Ngày 16/3, một cuộc biểu tình tập thể đã nổ ra tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lhasa của Tây Tạng. 500 học sinh ngồi tĩnh tọa kháng nghị trên sân vận động bị cảnh sát đánh đập dã man, khiến 20 sinh viên thiệt mạng. Vụ việc được cư dân mạng gọi là thảm sát Thiên An Môn “ngày 4/6” ở Tây Tạng.

Tay Tang
Một góc Trường học Lhasa (nguồn ảnh: video chụp màn hình)

Nguồn tin cho biết: “Cảnh sát trực tiếp dùng dùi cui làm vũ khí thẳng tay đánh học sinh. Trong lúc hỗn loạn, 2 học sinh bị đánh chết tại chỗ, bị đánh đến chết. Một số học sinh khác bị giẫm đạp đến chết.

Còn có 3, 4 học sinh nhảy khỏi các tòa nhà để phản đối. Trước khi chết, họ treo những tấm biển có dòng chữ ‘Tôi bị Chính phủ Trung Quốc ép chết’. Kỳ thực không chỉ hơn 10 người mất mạng, mà là hơn 20 người đã chết.”

Nhiều người bị giam giữ trong viện tâm thần, bị thương, hiện không rõ sống chết.

Hiện nay, công an giám sát học sinh chặt chẽ hơn, liên tục có sinh viên bị bắt đi vì có liên hệ với bên ngoài. Các trường học cũng bắt đầu buộc học sinh phải quẹt thẻ bằng nhận diện khuôn mặt, để theo dõi tung tích của họ tốt hơn.

Nguồn tin này cho biết, sau khi chứng kiến ​​​​cuộc đàn áp sinh viên Lhasa của chính quyền ĐCSTQ, anh quyết định tiết lộ cho truyền thông nước ngoài sự thật mà chính quyền đã cố gắng che đậy, hy vọng dùng chút sức mọn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, nhằm giải cứu những học sinh này.

Khác với các cuộc biểu tình của sinh viên trên khắp Trung Quốc bị đàn áp năm 1989, cuộc kháng nghị tĩnh tọa lần này của sinh viên Tây Tạng có liên quan đến việc đóng cửa trường học vào tháng 3/2008. Khi đó, người Tây Tạng đang phản đối việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt giữ các nhà sư.

Lời kêu gọi của học sinh rất đơn giản, đó là không nên đóng cửa trường học trong cả học kỳ. Hơn nữa, cuộc kháng nghị tĩnh tọa được tổ chức trong khuôn viên trường. Nguyên nhân gây ra vụ việc không chỉ là do cảnh sát vũ trang của ĐCSTQ, mà còn có sự tham gia của nhà trường.

Một nguồn tin yêu cầu giấu tên đã mạo hiểm mạng sống để tiết lộ tin tức này với truyền thông nước ngoài rằng: “Đóng cửa trường học là một truyền thống lâu đời. Bắt đầu từ năm 2009, trường thường đóng cửa một hoặc hai tháng mỗi năm, nhưng lần này họ đã đóng cửa 4 tháng.”

Ngày 14/3/2008, hàng trăm người Tây Tạng đã tổ chức một cuộc biểu tình “kỷ niệm cuộc kháng chiến chống ‘Cải cách Ruộng đất’ của ĐCSTQ năm 1959”.

Họ đã bị cảnh sát vũ trang đàn áp dữ dội. Xung đột giữa hai bên khiến gần 100 người thương vong (trong đó có 18 thường dân vô tội). Chính phủ Tây Tạng cho biết, đây là một “cuộc bạo loạn có tổ chức, tính toán trước và lên kế hoạch kỹ lưỡng ở các khu vực Tây Tạng” do nhóm của Đức Đạt Lai Lạt Ma thực hiện.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phủ nhận điều này. Ông nói rằng đó là do sự bất mãn lan rộng của người dân Tây Tạng. Kể từ đó, chính quyền yêu cầu các trường đại học, cao đẳng tại địa phương đóng cửa vào tháng Ba hàng năm.

Là trường duy nhất trực thuộc thủ đô Tây Tạng, Trường Cao đẳng Sư phạm Lhasa đã thực hiện chính sách này một cách đặc biệt triệt để.

Theo nguồn tin cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian đóng cửa trường học trong năm nay là do một nữ sinh của trường đã tiết lộ tình hình đóng cửa trường học với truyền thông nước ngoài.

