Văn Hóa

Hỏi đáp nhân ngày sách Việt Nam 2024

Với tư cách là diễn giả, vào tháng tư tôi thường được mời đến nhiều nơi nói chuyện, giao lưu về văn hóa đọc. Ở đó, sau phần tôi trình bày-diễn thuyết sẽ có phần hỏi đáp. Ở nhiều sự kiện ban tổ chức rất cẩn thận khi bảo tôi chuẩn bị sẵn cả câu hỏi gửi cho họ để họ hỏi lại tôi “theo kịch bản”, có nơi thì đưa ra câu hỏi trước và bố trí người hỏi, thậm chí gửi cả câu hỏi trước cho tôi chuẩn bị.

Việc đó cũng không có gì là xấu vì nhiều nơi nói chuyện xong không ai hỏi gì cũng dở. Nhưng thường tôi thích hỏi đáp tự nhiên hơn. Ai thích hỏi gì thì hỏi. Ban tổ chức thường yêu cầu tôi nói chuyện trong một thời gian nhất định như 45-60 phút và hỏi đáp trong 10-20 phút nhưng tôi có thể dành cho khán giả cả 2 tiếng hỏi đáp cũng được nếu họ hứng thú.

Nhân ngày sách, tôi sẽ trả lời ngắn gọn ở đây một số thắc mắc, câu hỏi mà bạn đọc hay nêu ra và đôi khi nhiều anh em khuyến đọc khác băn khoăn.

1. Đọc sách chắc gì đã tốt hơn không đọc. Đầy thằng/đứa đọc sách nhiều mà có hơn gì đứa đọc ít và không đọc đâu?

Điều này tuy cay đắng nhưng đúng!

Thực tế cuộc sống cho thấy nhiều người tuy có đọc sách thậm chí cũng đọc nhiều hơn người xung quanh nhưng kết quả thất bại cả trong đời sống cá nhân (gia đình, hôn nhân) lẫn sự nghiệp-công việc. Trong khi người khác không đọc gì lại giàu có, sống ổn.

Đấy là so cá nhân với cá nhân.

Cá nhân con người là một sinh vật cô độc, yếu ớt đến đáng thương.

Cuộc đời không chỉ hữu hạn mà còn đầy chông gai, rủi ro và những sự khó lường. Thông minh, học giỏi, tài năng, hiểu rộng, sắc sảo… chưa chắc đã đảm bảo sống cuộc đời bình an hạnh phúc. Đơn giản vì còn vô vàn yếu tố ngẫu nhiên và sự may mắn tác động tới đường đời của cá nhân.

Nhưng nếu so 100 người đọc sách với 100 người không đọc thì sao?

So 1 triệu người đọc sách với 1 triệu người không đọc thì thế nào?

Và sẽ thế nào nếu so một cộng đồng, quốc gia, dân tộc đọc sách với cộng đồng, quốc gia, dân tộc không đọc?

Ai có trí tuệ bình thường đều biết rõ câu trả lời. Xin trích lại lời Đông Tử – một tác giả Trung Quốc viết trong cuốn “Người cha tốt hơn là người thầy tốt”: “Một dân tộc không đọc sách là một dân tộc không có tương lai”.

Hơn nữa cũng cần suy ngẫm thật kĩ, đa chiều tiêu chuẩn đánh giá thành bại, thành công của những người xung quanh đối với một cá nhân. Nhiều tiền chưa chắc đã là thành công và ít tiền chưa chắc đã là thất bại. Osamu Dazai – một nhà văn Nhật Bản hiện đại suốt cuộc đời mình toàn gặp toàn chuyện đau thương và thất bại, cá nhân ông cũng có cuộc sống không lấy gì là đáng học nhưng kết quả thì sau, sau 100 năm, tác phẩm của ông vẫn được in, đọc rộng rãi và ảnh hưởng ngày càng lớn. Người ta, khi đọc những quằn quại đau đớn thậm chí là sa đọa trong tâm hồn ông lại tìm thấy cảm giác làm người và sống tích cực. Điều đó rất vô lý nhưng lại không có gì khó hiểu.

2. Đọc sách thì tốt rồi nhưng quan trọng là đọc sách gì chứ, toàn đọc sách nhảm nhí thì tiến bộ sao được?

Đúng!

Việc đọc sách tốt, sách hay, sách sâu sắc cũng giống như chọn bạn mà chơi, chọn đất mà sống, chọn công ty, tổ chức mà làm việc.

