Khi mẹ làm nghề gom đồ si

gom do siweb scaled

Trong thanh âm vi vu của cánh rừng, lá rơi khi hết một đời. Nhưng không, trên mặt đất không ai nhìn tới, lớp lá mục vẫn tiếp tục đời sống của nó, che chắn cho những hạt mầm ẩn mình, luôn đủ ẩm, ấm và sẵn mùn khi tách vỏ thức dậy… 

***

5h30. Chiều tan tầm. Một dáng hình tất tả rời văn phòng, ngược từ Tam Trinh ra Bạch Mai (Hà Nội). Trời bất ngờ đổ mưa. Con đường Minh Khai thường ngày đã quá tải nay như càng nghẹn lại. Trong đầu Ngọc chỉ có nỗi lo trễ giờ hẹn người ta cho bịch đồ cũ. Bỗng “sầm!”. Một chiếc xe lao nhanh, tông ngang xe của cô.

Khi định thần, Ngọc thấy mình đã được dìu lên hè, cổ chân bị trật khớp. Nén lại cơn đau lẫn hoảng loạn, Ngọc tìm điện thoại xin đỗi hẹn, rằng sẽ nhờ chồng tới nhận túi đồ vào bữa sau.

Túi đồ Ngọc nhận được hôm ấy, dù đã dùng, nhưng có thể là tấm lòng của ai đó muốn tặng mà không biết gửi đi đâu. Có thể có người mẹ đang nuôi con đang cần tới chúng. Món đồ sẽ được sống tiếp, thay vì trở thành rác thải. Nếu sang lại được, chi phí 50 ngàn đồng cho một bọc đồ mà Ngọc thêm được vào quỹ chung chứa đựng phần lương mà nhiều người mẹ đang nuôi con đang trông chờ. Dù trong đó, có thể chỉ còn vài món còn dùng được. Cũng có thể không. 

Bởi thế, vì những lý do đó, Ngọc vẫn kiên trì như cô vẫn nỗ lực trong 4 tháng qua, với vai trò một thành viên trong Shop 50 đồng, bên cạnh công việc của một kiến trúc sư toàn thời gian, bên cạnh một gia đình nhỏ với người chồng cần bàn tay vợ và 3 con cần có mẹ. 

Shop 50 đồng những ngày đầu 

Trần Thị Nga, người phụ nữ nhỏ nhắn sinh năm 1991, ươm mầm cho Shop 50 đồng từ mô hình 0 đồng vào khoảng đầu năm 2023. 

Cái duyên kết nối của Nga với hàng ngàn phụ nữ nuôi con khác, đến âm thầm và bền bỉ tựa như dòng chảy của sữa mẹ. Nga làm mẹ, cho bú không đúng nên dần không có sữa. Nga mang theo khao khát được ôm con cho bú nên đi học về sữa mẹ. Sau khi sinh con lần hai và cho bú được trọn vẹn, từng bước, Nga quay lại giúp cho những người mẹ khác gặp bế tắc về sữa như mình. 

“Đi tư vấn mới thấy nhu cầu đồ em bé rất nhiều. Mình thấy có những mẹ rất thương con nên cái gì cũng mua, cũng có những mẹ muốn tiết kiệm, muốn xin những đồ này để dùng, nhưng lại cảm thấy ngại vì không quen biết”, Nga nhớ lại. “Mình chỉ suy nghĩ như vậy thôi, cũng có duyên lắm, các mẹ thấy mình làm thì gửi đồ, kêu có mẹ nào cần thì cứ tặng lại, bởi vì mua dư cũng không biết ai cần để mà cho”

Đó là những ngày đầu của Shop 0 đồng. Nơi ai dư thì cho, ai cần thì lấy. Những người đầu tiên tham gia hoạt động với Nga, không phải ở gần Nga, không phải ở Sài Gòn, nơi giàu lòng sẻ chia, mà là trên toàn quốc. Người đầu tiên là một người mẹ đang nuôi con ở Thanh Hóa, rồi đến một bạn ở Hà Nam, một bạn ở Phú Thọ và vài bạn ở Sài Gòn.

shop50dong00
Nga với đồ thu gom trong một buổi tặng quần áo, giầy dép trẻ con người lớn… bên đường, quận Tân Phú, tháng 11/2023. (Ảnh: Shop50dong)

“Khi đó là Shop 0 đồng. Em chỉ nghĩ là mình làm gì đó giúp mọi người thôi” – Từ Thanh Hóa, Thanh Hiền kết nối với Nga, trở thành thành viên đầu tiên và hoạt động tích cực cho tới bây giờ. 

Những chi phí thực tế, như thời gian đi lấy, giặt, sửa, đóng gói, vận chuyển dần khiến Nga thấy cần phải lấy phí để duy trì hoạt động được lâu dài. 

