Trung Quốc đã có được vũ khí hạt nhân như thế nào?

Mùa thu, mùa xử trảm năm 1964, toàn bộ sự chú ý của giới lãnh đạo Trung Quốc đổ dồn hết cả vào Khâu Tiểu Thư.

Tình báo Mỹ và Đài Loan cũng cực kỳ lo ngại với những bằng chứng cho thấy, cô Khâu đã thực sự xuất hiện ở vùng sa mạc Tân Cương.

Khi ấy, cô đang ngồi bên bàn trang điểm, đợi tết cho xong bím tóc.

Tiền đặt cược của Trung Quốc vào lần “trang điểm” này của cô là rất cao: nếu có bất cứ điều gì không đúng xảy đến với “bím tóc”, đó sẽ là một sự xấu hổ lớn cho tập đoàn cai trị ở Bắc Kinh.

Mặc dù vậy, “bím tóc” của Khâu Tiểu Thư cuối cùng đã được tết xong, đúng như kế hoạch.

Vào lúc 3 giờ chiều, giờ Trung Quốc, cô Khâu phát nổ trong một tia sáng chói mắt, sau đó là một đám mây hình nấm to khủng khiếp bay thốc lên bầu trời phía đông Tân Cương.

Có lẽ không cần phải giải thích thêm, “Cô Khâu” hay “Khâu Tiểu Thư” không phải là một người phụ nữ.

Đó là tên mã quả bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc.

Trên đỉnh một tòa tháp cao 102 mét (được gọi là “bàn trang điểm”) tại bãi thử La Bố Bạc, Tân Cương, nó đã được kích hoạt bởi một ngòi nổ (gọi là “bím tóc”) vào ngày 16 tháng 10 năm 1964.

Thời gian gần đây, vùng đất Tân Cương xa xôi đã thường xuyên trở thành một điểm nóng dư luận quốc tế, trong bối cảnh xuất hiện dồn dập các báo cáo về những hành động tàn bạo của nhà nước Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và những sắc tộc thiểu số khác trong khu vực. Sự việc đã khiến bóng đen tiếp tục phủ dày thêm lên hồ sơ nhân quyền vốn đã tồi tệ và lên các mối quan hệ đối ngoại toàn cầu của Bắc Kinh.

Tuy vậy gần 60 năm trước, Tân Cương cũng đã từng thu hút sự chú ý của toàn thế giới, khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trở thành quốc gia thứ 5 toàn cầu chính thức sở hữu vũ khí hạt nhân, với việc cho “Khâu Tiểu Thư” phát nổ tại bãi La Bố Bạc.

Lãnh tụ ĐCSTQ Mao Trạch Đông đã công bố tham vọng hạt nhân của ông ta vào năm 1955, chỉ vài năm sau khi cướp được chính quyền và đưa quân tham chiến tại Triều Tiên. Bối cảnh cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1954-1955 đã khiến Mao tin rằng, nếu không nắm được bom hạt nhân trong tay, chế độ mới mà ông ta xác lập trên mảnh đất Trung Hoa sẽ không thể tiếp tục tồn tại.

Bởi vậy, Mao đã tiếp cận Liên Xô để tìm kiếm sự giúp đỡ; và chương trình hạt nhân của Trung Quốc được bắt đầu vào đúng thời điểm đỉnh cao của sự hợp tác Trung-Xô.

Một thỏa thuận toàn diện giữa hai quốc gia, được ký kết vào ngày 15 tháng 10 năm 1957, đã hứa hẹn một loạt những hợp tác, bao gồm – ít nhất là theo cách hiểu của Mao – cam kết chuyển giao một đầu đạn hạt nhân nguyên mẫu và phương án chi tiết về cách sản xuất một đầu đạn này.

Liên Xô tham gia trợ giúp tất cả các khía cạnh của chương trình, từ làm giàu uranium cho đến thiết kế vũ khí hay thăm dò quặng mỏ; các bước được nối tiếp nhau hết sức nhanh chóng.

Nhưng rồi sự hợp tác sau đó đã tan vỡ cùng với mối quan hệ Trung-Xô.

Lãnh đạo ĐCS Liên Xô khi ấy là Nikita Khrushchev đã nhìn sang Mao Trạch Đông một cách ngờ vực. Ông ta thấy rằng hành động của Bắc Kinh trong các cuộc xung đột với Ấn Độ và Đài Loan là quá khiêu khích và liều lĩnh.

Trung Quốc thì khó chịu với sự lạnh nhạt của Moscow trong việc hỗ trợ dập tắt các cuộc nổi dậy của người Tây Tạng vào năm 1959 và việc Đức Đạt Lai Lạt Ma chạy sang Ấn Độ.

Liên Xô sau đó đã từ chối hỗ trợ Bắc Kinh trong Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962.

Đồng thời, Khrushchev khi ấy có khuynh hướng chuyển sự tập trung vào các mối quan tâm trong nước và tương lai chính trị của bản thân, cũng như thể hiện một tư thế ít thù địch hơn với phương Tây tự do.

