Cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc và trở về Đài Loan vào hôm 11/4. Về cuộc gặp Mã-Tập hôm trước đó, ông Mã Anh Cửu cho hay, dựa trên “Đồng thuận 1992”, người dân Trung Quốc ở cả hai bên eo biển có thể giải quyết các tranh chấp và tiếp tục đối thoại một cách hòa bình. Đáp lại, Đảng Dân tiến (DPP) Đài Loan phản ứng rằng chuyến thăm của ông Mã là chuyến đi cá nhân và ý kiến ​​của ông không thể đại diện cho người dân Đài Loan, đồng thời kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu trao đổi, đối thoại với đảng cầm quyền Đài Loan trên tiền đề “có đi có lại và tôn trọng nhau”, chỉ có như vậy mới mang lại quan hệ tích cực xuyên eo biển.

Tap Can Binh Ma Anh Cuu
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu trong cuộc gặp ở Bắc Kinh vào thứ Tư ngày 10/4/2024, khi hai bên tìm cách thúc đẩy sự thống nhất của hai bờ eo biển Đài Loan bị chia cắt trong cuộc nội chiến năm 1949. (Ảnh cắt từ video)

CBC News đưa tin, cựu Tổng thống Mã Anh Cửu đã trở lại Đài Loan sau khi kết thúc chuyến thăm 11 ngày tới Trung Quốc và có bài phát biểu ngắn gọn tại sân bay. Ông nói rằng chuyến thăm này đã giúp những người trẻ ở Đài Loan hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn hóa Trung Quốc, đồng thời nhận ra rằng mặc dù hệ thống chính trị ở hai bên eo biển Đài Loan khác nhau và quan điểm về cuộc sống cũng như các giá trị của họ cũng khác nhau, họ đều cùng thuộc một dân tộc Trung Hoa là con cháu của Viêm Đế và Hoàng Đế, đây là lý do tại sao ông cảm thấy chuyến đi này là bài học quan trọng nhất.

Ông Mã Anh Cửu hy vọng những người trẻ ở Đài Loan sẽ gác lại vấn đề ý thức hệ, để nhận ra mối liên hệ lịch sử và văn hóa giữa Đài Loan và Đại Lục không thể bị chia cắt bởi chính trị; quan trọng hơn, người Trung Quốc ở cả hai bên eo biển có thể giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, chỉ cần giữ cơ sở chính trị chung “Đồng thuận 1992” thì hai bên có thể tiếp tục đối thoại. Ông cũng cho hay, tại cuộc họp Mã-Tập lần thứ hai này, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã cho thấy tín hiệu tích cực trong hoạt động trao đổi xuyên eo biển, nhấn mạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy giao lưu thanh niên xuyên eo biển.

Ngày hôm trước đó, ông Mã Anh Cửu gặp ông Tập Cận Bình tại “Sảnh Đông” của Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, trong cuộc gặp ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng sự khác biệt về hệ thống không thể thay đổi sự thật khách quan rằng cả hai bên eo biển đều thuộc về cùng một quốc gia. Đồng bào hai bên eo biển đều là người Trung Quốc, không thế lực nào có thể chia cắt; ông Mã Anh Cửu nhắc lại lập trường của mình về việc tuân thủ “Đồng thuận 1992” và phản đối quan điểm Đài Loan độc lập. Trong thời gian này, ông Mã có lúc từng gọi “dân tộc Trung Hoa”“Trung Hoa Dân Quốc”, nhưng sau đó đã sửa lại.

Về vấn đề này, Chủ tịch Chu Lập Luân (Zhu Lilun) của Quốc Dân Đảng cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 11 rằng cuộc gặp Mã – Tập lần hai khá thành công và cũng là một bước rất quan trọng trong trao đổi xuyên eo biển, mở ra cánh cửa hòa bình cho chính quyền ông Lại Thanh Đức của Đảng DPP sau ngày 20/5 khi ông Lại nhậm chức. Ông tin tưởng vào kết quả trao đổi này và hy vọng mọi người [Đài Loan] sẽ xuất phát từ tình cảm của dân tộc Trung Hoa, chỉ có hòa bình hai bên eo biển mới có thể tạo ra môi trường tốt nhất cho người dân, cả hai bên eo biển đều không thể chịu đựng được những tổn thương gây ra nếu chiến tranh, hy vọng Đảng DPP sẽ đưa ra mọi quyết định dựa trên xem xét lập trường của người dân Đài Loan.