“Có một lần mình đi [từ quận Tân Phú] tới quận 12, một chị cho 30 mấy tấm nệm. Chỉ chạy qua rồi chở về đã đi một đoạn đường rất xa rồi. 30 mấy tấm nệm là 30 mấy mẹ, mình phải ngồi chat với từng người, đóng gói từng size, còn phải mua hộp bỏ nệm vô, đóng gói đưa cho bên vận chuyển… Nếu mình làm 0 đồng thì mình làm không nổi”, Nga cho hay. 

Lâu lâu làm từ thiện cho vui, hay trở thành một nhóm cộng đồng nhận phí để làm dài hơi – Nga chọn vế sau. Shop 50 đồng ra đời vào tháng 4/2023, sau khoảng 3 tháng Nga vận hành 0 đồng. 

Kết nối và sẻ chia

Shop 50 đồng tới nay trở thành cộng đồng đầu tiên trên cả nước, nơi các mẹ bỉm sữa tặng đồ dư – sắm đồ tái sử dụng, bao nhiêu món cũng chỉ 50 ngàn. 

Nơi “người dư thì cho – người cần thì lấy” của Shop 50 đồng nhanh chóng lan tỏa. Hàng ngàn bao đồ, từ quần áo người lớn, trẻ em, đồ chơi, đồ gia dụng đến nhu yếu phẩm được mọi người hỏi địa chỉ để gửi đến nhờ trao giúp. Những món đồ được các chi nhánh nhận, phân loại, đồ lành lặn và đồ sau khi giặt giũ, sửa chữa có thể tái sử dụng sẽ được mọi người đăng lên Facebook cho người cần. 

shop5dong29
Áo quần được giặt tẩy sạch sẽ trước khi trao đi, Đồng Nai, tháng 1/2023. (Ảnh: Mộc Nhiên/Facebook)

“Bao nhiêu món cũng chỉ 50 ngàn”, “Góp quỹ một tài khoản duy nhất” trở thành những câu thường thấy trong những bài đăng sang lại quần áo, giầy dép, ghế ăn dặm, đồ gia dụng… của các chi nhánh. Đó không phải lời chèo kéo, đó là quy tắc được tất cả đồng nguyện. Chi phí đó, chỉ là tượng trưng, để đổ xăng, để trang trải cho công sức của mình thôi”, Nga cho hay. 

50 ngàn đồng đó gánh đủ khoản lo, lớn như chi phí xăng xe, điện thoại, nhỏ như mua thuốc tẩy, băng keo, hộp đựng đồ. Cũng trong 50 ngàn đó, có khoản chi cho cá nhân như tiền lương hàng tháng cho các chi nhánh, có khoản chi cho cộng đồng như tặng đồ ăn “Cà-mên 0 đồng”, “Trạm ngon miệng”, tặng quần áo “Trạm thoải mái”… 

50 ngàn, liệu có đủ?

“Nếu quy mô nhỏ thì thực sự không đủ,  ví dụ quy mô 10, 20, 30 người thì không đủ thật. Nhưng mình có lợi thế là quy mô càng lúc càng rộng, càng lúc càng nhiều. Mỗi một bạn mua đồ góp quỹ chỉ 50 -100 ngàn, nhưng 150 bạn thì sẽ làm nên số quỹ lớn để giúp ích cho cuộc đời này rồi. Mỗi người chỉ cần một chút xíu thôi, thì một cộng đồng lớn mạnh sẽ làm được”, Nga chia sẻ. 

Những người phụ nữ đang nuôi con với sức khỏe và quỹ thời gian luôn trong tình trạng quá tải, vừa chăm sóc cho con nhỏ vừa cơm nước cho gia đình, và kiếm tiền để không bị phụ thuộc vào chồng. Mình làm vì cộng đồng vậy đó chứ ai vì mình?

“Nhưng những người như tụi mình càng làm thì lại càng có được nhất. Nói ví dụ đơn giản nhất, tụi mình đi thu gom thì khách cho nhiều đồ mới, mình có thể tái sử dụng, như cái váy mới phải mua 200-300 ngàn, ở đây có thể tìm thấy. Khi được thỏa cái niềm đó rồi thì mình đâu có nhu cầu đi mua đồ mới đâu. 

Cái thứ 2 là con mình được. Con mình cũng sẽ lớn rất là nhanh. Bây giờ, thậm chí có những mẹ không mua cho bản thân nhưng mà phải mua cho con. Khi tụi mình thu gom như vậy, khách thương lắm, nhiều khi biết con mình 1 tuổi, 2 tuổi, là tặng đồ cho con mình mặc. Tặng đồ chơi, tặng đủ thứ hết.

