Chỉ 2 tháng đầu năm 2024, Bộ Y tế cho biết đã có 22 ca tử vong vì bệnh dại, tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2023.

benh dai tang dot bien voi 22 truong hop tu vong 1
Chỉ 2 tháng đầu năm 2024, Bộ Y tế cho biết đã có 22 ca tử vong vì bệnh dại, tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2023. (Ảnh minh họa: Trí Thức VN)

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa cho biết từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành.

Hiện một số địa phương ghi nhận số ca tử vong do bệnh dại cao, như: Gia Lai (14 ca), Nghệ An (7 ca), Bình Phước (7 ca), Điện Biên (6 ca), Bến Tre (5 ca), Đắk Lắk và Bình Thuận (4 ca).

Riêng chỉ 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp). Khu vực Tây Nguyên hiện là điểm nóng với 2/4 tỉnh có ca tử vong (Đắk Lắk 4 ca, Gia Lai 1 ca).

Theo Cục Y tế dự phòng, gần đây, xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng.

Cục Y tế dự phòng nhận định nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do bệnh dại là người bị động vật nghi bị dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc-xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; có nơi mới đạt khoảng 10%, thấp hơn nhiều so với quy định.

Bộ Y tế nhận định thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người có thể tiếp tục tăng do tỷ lệ tiêm vắc-xin dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, việc quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.

Bộ Y tế khuyến cáo cần tiêm vắc-xin phòng dại; chó phải xích, nhốt, mang rọ mõm khi ra đường; không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo;

Khi bị chó, mèo cắn, cần rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy ngay lập tức liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, rửa sạch vết thương bằng cồn 70% hoặc cồn iod. Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương;

Cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại kịp thời.

Theo Cục Y tế dự phòng, khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Giai đoạn tiền triệu chứng thường diễn ra từ 1- 4 ngày với biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập.

Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như: giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp.

Tại An Giang, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2023, có gần 35.200 người tiêm vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại do chó, mèo cắn; trong đó nhiều nhất là TP. Long Xuyên 11.338 trường hợp, huyện Chợ Mới 3.333 trường hợp, huyện Châu Thành 2.870 trường hợp, huyện Phú Tân 2.664 trường hợp.

Riêng tháng 1/2024, có 3.754 người tiêm vắc-xin phòng dại, tiêm huyết thanh kháng dại do chó, mèo cắn.

Minh Long