Đảng DPP cầm quyền Đài Loan phản hồi rằng chuyến thăm của ông Mã Anh Cửu là chuyến đi cá nhân và không đại diện cho bất kỳ ai, ý kiến ​​của ông Mã không thể đại diện cho người dân Đài Loan. “Hòa bình” là trách nhiệm chung của cả hai bên eo biển, Đảng DPP sẽ không thay đổi “cam kết và thiện chí” đó. Đảng DPP kêu gọi chính quyền ĐCSTQ hãy đối mặt với thực tế là hai bờ eo biển Đài Loan không phụ thuộc nhau, dư luận chính thống của Đài Loan lựa chọn dân chủ và tự do, và cộng đồng quốc tế rất coi trọng hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan; chỉ bằng cách trao đổi đối thoại với đảng cầm quyền Đài Loan trên tiền đề “bình đẳng và tôn trọng phẩm giá” chúng ta mới có thể bắt đầu một kỷ nguyên mới về tương tác tích cực xuyên eo biển.

Theo tờ Liberty Times Đài Loan, bà Ngô Tư Dao (Wu Szu-Yao) tổng thư ký Đảng DPP đã chỉ trích rằng ông Mã Anh Cửu trong cuộc gặp Mã – Tập lần thứ hai đã hợp tác triệt để theo chỉ đạo của Bắc Kinh để tuân thủ “Đồng thuận 1992” của cái gọi là “Nguyên tắc một Trung Quốc”, rơi vào khuôn khổ “Một Trung Quốc” do ĐCSTQ đơn phương đặt ra, khuôn khổ này phủ nhận tính chủ thể của Đài Loan và khiến người dân Đài Loan càng khó thừa nhận. Bà tôn trọng tình cảm Trung Quốc của ông Mã Anh Cửu, nhưng sự thật là quan điểm của ông Mã trái với lòng người Đài Loan, không thể đại diện cho dư luận chính thống ở Đài Loan nên cuộc gặp đó hầu như không có ý nghĩa thực chất.

Nhà lập pháp Lại Thụy Long (Lai Jui-Lung) của DPP cũng chỉ ra rằng dĩ nhiên Đài Loan luôn tìm kiếm hòa bình, nhưng hòa bình không thể có được bằng cách quỳ gối và hy sinh chủ quyền quốc gia, trong khi đó cuộc gặp Mã – Tập lần hai này không đề cập đến chủ quyền Đài Loan, cũng như không đề cập đến việc máy bay chiến đấu và tàu của ĐCSTQ tiếp tục vượt qua đường trung tâm để gây rối Đài Loan; vào thời điểm mà các nước trên thế giới không đồng tình với hành vi độc tài của ĐCSTQ thì ông Mã Anh Cửu lại tiếp tục ủng hộ mặt trận thống nhất và hòa bình giả tạo của ĐCSTQ, điều này gây tổn hại đến lợi ích của Đài Loan và sẽ không được người dân Đài Loan dung thứ, chấp nhận.

Ma Anh Cuu
Cựu Tổng thống Mã Anh Cửu (phía trước, giữa) trở về Đài Loan ngày 11/4 sau chuyến thăm Trung Quốc. (Nguồn: CNA Đài Loan)

Cùng ngày, Hội đồng các vấn đề Đại lục (MAC) của Đài Loan đã ra tuyên bố chỉ trích ĐCSTQ đã lợi dụng cuộc gặp Mã – Tập lần thứ hai để thúc đẩy “Đồng thuận 1992”, “thúc đẩy hội nhập và thống nhất” và phản đối độc lập của Đài Loan. Ông Tập Cận Bình đã định nghĩa “Đồng thuận 1992” để thể hiện “Đồng thuận 1992” trong khuôn khổ “Một Trung Quốc”, nỗ lực xóa bỏ tình trạng chủ quyền quốc gia của Đài Loan và đơn phương đặt ra khuôn khổ chính trị cho hai bờ eo biển, tự ý không xem có sự tồn tại của Đài Loan, đã từ lâu dư luận chính thống ở Đài Loan không thể chấp nhận điều đó.

