Theo một huấn luyện viên nghề nghiệp, những người đã có linh cảm xấu trong lúc phỏng vấn nhưng vẫn nhận việc cuối cùng đều phải hối hận. Ứng viên nên tránh xa các công ty có dấu hiệu này.

ung vien 1
(Ảnh: New Africa/ Shutterstock)

Từ vị sếp bốc đồng đến những đồng nghiệp khó chịu, từng vấn đề nhỏ tích tụ lại có thể khiến cuộc sống hàng ngày của bạn trở nên khó khăn.

Laura Leuillier, một huấn luyện viên nghề nghiệp, đã chia sẻ ba dấu hiệu cảnh báo cho mọi người về một môi trường làm việc tồi tệ. Nếu bạn định ứng tuyển vào những công ty như thế này thì hãy cân nhắc thật kĩ.

1. Tỷ lệ luân chuyển nhân viên cao

Theo Leuillier, nhân viên đến và đi liên tục có thể là một dấu hiệu cảnh báo rất rõ ràng. Cô khuyên mọi người nên tìm hiểu trên LinkedIn để xem nhân viên ở công ty đó thường cống hiến cho công ty trong bao lâu. Bạn cũng có thể tham gia vào các hội nhóm review công ty hoặc tự đặt câu hỏi trong các nhóm đó để có cái nhìn tổng quan hơn. Leuillier nhấn mạnh rằng bạn nên chú ý đến những nhận xét tiêu cực về cùng một vấn đề (trong một công ty) được lặp lại liên tục từ nhiều người khác nhau.

2. Nhà tuyển dụng không cho phép bạn nói trong buổi phỏng vấn

Leuillier cho rằng ứng viên nên được thoải mái thể hiện bản thân và kỹ năng của mình trong buổi phỏng vấn. Tất nhiên, nhà tuyển dụng có thể đặt những câu hỏi hóc búa hoặc thể hiện sự nghiêm khắc nhưng phải đảm bảo thái độ lịch sự và tôn trọng với ứng viên. Nếu người phỏng vấn cứ chặn lời bạn hoặc tỏ ra thờ ơ với những gì bạn nói thì rất có thể đó là dấu hiệu cho thấy bạn khó lòng làm việc cùng người đó.

“Nếu bạn cảm thấy họ không thực sự lắng nghe câu trả lời của bạn và họ cũng không cho bạn thời gian để bạn hỏi những gì bạn muốn hỏi thì đó là một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng”, cô nói.

Nếu nhà tuyển dụng nói xấu các nhân viên khác hoặc quá kín tiếng (không muốn tiết lộ tình hình công ty) thì đó cũng là một dấu hiệu xấu.

3. Họ trả lời bạn bằng những câu nói chung chung

Để tìm hiểu kĩ hơn về văn hóa công ty thông qua buổi phỏng vấn, Leuillier khuyên bạn nên hỏi nhà tuyển dụng (có thể là sếp tương lai của bạn) xem kiểu nhân viên thế nào thì có thể phát triển mạnh trong công ty? Những người như vậy làm việc cùng ai là tốt nhất, họ thích giao tiếp (giải trí) như thế nào và tần suất ra sao?

“Nếu nhà tuyển dụng im lặng, tỏ ra cẩn trọng hoặc bị xúc phạm trước những câu hỏi đó thì rất có thể đó là một dấu hiệu nguy hiểm. Họ nên cảm thấy thoải mái khi được hỏi mới phải. Những khẩu hiệu chung chung như ‘làm việc hết sức, chơi hết mình’ có thể mang ý nghĩa là công ty đó không ưu tiên việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống”, cô nói.

Leuillier chia sẻ rằng có rất nhiều khách hàng của cô dù đã cảm nhận được những điều tiêu cực trong buổi phỏng vấn nhưng vẫn bất chấp đi làm. Kết quả là họ thực sự gặp phải những vấn đề đó trong lúc làm việc. Vì thế, nếu bạn đang cố tình “nhắm mắt đưa chân” để nhận việc ở một môi trường độc hại thì rất có khả năng bạn sẽ lại phải đi tìm việc sau 6 đến 12 tháng.