Nó là việc đương nhiên. Tuy nhiên, nó không phải là một cái cớ để công kích việc khuyến đọc hoặc tự an ủi mình trước tình trạng lười đọc. “Hãy đọc sách đi” là câu mở đầu của bài văn. Thân bài sẽ có đọc sách gì, đọc như thế nào.

Muốn kiếm được sách tốt, chọn được sách hay, cá nhân cần hướng dẫn từ chuyên gia, thủ thư, giáo viên, người có kinh nghiệm đọc…

Nhưng tất cả chỉ là gợi ý. Cuối cùng, cá nhân phải tự chọn thực đơn cho mình, phải tự thắp đuốc lên mà đi để tìm kiếm lấy tự do trong tâm hồn và sự khai phóng trong trí tuệ.

Đọc là một hành động tiến hành trong “không gian” vô cùng vô tận vì vậy cá nhân được phép sai, được phép trải nghiệm, được phép thử… và dần dần nhờ tích lũy họ sẽ tự có được năng lực lựa chọn sách để đọc.

Ai cứ lo lắng mãi chuyện người khác không biết chọn sách đọc thì người đó là người muốn bao cấp tư duy, muốn bảo hộ quá mức, thậm chí không muốn người khác giỏi hơn, tiến bộ hơn mình.

3. Cứ bảo người Việt ít đọc nhưng có biết đâu người ta bây giờ toàn đọc trên mạng, máy tính, điện thoại chứ mấy ai đọc sách giấy? Người ta đọc sách giáo khoa, giáo trình, rồi báo, tin tức hàng ngày, mạng xã hội… thế chẳng là đọc thì là gì?

Đúng là người Việt đọc trên mạng rất nhiều. Tuy nhiên, ta sẽ thấy đa số đọc tin ngắn, các bài báo và các dòng trạng thái ngắn trên mạng xã hội là chủ yếu. Một số nhóm đọc sách điện tử nhưng có lẽ tỉ lệ này nhỏ hơn các nhóm còn lại.

Có đọc dù là tin, mạng xã hội… vẫn tốt hơn không đọc gì nhưng nếu đã học hết THPT, cao đẳng, thậm chí đại học mà chỉ đọc như vậy thì rất phí vì muốn có kiến thức có hệ thống, muốn mài sắc tư duy, muốn tiếp cận bản chất của các sự kiện… thì phải đọc sâu, đọc các văn bản dài, phức tạp như các cuốn sách, phải đọc theo chủ đề, phải đọc theo tác giả (tức là phải đọc rộng, sâu và có hệ thống).

Chính vì vậy, trên thế giới “đọc sách” được hiểu là đọc những gì ngoài giáo trình, ngoài sách giáo khoa thậm chí là “ngoài sách chuyên môn” phục vụ trực tiếp công việc (vốn là việc tối thiểu cần phải làm với người trưởng thành khi làm việc).

4. Cần gì phải đọc sách giấy, chỉ cần đọc sách điện tử cho tiện rồi nghe sách nói cũng được mà, sao phải bày đặc đọc sách giấy, đến thư viện này kia.

Sách có thể thể tồn tại dưới nhiều dạng: sách nói (audiobook), sách điện tử (ebook), sách đa phương tiện (kết hợp hình ảnh, âm thanh, văn bản…), sách giấy.

Mỗi loại sẽ có một thế mạnh riêng. Ví dụ sách nói có thể tác động thẳng đến trái tim người nghe nhờ giọng đọc truyền cảm, người nghe có thể vừa nghe vừa lái xe, vừa nghe vừa làm việc nhà, vừa nghe vừa ngồi trên xe buýt… Ebook có thể giúp lưu trữ tiện lợi, một máy đọc sách có thể chứa cả vạn cuốn sách, có thể đọc ở bất cứ nơi nào có nối mạng, có thể tìm kiếm, tra cứu dễ dàng…

Tuy nhiên về cơ bản não người trải qua hàng triệu năm tiến hóa sẽ thích hợp với các kích thích có tính “truyền thống” như sách giấy. Sách giấy tạo một cảm giác vật lý rất thật đối với người đọc. Nó đặc biệt thích hợp với trẻ nhỏ, học sinh vì hạn chế được tác hại của ánh sáng phát ra từ màn hình, từ các tác dụng phụ không mong muốn như gây nghiện thiết bị điện tử, phân tán tư tưởng, không tập trung, dễ vừa đọc vừa vào các link trên mạng…