Không chỉ tung tích của cô gái bặt vô âm tín, nhà trường và cảnh sát còn tiến hành một cuộc điều tra quy mô lớn với hàng ngàn học sinh. “Hơn 30 học sinh đã bị bắt đi sau đó.”

Được biết, hơn 30 sinh viên này không hề xem “Internet bị cấm” hay “làm những việc bị cấm”. Chỉ vì muốn đăng ký vào các trường đại học nước ngoài, nhiều người trong số họ đã sử dụng hộp thư trong nước không thể liên lạc được, nên phải đăng nhập bằng hộp thư điện tử Google từ trang mạng hải ngoại.

ĐCSTQ đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để chặn Internet bên ngoài. Muốn vượt tường lửa Internet, bạn phải có phần mềm phá mạng an toàn, như Freegate, Ultrasurf, v.v.

Nguồn tin này mô tả việc kiểm soát trường Cao đẳng Sư phạm Lhasa trong thời gian đóng cửa có thể được ví như quản lý một nhà tù. Chẳng hạn, trong thời kỳ dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), hàng rào thép gai được lắp đặt trên tường trong khuôn viên trường. Ống thép được lắp đặt trong các lớp học.

Học sinh không được phép nghỉ học khi bị ốm hoặc đi mua sắm. Căn tin trường học, siêu thị nhân cơ hội tăng giá. Ví dụ, một cốc sữa đậu nành có giá 7 tệ (khoảng 24.000 VNĐ), một chiếc bánh bao thông thường có giá 15 tệ (khoảng 52.000 VNĐ).

Sinh viên rất bất bình và đã báo cáo với hiệu trưởng. Hiệu trưởng khẳng định nếu cuộc biểu tình vẫn tiếp tục, ông sẽ gọi cảnh sát bắt giữ tất cả học sinh, và coi đây là “tội chống phá nhà nước” hoặc “gián điệp”.

Nguồn tin cho biết: “120 học sinh đã ký tên, lấy dấu vân tay tập thể và trao đơn kiến nghị này cho hiệu trưởng. Hiệu trưởng xé nó ra. Sau đó, nhà trường đến từng lớp tìm những học sinh đã ký và xử phạt các em, khiến toàn trường trở nên hoảng loạn. Ngay cả một số giáo viên chính trực cũng im lặng.”

Các sinh viên đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ truyền thông Đại Lục nhưng không có kết quả. Họ lại cầu cứu truyền thông nước ngoài. Nhưng họ đã sớm bị cảnh sát ĐCSTQ phát hiện và tiến hành một chiến dịch điều tra rộng rãi hơn trong khuôn viên trường.

Nguồn tin cho biết: “Công an và nhà trường đã lắp camera khắp nơi, thậm chí cả phía đối diện các phòng trong ký túc xá (sinh viên).

Cửa không được phép đóng khi ngủ. Camera sẽ ghi hình trực tiếp những gì mọi người đang làm trong ký túc xá. Không có cả sự riêng tư khi thay quần áo, đánh răng và trò chuyện. Căn tin hiện cũng đã lắp camera. Không được nói chuyện trong khi ăn, bởi hễ mở miệng, họ sẽ biết bạn đang nói gì”.

Ngoài ra, nhà trường còn buộc mỗi học sinh phải cài đặt một ứng dụng có tên “Tịnh Đồ Thực Đường” (Nhà ăn Tịnh Đồ) trên điện thoại di động. Đây thực chất là một thiết bị định vị được ngụy trang của cơ quan chức năng.

Nhà trường còn yêu cầu học sinh phải bật điện thoại di động hàng ngày, và điền thông tin chi tiết về nơi ở trong ngày trên ứng dụng này. Những học sinh không điền sẽ bị nhà trường và công an bắt ép cả ngày lẫn đêm, có học sinh bị nhốt vào bệnh viện tâm thần.

Cư dân mạng cho rằng ĐCSTQ hiện đã giết người thành thói quen. Minh chứng là từ các phong trào khác nhau trong lịch sử đến phong tỏa thành phố, kiểm soát dịch bệnh, từ việc đàn áp những người bất đồng chính kiến, các tín đồ và những người bảo vệ nhân quyền cho đến nạn thu hoạch nội tạng của người Trung Quốc.

Bình Minh (t/h)