Mới đây, một lãnh đạo hàng đầu của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) bị công bố điều tra. Tờ Financial Times (FT) nhận định đây được cho là một dấu hiệu bất ổn mới trong cơ sở quốc phòng của Trung Quốc. CETC được biết là tập đoàn công nghiệp quân sự duy nhất cung cấp dịch vụ cho tất cả các quân chủng của Quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (PLA).

1440px The 2nd China Mianyang Science Technology City International Hi Tech Expo 47
Hình ảnh CETC tham gia Hội chợ Khoa học và Công nghệ Quốc tế Thành phố Khoa học và Công nghệ Trung Quốc lần thứ 2 (Nguồn: RG72 / Wikipedia / CC BY-SA 4.0).

Tờ Financial Times (FT) đưa tin hôm thứ Tư (9/4), cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang điều tra một  lãnh đạo cấp cao của CETC – một trong những nhà cung cấp thiết bị quân sự hàng đầu của Trung Quốc.

Người bị điều tra là ông Hà Văn Trung (He Wenzhong) – phó tổng giám đốc của CETC (công ty nằm trong danh sách lệnh trừng phạt của Mỹ) – vụ việc được cho là có liên quan hai tướng lĩnh của Lực lượng Tên lửa điều khiển tên lửa hạt nhân trên đất liền – họ bị thay thế vào năm ngoái.

Cuộc điều tra đối với ông Hà Văn Trung được cho là liên quan đến cuộc cải tổ lớn vào năm ngoái trong PLA – hai tướng chỉ huy Lực lượng Tên lửa đã bị thanh trừng trong cuộc cải tổ này.

Lực lượng tên lửa là đơn vị quan trọng của PLA Trung Quốc – kiểm soát tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất.

Thời điểm hai tướng lĩnh Lực lượng Tên lửa được thay thế cũng là lúc Bộ trưởng Quốc phòng PLA Lý Thượng Phúc biến mất khỏi tầm mắt công chúng. Như đã biết, sau đó ĐCSTQ cũng đã thay thế vị trí của ông Lý Thượng Phúc.

Nhà cầm quyền Trung Quốc không tiết lộ chi tiết vụ án ông Hà Văn Trung, cũng không cho biết có liên quan đến cuộc điều tra Lực lượng Tên lửa hay việc thanh trừng Lý Thượng Phúc hay không.

Theo nguồn tin, CETC hợp tác chặt chẽ với các lực lượng vũ trang để sản xuất nhiều thiết bị quân sự công nghệ cao, bao gồm cả radar cảnh báo sớm.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia của ĐCSTQ cho biết trong một tuyên bố ngày 7/4: “Ông Hà Văn Trung… bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng, hiện đang bị xem xét kỷ luật và điều tra giám sát”.

CETC được thành lập từ  quá trình sáp nhập của 46 viện nghiên cứu điện tử và 26 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, có 200.000 nhân viên, đây là một trong những tập đoàn quốc phòng lớn nhất thế giới.

CETC tuyên bố là tập đoàn công nghiệp quân sự duy nhất của Trung Quốc cung cấp dịch vụ cho tất cả các binh chủng PLA – gồm cả quân chủng tác chiến không gian.

Ngoài radar, CETC còn thiết kế các nhóm máy bay không người lái cũng như hệ thống dẫn đường và tác chiến điện tử. Trong số nhiều công ty con của CETC, Tập đoàn Thiết bị Giám sát Hikvision cũng phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ông Hà Văn Trung là Viện trưởng Viện 11 của CETC, chuyên nghiên cứu các công nghệ dò laser và hồng ngoại được sử dụng trong vũ khí dẫn đường chính xác.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ cho biết từ năm ngoái họ “đã phát hiện một số vấn đề và nhận được một số manh mối về một số cán bộ lãnh đạo CETC” – nguyên nhân của hoạt động chỉnh đốn năm nay.

Ngoài Hikvision, CETC còn nắm giữ cổ phần tại các tập đoàn công nghiệp quân sự trong nước Trung Quốc như Taiji, Guorui, Sichuang, Phenix Optics.

Tờ FT cho biết, trong một cuộc điều tra chống tham nhũng đối với Cục Phát triển Thiết bị PLA vào năm ngoái của Quân ủy Trung ương do ông Tập Cận Bình phụ trách, vào cuối tháng Tám thì ông Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã “biến mất”.

Cục Phát triển Thiết bị của PLA chịu trách nhiệm phát triển và mua sắm vũ khí mới, trước khi ông Lý Thượng Phúc được bổ nhiệm vào ủy viên Quân ủy Trung ương khoảng hơn một năm trước thì ông Lý phụ trách đơn vị này.

Một số sĩ quan cấp cao mà năm ngoái bị loại khỏi ban lãnh đạo Lực lượng Tên lửa  là những người đã từng làm việc cùng ông Lý Thượng Phúc ở Cục Phát triển Thiết bị, nhưng một số người nắm rõ tình hình cho biết việc sa thải họ có liên quan đến nghi ngờ rò rỉ thông tin bí mật.

Trước khi ông Lý Thượng Phúc bị thanh trừng là vụ “biến mất bí ẩn” vào tháng Sáu của Ngoại trưởng đương nhiệm khi đó là ông Tần Cương, sau khi biến mất một tháng thì nhà cầm quyền mới thông báo cách chức Ngoại trưởng của ông Tần Cương.

Tờ FT nhận định, dù các vụ mất tích của quan chức ĐCSTQ không phải chuyện hiếm, nhưng  giới phân tích có quan điểm chỉ ra rằng việc loại bỏ các bộ trưởng nội các như ông Lý Thượng Phúc và ông Tần Cương là rất bất thường và là dấu hiệu của tình trạng bất ổn nội bộ ĐCSTQ.