Kiến thức

Nạn đói Nga 1921-1923 và chiến dịch cứu trợ vĩ đại của người Mỹ

Từ lâu, trong ấn tượng của nhiều người, nước Nga và phương Tây, bao gồm Hoa Kỳ dường như luôn ở thế thù địch. Với nước Nga thời Liên Xô, đó là sự đối đầu của phe cộng sản và các nước thế giới tự do, dẫn đầu là nước Mỹ. Khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Nga và Đông Âu, trải qua hơn 30 năm, câu chuyện một lần nữa lại trở nên phức tạp với cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Ukraine.

Nhưng câu chuyện giữa nước Nga và nước Mỹ không chỉ có vậy. Tròn một thế kỷ trước, đã có một câu chuyện vĩ đại và cảm động sâu sắc được kể lại về lòng nhân đạo và tình thương giữa người dân Hoa Kỳ và người dân Nga Xô Viết.

Đó là câu chuyện về Heber Hoover và chiến dịch cứu trợ lương thực do ông tổ chức đã kịp thời cứu sống hàng triệu người Nga trong nạn đói khủng khiếp kéo dài từ năm 1921-1923.

Nạn đói này ước tính đã giết chết khoảng 5-6 triệu người Nga Xô viết, chủ yếu tại khu vực sông Volga và sông Ural; và Heber Hoover, người thường bị chỉ trích vì nhiệm kỳ Tổng thống đầu thời kỳ Đại suy thoái tại Mỹ, nhưng lại được các nhà viết tiểu sử ghi nhận rằng đã cứu được nhiều mạng sống hơn bất kỳ ai.

Nhưng thế giới dường như đã không còn nhớ nhiều đến nạn đói bithảm này, hay về tổ chức từ thiện của Mỹ đã làm dịu nó. Nhà sử học Bertrand Patenaude, một nhà nghiên cứu tại Viện Hoover, cho biết phản ứng điển hình của người Mỹ đối với khoảnh khắc lịch sử đáng kinh ngạc ấy là: “Tại sao tôi chưa từng nghe về điều này?”

Ông Patenaude đã quyết định lấy câu chuyện ra khỏi sự lãng quên từ Kho lưu trữ của Viện Hoover, nơi chứa những tài sản khổng lồ của Cơ quan Cứu trợ Hoa Kỳ (ARA). Nhà sử học tại viện Hoover cũng dựa vào các album gia đình, nhật ký và thư từ của các nhân viên ARA và gia đình họ để một lần nữa làm câu chuyện xưa sống động trở lại.

Herbert Hoover, nhân vật của câu chuyện này, nhập học Stanford năm 1891 và tốt nghiệp ngành địa chất năm 1895, trở thành kỹ sư khai thác mỏ và làm việc tại nhiều nơi trên khắp thế giới.

Hơn một thập kỷ trước khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông Hoover đã giúp tổ chức cứu trợ cho 7 triệu người Bỉ sống dưới sự chiếm đóng của Đức.

Khi chiến tranh kết thúc, Hoover được lựa chọn đứng đầu Cơ quan cứu trợ Hoa Kỳ (ARA), thúc đẩy hoạt động cứu trợ hàng chục triệu người tại 21 quốc gia bị chiến tranh tàn phá; khởi đầu tại châu Âu, và sau đó đến nước Nga Xô viết.

Nhóm ARA không có được sự chuẩn bị trước cho những gì họ phải đối mặt tại quốc gia lớn nhất thế giới thời bấy giờ.

Liên Xô có hệ thống giao thông hỗn loạn, khí hậu nghiệt ngã, và mức độ kinh hoàng của thảm họa lơ lửng đang đe dọa 16 triệu người trong nguy cơ chết đói. Thêm vào đó, chính quyền Bolshevik lo lắng về “thế lực thù địch”, đã phái mật vụ theo dõi các nhân viên cứu trợ Hoa Kỳ.

Nạn đói càng thảm khốc hơn do chính sách trưng thu ngũ cốc hàng loạt của nhà nước cộng sản trong những năm trước, khiến nông dân giảm mạnh sản lượng trồng trọt; đem tuồn bán ở thị trường chợ đen.

Vào mùa đông năm 1921, khoảng 100.000 người dân Nga được ước tính đã chết vì đói mỗi tuần. Họ ăn tất cả những gì có thể: vỏ cây, đất sét, cỏ dại lẫn với đất, chuột bọ và rơm rạ.

