Trong lịch sử Trung Quốc, tứ đại mỹ nhân nổi tiếng không chỉ vì nhan sắc tuyệt mỹ mà còn vì vai trò của họ đối với vận mệnh của các triều đại. 

Tứ Đại Mỹ Nhân
Tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc cổ đại với vẻ đẹp quốc sắc thiên hương đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Trung Quốc và để lại những bài học sâu sắc cho hậu thế. (Ảnh: He Dazi (赫達資), Sailko, unknown and Takaku Aigai via Wikimedia Creative Commons)

Tây Thi trầm ngư

Theo truyền thuyết dân gian, Tây Thi đẹp đến mức khi soi mình xuống dưới ao, cá nhìn thấy nhan sắc của nàng quên mất cách bơi và chìm xuống dưới nước. Vẻ đẹp của nàng được biết đến qua câu miêu tả nổi tiếng:

西施沉魚 (xī shī chén yú) – Tây Thi trầm ngư.

“Tây Thi khiến cá cũng phải ngẩn ngơ chìm xuống nước”

Tây Thi sinh ra trong một ngôi làng nhỏ vào thời Xuân Thu, một thời kỳ hỗn loạn trong lịch sử Trung Hoa khi thiên hạ bị chia cắt và chiến tranh liên miên. Nước Việt nơi nàng sống đã bị thống trị bởi Ngô vương Phù Sai.

Để giành lại độc lập, Việt vương Câu Tiễn và các cận thần chung thành đã bàn tính mưu kế để đánh bại Phù Sai. Cuối cùng họ quyết định dùng mỹ nhân kế, tìm cô gái xinh đẹp và tài năng để quyến rũ và làm Ngô vương xao nhãng việc chính sự. Nàng Tây Thi xinh đẹp được tuyển chọn và đã chấp thuận gánh vác sứ mệnh. Nàng được đưa vào cung để học các nghi thức và ca múa trong ba năm, sau đó được dâng cho Phù Sai – người đã ngay lập tức say mê nhan sắc và tài năng của nàng.

20 năm tiếp theo, Phù Sai ngày càng quấn quýt Tây Thi và không màng đến việc triều chính, cuối cùng bị Câu Tiễn đánh bại, nước Việt giành lại độc lập. Đến ngày nay, Tây Thi vẫn là biểu tượng vĩnh cửu cho sự trung thành và vị tha.

Tây Thi Trầm Ngư
Bản vẽ Tây Thi trong cuốn Gathering Gems of Beauty (Ảnh: He Dazi (赫達資) and Liang Shizheng (梁詩正) via Wikimedia Commons)

Vương Chiêu Quân lạc nhạn

Đại mỹ nhân thứ hai sinh năm 50 trước công nguyên trong một gia đình quý tộc. Từ khi còn rất trẻ, Vương Chiêu Quân đã thông thạo nhiều tác phẩm kinh điển Trung Quốc và tinh thông tứ nghệ cầm – kỳ – thi – họa. Nàng đặc biệt nổi tiếng với cây đàn tỳ bà.

Khi Chiêu Quân đến tuổi trưởng thành, nhan sắc rực rỡ như hoa nở và khí chất hơn người. Vẻ đẹp và tài năng của nàng nổi tiếng khắp vùng nên không có gì ngạc nhiên là nàng được chọn khi Hán Hoàng đế tuyển mỗi tỉnh một cung nữ tiến cung.

Thời đó khi chọn phi tần mới, hoàng đế không gặp trực tiếp mà sẽ xem tranh vẽ chân dung các cung nữ trong hậu cung để lựa chọn. Muốn có một bức tranh đẹp để được nhà vua để mắt tới, các cung nữ phải đút lót rất nhiều tiền cho các họa sĩ.

Nhưng nàng Chiêu Quân không hối lộ nên tranh vẽ nàng dâng lên hoàng đế rất tầm thường. Vì vậy nàng phải sống trong hoàng cung nhiều năm mà không được hoàng đế để mắt đến.

Đây cũng là thời kỳ căng thẳng giữa nhà Hán và các nhóm dân tộc du mục phương Bắc. Rất khó để duy trì hòa bình nơi biên cương nhưng cuối cùng một cơ hội đã đến.

Với mong muốn tăng cường mối quan hệ hữu hảo, Thiền vu Hô Hàn Tà, thủ lĩnh các bộ lạc du mục đã phái sứ giả đến để cống nạp triều đình. Mặc dù Hán đế đã tặng lại rất nhiều đồ quý giá để đáp lại nhưng Thiền vu muốn nhiều hơn thế. Ông ta muốn kết hôn với công chúa nhà Hán.

Hán đế biết rằng nhận Thiền vu làm rể sẽ đảm bảo nền hòa bình lâu dài tại biên giới, nhưng ông không muốn gả con gái cho bộ lạc du mục. Không muốn để vuột mất cơ hội hiếm có này, Hán đế hỏi ý kiến các cận thần và quyết định sẽ chọn một cung nữ trong hậu cung làm công chúa để đảm nhận trọng trách trọng đại.