Chưa kể là tình cảm nữa. Có khi mình đi thu gom thì được tặng gạo luôn, tặng nước tương, nước mắm…. Khi mình làm mình cảm thấy mọi người thương nhau quá”, Nga cho hay. 

shop5dong28 e1707725933508
Cùng mẹ chà giầy dép để tái sử dụng, những ngày tháng 9/2023 tại Bình Thạnh, TP.HCM. (Ảnh: Nguyen Cuc Hoa/Facebook)

Nga tâm niệm càng sợ, càng muốn và phải làm, làm dở thì làm hoài cũng sẽ giỏi thôi. Đừng để nỗi e ngại khiến mình đứng dừng lại. Với Shop 50 đồng, từng chút một, bài toán về thời gian, chi phí, gánh nặng kinh tế của các thành viên được giải quyết. 

Sự cải biến ấy, được gây dựng nên bằng những nỗ lực không tên của hàng trăm người phụ nữ mỗi ngày. 

Nhân Trúc (TP.HCM), mẹ của 3 bé, một 7 tuổi và hai nhỏ sinh đôi 5 tuổi, đó là lần đi trong mưa từ quận 4 qua quận Tân Phú, chở con gấu bông cao 1,4m cùng xe đẩy về quận 8, rồi từ quận 8 về lại quận 4. Con đường ngót 30 km cho một lần gom đồ. 

“Trước khi nói chuyện thì em cũng đi chà một đống giày dép với gối. Đồ mang về lâu người ta không dùng nó bị ố vàng hết trơn. Em mang về xử lý từ 1h tới 4h. Lúc 4h em nhắn tin là mới làm xong luôn á”, Trúc cười. “Những điều đó, trước tới giờ em nghĩ là mình không làm được. Mà khi vô Shop 50 đồng rồi thì em nghĩ là cái gì em cũng có thể làm.” 

Với Hạ An (TP.HCM), ấn tượng tới bây giờ vẫn là chuyến đi gom đầu tiên, từ quận 2 chạy tới quận 12. Bịch đồ nhỏ nhận được, cô không sang lại trên Shop 50 đồng mà đem tặng cho một mái ấm thường qua.

Trong đợt lạnh kỷ lục mùa đông 2023-2024, Hoàng Thơ (Hải Dương) luồn trong giá rét 8 độ đi 20km, lên phà qua một khúc sông, cho chuyến thu gom cuối cùng của năm. Trong chuyến đi ấy, người phụ nữ gầy bé không quên cảm ơn chị khách vì những món đồ được đóng gói rất cẩn thận, trên chiếc xe chỉ còn một chỗ vừa vặn cho mình. 

“Không có 1 công việc nào là dễ dàng và không cần bỏ công sức cả. Đồ không tự nhiên có ở nhà các chi nhánh, dép không tự nhiên sạch, quần áo không tự nhiên thơm. 

Thế nên đôi khi mua đồ tại Shop 50 đồng, nếu trong rất nhiều món có món bạn chưa ưng vì lỡ có chỗ sờn rách không khâu hay tư vấn bị sai kích cỡ thì hãy hoan hỉ và hiểu cho chúng mình nhé!” – Thu Thủy (Hà Nội) viết trong những ngày cuối tháng 12. Trong bài viết bạn đăng, là hình ảnh bé gái đang ngủ trên ngực mẹ, mẹ vừa làm giường, vừa thoăn thoắt tay khâu sửa đồ gửi khách.  

shop5dong9
Chuyến đi trọn một vòng quận 4 – Tân Phú- quận 8 – quận 4 trong buổi tối mưa cuối tháng 7 của Trúc. (Ảnh: Trúc Nurse/Facebook)

Nơi lan tỏa năng lượng để chữa lành 

“Đợt đẻ 2 đứa đầu em cũng trầm cảm một thời gian đó, lúc đó mà có Shop 50 đồng là em không bị sao đâu”. Ngọc nhớ lại ngày cô sinh hai bé khi chỉ vừa 24 tuổi. “Em ở nhà trông con rồi mất tự tin, phải tầm 3 năm sau đó em mới xin đi làm lại được”.

Cuộc nói chuyện của mỗi thành viên, đôi khi lấp lánh trong những mối quan hệ quý giá mà mỗi người thu lượm được khi bước ra hoạt động cộng đồng. “Ở nhà chăm con thôi chứ có làm gì”. Có lẽ, trăm việc không tên khiến sức lực lao động của người phụ nữ bị xóa nhòa. Ngay cả khi không bị xem thường, tháng ngày tận lực chăm con đã đủ để xói mòn tâm trí người phụ nữ, cả về năng lực lẫn tinh thần.

“Em sanh hai lần, lần thứ 2 là sanh đôi. Sanh gần nhau quá, bạn lớn mới được 20 tháng”, – Trúc nhớ lại. Sau khi 2 bé sinh đôi được mấy tháng, Trúc bị trầm cảm, mức nghiêm trọng có triệu chứng loạn thần. Trúc phải đi khám ở bệnh viện tâm thần, điều trị mấy tháng. 

