Sau khi từ bỏ quyền kiểm soát Ant Group, Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba, đã mờ nhạt trong mắt công chúng những năm gần đây. Thông tin mới nhất cho thấy ông đã trở thành cổ đông lớn nhất của Alibaba nhờ tăng lượng cổ phiếu nắm giữ. Vào ngày 10/4, Jack Ma đã đăng một bài viết lên mạng nội bộ của Alibaba lần đầu tiên sau 5 năm kể từ khi ông “nghỉ hưu”.

shutterstock 1072052312
Ông Jack Ma tại Thái Lan năm 2018 (Ảnh: SPhotograph / Shutterstock)

Jack Ma đăng bài viết lên mạng nội bộ của Tập đoàn Alibaba

Vào ngày 10/4, Jack Ma đã đăng một bài viết trên mạng nội bộ của Tập đoàn Alibaba với tiêu đề “Tập trung cải cách, Tập trung đổi mới”, khẳng định những thay đổi trong ban lãnh đạo mới gồm ông Thái Sùng Tín và Ngô Vịnh Minh, cho rằng Alibaba đã quay trở lại con đường tăng trưởng lành mạnh và ủng hộ việc tiếp tục cải cách.

Jack Ma ký tên vào bài đăng này với biệt danh “Phong Thanh Dương”, đây là lần đầu tiên sau 5 năm kể từ khi “nghỉ hưu”, ông chia sẻ suy nghĩ của mình về quá trình cải cách, đổi mới và triển vọng lâu dài trong tương lai của công ty.

Trong bài viết, Jack Ma cho rằng sự thay đổi cốt lõi của Alibaba trong năm qua không phải là để bắt kịp KPI, mà là nhận ra chính mình và quay trở lại quỹ đạo giá trị khách hàng. Bằng cách tấn công vào các vấn đề của các công ty lớn, Alibaba đã quay trở lại đặt hiệu quả và thị trường lên hàng đầu, trở nên đơn giản và nhanh nhẹn.

Ông cho rằng ban lãnh đạo mới “đối mặt với các vấn đề và tương lai phía trước, tin tưởng vào người trẻ, trao quyền đầy đủ cho đội ngũ trẻ, đưa ra những lựa chọn dứt khoát và rõ ràng về những gì chúng ta muốn và những gì chúng ta không muốn.” “Không chỉ là bước đột phá trong chiến lược rập khuôn của ngày hôm qua mà còn gây dựng Alibaba của tương lai”. Về tương lai của ngành, Jack Ma đánh giá rằng “khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm giống như một thế kỷ trong lĩnh vực Internet, đủ để mang đến những thay đổi chấn động địa cầu. Thời đại AI vừa đến, mọi thứ đều mới bắt đầu, và chúng ta đang ở trong thời điểm tốt này!”

Hiện tại, Alibaba đã thành lập nhóm thương mại điện tử AI (trí tuệ nhân tạo) và đang xây dựng sản phẩm thương mại điện tử AI dành cho thương nhân và chuyên gia – “Huiwa”, sẽ tăng cường hiệu suất sáng tạo trong việc tạo ra văn bản tiếp thị, đào tạo mô hình AI riêng cho các nhà cung cấp trên Taobao và Tmall.

Những người trong nội bộ Alibaba nói với giới truyền thông: “Mặc dù ông Jack Ma không đảm nhiệm một vị trí quản lý cụ thể nào trong những năm gần đây, nhưng với tư cách là người sáng lập, ông luôn đứng ra vào những thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển của công ty, để giải đáp thắc mắc và động viên nhân viên”.

Năm vừa qua là một năm có sự điều chỉnh chiến lược nhanh chóng của Alibaba. Khi Alibaba Cloud, Hema và Cainiao liên tiếp chấm dứt quá trình tách và niêm yết, cuộc cải cách “1+6+N” mạnh mẽ trước đây của Alibaba đang lặng lẽ đi đến hồi kết.

Trong 6 tháng qua, ban lãnh đạo của Alibaba đã tiếp tục điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình. Vào ngày 26/3, Alibaba đã quyết định rút đơn đăng ký IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) tại Hồng Kông của Cainiao. Đồng thời, Alibaba quyết định đưa ra lời đề nghị chào mua công khai để mua lại tất cả cổ phần của các cổ đông thiểu số của Cainiao và vốn cổ phần do nhân viên của công ty nắm giữ với giá trị lên tới 3,75 tỷ USD.

Đồng thời, Alibaba Cloud, một công ty con của Tập đoàn Alibaba, tuân thủ nguyên tắc “ưu tiên đám mây công cộng, do AI điều khiển” và không còn thúc đẩy việc tách hoàn toàn Cloud Intelligence Group. Giám đốc điều hành Alibaba Ngô Vịnh Minh trước đó đã tuyên bố trong báo cáo tài chính rằng do có nhiều bất ổn trong môi trường bên ngoài hiện tại, công ty đã quyết định không thúc đẩy việc tách hoàn toàn Cloud Intelligence Group sau khi đánh giá cẩn thận. “Tập đoàn Alibaba sẽ duy trì đầu tư lâu dài và kiên quyết vào định hướng chiến lược của Alibaba Cloud. Đồng thời, Cloud Intelligence Group sẽ tiếp tục hoạt động như một công ty độc lập, đồng thời áp dụng hệ thống trách nhiệm CEO do hội đồng quản trị ủy quyền.”