MAC kêu gọi chính quyền Bắc Kinh tôn trọng dư luận chính thống ở Đài Loan, đối mặt với sự thật khách quan rằng Đài Loan và Trung Quốc là hai thực thể khách quan độc lập nhau, ĐCSTQ phải ngừng đàn áp và đe dọa Đài Loan.

Tờ Epoch Times đưa tin, trong vấn đề ông Mã Anh Cửu khi gặp ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh lại Đồng thuận 1992 nhưng chỉ đề cập đến “một Trung Quốc” chứ không đề cập đến “ý kiến của các bên khác nhau”, Giám đốc Tô Tử Vân (Su Ziyun) của Viện Chiến lược Quốc phòng Đài Loan chỉ ra Đồng thuận năm 1992 là trò lừa đảo chiến lược của ĐCSTQ, vì ĐCSTQ không công nhận một Trung Quốc mà khăng khăng thực hiện kế hoạch “một nước, hai chế độ” đối với Đài Loan. Quan điểm đó của ĐCSTQ đã bị phá sản từ lâu, hãy nhìn xem việc họ đã liên tiếp vi phạm Thỏa thuận hòa bình Tây Tạng, các cuộc đàm phán giữa Quốc Dân Đảng và ĐCSTQ cũng như các quy tắc và thông lệ quốc tế hiện hành.

Giáo sư Trịnh Chính Bỉnh (Zheng Zhengbing) tại Đại học Khoa học và Công nghệ Yunlin cũng nêu rõ hiện nay người dân Đài Loan đã mất niềm tin vào “một nước, hai chế độ”, “Đồng thuận 1992”, “hòa bình thống nhất”... Việc ông Mã Anh Cửu thuận theo quan điểm của Tập Cận Bình trong vấn đề xuyên eo biển là không tốt cho phe của Mã Anh Cửu, cũng gây mất điểm nghiêm trọng cho Quốc Dân Đảng.

Giáo sư Trịnh Chính Bỉnh phân tích rằng hiện nay Tập Cận Bình hy vọng sử dụng răn đe quân sự hoặc lực lượng thân ĐCSTQ ở Đài Loan để đảo ngược dư luận, để Đài Loan có thể thể hiện sẵn sàng thống nhất với Trung Quốc; để những bên trên thế giới còn đang do dự, chờ đợi và theo dõi, cân nhắc lợi ích sẽ không vững vàng trong ủng hộ chính sách của Mỹ đối với Đài Loan, qua đó để ĐCSTQ có thể đạt được thống nhất mà không cần sử dụng vũ lực.

Đáng chú ý là vào ngày diễn ra cuộc gặp lần thứ hai giữa Mã và Tập, thông tin mới nhất từ ​​Bộ Quốc phòng Đài Loan cho thấy, từ 6:00 sáng 10/4 – 6:00 sáng 11/4 đã phát hiện tổng cộng 14 lần xuất kích của máy bay ĐCSTQ trên vùng eo biển, trong đó có 6 lần vượt qua đường trung tâm eo biển Đài Loan đi vào không phận phía tây nam và phía đông Đài Loan, lần xâm phạm xa nhất chỉ cách mũi cực nam Nga Loan Tị của Đài Loan khoảng 46 dặm. Ngoài ra còn có tổng cộng 6 tàu không ngừng hoạt động quanh eo biển Đài Loan.

Trước những động thái đe dọa từ ĐCSTQ, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho hay đã theo dõi chặt chẽ bằng máy bay, tàu và hệ thống tên lửa trên bờ.