Vào tháng 6 năm 1959, Liên Xô chính thức hủy bỏ viện trợ cho chương trình hạt nhân của Trung Quốc, rút lại việc giao một quả bom nguyên mẫu cùng hơn 1.400 cố vấn và kỹ thuật viên người Nga đang tham gia vào 200 dự án khoa học ở Trung Quốc.

Điều này thúc đẩy Bắc Kinh, trong cơn giận dữ, quyết tâm tự phát triển bom hạt nhân của riêng mình, và đổi tên dự án thành “596”; lấy thời gian tháng 6 năm 1959 làm tên gọi.

Thực ra, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị trước.

Ngay cả nhận hỗ trợ toàn diện từ Liên Xô, Mao Trạch Đông vẫn âm thầm cho đẩy mạnh một chương trình song song để phát triển vũ khí nguyên tử, phòng hờ trước cho tình huống “lật kèo” của Moscow. Chương trình này sau cùng đã dẫn đến sự xuất hiện của Khâu Tiểu Thư 5 năm sau đó.

Tuy nhiên, những thách thức mà các nhà hoạch định hạt nhân của Trung Quốc phải đối mặt khi ấy là rất to lớn.

Một số khó khăn mang tính kỹ thuật, vì các thiết bị của Liên Xô mới chỉ được lắp ráp một phần; và nhà máy làm giàu uranium theo công nghệ khuếch tán khí ở Lan Châu, tỉnh Cam Túc đã bị bỏ dở dang khi Moscow rút người về nước.

Các nhóm chuyên gia Trung Quốc đã phải tập hợp lại, theo đúng nghĩa đen, để chia nhỏ và mổ xẻ các tài liệu của Liên Xô nhằm tìm manh mối về quá trình này.

Tuy vậy, những thách thức không chỉ là vấn đề kỹ thuật và không phải lúc nào cũng đến từ bên ngoài.

Thời điểm Liên Xô rút viện trợ diễn ra đồng thời với chiến dịch Đại Nhảy Vọt thảm khốc, đã đẩy phần lớn mảnh đất Trung Hoa vào nạn đói tang thương và hỗn loạn.

Quyết định dành nguồn lực khổng lồ cho vũ khí công nghệ cao trong khi hàng chục triệu người đang chết đói, điều đó thể hiện đầy đủ cả sự tập trung hết sức vào mục tiêu của chế độ và sự nhẫn tâm bỏ rơi cuộc sống của người dân.

Việc xây dựng bãi thử hạt nhân La Bố Bạc bắt đầu vào ngày 1 tháng 4 năm 1960, với sự tham gia của hàng chục nghìn lao động và tù nhân trong những điều kiện khắc nghiệt. Phải mất bốn năm để hoàn thành.

La Bố Bạc sau đó đã trải qua quá trình mở rộng, và cho đến nay nó là bãi thử vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, với diện tích khoảng 100.000 km vuông.

Tốc độ phát triển bom của Trung Quốc đã khiến các nhà quan sát thế giới ngạc nhiên.

Các tài liệu hiện có trong Kho lưu trữ An ninh Quốc gia tại Đại học George Washington tiết lộ rằng các nhà phân tích Mỹ, Liên Xô và Đài Loan khi ấy đã phản ứng với thái độ báo động trước nguy cơ Trung Quốc rõ ràng đã nắm được khả năng hạt nhân.

Vài tháng trước khi Trung Quốc cho nổ “Khâu Tiểu Thư”, chính phủ Đài Loan đã kêu gọi và thúc giục Hoa Kỳ dưới thời Lyndon B. Johnson hành động chống lại các địa điểm hạt nhân của Bắc Kinh, nhằm ngăn chặn sự phát triển của vũ khí nguyên tử. Nhưng đã không có cuộc không kích nào diễn ra.

Vào đêm trước vụ thử nghiệm tại La Bố Bạc, để đảm bảo bí mật liên lạc giữa bãi thử hạt nhân và Bắc Kinh, các nhân viên Trung Quốc đã đưa ra một bộ mật mã.

Quả bom trong vụ thử hạt nhân đầu tiên có hình cầu. Trong tiếng Trung Quốc, từ “quả cầu” và “khâu” có cách phát âm giống nhau, nên quả bom được gọi là “Khâu Tiểu Thư”. Tháp đặt bom gọi là “bàn trang điểm”, ngòi nổ gọi là “bím tóc”; quá trình lắp ráp bom gọi là “diện trang phục”, quả bom trong xưởng lắp ráp gọi là “sống trong phòng”, mã thời tiết gọi là “huyết áp” và thời gian phát nổ gọi là “giờ Không”.

Sau khi hoàn thành vụ thử bom, chính quyền Mao Trạch Đông đã nhanh chóng công bố nó với thế giới trong một tuyên bố, bao gồm:

  • ·     Trung Quốc đã cho nổ một quả bom nguyên tử vào lúc 15:00 giờ [Giờ Trung Quốc] vào ngày 16 tháng 10 năm 1964, và do đó đã tiến hành thành công vụ thử hạt nhân đầu tiên của mình.
  • ·     Đây là một thành tựu lớn của nhân dân Trung Quốc trong cuộc đấu tranh nâng cao khả năng bảo vệ Tổ quốc và phản đối chính sách tống tiền và đe dọa hạt nhân của đế quốc Mỹ.