Chiêu Quân đã nhận lời đề nghị dù phải bỏ lại cuộc sống sung túc trong hoàng cung để sống một cuộc sống du mục nơi vùng đất xa xôi và không được gặp lại những người thân yêu nữa. Tuy nhiên, nàng hiểu sứ mệnh nặng nề của mình và gạt bỏ những lo lắng sang một bên.

Vào ngày tiễn nàng, Hán đế đến kiểm tra xem mọi việc có theo đúng kế hoạch không. Ngay khi nhìn thấy Chiêu Quân, hoàng đế ngẩn người trước vẻ đẹp lộng lẫy của nàng và vô cùng tiếc nuối vì đã để vuột mất một mỹ nhân tài sắc vẹn toàn như nàng.

Với đôi mắt đẫm lệ và trái tim kiên định, Chiêu Quân lên ngựa và rời đi cùng sứ đoàn Hung Nô. Khi mảnh đất thân yêu khuất dần phía chân trời, nàng ôm đàn tỳ bà gảy một giai điệu sầu thương lay động lòng người. Tương truyền chim nhạn trên trời đang bay nghe thấy tiếng đàn và nhìn thấy vẻ đẹp của nàng liền sa xuống đất, gợi cảm hứng cho một câu miêu tả nổi tiếng:

昭君落雁 (zhāo jūn luò yàn) – Chiêu Quân lạc nhạn.

“Chiêu Quân khiến chim phải rơi xuống đất”

Chiêu Quân là một phụ nữ đức hạnh và đóng vai trò to lớn trong việc giữ gìn hòa bình kéo dài tới 60 năm cho biên cương nhà Hán. Đóng góp của Chiêu Quân thường được coi là quan trọng ngang với rất nhiều vị tướng nhà Hán.

Vuong Chieu Quan
Vương Chiêu Quân là một phụ nữ đức hạnh và đóng vai trò to lớn trong việc giữ gìn hòa bình kéo dài tới 60 năm cho biên cương nhà Hán. (Ảnh: Kukumamori/ Wikimedia Commons)

Điêu Thuyền bế nguyệt

Đại mỹ nhân thứ ba xuất hiện vào cuối thời Hán, khi Hán Linh Đế băng hà và hoàng tử nhỏ kế thừa ngai vàng. Do hoàng đế còn non trẻ nên bị Đổng Trác – một kẻ bạo ngược máu lạnh thao túng triều đình và lên kế hoạch chiếm đoạt ngôi vua.

Cánh tay phải của Đổng Trác là con nuôi Lữ Bố – một chiến binh máu lạnh bất khả chiến bại. Lữ Bố đã phản bội lại chủ cũ để quy phục Đổng Trác chủ yếu vì lợi ích bản thân và trở thành cánh tay đắc lực của kẻ bạo ngược.

Không thể miêu tả hết được sự tàn ác của Đổng Trác. Trong tay kẻ sẵn sàng tra tấn và giết người chỉ để thỏa mãn, tương lai của nhà Hán vô cùng ảm đạm.

Lo lắng cho vận mệnh quốc gia, Tư đồ Vương Doãn, một đại thần chung thành, ngày đêm suy tính cách lật đổ tên bạo chúa. Một buổi tối khi đang vừa tản bộ vừa suy nghĩ trong gia viên, Vương Doãn thoáng nhìn thấy con gái nuôi Điêu Thuyền đang ngắm trăng. Đúng lúc này một đám mây bay qua che khuất mặt trăng, ông cảm thán rằng con gái đẹp đến mức mặt trăng phải xấu hổ và giấu mình sau đám mây. 

貂蟬閉月 (diāo chán bì yuè) – Điêu Thuyền bế nguyệt.

“Điều Thuyền làm mặt trăng xấu hổ phải giấu mình”

Bỗng nhiên Vương Doãn nhận thấy rằng nhan sắc của Điêu Thuyền có thể cứu đất nước. Trong tuyệt vọng, ông quỳ xuống trước cô con gái nuôi yêu quý và hỏi nàng liệu có sẵn lòng giúp quốc gia lấy lại sự thái bình?

Ngạc nhiên và bối rối nhìn cha nuôi quỳ trước mặt, cô gái 16 tuổi nhẹ nhàng đỡ ông dậy và đảm bảo với ông rằng nàng sẵn lòng làm mọi thứ để trả ân dưỡng dục của ông. Mặc dù kế hoạch của ông khiến nàng lo lắng, nhưng nàng đã quyết tâm chấp nhận sứ mệnh dù phải trả bất cứ giá nào.

Vương Doãn sắp xếp hai bữa tiệc riêng cho Lữ Bố và Đổng Trác. Khi Điêu Thuyền diễm lệ xuất hiện, các vị khách ngay lập tức mê mẩn sắc đẹp của nàng. Để tạo sự gián cách, Vương Doãn hứa gả con gái cho Lữ Bố, sau đó lại nói dâng Điêu Thuyền cho Đổng Trác. Đổng Trác ngay sau bữa tiệc đã đưa Điêu Thuyền về dinh thự mà không cần đợi hôn lễ.