“Giai đoạn đó em không biết mình là ai, cũng không có chăm sóc con, cũng hay nói nhảm. Đây là em nghe người thân em kể lại chứ khi đó thì em không biết gì hết. Chỉ có chồng và mẹ em chăm sóc bé”.

Tình trạng suy nhược thần kinh của Trúc bắt nguồn từ cảm giác là ăn bám, dù chồng hàng tháng vẫn đưa tiền chi tiêu và không nói gì. Nghĩ nhiều rồi Trúc tìm việc online để làm. Rồi dính phải đa cấp. Tiền bỏ ra, hàng mua về chất đống không bán được. Áp lực càng đè nặng. Trúc mất ngủ triền miên, nói nhảm, hành động vô thức cho tới khi hoàn toàn quên mất mình là ai.

“Khoảng đâu đó nửa năm đi viện uống thuốc, em mới bắt đầu bình tĩnh lại. Chồng và mẹ cũng động viên em”. Trúc hồi lại rồi vực lên bằng nghề chăm sóc mẹ và bé sau sinh, vì cô có bằng điều dưỡng. Năm 2023, khi thấy tên Thảo Nâu (nick Facebook của Nga) được tag vào bài đăng tết tặng đồ cũ, Trúc kết bạn và theo dõi các hoạt động mỗi ngày của Shop 0 đồng, Cà-mên 0 đồng tại Bệnh viện Nhi…, và nhắn tin muốn tham gia. 

“Em thích làm việc cho cộng đồng, khi thấy công việc mà Thảo làm giúp cho mọi người tiết kiệm chi phí, năm nay kinh tế rất khó khăn. Khi mình có thể điều gì đó có ích cho người khác thì nó rất có ý nghĩa”. 

Những món quà mà Trúc nhận, nhiều khi khó diễn tả thành lời. Là chị khách cho đồ thấy thương phải chở nặng, nhận chở phụ liền 1-2 bao, nói khỏi đặt grab chi cho tốn tiền. Là anh shipper tận tâm chở liền một chuyến mấy bao đồ, Trúc vác lên nhà còn muốn xỉu. Là rất nhiều khách nhận đồ rồi nhắn cảm ơn vì đồ còn mới, vượt hơn mong đợi. Trúc nấu ăn ngon và rất thích nấu, được đứng bếp nấu Cà-mên 0 đồng mấy lần, trân trọng khi cảm thấy mình có giá trị.  

shop5dong26
Nhóm chi nhánh TP. Bà Rịa trong một buổi trích quỹ tặng bữa sáng cho mọi người, tháng 12/2023. (Ảnh: Shop50dong)

Hạ An, người mang di chứng nặng sau những lần bị bạo hành, ác mộng hay đến khiến cô sợ ngủ rồi mất ngủ hơn 7 năm qua. “Chị cứ nằm xuống là thấy những chuyện cũ. Khoảng thời gian trước khi vô Shop 50 đồng là chị sống khép kín lắm, không tham gia bên ngoài nhiều. Cũng có những hội bạn nhưng mà đa số đi gặp tụi nó thì mình cũng ôm điện thoại thôi”. Trước ngày gặp Nga, An uống thuốc ngủ liều cao, rồi tự lết đi bệnh viện. Đây là lần thứ 3 An đi súc ruột. 

Trong suy nghĩ của An, con trai 7 tuổi bị tự kỷ là do mình. Cậu bé khi đi học không hòa hợp được với bạn cũng đập đầu vô tường, như cách mà cô hay làm mỗi khi bị kích động. Em trai An mất trong đợt COVID-19 2021. Sinh bé thứ 2 với chồng sau, An cũng cố gắng cho bé bú, mà núm vú bị thụt không cho bé bú được. “Người ta cứ kêu sao không cho con bú. Trong một lúc xảy ra nhiều chuyện, chị cảm thấy mình không xứng đáng tồn tại tiếp”.

May mắn thay, An gần nhà Nga. Những ngày An qua lấy đồ, cô đeo khẩu trang kín mít, không nói chuyện, lúc nào cũng giữ khoảng cách với người đang giao tiếp. “Mình dẫn bạn đi từ thiện, đi phát đồ, đi tham gia các hoạt động thì bạn mới chịu cởi khẩu trang ra.” – Nga nhớ lại. Quá trình đó cũng phải mất mấy tháng. Rồi cô bắt đầu mở lòng hơn, và bớt uống thuốc lại.

“Lúc vô Shop 50 đồng là chị giảm thiểu rất nhiều, chị cũng chịu mở lòng đi ra ngoài gặp gỡ mọi người, giao tiếp này nọ, còn hồi trước là không có. Mình sợ mình nói ra, phật lòng người khác, nhưng mà nếu để vừa lòng hết tất cả mọi người thì mình bị áp lực”, An chia sẻ. 

Trong bài viết gửi cho Nga, An nói may mắn là biết đến shop, có một cộng đồng các mẹ bỉm chân thành chơi với nhau, chứ bạn thấy bạn sợ xã hội này lắm, bạn không muốn hòa nhập với ai hết. 