Chính vì vậy với trẻ nhỏ dưới 10 tuổi nên khuyến khích đọc sách giấy 100%. Trẻ lớn hơn và người lớn thì tận dụng và sử dụng linh hoạt các nguồn sách, dạng sách để bù trừ lẫn nhau. Có sách sẽ chỉ có bản sách giấy thậm chí chỉ có trong thư viện truyền thống. Ở Việt Nam do hạn chế về thực thi luật bản quyền nên sách ebook, sách nói còn hạn chế về số tựa (do tác giả, nxb chưa sẵn sàng trao bản quyền) và trên mạng có vô số bản lậu. Nếu người dùng thích dùng bản lậu sẽ làm hại ngành xuất bản và các tác giả. Chính vì vậy khi dùng sách nói, sách điện tử rất cần lưu ý việc này.

5. Cần gì đọc sách vẫn sống được bình thường kia mà. Đầy người có đọc sách đâu vẫn sống ổn đó thôi?

Đúng là có rất nhiều người không đọc gì trong suốt cuộc đời vẫn sáng ăn phở, trưa ăn tiệc, tối đi hát karaoke như thường. Vui là khác.

Nhưng trong thời đại hiện nay, nếu không đọc thì mọi người đều chỉ làm việc ở mức từ trung bình khá trở xuống và sống một cuộc sống thiếu chiều sâu và phong phú mà lẽ ra họ hoàn toàn có thể.

Nhiều người tự hào là không đọc vẫn giàu nhưng xin hãy nhớ cho thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam mới chỉ là 4.000 đô la, kém xa Singapore (khoảng 98.000 đô la), Nhật Bản (44.000 đô la)… Tức là người Việt còn rất nghèo. Các tỉ phú của ta cũng không là gì so với các tỉ phú trên thế giới vì tài sản của tỉ phú ở ta nằm ở những dạng thô kiểu tài nguyên đất, hoặc cổ phiếu (trồi sụt hoặc mất giá trị trong tích tắc). Trong khi đó các tỉ phú trên thế giới sở hữu tài sản ở các dạng thức bền vững hơn nhiều như bản quyền phát minh, sáng chế, quy trình, công nghệ, thương hiệu công ty, nhân hiệu…

Không đọc vẫn sống ok nhưng chính người đó nếu đọc sẽ còn sống Ok hơn nữa. Ví dụ không đọc họ vẫn giàu nhưng nếu đọc họ sẽ giàu hơn, giúp được nhiều người hơn, duy trì tiền bạc bền vững hơn, sống sang trọng hơn, được nhiều người kính trọng hơn, có nhân hiệu tốt hơn…

Và tất nhiên, xét ở góc độ cộng đồng, sẽ không có thiên tài, nhân tài đỉnh cao nếu như không đọc. Nhật Bản với 125 triệu dân đã có hơn 20 người đạt giải Nobel trong khi ta 100 triệu dân chưa có ai được giải Nobel nào.

Đấy là điều đáng suy nghĩ.

Muốn tiến bộ, không nên tự an ủi bằng tiêu chuẩn thấp hoặc tự mãn giải khuây.

6. Đọc sách không cần phải khoe. Trăm thằng khoe sách là thằng không đọc sách. Khoe mình đọc sách hay chỉ trích người không đọc sách là để tỏ ra mình là người thượng đẳng à? Không cần phải dạy dỗ người khác vì mỗi người có cuộc sống riêng.

Trong cuộc sống khiêm tốn, khiêm cung là cần thiết và là đức tính tốt. Văn hóa phương Đông rất coi trọng sự khiêm tốn. Người khiêm tốn thường được đánh giá cao, được khen ngợi. Khiêm tốn cũng giúp cá nhân có sự điềm tĩnh khách quan để đánh giá đúng bản thân mình từ đó liên tục học hỏi, tiến lên.

Tuy nhiên hãy cẩn thận!

Trong các kiểu khoe thì khoe sách có lẽ là kiểu khoe ít nhiều vô hại và đáng yêu nhất so với khoe tiền, khoe của cải, khoe nhà, khoe con học giỏi.

Tại vì khi khoe sách có thể nó sẽ thúc đẩy người khác đọc theo, thúc đẩy người khác tiến bộ trong khi khoe các thứ ở trên lại có nhiều nguy cơ làm cho người khác thấy tự ti, mặc cảm hoặc đố kị.