Sau vụ thử bom của Bắc Kinh, và sau đó vài năm là loạt các vụ thử tên lửa đạn đạo và bom khinh khí khác, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đã phải tranh nhau đánh giá địa hình chiến lược mới.

Mặc dù Mao Trạch Đông rất nổi tiếng với tuyên bố rằng, bom nguyên tử chỉ là những “con hổ giấy mà bọn phản động Mỹ dùng để hù dọa người dân”; trên thực tế thì chiến lược hạt nhân của Mao dường như đã đạt được mục tiêu chính là răn đe, không chỉ với Mỹ, mà còn là nhắm cả vào Liên Xô.

Trong cuốn sách Active Defense 2019, sử gia Taylor Fravel nhận định rằng chiến lược hạt nhân của Bắc Kinh là một điểm khác biệt kỳ lạ. Trong khi chiến lược quân sự thông thường ở Trung Quốc đã phát triển theo thời gian, thì chiến lược hạt nhân của nước này lại không thay đổi nhiều kể từ năm 1964.

Ông Fravel viết, đó là bởi vì chiến lược hạt nhân chưa bao giờ được giao cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc [PLA], mà chủ yếu vẫn được xác định bởi “quan điểm về vũ khí hạt nhân” của các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ; nói cách khác, nó nằm trong tay các nhà độc tài Bắc Kinh.

Những nhà lãnh đạo này coi công dụng của vũ khí hạt nhân được giới hạn trong việc ngăn chặn các cuộc đe dọa hoặc tấn công hạt nhân; chiến lược hạt nhân của Trung Quốc không được tích hợp với chiến lược quân sự thông thường và vẫn tập trung vào việc đạt được sự trả đũa đảm bảo.

Trong bối cảnh các cuộc tranh luận đang ngày một gia tăng về số phận của Đài Loan; bóng ma chiến tranh đang trở thành một đề tài nóng bỏng.

Không cần bàn cãi, thực tế là cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều sở hữu năng lực hạt nhân khiến cuộc xung đột này có dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng. Mặc dù vậy, những nhà phân tích khác có thể lập luận rằng, chính khả năng răn đe hạt nhân đã đạt được chính xác mục tiêu và ngăn chặn chiến tranh được phát động.

Trong khi đó, bản thân chính địa điểm thử nghiệm hạt nhân ở Tân Cương đã để lại những ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc và lâu dài.

Nhà vật lý Nhật Bản Jun Takada và bác sĩ Enver Tohti, người Duy Ngô Nhĩ, đã thành lập một dự án ở Sapporo, Nhật Bản, để đo đạc những ảnh hưởng đến sức khỏe con người của các vụ thử bom hạt nhân ở Tân Cương.

Trả lời phỏng vấn trên tờ Scientific American, ông Takada cho rằng, khoảng 200.000 người ở Tân Cương có thể đã chết vì các cuộc thử nghiệm được thực hiện ở đó, và liều lượng bức xạ cao nhất ở Tân Cương đã vượt quá liều lượng bức xạ trên nóc lò phản ứng Chernobyl trong thảm họa năm 1986.

Trong khi đó bác sĩ Tohti, người đã mô tả một tuần trời “mưa bụi” do bụi phóng xạ hạt nhân ở Tân Cương, đã ước tính rằng tỷ lệ ung thư ở khu vực này cao hơn 30-35% so với tỷ lệ trung bình quốc gia của CHND Trung Hoa.

Vụ thử hạt nhân cuối cùng của Trung Quốc được tiến hành vào năm 1996, chỉ vài tháng trước khi Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện được mở ký.

Phong Vân (t/h)

  • Video có tham khảo nội dung từ bài viết The story of China’s first atomic bomb của James Carter, đăng trên supchina.com

Phong Vân

Published by
Phong Vân

Recent Posts

Ông Pompeo gửi hồi ký tới Đại sứ quán Trung Quốc, để “chuyển cho ông Tập”

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết đã gửi một số bản sao cuốn…

10 phút ago

Tư lệnh Mỹ: ĐCSTQ theo đuổi chiến lược “luộc ếch trong nước ấm”

Ông John C. Aquilino cho biết trong Trung Quốc theo đuổi chiến lược “luộc ếch…

18 phút ago

Những công dụng bất ngờ của các loại chuối

Với hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào, chuối là loại trái cây phổ biến…

5 giờ ago

Ngày 27-28/4, 44 người chết vì tai nạn giao thông

Theo Cục CSGT, trong 2 ngày 27-28/4, Việt Nam xảy ra 131 vụ tai nạn…

8 giờ ago

Elon Musk bất ngờ tới thăm Bắc Kinh, hội kiến Thủ tướng Lý Cường

Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk đã có chuyến thăm không báo trước tới…

8 giờ ago

FBI đã nhận danh sách hơn 80.000 người liên quan tới cuộc đàn áp Pháp Luân Công

Tháng 4/2024, WOIPFG đã đệ trình “danh sách một số người bị nghi ngờ tham…

8 giờ ago