Chính quyền Xô viết phải nỗ lực ngăn chặn nạn trao đổi thịt người và bố trí lính canh tại các nghĩa trang để ngăn chặn việc cướp phá.

Ông William Shafroth, con trai của thống đốc Colorado, một thành viên phái bộ cứu trợ ARA kể lại việc đến thăm một trại trẻ mồ côi tại vùng Kazan bên sông Volga, và nhìn thấy những đứa trẻ bị chấy rận đang “túm tụm lại thành từng đám nhỏ như bầy hải cẩu.”

Hầu hết đều mồ côi.

Ông Shafroth viết: “Tôi nhìn thấy những bộ xương nhỏ hốc hác, những khuôn mặt hốc hác và đôi chân khẳng khiu như que tăm xỉa răng, đó là minh chứng cho sự thật của những báo cáo rằng, những đứa trẻ đang chết dần mỗi ngày. Mùi hôi [tử khí] quá đỗi buồn nôn.”

Những con tàu cứu trợ đầu tiên của Mỹ đã đến nước Nga Xô Viết vào tháng 9 năm 1921.

Herbert Hoover đã nhận được bảo đảm 18 triệu đô la từ giới lãnh đạo Liên Xô, 20 triệu đô la từ Quốc hội Hoa Kỳ, 8 triệu đô la từ quân đội Mỹ và thêm tiền từ các tổ chức từ thiện khác của nước Mỹ, để đạt được tổng số khoảng 78 triệu đô la từ tất cả các nguồn đó. Sau khi thỏa thuận cuối cùng được ký kết tại Riga (thuộc Latvia ngày nay) với chính quyền Lenin, phái bộ cứu trợ của Hoa Kỳ đã thiết lập nhà bếp đầu tiên của mình ở Petrograd, nơi 1,6 triệu người Nga đã chết đói.

Vào tháng 12, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cứu trợ để gửi hạt giống lúa mì và ngô trị giá 20 triệu đô la đến nước Nga.

Khoảng 300 nhân viên cứu trợ đã lên đường để đến vùng đất xa lạ; “những con đường bùn lầy, và thảo nguyên vô tận” tại nước Nga xa xôi, thường là bằng ngựa, lạc đà và xe trượt tuyết, để đánh giá nhu cầu và sắp xếp kho cho hàng triệu giạ ngô và hàng nghìn tấn hạt giống.

Đoàn cứu trợ đã đến vùng trung tâm của Nga vào tháng 3 năm 1922.

Nỗ lực này đã được quốc tế ca ngợi về hiệu quả, lòng can đảm và khéo léo. Đến tháng 8 năm 1922, ARA đã thiết lập được 19.000 nhà bếp và thuê 120.000 công dân Liên Xô để giúp đỡ nỗ lực cứu trợ.

Hơn 10 triệu người được cấp đồ ăn hàng ngày. ARA đã cung cấp hơn 768 triệu tấn bột mì, ngũ cốc, gạo, đậu, thịt lợn, sữa và đường, với giá trị vào thời điểm đó là hơn 98 triệu đô la.

Để vận chuyển và phân phối thực phẩm sau khi gom lại ở Mỹ, ARA đã sử dụng đến 237 con tàu, dưới sự chỉ huy của khoảng 200 người Mỹ, cùng sự hỗ trợ của 125.000 người Nga về địa điểm, bốc dỡ, lưu kho, vận chuyển, cân đong, nấu nướng và phục vụ đồ ăn tại hàng ngàn bếp ăn mới thành lập.

Mùa xuân năm 1922, hạt giống từ miền Trung Tây Hoa Kỳ đã được trồng lên trên đất nước Nga, đảm bảo rằng nạn đói sẽ không quay trở lại.

Vào tháng 7 năm 1922, nhà văn Maxim Gorky đã thay mặt chính phủ Liên Xô, gửi thư cho ông Hoover để cảm ơn và ca ngợi những nỗ lực cứu trợ.

Gorky viết: “Sự giúp đỡ của ngài sẽ đi vào lịch sử như một thành tựu độc nhất, lớn lao, và xứng đáng với vinh quang lớn nhất; điều này sẽ mãi mãi lưu lại trong ký ức của hàng triệu người Nga đã được ngài cứu thoát khỏi cái chết”.

Nhưng điều đó cuối cùng đã không xảy ra.

