Categories: Kiến thứcVideo

Bí ẩn Hội chứng Stockholm

Năm 1973, tại Thụy Điển xuất hiện 2 tên cướp. Một kẻ tên là Jan-Erik Olsson, và một kẻ là Clark Olofsson.

Olsson là một tên tiểu côn đồ, thường xuyên ra vào các trại giam. Tại nhà tù Kalmar, hắn gặp tên tội phạm thứ dữ Clark Olofsson, tay gangster khét tiếng đầu tiên của Thụy Điển, chuyên cướp ngân hàng và buôn bán ma túy. Mèo mả gà đồng gặp nhau, Olsson và Olofsson bèn trở thành bạn bè.

Olsson rất ngưỡng mộ Olofsson vì quá khứ tội phạm của tên này. Thế nên, sau khi Olofsson bị bắt trong một vụ án tiếp theo, Olsson đã lên kế hoạch giải cứu.

Hắn tìm được cách tuồn thuốc nổ vào nhà tù, và ngồi trong xe ở bên ngoài, đợi Olofsson kích nổ khối thuốc này. Và rồi “bùm”… chẳng có chuyện gì xảy ra cả.

Olofsson không kích nổ được khối thuốc. Có thông tin nói rằng, lượng thuốc nổ không đủ và tường chỉ lủng một lỗ quá nhỏ để Olofsson có thể chui ra. Dù thế nào thì nỗ lực giải cứu cũng thất bại và nhà tù bèn tăng cường biện pháp giam giữ Olofsson.
Olsson không chịu đầu hàng. Hắn nghĩ tới việc cướp ngân hàng, bắt con tin để trao đổi lấy “thần tượng” Olofsson.

Ngày 23 tháng 8 năm 1973, Olsson cầm súng tiểu liên xông vào ngân hàng Kreditbanken trên quảng trường Norrmalmstorg, thủ đô Stockholm, và hét lên “cướp đây!!!”. Những người ở đó tháo chạy toán loạn.

Cảnh sát đặc nhiệm Thụy Điển đã bao vây hiện trường ngay sau đó. Olsson nổ súng bừa bãi, làm 1 sĩ quan cảnh sát bị thương. 1 sĩ quan khác bị bắt ngồi trên ghế và hát một bài hát.

Olsson cuối cùng đã bắt 4 nhân viên ngân hàng làm con tin, gồm 3 nữ và 1 nam. Hắn yêu cầu thả ngay Olofsson và đòi thêm 3 triệu krona Thụy Điển cùng hai khẩu súng, áo chống đạn và một chiếc ô tô, nếu không sẽ giết con tin.

Kết quả là gì? Olofsson thực sự được thả, và được đưa đến tòa nhà ngân hàng.

Hai tên cướp tái ngộ. Chúng rào căn hầm chính lại để giam giữ con tin và đối đầu với cảnh sát.

Bọn cướp đặt thuốc nổ bên cạnh các con tin, và dọa sẽ nổ cho chết nếu dám chạy trốn. Nhưng đồng thời lại cho các con tin ăn uống và còn “tâm sự” với họ.

Các nhà chức trách Thụy Điển cố gắng kéo dài thời gian. Vào ngày 26 tháng 8, cảnh sát đã khoan một lỗ vào hầm chính từ căn hộ ở trên và chụp được một bức ảnh về các con tin cùng với Olofsson. Olofsson đã bắn vào lỗ, khiến một sĩ quan cảnh sát bị thương ở tay và mặt.

Đến ngày 28/08, sau 6 ngày giằng co, cảnh sát đã đột kích thành công, giải cứu được con tin và bắt sống hai tên cướp. Công lý được thực thi, mọi người đều cho đó là chuyện tốt.

Nhưng những gì xảy ra sau đó đã khiến công chúng không thể nào hiểu nổi. Sau khi những con tin này được cứu thoát, họ không những không tố cáo Olsson và Olofsson mà còn ca ngợi những tên cướp trước truyền thông và tòa án. Họ cảm ơn chúng vì đã không giết mà đối xử tốt với họ.

Đối với cảnh sát, những con tin bày tỏ thái độ bất tín nhiệm, thậm chí còn tỏ ra thù địch rõ ràng, cho rằng những cảnh sát đến cứu họ là muốn làm hại họ, còn đám kẻ cướp mới là đang bảo vệ họ cố gắng thoát khỏi các làn đạn của cảnh sát. Việc cơ quan chức năng thu thập chứng cứ từ nạn nhân, họ cũng kiên quyết không hợp tác, gây khó khăn trùng trùng cho việc điều tra.

