Tin tức sức khỏe

Bộ Y tế: Khẩn cấp, mỗi huyện cần ít nhất 1 điểm tiêm phòng bệnh dại

Động thái kiểm soát bệnh dại được đưa ra trước tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong chỉ hai tháng đầu năm 2024, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp).

Chó mèo bên thềm cửa một căn nhà ở Việt Nam. (Ảnh: Mariamalaya/Shutterstock)

Tại công văn khẩn ban hành ngày 15/3, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đồng loạt nhiều biện pháp cấp bách để phòng chống bệnh dại.

Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan ở địa phương thực hiện nghiêm quy định tiêm vắc xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương chủ động giám sát chặt chẽ những trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, và xử lý ổ dịch kịp thời, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn.

Đặc biệt, các tỉnh thành phải đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao. Mỗi huyện cần có ít nhất 1 điểm tiêm phòng bệnh dại; ở những nơi khu vực rộng và địa hình khó khăn cần xem xét tăng thêm điểm tiêm phòng. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vắc xin phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn.

Ngoài ra, các địa phương cần gia tăng truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại; kịp thời chia sẻ thông tin để người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh, đi tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, nhất là tại các địa phương có trường hợp tử vong do dại và có tỷ lệ tiêm phòng trên chó, mèo thấp.

Bộ Y tế lưu ý không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận; các tỉnh thành tăng cường công tác truyền thông trong trường học cho trẻ em, học sinh; truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp và truyền thông qua hệ thống tuyên truyền cơ sở tại vùng sâu vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Đầu năm 2024: 22 người đã chết vì bệnh dại

Theo thống kê công bố trước đó, Cục Y tế Dự phòng ( Bộ Y tế) cho biết hiện tình hình bệnh dại gia tăng đột biến, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024 đã có 22 trường hợp bệnh nhân tử vong, cao hơn gấp hai lần so với cùng kỳ 2023 (10 trường hợp). Số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt, đã xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10 – 15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế.

Trong khi đó, theo báo cáo từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023 ghi nhận 347 ca bệnh dại trên động vật tại 31 tỉnh thành; con số này tính từ đầu năm 2024 đến nay là 45 ca bệnh dại tại 22 tỉnh thành, tăng 6 ca và tăng gấp đôi số tỉnh, thành phố có dịch so với cùng kỳ năm 2023.

Hiện việc quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương được xác định là lỏng lẻo; chỉ khoảng 50% tổng đàn chó, mèo nuôi được tiêm vắc xin phòng dại, dẫn đến gia tăng số ca bệnh dại trên động vật.

Cách sơ cứu khi bị chó mèo cắn

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm do virus dại gây ra, Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo), thường tác động lên hệ thần kinh. Tỷ lệ tử vong gần như 100%.

Cơ quan y tế khuyến cáo người nuôi chó, mèo cần tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo, động vật nói chung.

Khi bị chó, mèo… cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Nguyễn Sơn

Nguyễn Sơn

Published by
Nguyễn Sơn

Recent Posts

Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch AIC trong vụ án thứ 4

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố về hai tội Vi phạm…

1 giờ ago

Nghệ An có thêm tượng Hồ Chủ tịch

Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề 'Bác Hồ về thăm quê' dự…

3 giờ ago

Hà Nội: Phát hiện thi thể nữ giới đã khô trong căn hộ chung cư

Khi mở cửa căn hộ chung cư nhiều năm không có người ở, cư dân…

3 giờ ago

Quản lý quán ăn thực hiện CPR kịp thời cứu bé 11 tháng tuổi ‘không còn sự sống’

Khi thấy con không còn sự sống, người mẹ hoảng loạn không biết phải làm…

3 giờ ago

NASA phát hiện bằng chứng cho thấy sự sống trên sao Hỏa

NASA đã xác định một loại khí được tạo ra bởi các sinh vật sống…

4 giờ ago

Ngoại trưởng Blinken: Mỹ có bằng chứng Trung Quốc định can thiệp bầu cử

Washington đã phát hiện dấu hiệu Bắc Kinh tìm cách gây ảnh hưởng và can…

5 giờ ago