An mất ngủ triền miên, khi gom đồ về lại tỉ mẩn làm, giặt sạch sẽ rồi mới trao đi. Sang cho khách tái sử dụng trên Shop 50 đồng hoặc là hỗ trợ cho mái ấm hay mấy mẹ đơn thân.

shop5dong27
Bữa sáng cho bà, gấu bông cho con, phí chỉ một nụ cười, trong buổi Bữa sáng yêu thương của nhóm chi nhánh TP. Bà Rịa, tháng 12/2023. (Ảnh: Shop50dong)

“Vậy giá trị lớn nhất mà chị nhận được từ shop 50 đồng là gì?” 

“Nó làm cho chị muốn sống hơn. Tại vì ba mẹ sinh mình ra mà, nếu mà biết được mình muốn kết thúc cuộc sống này chắc là đau lòng lắm. Nhưng mà hiện tại chị không muốn kết thúc cuộc sống, mặc dù chị vẫn có những điều tiêu cực, nhưng mà chị muốn sống hơn là muốn chết”. 

“Ngày trước đi thu gom, đi ngang qua cầu Sài Gòn cứ thấy ai đứng ở cầu Sài Gòn là chị hay chạy lại hỏi, sợ người ta nhảy cầu.

Rồi gặp được 2 hai vợ chồng. Người ta thua nợ này nọ, cũng hiếm muộn nữa. Rồi chị khuyên, kêu đi tham gia mấy mái ấm như vậy đi, nếu mà mình không có sinh được em bé cũng không sao, nói nhiều lắm. 

Chồng tra định vị hỏi em ra cầu Sài Gòn làm gì ngồi mấy tiếng đồng hồ vậy, có sao không để anh chạy ra? Chị nói không, em đang nói chuyện với mấy bạn thôi, không có gì đâu”.

Để những món đồ được sống tiếp

Tính tới đầu tháng 1/2024, Shop 50 đồng có hơn 150 chi nhánh hoạt động tích cực. Bước sang tháng 2, con số tăng lên hơn 220. Hơn 220 thành viên là hơn 220 hoàn cảnh. Những ngày qua, Nga ốm nghén, vẫn tích cực lên dây cót cho các thành viên, hạch toán thu chi, cập nhật thời hạn nhận đồ, sang đồ trước Tết. Nhưng khó khăn đối với Nga dường như không phải đến từ sự vận hành của nhóm. 

“Người ta hay nhầm tưởng nhóm mình làm từ thiện, đó là khó khăn mà mình phải giải quyết. Từ khi nào tới giờ luôn, hễ là đi xin quần áo là trong đầu của rất nhiều người nghĩ là làm từ thiện. Đôi khi họ không hình dung được việc tái sử dụng là gì, họ chỉ nghĩ là, mình xin đồ về rồi đem tặng cho một người khác thì đó gọi là từ thiện”, Nga nói.

Nga không giới hạn ở đối tượng người nhận đồ sang lại. Với Nga, những món đồ dôi dư, thậm chí đã cũ nhưng sau khi chà giặt, sửa chữa mà còn dùng tốt, vẫn xứng đáng với đời sống của nó. Tái sử dụng trở thành mục tiêu của hơn 200 mẹ bỉm như thế. Tính vị cộng đồng ấy vượt xa những gì người ta thường dùng để nói về những người phụ nữ đang chăm con. 

shop5dong13
Tặng quà cho các bé điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), ngày 7/1/2024. (Ảnh: Shop50dong)

“Từ thiện thì cũng là cách tái sử dụng, nhưng mà từ thiện thì hướng là giúp những người nghèo, những người khó khăn” – Nga giải thích. “Còn phạm vi của tụi mình thì rộng lớn hơn. Chỉ cần người đó có nhu cầu xài sản phẩm đó, xài cái món đồ đó thì đó là tái sử dụng. Tụi mình thì không phải là mẹ nào nghèo tui mới đưa cho người đó, tặng cho người đó, chỉ cần là người cần dùng thôi”. 

Những người phụ nữ chăm con trong Shop 50 đồng, tiếc những món đồ không xài, để lâu sẽ hư, trong khi mua mới thì tốn nhiều tiền. Họ để tâm đến mong muốn của nhiều người, không chỉ những người eo hẹp về kinh tế, người gặp khó trong làm ăn năm nay mà còn với người theo lối sống giản dị. Họ lo cho môi trường, nơi bất đắc dĩ thành mồ chôn của vô vàn tấn rác thải, trong khi những món đồ có quyền được sống tiếp. Những đứa con đứa cháu, chúng sẽ trở thành thế hệ gánh chịu hậu quả từ thói quen mua sắm vô độ mà thế hệ này sản sinh ra.