Vẫn còn chưa hết. Một con tin ngay sau khi được giải cứu đã vội vã lập một quỹ quyên góp tiền trên toàn thế giới để thuê luật sư nổi tiếng biện hộ cho 2 tên cướp. Con tin nữ Kristin Enmark thậm chí đã vào nhà giam để đính hôn với một tên cướp. Gia đình Enmark và Olofsson sau đó còn trở thành bạn bè.

Người dân Thụy Điển không thể nào hiểu được chuyện gì đang xảy ra; vì sự kiện này vốn dĩ được địa phương truyền hình trực tiếp, mọi người đều theo dõi được diễn tiến từ đầu đến cuối. Quốc hội cũng không hiểu nổi và yêu cầu tiến hành nghiên cứu. Cảnh sát đã tìm đến ông Nils Bejerot, một nhà tâm lý tội phạm học và bác sĩ tâm thần nổi tiếng, để hỗ trợ phân tích phản ứng của nạn nhân với vụ cướp, và tình trạng họ khi bị bắt làm con tin.

Vì khái niệm “tẩy não” khi đó không phải là mới nữa, ông Bejerot đã mô tả phản ứng của các con tin như là kết quả của việc bị “tẩy não” bởi những kẻ bắt giữ họ, và gọi nó là Hội chứng Norrmalmstorg, sau đó được biết đến bên ngoài Thụy Điển với cái tên Hội chứng Stockholm.

Hội chứng này biểu hiện trong vụ cướp ngân hàng năm 1973, có thể tóm tắt ngắn gọn là: Khi sinh mệnh bị uy hiếp, dục vọng sống mạnh mẽ đã khiến những con tin ủng hộ chính những kẻ bắt giữ họ, mà phản ứng tâm lý này còn tiếp tục kéo dài sau khi sự uy hiếp kết thúc.

Để tạo nên hội chứng Stockholm cần hội tụ bốn điều kiện.

  • Thứ nhất: Phải làm cho nạn nhân thực sự cảm thấy tính mạng bị đe dọa, khiến họ tin rằng những kẻ bắt cóc này bất cứ lúc nào cũng sẽ làm hại chết họ không chút do dự.
  • Thứ hai: Nạn nhân hoàn toàn ở trong tuyệt vọng, cảm thấy không còn con đường nào thoát thân.
  • Thứ ba: Hung thủ nhất định phải thi thoảng ban phát cho nạn nhân một chút ân huệ nhỏ, khiến người bị hại tin rằng kẻ bắt cóc chính là cứu tinh của họ.
  • Thứ tư: Nạn nhân bị cô lập về tin tức, cách ly hoàn toàn với bên ngoài, chỉ biết được những thông tin kẻ bạo hành muốn họ biết. Những gì hung thủ không muốn họ biết thì sẽ bị chặn.

Được rồi. Vậy thì biểu hiện cụ thể của Hội chứng Stockholm khi khởi phát là thế nào?

Rất đơn giản. Nạn nhân thường thù hận thấu xương với người cứu mình, và cảm tạ ơn đức với thủ phạm hại mình, ấy là tâm lý “nhận giặc làm cha”. Họ hoàn toàn mất đi khả năng phán đoán đúng sai, và cũng mất đi mong muốn bảo vệ quyền lợi của chính bản thân.

Không khó để nhận ra rằng, Hội chứng Stockholm này không chỉ xảy ra trong các vụ bắt cóc. Nó rất phổ biến trong cuộc sống, trong các câu chuyện lịch sử và trong xã hội hiện tại.

Chúng ta có thể lấy một ví dụ cụ thể và vẫn đang diễn ra ngay lúc này đây tại Thượng Hải, Trung Quốc, trong bối cảnh thành phố 26 triệu dân này đang trải qua những ngày đen tối nhất do chính sách zero-COVID của các nhà cầm quyền chế độ.

Lệnh phong tỏa đã khiến người dân chịu rất nhiều đau khổ do thiếu thốn thực phẩm nghiêm trọng, bị lây nhiễm chéo, bị cưỡng ép đến các trại cách ly covid tập trung, những bệnh nhân cao tuổi phải chạy thận không tìm được dịch vụ y tế… thậm chí một số ca tự sát trong khu phong tỏa đã được ghi nhận lại… Tuy vậy với nhiều người dân Trung Quốc, khi những khó khăn này tạm thời qua đi, hay khi được ban tặng cho một chút ân huệ nhỏ, một chút thực phẩm khả dĩ vốn tự mình xứng đáng được có, họ đã xúc động mà cảm kích đối với nhà chức trách đến rơi nước mắt.

Thời báo Epoch Times từng có phân tích sâu sắc về sự tương đồng một cách kinh ngạc giữa việc tẩy não thành công bất thường của ĐCSTQ đối với người dân Trung Quốc với cơ chế sản sinh ra hội chứng Stockholm.

