Tung tin con trai ông Hồ Cẩm Đào nhậm chức mới, nhiều người bị điều tra phải tự thú

Mới đây, trên Internet có tin đồn rằng ông Hồ Hải Phong, con trai ông Hồ Cẩm Đào, đã được thăng chức Bí thư Thành ủy Trịnh Châu, tuy nhiên truyền thông chính thống của Trịnh Châu ngay lập tức phủ nhận, cơ quan công an lập tức vào cuộc điều tra những người tung tin, một số người làm kênh truyền thông cá nhân đã “liên tục tự thú”.

Ngày 14/10/2022, ông Hồ Hải Phong cùng đoàn đại biểu Chiết Giang đến Bắc Kinh tham dự Đại hội 20 của ĐCSTQ. (Ảnh chụp màn hình)

Vào ngày 17/12, trang tin Dalu Wang đăng một thông báo cho biết Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã phê chuẩn ông Hồ Hải Phong làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam kiêm Bí thư Thành ủy Trịnh Châu. Tin tức làm dấy lên sự chú ý lớn, nhưng sau đó đã nhanh chóng bị xóa.

(Ảnh chụp màn bình bài báo trên trang Dalu Wang)

Sau đó, “Zheng guan xin wen”, một công ty con của Tập đoàn báo Trịnh Châu, trực thuộc Thành ủy Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam), đã báo cáo rằng họ đã biết được từ cơ quan công an Trịnh Châu rằng trang tin Dalu Wang đã đăng thông tin không đúng sự thực về những thay đổi nhân sự ở Trịnh Châu, và đã bị “ra lệnh xóa” sau khi cư dân mạng báo cáo. Đồng thời “Zheng guan xin wen” cũng cho biết trang Dalu Wang không phải là một phương tiện truyền thông chính thức, và các phương tiện truyền thông cá nhân như “Zhengdong Shen Bian Shi” (Những chuyện xung quanh Trịnh Đông), “Zheng Zhou Shen Bian Shi” (Những chuyện xung quanh Trịnh Châu), “Feichang Zhengzhou” (Rất Trịnh Châu) và “Dou shi home” (Ngôi nhà đô thị) đăng lại thông tin nói trên và đã được yêu cầu xóa, cơ quan an ninh mạng đã lập án điều tra. Sau đó, các bản sao chép tin tức liên quan đều nhận lệnh xóa. Sau đó, những người đứng đầu các phương tiện truyền thông ở Trịnh Châu liên tiếp tự thú với cảnh sát.

Ông Hồ Hải Phong (50 tuổi) là con trai của ông Hồ Cẩm Đào, giữ chức Bí thư Thành ủy Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang từ tháng 6/2018 đến nay.

Ông Hồ Hải Phong tương đối kín tiếng trong quan trường của ĐCSTQ, nhưng do là con trai của ông Hồ Cẩm Đào, nên các thông tin liên quan đến ông Phong cũng luôn được ngoại giới chú ý.

Lần này, thông tin về ông Hồ Hải Phong cũng đã thu hút nhiều cuộc thảo luận trên mạng.

Có cư dân mạng nói rằng:

“Cho dù đó có phải là tin đồn hay không, tôi nghĩ việc lan truyền thông tin về ông Hồ Hải Phong là điều quá kỳ lạ, và việc trang tin ‘Rất Trịnh Châu’ đăng lại nó cũng rất kỳ lạ. Dù là trang truyền thông cá nhân thì cũng phải biết hậu quả của việc đăng thông tin, vì vậy thực sự có một cuộc đấu tranh trong đảng, còn về phe phái nào thì tôi không hiểu.”

“Tin đồn ông Hồ Hải Phong chuyển sang nhậm chức Bí thư thành ủy Trịnh Châu, xác thực là trang Dalu Wang lan truyền ra, vì sao lại thế? Lá gan cũng không nhỏ đâu.”

Cũng có cư dân mạng bình luận rằng nếu ông Hồ Hải Phong thăng chức làm Bí thư Trịnh Châu, điều này hiển nhiên là ông Tập Cận Bình vì muốn vỗ về người của phe Đoàn Thanh niên.

Ông Hồ Cẩm Đào được cho là đã bị đưa ra khỏi phiên bế mạc Đại hội 20 của ĐCSTQ một cách không tự nguyện vào tháng 10 năm nay. Trong quá trình đó, ông đã tỏ ra không hài lòng và nhiều lần chống cự. Ông Hồ Hải Phong khi đó đang ngồi bên dưới có lẽ đã chứng kiến ​​toàn bộ quá trình.

Kể từ đó, từ khóa “Hồ Cẩm Đào” đã bị chặn trên mạng xã hội Đại Lục. Tìm kiếm “Hồ Hải Phong” (bằng tiếng Trung)  trên Weibo ở Trung Quốc Đại Lục cũng không cho kết quả phù hợp và tên của ông Hồ Hải Phong cũng bị liệt vào danh sách cấm và bị chặn hoàn toàn.

Tại Đại hội 20 của ĐCSTQ, ông Tập đã phá vỡ các quy tắc của ĐCSTQ và tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Phe Đoàn Thanh niên trong quan trường của ĐCSTQ đã bị loại khỏi danh sách tầng lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ. Ông Hồ Xuân Hoa, ứng cử viên nổi tiếng nhất của phe Đoàn Thanh niên, cũng bị loại khỏi Bộ Chính trị. Còn ông Hồ Hải Phong thậm chí còn không trở thành ủy viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương.