Càng đi sâu vô, tìm hiểu về thời trang nhanh, đồ nhựa bị quăng ra bãi rác, nó quá khủng khiếp”, Nga nói.

Vậy nên, những người phụ nữ ấy không ngại đi xa lấy đồ, chà tẩy đỏ tay, nhờ chồng lắp vặn, sửa chữa… để gửi lại cho tất cả những ai thấy cần. Cho người sống khó, cho người muốn tiết kiệm và cho những người yêu môi trường. Nga không cho rằng đó là sự cải biến gì. Đó chỉ là quay về với nếp sống giản dị của ba mẹ khi xưa.   

“Thật ra nói về thế hệ, ví như thế hệ của ba mẹ mình là rất tái sử dụng. Rồi bây giờ ba mẹ mình không có tiếng nói, sao bây giờ cái gì tụi nó cũng tốn kém quá, cái gì tụi nó cũng mua mới không”

“Khi mà mình tặng xấp vải, mình tặng đồ bộ [là đồ được thu gom], các mẹ thích lắm. Vì thật ra cái đó là tái sử dụng, xưa giờ cách sống của các cụ như vậy”.

Ngay cả với người mua đồ, thành viên Shop 50 đồng cũng đau đáu làm sao để họ có được nhận thức nhiều hơn về tái sử dụng. 

“Nhiều khách chưa hiểu rõ tái sử dụng là thế nào. Nhiều khi họ nhận đồ, họ không biết kích thước size, cứ lấy hết. Em muốn làm sao cho khách chỉ mua thứ gì mà họ cần thiết.” – Ngọc Quyên (TP.HCM) – một trong những kiểm duyệt viên của nhóm cho hay. 

“Trước khi em tham gia, cái này em nói thật, em thích là em mua. Không biết cần hay không, em thấy rẻ thì em mua” – Quyên nói về mình ngày trước. Tới nay, cái kệ cao 1m8, ngang 1m ở nhà Quyên, chất đầy bao hàng khách trả tiền rồi… gửi lại. “Chất đầy kệ luôn là chị nghĩ bao nhiêu đơn, cỡ 40-45 đơn, mà khoảng 3 tháng có, 2 tháng có, 1 tháng có, mà họ không lấy”.

“Họ thấy rẻ họ mua thôi, vì thường những món đồ mình cần khi shipper giao thì sẽ khui ra liền hoặc 2-3 ngày sau là khui ra để dùng. Nhưng có những khách dù nhận rồi, 6 tháng họ mới khui ra, thậm chí họ chốt rồi mà 3 tháng họ chưa chịu lấy hàng. Lúc đó em mới nhận ra là em chốt cho khách như vậy có nên hay không”. 

shop5don23
Chị Đỗ Minh Trang, Giám đốc điều hành dự án Resy (trái) đồng hành với Shop 50 đồng để tái chế rác thải, tháng 9/2023. (Ảnh: Shop50dong)

Sự bứt rứt của Quyên càng lớn khi thấy người cần món đồ đó vẫn đi tìm, trong khi đồ thì nằm chết cứng trên chiếc kệ vô tình trong nhà cô. “Tại ngoài việc pass được đồ có lương chuyển vô quỹ, thì đối với em, đồ đến được với người cần em vẫn quý hơn”

Quyên nói như tự chất vấn. “Có lần em pass 50 ngàn máy hâm sữa với 4-5 bình sữa, mẹ đó về làm biếng xài, toàn lấy ca nước nóng ngâm bình sữa”. Quyên gợi ý khách để lại cho chi nhánh khác, cô hỗ trợ 30% đơn. Món đồ sau đó được tặng lại cho Shop, thêm một hành trình đi tìm chủ mới. 

Quyên tính sau này khi chốt đơn sẽ hỏi nhiều hơn, thậm chí gợi ý giải pháp thay thế để coi khách có thực cần không, khách chưa cần thì không chốt. “Có thể là em sẽ ít khách hơn, hoặc đồ em sẽ ế”. 

Tháng ngày cực khổ đổi lấy quả ngọt lành

Gia đình là cộng đồng thu nhỏ, nên những gì mà mọi người thường e ngại ngoài xã hội thì cũng tái hiện như thế ngay trong ngôi nhà của mình. Tái sử dụng – việc làm nghe thật cao cả, nhưng thực tế lại trần trụi như đồ… si (có lẽ là cách đọc Việt hóa và đọc tắt từ “second hand”). Đồ cũ bẩn, đồ cũ hư, đồ cũ dùng thật mất mặt. Tha đồ cũ như tha rác về nhà. 

Để món đồ cũ được người ta ngó tới thì cần phải làm sao cho nó có giá trị sử dụng. Vậy là những người phụ nữ dành thời gian chà sạch bụi, tẩy vết hoen, hong khô, chụp ảnh, lên bài nói rõ số size, tình trạng… để mọi người mua với giá 50 ngàn. Bao nhiêu món cũng chỉ 50 ngàn. Sự bền bỉ là không gì so sánh được. Nó cũng tựa như cách họ xây dựng giá trị của bản thân, nhẫn nại và kiên cường, trong hành trình làm mẹ, nuôi con.    