Jack Ma đã thay thế SoftBank trở thành cổ đông lớn nhất của Alibaba

Vào tháng Một năm nay, giới truyền thông tiết lộ rằng Jack Ma đã tăng lượng nắm giữ cổ phiếu Alibaba trị giá khoảng 50 triệu USD vào quý 4 của năm 2023, nâng tỷ lệ sở hữu của ông lên hơn 4,3%. Điều này khiến ông trở thành cổ đông lớn nhất của Alibaba.

Ngoài ra, chủ tịch hiện tại của Alibaba, Thái Sùng Tín đã mua 150 triệu USD cổ phiếu Alibaba vào quý 4 của năm 2023 thông qua nền tảng đầu tư Bluepool Capital Management của gia đình ông. Động thái này khiến ông trở thành cổ đông lớn thứ hai sau ông Jack Ma.

Tỷ lệ sở hữu kết hợp của ông Jack Ma và ông Thái Sùng Tín đã vượt quá tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản.

Được biết, SoftBank tiếp tục giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu Alibaba sinh lời cao nhất để bù đắp cho khoản đầu tư khổng lồ của Vision Fund vì nhu cầu vốn của Vision Fund quá lớn. 

Theo tính toán của Morgan Stanley, trong 2 năm qua, Tập đoàn SoftBank do Masayoshi Son kiểm soát đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Alibaba thông qua các hợp đồng kỳ hạn, từ khoảng 7% vào tháng 12/2022 xuống còn 2% vào tháng 3/2023, đến tháng Năm thì tỷ lệ này tiếp tục giảm xuống dưới 0,5%. Tỷ lệ sở hữu cổ phần của Jack Ma đã vượt qua SoftBank và ông trở thành cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Alibaba.

Jack Ma không cam tâm bị mờ nhạt dần?

Sự gia tăng nắm giữ cổ phần này đã đưa Jack Ma trở thành cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Alibaba, khiến ông trở lại tâm điểm chú ý của dư luận.

Tờ “Tin tức Tài chính Quốc tế” của Trung Quốc dẫn lời phân tích của Shen Meng, Giám đốc Chanson Capital, chỉ ra rằng thông thường mà nói, việc mua lại doanh nghiệp là để truyền tải thông tin đến thị trường về hiệu quả hoạt động vững chắc, dòng tiền dồi dào và việc định giá thấp của công ty, đồng thời nâng cao niềm tin của nhà đầu tư đối với công ty, nhưng giá cổ phiếu của công ty không nhích lên sau các đợt mua lại quy mô lớn, cho thấy việc mua lại không đủ để loại bỏ mối lo ngại của các nhà đầu tư.

Ông Jack Ma, người đã đi du lịch nước ngoài trong những năm gần đây, đã trở lại Trung Quốc trước khi kế hoạch tách Tập đoàn Alibaba được công bố vào năm ngoái, khiến thế giới bên ngoài suy đoán liệu ông có đạt được thỏa thuận nào đó với chính quyền Bắc Kinh hay không.

Ông Jack Ma đã từ bỏ quyền kiểm soát Ant Group vào năm ngoái và dường như đang giữ khoảng cách với ‘gã khổng lồ’ công nghệ này. 

Những năm gần đây, những ngày tháng của Alibaba không hề dễ dàng. Tập đoàn này và Ant Group là một trong những công ty đầu tiên hứng chịu đòn giáng mạnh hơn vào ngành công nghệ, khiến giá trị thị trường thiệt hại khoảng 1.100 tỷ USD. Vào năm 2020, Ant Group buộc phải hủy bỏ kế hoạch niêm yết có khả năng lập kỷ lục, một sự thay đổi gây sốc được nhiều người hiểu là khi các cơ quan quản lý tái thiết lập vai trò chủ đạo của họ đối với các công ty tư nhân. Chính quyền Trung Quốc sau đó đã áp dụng mức phạt chống độc quyền 2,8 tỷ USD đối với Alibaba.

Alibaba đã từ bỏ kế hoạch tách khỏi hoạt động kinh doanh điện toán đám mây vào năm ngoái, dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu ồ ạt. Các giám đốc điều hành của công ty tin rằng đây là kết quả của các hạn chế của Mỹ đối với việc bán chất bán dẫn sang Trung Quốc, nhưng các chuyên gia cho rằng hoạt động kinh doanh của Alibaba Cloud cũng đang mất thị phần vào tay các đối thủ được chính phủ hậu thuẫn.