Những ngày tiếp theo, Lữ Bố không thể không chú ý thấy sự vắng mặt của vị hôn thê trong dinh thự của vị Tư đồ. Hắn vô cùng tức giận khi biết tên bạo chúa đã cướp Điêu Thuyền về tay mình. Bằng trí thông minh và sự khéo léo, Điêu Thuyền đã khiến Đổng Trác và Lữ Bố mâu thuẫn ngày càng gay gắt, cuối cùng một trận chiến kịch tính đã xảy ra giữa hai kẻ bạo ngược và Lữ bố đã giết chết Đổng Trác. Lữ Bố bị buộc tội giết người và trật tự được lập lại trong Hoàng Cung.

Vương Doãn gặp lại con gái nuôi và quỳ xuống trước nàng vì đã cứu đất nước. Điêu Thuyền là biểu tượng vượt thời gian cho một phẩm chất được ca ngợi trong văn hóa Trung Hoa gọi là “Nghĩa” (義), với nội hàm bao gồm lẽ phải, sự chính trực, hy sinh, trung thành và công lý.

Dieu Thuyen be nguyet
Vương Doãn và con gái nuôi Điêu Thuyền (Ảnh: Shizhao via Wikimedia Commons)

Dương Quý Phi tu hoa

Đại mỹ nhân cuối cùng không phải là người cứu đất nước mà là người làm suy sụp một triều đại. Nhan sắc diễm lệ của nàng đã chiếm trọn tâm trí của hoàng đế khiến ông bỏ bê triều chính.

Vào những năm đầu thế kỷ thứ 8, triều đại nhà Đường đang ở thời kỳ hưng thịnh nhất. Khi đó, Đường Huyền Tông vừa mất đi vị ái phi yêu quý nhất của mình và rất buồn bã. Sau đó, ông gặp Dương Quý Phi và ngay lập tức say mê sắc đẹp của nàng. Dương Quý Phi trở thành người được hoàng đế vô cùng sủng ái. Tương truyền Dương Quý Phi đẹp đến mức khi hoa nhìn thấy nàng cũng phải thu mình lại vì xấu hổ.

貴妃羞花 (guì fēi xiū huā) – Quý phi tu hoa.

“Quý Phi khiến hoa phải thu mình vì xấu hổ”

Như bị bỏ bùa mê, hoàng đế dành cả ngày để tiệc tùng vui chơi bên Dương Quý Phi, tặng nàng vô số ngọc ngà châu báu. 

Lúc này, trong khi nhà vua ngày càng bê trễ việc triều chính thì tình hình biên giới vẫn nước sôi lửa bỏng, quân nổi dậy chuẩn bị tiến đánh kinh thành. Thế nhưng những lời khuyên can của các vị đại thần về việc Dương Quý Phi đã làm hoàng đế xao nhãng triều chính đều không lọt tai ông. 

Duong Quy Phi
Bức tranh “Mỹ nhân Trung Hoa Dương Quý Phi” của họa sĩ Hosoda Eishi, thời kỳ Edo khoảng năm 1800-20 sau Công Nguyên. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Trong vòng chưa đầy một năm, quân nổi dậy đã tiến đến kinh đô Trường An của nhà Đường, buộc hoàng đế và tùy tùng phải chạy trốn vào trong núi. Tất nhiên hoàng đế cũng dẫn theo theo ái phi của mình.

Cuối cùng mệt mỏi và kiệt sức, các thị vệ yêu cầu hoàng đế loại bỏ nguyên nhân làm đất nước suy tàn: Dương Quý Phi. Hoàng đế khó có thể tưởng tượng được cuộc sống không có ái phi của mình, nhưng không còn lựa chọn nào khác trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc này này, ông đành đau khổ đồng ý.

Vì tương lai nhà Đường, Dương Quý Phi buộc phải tự sát. Thi thể của nàng được cuốn trong một mảnh vải lụa tím tẩm hương thơm và chôn bên cạnh một con đường gồ ghề.

Hoàng đế lấy lại được quyền lực nhưng trái tim ông vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất ái phi. Ông trao lại ngai vàng cho thái tử, ra lệnh cho họa sĩ vẽ một bức tranh đẹp về Dương Quý Phi, và gặm nhấm nỗi buồn nhớ ở thứ cung.

Lấy cảm hứng từ tứ đại mỹ nhân, ngày nay vẻ đẹp xuất chúng của người phụ nữ vẫn được miểu tả bằng thành ngữ “沉魚落雁,閉月羞花,” (Trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa), theo cách nói của người Việt là “chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn”.

Tứ đại mỹ nhân là minh chứng cho sức mạnh của sắc đẹp, không cần binh đao mà vẫn có thể làm “nghiêng nước đổ thành”.