng tương đương được nữa, vì lực lượng này bị mắc cạn vì thiếu nhiên liệu trong các căn cứ của họ trong suốt phần còn lại của Thế chiến.

Phong Vân (t/h)

Phong Vân

Published by
Phong Vân

Recent Posts

Thăm dò: số lượng người Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù ngày càng tăng

Theo một cuộc thăm dò mới do Pew thực hiện gần đây, đại đa số…

18 phút ago

Thêm một người tố cáo Boeing đột ngột qua đời, trường hợp thứ hai sau 2 tháng

Một người tố cáo Boeing đột ngột qua đời hôm thứ Ba (30/4) ở tuổi…

59 phút ago

Microsoft đầu tư 2,2 tỷ USD vào AI tại Malaysia

Ngày 2/5/2024, CEO Microsoft thông báo sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD vào AI tại…

1 giờ ago

Tài liệu tòa án chống độc quyền: Năm 2022 Google trả cho Apple 20 tỷ USD

Các tài liệu của tòa án chống độc quyền của Hoa Kỳ cho thấy, theo…

1 giờ ago

Nắng nóng khiến khoảng cách học tập giữa trẻ em trên toàn thế giới ngày lớn

Khoảng cách học tập giữa trẻ em trên khắp thế giới tiếp tục gia tăng…

1 giờ ago

Solomon: Quan chức ngoại giao thân Bắc Kinh chiến thắng tranh chức thủ tướng

Ngoại trưởng Solomon thân ĐCSTQ đã chiến thắng trong cuộc tranh chức thủ tướng trước…

1 giờ ago