Đọc sách là việc ai cũng có thể làm và người khoe có thể dễ dàng chia sẻ với người khác hiểu biết của mình. Nó không giống như khoe xe, khoe nhà, khoe vị trí vì những thứ đó không dễ dàng chia sẻ và không phải ai cũng có thể có được.

Hơn nữa, cái này quan trọng nhất, trong khi coi trọng khiêm tốn đừng bị đánh lừa và trở nên sợ hãi trước chiêu thức dùng sự thấp kém, phản tiến bộ, lười biếng ra làm tiêu chuẩn để tấn công sự khai sáng, sự tiến bộ, sự trao truyền tri thức và thúc đẩy giác ngộ.

Người ta sẽ không thể tiến hành trao đi tri thức, sự hiểu biết, sự giác ngộ của mình nếu như cá nhân đó không tự ý thức rất cao về sứ mệnh, giá trị, khả năng của chính mình!

Tức là cá nhân đó tự biết rằng mình có năng lực hơn người khác, có hiểu biết hơn người khác, có sự giác ngộ sâu sắc hơn người khác, có ý chí mạnh mẽ hơn người khác… Và dù rằng biết khó khăn, gian khổ, thậm chí cả sự kì thị, bức hại của người xung quanh họ vẫn muốn trao truyền sự hiểu biết, trí tuệ của họ cho người khác.

Nếu như ta cho rằng chẳng ai có quyền chỉ bảo, dạy dỗ ta, ai có cuộc đời của người đó, chẳng ai có quyền tỏ ra “thượng đẳng” thì trong lịch sử này làm gì có Đức Phật, Chúa Giê-su, có Lão Tử, Khổng Tử, Socrates, có thầy giáo, có nhà hiền triết, có nhà bác học, có nhà khai sáng… Và tất nhiên chẳng có văn minh hay tiến bộ.

Tất cả chỉ là một đám đông hay bầy đàn hỗn độn, u mê và chìm trong bạo lực. Cái cảnh thái bình mà Lão Tử – Trang tử mơ khi con người quay trở lại thuở ban đầu chưa biết đến văn minh cũng chỉ là một “giấc mơ bươm bướm” mà thôi.

Vậy nên, “bình đẳng” hay “quyền tự do cá nhân”, buồn thay trong nhiều trường hợp trở thành tấm áo giáp để chống lại văn minh hóa, chống lại tiến bộ và bảo vệ cho tư tưởng bảo thủ, lười biếng, không chịu học hỏi.

Cái nguy hiểm ở ta là đôi khi trong cộng đồng nhất định (ví dụ như làng, xã, cơ quan), số người có tư tưởng kiểu này đông hơn nên họ biến nhận thức tệ hại này thành “tiêu chuẩn cộng đồng” khiến cho cá nhân tiến bộ, có hiểu biết thúc thủ khóc thầm và… bất lực.

Bạn nào muốn tìm hiểu thêm các vấn đề tương tự thì đọc cuốn “65 bí kíp đọc sách dành cho mọi người” của tôi (NXB Kim Đồng, tái bản 2023). Sách này hiện đang hết chờ tái bản. Các bạn có thể tìm đọc trong các thư viện.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video:

Nguyễn Quốc Vương

Published by
Nguyễn Quốc Vương

Recent Posts

Dân biểu Taylor Greene muốn phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson

Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ được cho là đang…

8 giờ ago

10 quy tắc an toàn khi chạm vào phích cắm điện bạn cần biết

Chúng ta tiếp xúc và sử dụng các sản phẩm điện hàng ngày nên việc…

9 giờ ago

Đấu thầu vàng thất bại lần 3; vàng SJC lập kỷ lục 85,8 triệu đồng/lượng

Sau khi thông báo hủy phiên đấu thầu vàng sáng 3/5, giá vàng miếng SJC…

9 giờ ago

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Giám đốc bị tạm giữ

Liên quan vụ nổ lò hơi  tại công ty gỗ ở Đồng Nai  khiến 6…

10 giờ ago

Thăm dò: số lượng người Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù ngày càng tăng

Theo một cuộc thăm dò mới do Pew thực hiện gần đây, đại đa số…

11 giờ ago

Thêm một người tố cáo Boeing đột ngột qua đời, trường hợp thứ hai sau 2 tháng

Một người tố cáo Boeing đột ngột qua đời hôm thứ Ba (30/4) ở tuổi…

12 giờ ago