Theo trang web chính thức của Chiết Giang, vào sáng ngày 25/10, tại cuộc họp chính thức của thành phố Lệ Thủy, Bí thư Thành ủy Hồ Hải Phong đã truyền đạt và học tập cái gọi là “tinh thần Đại hội 20”. Ông Hồ Hải Phong ca ngợi báo cáo của ông Tập Cận Bình, đồng thời cho rằng cần chuyển việc ủng hộ “2 xác lập” thành hành động thực tế, kiên quyết làm được “2 duy hộ”.

Chiều 23/10, ông Tập Cận Bình đã dẫn đầu Bộ Chính trị và các nguyên lão ĐCSTQ gặp gỡ hơn 2.700 đại biểu tham dự Đại hội 20. Đoạn phim của CCTV cho thấy ông Hồ Xuân Hoa đang đứng ở hàng đầu tiên, khi ông Tập Cận Bình đi ngang qua ông và vẫy tay chào các đại biểu, ông Hồ Xuân Hoa cũng vỗ tay vui cười hướng về phía ông Tập Cận Bình.

Ông Hồ Xuân Hoa. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Bài viết của nhà bình luận các vấn đề thời sự Thiên Bách Độ (Qianbaidu) cho biết, lòng trung thành của ông Hồ Hải Phong có thực sự là lòng trung thành không? Dĩ nhiên là không. Ông Tập Cận Bình cắt đứt con đường làm quan của ông ấy và làm nhục bố của ông ấy, có thể nói ông Tập là kẻ thù không đội trời chung, làm sao ông ấy có thể trung thành với kẻ thù của mình. Nhưng ông Phong lại phải thể hiện lòng trung thành của mình. Giống như nụ cười của ông Hồ Xuân Hoa, đều là giả, lòng trung thành của ông Hồ Hải Phong 100% là giả, là để tự bảo vệ mình.

Bài viết chỉ ra rằng họ buộc phải công khai thể hiện lòng trung thành của mình, bởi vì bất kỳ biểu hiện không hài lòng nào cũng có thể dẫn đến tai họa lớn hơn. Dù ông Tập Cận Bình không để cho ông Hồ Hải Phong làm Ủy viên Trung ương dự khuyết, nhưng xét cho cùng, ông ấy vẫn đội chiếc mũ ô sa Bí thư Thành ủy Lệ Thủy, nếu không tỏ ra trung thành, thì ông Tập có thể sẽ cởi bỏ chiếc mũ ô sa trên đầu của ông ấy bất cứ lúc nào. Ngay cả thể diện của bố ông ấy mà ông Tập còn không giữ cho, nói gì đến ông ấy.

Sau khi ông Hồ Cẩm Đào nghỉ hưu vào năm 2012 và bàn giao quyền lực cho ông Tập Cận Bình, vào tháng 5/2013, ông Hồ Hải Phong bước vào chính trường và bắt đầu làm Phó bí thư Thành ủy Gia Hưng tỉnh Chiết Giang; 3 năm sau, ông trở thành Thị trưởng Gia Hưng và trở thành thị trưởng trẻ nhất của một thành phố cấp tỉnh ở Chiết Giang, vốn được coi là “hồng nhị đại” có sự nghiệp chính trị đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên, sau khi ông Hồ Hải Phong được thăng chức làm Bí thư Thành ủy Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang vào tháng 6/2018, ông đã ở đó hơn 4 năm, trong thời gian này có nhiều tin đồn cho rằng ông đã được thăng chức phó tỉnh ủy, và lọt vào danh sách 20 Ủy viên Trung ương dự khuyết. Tuy nhiên tất cả đều không thành sự thật, sự nghiệp chính trị của ông đã lạc hậu so với nhiều quan chức cấp phó bộ sinh sau năm 1970.

Sau khi ông Hồ Cẩm Đào “bị đưa ra khỏi hội trường” tại Đại hội 20, sự nghiệp chính trị của ông Hồ Hải Phong cũng trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội nước ngoài. Nhiều cư dân mạng chỉ ra rằng ông Phong lẽ ra đã được thăng cấp phó tỉnh từ lâu, nhưng lại bị ông Tập Cận Bình đóng băng. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa ông Hồ Hải Phong và ông Tập Cận Bình không còn hòa thuận. Sau khi xảy ra sự kiện xấu hổ liên quan đến ông Hồ Cẩm Đào, nhiều người cho rằng sự nghiệp chính trị sau này của ông Hồ Hải Phong sẽ không tốt.

Phương Hiểu

Published by
Phương Hiểu

Recent Posts

Thăm dò: Ông Biden là tổng thống mất lòng dân nhất trong 70 năm qua

Một cuộc thăm dò mới cho thấy, ông Joe Biden là tổng thống không được…

41 giây ago

Lốc xoáy ở Quảng Châu khiến 40 người thương vong, tuyết rơi giữa mùa hạ tại Hà Bắc

Quảng Châu tỉnh Quảng Đông có mưa đá to như nắm tay, và lốc xoáy…

48 phút ago

Mấy kỷ niệm về một đoạn đời sau tháng 4.1975 (Kỳ 1)

Gần nửa thế kỷ qua, những ngày tháng tư hàng năm bao giờ cũng là…

1 giờ ago

Kiểu người “thiệt thòi” nhất thế gian

Người hay nhẫn nhục chịu thiệt không nhất định sẽ là người thiệt thòi nhất…

1 giờ ago

Cổ nhân liệu có tài mượn gió?

Có lẽ rất nhiều người đã nghe về chuyện Gia Cát Lượng "mượn gió" trong…

2 giờ ago

Nơi ở của Hoàng đế vì sao lại gọi là Dưỡng Tâm Điện?

Triều nhà Thanh có tám vị Hoàng đế nối tiếp nhau sống ở Dưỡng Tâm…

2 giờ ago