Các nhà lãnh đạo Liên Xô đã dành sự quan tâm của họ cho việc lãng quên, và bóp méo tình tiết này trong lịch sử của họ. Câu chuyện được kể ở Liên Xô, đó là về những điệp viên Mỹ lừa bịp thâm nhập vào nước Nga để thực hiện hành vi phá hoại dưới chiêu bài nhân ái.

Nhà sản xuất từng đoạt giải thưởng, Austin Hoyt, nói rằng: “Chính quyền Lenin không bao giờ công nhận động cơ nhân đạo của người Mỹ”.

Còn về phía Hoa Kỳ, những thất bại trong nhiệm kỳ Tổng thống đã đã làm lu mờ thành tựu nhân đạo của Herbert Hoover. Ông được xem là người đã cứu người dân Nga, được các nhà viết tiểu sử ghi nhận rằng đã cứu được nhiều mạng sống hơn bất kỳ ai, nhưng rốt cuộc lại không thể cứu công dân của mình khỏi vòng xoáy kinh tế của cuộc Đại suy thoái.

Holodomor, sự kiện diệt chủng bằng nạn đói tại Ukraine của Joseph Stalin trong những năm 1930, khiến ít nhất 5 triệu nông dân chết vì đói, càng chôn vùi ký ức về thảm họa trước đó.

Thật không may. Người viết tiểu sử của Hoover, ông George Nash nói rằng: “Hàng trăm năm qua, Hoover thực sự là người tiên phong trong toàn bộ cách tiếp cận đã gắn liền với nước Mỹ; cụ thể là khi có một thảm kịch nhân đạo trên thế giới, dù đó là do chiến tranh hay nạn đói hay cách mạng, hay một cơn bão hoặc một trận động đất, người Mỹ sẽ có mặt ở đó để tổ chức cứu trợ.”

Nhà sử học Patenaude đã gặp Shafroth, thành viên cuối cùng còn sống của đoàn cứu trợ, khi ấy đang trải qua những ngày tháng còn lại của đời mình trong một cộng đồng hưu trí tại thành phố Raleigh, Bắc Carolina, vào năm 1990. “Ông ấy là nhân viên cứu trợ duy nhất mà tôi gặp. Họ đều đã ra đi”, Patenaude nói.

Ông Shafroth, người đã từng điều phối 16.000 công nhân Nga trong 900 bếp ăn khi xưa, khi ấy 96 tuổi, đã mặc vest lịch sự cho chuyến thăm này.

“Kết thúc 90 phút bên nhau, khi thấy ông ấy đã rất mệt, tôi đứng dậy ra về.

“Ông ấy đứng dậy và bắt tay tôi, và nói một cách yếu ớt: Tôi đã đợi anh đến”, Patenaude nhớ lại.

Ông Shafroth qua đời vào năm sau đó, đã không hề trách cứ Patenaude về sự chậm trễ: “Ông ấy đã đợi một nhà sử học đến từ rất lâu để có thể kể câu chuyện của mình.”

Phong Vân (t/h)

* Bài viết có đóng góp nội dung của CYNTHIA HAVEN, đăng trên news.stanford.edu

Phong Vân

Published by
Phong Vân

Recent Posts

Tư lệnh Mỹ: ĐCSTQ theo đuổi chiến lược “luộc ếch trong nước ấm”

Ông John C. Aquilino cho biết trong Trung Quốc theo đuổi chiến lược “luộc ếch…

3 phút ago

Những công dụng bất ngờ của các loại chuối

Với hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào, chuối là loại trái cây phổ biến…

5 giờ ago

Ngày 27-28/4, 44 người chết vì tai nạn giao thông

Theo Cục CSGT, trong 2 ngày 27-28/4, Việt Nam xảy ra 131 vụ tai nạn…

7 giờ ago

Elon Musk bất ngờ tới thăm Bắc Kinh, hội kiến Thủ tướng Lý Cường

Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk đã có chuyến thăm không báo trước tới…

8 giờ ago

FBI đã nhận danh sách hơn 80.000 người liên quan tới cuộc đàn áp Pháp Luân Công

Tháng 4/2024, WOIPFG đã đệ trình “danh sách một số người bị nghi ngờ tham…

8 giờ ago

Mưa đá đổ xuống Đắk Lắk, Gia Lai

Giữa đợt khô hạn kéo dài, hai trận mưa đá cục bộ liên tiếp đổ…

9 giờ ago