“Vì em ở chung với ba mẹ chồng em, khi em gom đồ về bà cũng không thoải mái, tại vì đồ đạc thì nhiều, với lại, đồ nhiều khi bụi bặm. Em cũng cố gắng gom đồ về thì phân loại liền, cái nào bỏ, chuyển cho bên xử lý rác thải, rồi cái nào cho từ thiện, cái nào tái sử dụng được” – Trúc nói. Một thời gian sau, thấy vợ vui và có thu nhập, chồng Trúc ủng hộ, dù vẫn xót khi thấy vợ thức đêm thức hôm. Trong đợt thiện nguyện ở Long An, lần phát cơm Cà-mên 0 đồng ở bệnh viện, Trúc đưa con đi cùng để con có cái nhìn đa chiều về thế giới xung quanh, thấy được bên ngoài cũng có những hoàn cảnh cần được sẻ chia.

Quỹ thời gian của Ngọc thì càng eo hẹp. Công việc kiến trúc sư đòi hỏi ở cô nhiều thời gian. Thiếu hơi mẹ cả ngày, về tới nhà là bé 15 tháng bám mẹ. Ngọc phải sắp xếp, căn ke thời gian từng phút để tham gia làm chi nhánh Shop 50 đồng.

“Nếu không có sự giúp đỡ của gia đình thì em sẽ không thể nào tham gia được công việc này”, Ngọc nói. Chồng đi làm tiện đường sẽ thu gom giúp. Bà ngoại giữ bé cho để soạn đồ, chụp ảnh, đăng bài. Không ai nghĩ người phụ nữ đa năng ấy từng thức trắng hàng đêm, ôm con ngồi góc tủ khóc rồi gạt nước mắt đi ra cố gắng bình thường với mọi người. Những áp lực khiến cô muốn đi làm. Tới 1 tuổi cố gửi hai con đi học, làm được 1 tháng thì con ốm 3 tháng liền lại nghỉ.

Khoảng trống của 10 năm trước trong lòng Ngọc, nay được lấp đầy bằng những mối duyên gặp gỡ thiện lương, bằng sự kết nối lại với chồng và bao dung từ mẹ. Khi làm chủ được cuộc sống, cô thấy mình nhẹ nhõm. 

Với Nga, “ban đầu mình cứ đi ôm đồ về thì gia đình nghĩ cái này là từ thiện hả, tự nhiên con nhỏ không lo chăm, đi làm từ thiện làm gì? Vì mọi người mặc định từ thiện là không có tiền đâu, là mình sẽ bỏ công, bỏ sức, rồi thời gian đâu mà làm”. Cô chọn cách kiên trì. 

“Khi mình làm, mình cảm thấy có nhiều mối quan hệ hơn, mình giúp được cho nhiều mẹ hơn. Mình vui thì việc chăm con sẽ khác lắm, thế là người thân và chồng mình thấy điều đó thì ủng hộ”. Rồi một tháng được chi phí gì đó, ví như 1 triệu, 2 triệu, 3 triệu, gia đình cũng biết được không phải mình làm không công, cũng có chi phí để đổ xăng, mua đồ. “Chồng còn nói em làm cái này đỡ quá à, đỡ tốn lắm luôn á”, khi thu gom về cô bớt hẳn mua sắm, cần thì xài đồ người ta bỏ.  

shop5dong15
Trạm ngon miệng – bún xào do nhóm chi nhánh quận 12 và Hóc Môn tổ chức, ngày 5/1/2024. (Ảnh: Shop50dong)

“Mới đầu ba mẹ em cũng ngại đó, tại vì ba mẹ em nghĩ là mặc đồ vậy thì hàng xóm sẽ dị nghị, sẽ nói này nói kia. Nhưng mà sau khi em đưa cho ba mẹ những hình ảnh nếu mình không tái sử dụng mà đồ đạc mình thải ra môi trường thì sao sao đó, thì ba em ở dưới quê gom đồ gửi lên Sài Gòn cho em luôn”, Quyên nói.

“Mẹ em thì đó tới giờ vẫn tái sử dụng thôi nhưng mà mình không biết gọi tên nó là gì, xài đồ cũ, mặc đồ hưởng sái, xài đồ chùa, dưới quê em gọi vậy á. Nên khi có tên cụ thể là tái sử dụng thì mẹ em biết là cái gì, trong lúc đi họp tổ khu phố hay đi vận động quyên góp đồ quần áo, mẹ nói con tôi nó làm cho nhóm tái sử dụng”. 