“Nhà văn nữ Đinh Linh với quyển tiểu thuyết dài tập “Mặt trời chiếu trên sông Tang Can” từng làm mưa làm gió một thời trên văn đàn Trung Quốc sau năm 1949. Nhà văn này gia nhập ĐCSTQ vào năm 1932, bị xếp vào “thành phần phản động Quốc dân đảng” và bị giam lỏng ở Nam Kinh suốt ba năm, bị “đảng” mà cô ấy trung thành tuyệt đối lưu đày và giam giữ hai mươi năm, trong thời gian đó còn bị tra tấn đến tàn tật. Tuy “đảng không yêu cô ấy nhưng cô ấy vẫn yêu đảng”, sau cuộc “bình phản”, trong lần tái bản cuốn sách “Mặt trời chiếu trên sông Tang Can”, cô nói rằng cô vẫn “như một người chiến sĩ gọi tên Mao chủ tịch xông ra chiến trường”. Năm 1984, hai năm trước khi từ trần, Đinh Linh viết thư cho Trung ương Đảng: “Trong 52 năm qua, tôi luôn cảm thấy ấm áp, vinh dự, hạnh phúc, được đảng dẫn dắt, khiến tôi càng thêm gắn bó với đảng, càng thêm thấu hiểu nhân dân, càng thêm tin tưởng vào sự tất thắng của chủ nghĩa cộng sản”. Lúc đó Đinh Linh đã gần 80 tuổi, bà đã trải qua một phần tư cuộc đời trong cũi sắt của Trung Cộng, tận mắt chứng kiến sự bất công, tàn khốc, vô tình của Trung Cộng, vậy mà vẫn “như một người chiến sĩ gọi tên Mao chủ tịch xông ra chiến trường”, quả là khiến người ta cảm thấy không rét mà run” – Epoch Times.

Chỉ cần đáp ứng 4 yếu tố nói trên, hội chứng Stockholm sẽ xuất hiện ở các mức độ khác nhau, vì đó là cơ chế phản ứng tâm lý của con người trong tuyệt vọng khi sinh mệnh bị uy hiếp và cô lập, bằng cách tự đánh lừa chính bản thân mình.

Làm thế nào để thoát khỏi Hội chứng Stockholm?

Trong bộ phim Nhà tù Shawshank nổi tiếng, một kinh điển được chấm điểm cao nhất trên IMDB, có một phân đoạn Brooks đang quẫn trí kề dao vào cổ Heywood. Vì sao vậy? Là vì Brooks sắp được ra tù! Brooks đã ngồi tù được hơn 40 năm. Ông đã quá quen thuộc với nhà tù này, và việc phải trở về thế giới tự do bên ngoài khiến ông kinh hãi.

Ông già da đen Red đã nói với Andy, một nhân viên nhà băng ngồi tù oan, nhân vật chính của phim, một câu thế này: “Sau khi vào tù, mới đầu cậu sẽ ghét nó, sau này, cậu sẽ quen dần, rồi thuận theo thời gian trôi qua, cậu bắt đầu trở nên lệ thuộc vào nó.”

Nhưng chẳng phải Andy đã không nghe theo những lời ấy sao? Sau 19 năm ngồi tù, Andy vẫn không quen với nó, và cuối cùng bằng ý chí và trí tuệ bản thân, anh đã vượt thoát thành công, trở về là một con người tự do.

 

Phong Vân (t/h)

Phong Vân

Published by
Phong Vân

Recent Posts

Ông Pompeo gửi hồi ký tới Đại sứ quán Trung Quốc, để “chuyển cho ông Tập”

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết đã gửi một số bản sao cuốn…

2 giờ ago

Tư lệnh Mỹ: ĐCSTQ theo đuổi chiến lược “luộc ếch trong nước ấm”

Ông John C. Aquilino cho biết trong Trung Quốc theo đuổi chiến lược “luộc ếch…

2 giờ ago

Những công dụng bất ngờ của các loại chuối

Với hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào, chuối là loại trái cây phổ biến…

7 giờ ago

Ngày 27-28/4, 44 người chết vì tai nạn giao thông

Theo Cục CSGT, trong 2 ngày 27-28/4, Việt Nam xảy ra 131 vụ tai nạn…

9 giờ ago

Elon Musk bất ngờ tới thăm Bắc Kinh, hội kiến Thủ tướng Lý Cường

Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk đã có chuyến thăm không báo trước tới…

10 giờ ago

FBI đã nhận danh sách hơn 80.000 người liên quan tới cuộc đàn áp Pháp Luân Công

Tháng 4/2024, WOIPFG đã đệ trình “danh sách một số người bị nghi ngờ tham…

10 giờ ago