Quyên hay gửi đồ về quê, ba mẹ ở nhà lại kêu bà con ra lấy. Thỉnh thoảng ba mẹ lại gọi lên bảo, mấy bà con muốn xin đồ, muốn tặng đồ gì đó. “Nói chung là mình gửi đúng cái đồ mà họ cần, họ sẽ nhận hết không có dư”. Từ câu chuyện bà con trong khu phố, Quyên tin từ từ mỗi người thay đổi một chút xíu thì tương lai không xa, mọi người sẽ thay đổi suy nghĩ, bớt dùng đồ nhanh rồi hư sớm, mau chán, bỏ bao vứt đại bên đường. 

***

“Quà tặng 50 đồng” là tên gọi mà em bé nhà mình gọi cho những cục hàng nho nhỏ được gửi đến từ các chi nhánh trong Shop 50 đồng” – Lâm Vũ Ngọc Bích (Bà Rịa-Vũng Tàu) viết trân trọng. Cô là giáo viên, mẹ của 4 con nhỏ. 

“Đúng là quà tặng, vì giá trị mình gửi không hề đi kèm với cái mà mình nhận được nha. Lúc nào mình cũng nhận được nhiều hơn hơn rất nhiều lần, không những là những món đồ mà mình đã chọn, mà gói bên trong còn có cả thật nhiều tình cảm, công sức, và sự chỉn chu, yêu thương của những mẹ bỉm làm chi nhánh nữa. Thật sự biết ơn mọi thứ…”.

Mai Thanh Lam, mẹ của một bé 2 tuổi rưỡi và một bé 5 tháng tuổi, tự nhận mình kỹ tính và cũng là khách quen của Shop 50 đồng. 

“Mới đây mình có đặt túi ngủ cho con mình, của một bạn chi nhánh mới – cô viết từ Hà Nội –  Bạn giặt sạch sẽ thơm tho, gấp phẳng phiu và cho 4 cái túi ngủ vào 4 cái túi khác nhau, bọc vào 1 túi to gấp vuông vắn. Không khác gì mình mua đồ mới. Mình thực cảm động và trân quý công sức và tâm huyết của bạn Hồng Nhung”. Lời cảm ơn được gửi tới nhiều chi nhánh – những người phụ nữ đang nuôi con đã tạo nên những giá trị rất tốt đẹp cho tất cả mọi người, từ trẻ tới già. 

“Năm rồi kinh tế mình không khá lắm nên thật sự rất biết ơn Shop 50 đồng, và [mọi người] cũng giúp bảo vệ môi trường nữa chứ. Đồ luôn sạch sẽ thơm tho, cảm giác như đồ mới. Mình mua đồ mà thấy vui đủ đường luôn ấy.” – Nguyễn Phương Dung (Hà Nội) chia sẻ. Cô cũng là thành viên của một nhóm cộng đồng giúp những người mẹ gặp khó khi nuôi con bằng sữa mẹ. Tư vấn viên sữa mẹ. Có ai còn nhớ, công việc này là khởi nguồn cho Nga gặp gỡ những người mẹ, từ đó lập nên Shop 50 đồng. 

shop50dong binhduong
Một buổi mẹ cùng con đi dã ngoại tại Bình Dương của các thành viên Shop 50 đồng, tháng 10/2023. (Ảnh: Shop50dong)

Có một mong muốn Nga gửi đằng sau nỗ lực thúc đẩy Shop 50 đồng, là để cho những người mẹ được gần con trong năm tháng đầu đời. “Ngoài kia có hàng triệu mẹ bỉm Việt Nam, họ cô đơn lắm” – Nga thốt lên. Không kể những thay đổi tâm lý sau khi sinh. Mong muốn được bên con nhưng cần phải đi làm khiến nhiều người mẹ phải lựa chọn. Và có những công việc đặc thù, như phải tăng ca, làm nặng, hoặc quá stress…, khiến người mẹ khó duy trì nuôi con sữa mẹ được lâu dài. 

“Sẽ có giai đoạn tiền ít một chút, nhưng mà đổi lại mình chăm con tốt nhất. Chứ xung quanh mình toàn là những bé chậm nói không, nói thẳng ra là toàn coi TV không. Từ ngày này qua tháng nọ, không ai tương tác, không ai nói chuyện”.

Với công việc trong Shop 50 đồng, người mẹ được kết nối, nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần, và rèn luyện nhiều kỹ năng và đức tính để sẵn sàng khi trở lại công việc toàn thời gian. Từ chối tăng phí từ 50 lên 100 đồng để giữ phương hướng của một nhóm vì cộng đồng, Nga vẫn trên đường đi tìm nguồn quỹ, để nuôi dưỡng cho nhiều dự án đang được thực hiện, như may tái chế, làm đồ chơi thủ công. Thay vì làm ngẫu hứng, nghề dạy nghề, Nga mong muốn giúp mọi người được đi học, được đào tạo để làm ra sản phẩm tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. 

Nghinh Xuân

Bình Luận