Kỷ lục khoa bảng: Gia đình có 5 anh em đỗ tiến sĩ

Trong các làng khoa bảng, thì làng Kim Đôi (nay là khu Kim Đôi, phường Kim Chân, thành phố Bắc Ninh) là một trong những làng nổi tiếng nhất khi có đến 25 tiến sĩ Nho học, đứng thứ nhì cả nước chỉ sau làng Mộ Trạch. Đặc biệt làng giữ kỷ lục khi một gia đình có 5 anh em đều đỗ tiến sĩ khi chưa đến 20 tuổi. 3 người làm Thượng thư đứng đầu 3 bộ quan trọng là bộ Binh, bộ Lễ, bộ Lại, 2 người vinh dự ở trong nhóm “Tao đàn thập nhị bát tú” của vua Lê Thánh Tông.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Người có biệt danh “Từ Thiện” cùng câu chuyện phong thủy

Thời nhà Trần có Hoàng Phụng Thế là danh tướng, hậu duệ sau này ở Hoằng Hóa – Thanh Hóa. Con của ông Thế là Hoàng Chân Bảo cũng là võ tướng phục vụ cho nhà Trần, sinh được con gái là cô Hoàng Phụng Hay vốn nổi tiếng là người thông minh lại rất đức độ, vì thế mà có biệt danh là “Từ Thiện”.

Tương truyền khi còn nhỏ cô Hay có nhặt được một chĩnh vàng của người Tàu, vì không biết của ai nên cất giữ cẩn thận chứ không lấy làm của riêng. Mấy ngày sau thấy có người đến vừa đi vừa khóc, hỏi ra thì biết người này mấy ngày trước có làm rơi mất vàng ở nơi đây. Cô Hay liền đem vàng trả lại cho người bị mất, người mất của cảm ơn rồi tặng lại quà nhưng cô Hay cương quyết không nhận.

Mấy năm sau người bị mất vàng quay trở lại cùng thầy địa lý người Tàu, muốn trả ơn bằng cách tìm đất quý để táng mộ ông bà. Thầy địa lý người Tàu tìm được 2 cuộc đất quý, một cuộc đất phát đế vương nhưng chỉ một đời, còn một cuộc đất khác phát trường trường công khanh. Cô Hay chọn cuộc đất phát trường trường công khanh cho con cháu sau này.

Nhà Hồ cướp ngôi, gia đình chạy loạn

Lúc này Giang Sơn biến đổi, năm 1400 Hồ Quý Ly cướp ngôi Vua lập ra nhà Hồ. Gia đình họ Hoàng vốn là dòng dõi làm tướng trung với nhà Trần cũng phải chạy trốn. Hoàng Thị Hay chạy đến Dược Sơn, Phật Nhãn (thuộc Hải Dương) thì gặp Nguyễn Lung là người cũng đang chạy trốn nhà Hồ.

Hai người chạy nạn gặp nhau thì nên duyên vợ chồng, cùng đến thôn Kim Đôi, xã Kim Chân sinh sống lập nghiệp. Ban đầu gia đình rất nghèo chẳng có gì, may mà ông Lung có nghề thuốc nam, lại giỏi chài lưới. Phía bắc Kim Đôi là dãy Nham Biền với nhiều thuốc quý, nhà lại gần con sông Như Nguyệt có thể đánh bắt.

Theo gia phả dòng họ thì Bà Hay sinh được 11 người con, trong đó có 8 con trai, người nào cũng thông minh hiếu học. Bà Hoàng Thị Hay vừa trực tiếp dạy chữ cho tất cả các con, vừa thức khuya dậy sớm trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa.

5 người con đỗ tiến sĩ làm quan lớn

Thời gian đầu gia đình nghèo khó, nên các người con muốn làm thợ và làm ruộng. Tuy nhiên bà Hay không đồng ý, bà làm mọi cách để các con yên tâm đèn sách. Thậm chí áo chưa rách, gạo chưa hết bà đã chuẩn bị trước vì sợ các con lo lắng làm sao nhãng việc học.

Trong các người con, ngoại trừ con cả là Nguyễn Nhân Kiếp, còn lại đều đỗ đạt, nổi tiếng là 5 người con đỗ tiến sĩ khi chưa đến 20 tuổi và đều làm quan. Đây là kỷ lục duy nhất một gia đình có 5 anh em ruột đỗ tiến sĩ.

Con cả Nguyễn Nhân Kiếp không đi thi do là con đầu phải làm lụng chăm lo cho các em vì gia cảnh lúc đấy rất nghèo, nhưng bản tính thì rất thông minh và thiện lương. Vua vẫn biết tới đức độ và tài năng của Nhân Kiếp nên đã hạ phong cho làm Kim Khê cư sĩ.

Các con Nguyễn Nhân Thiếp đỗ Hoàng Giáp năm 1466 khi mới 15 tuổi, làm quan tới chức Thượng thư bộ Lại.

Nguyễn Nhân Bỉ đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1466 khi 19 tuổi, ông từng được cử đi sứ nhà Minh và sau này được thăng lên làm Thượng thư bộ Binh, ông cũng là thành viên trong hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông lập ra.

Nguyễn Nhân Phùng đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1469 khi 19 tuổi, được ngự bút của vua Lê Thánh Tông nên đổi thành Nguyễn Trọng Xác, sau thành Nguyễn Xung Xác và làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị độc chưởng viện sự kiêm Lễ bộ tả thị lang, ông cũng là thành viên trong hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông.

Nguyễn Nhân Dư đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1472 khi mới 17 tuổi, làm quan đến chức Hiến sát sứ.

Nguyễn Nhân Đạc đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1475 khi 18 tuổi, ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Hiệu thảo.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Nhận thấy gia đình nhiều người đỗ đạt, lại giữ vị trí trọng yếu trong Triều đình, vua Lê Thánh Tông liền ban tặng 8 chữ vàng là “Kim Đôi gia thế, chu tử mãn triều” (nghĩa là gia thế ở Kim Đôi áo đỏ, áo tía đầy triều).

Hiện nay ngôi mộ của dòng họ vẫn ở xã Phao Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Khu đất này có mộ của cụ Hoàng Phụng Thế (ông nội cụ Hay), cụ Hoàng Chân Bảo (bố cụ Hay) và Nguyễn Nhân Thiếp (con trai cụ Hay).

Làm Kim Đôi nhỏ bé sản sinh ra nhiều vị tiến sĩ, dù làng có nhiều người làm quan lớn nhưng người dân vẫn giữ thói quen cần cù làm ruộng, dệt lụa, đánh bắt tôm cá. Những vị quan dốc lòng phò Vua giúp nước chứ không nghĩ đến lợi ích cá nhân, dù gia đình có cuộc sống no ấm nhưng vẫn siêng năng lao động.

Ngày nay họ Nguyễn làng Kim Đôi nhiều người có học vị cao và thành đạt ở các nơi, nhưng cứ đến ngày 28 tháng 2 âm lịch hàng năm, con cháu họ Nguyễn lại có mặt ở nhà thờ họ để bái vọng tổ tiên, ôn lại truyền thống dòng họ cùng ân đức của cụ tổ Hoàng Thị Hay.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Phó Thủ tướng Slovakia: Thủ tướng Fico ‘không còn nguy hiểm đến tính mạng’

Phó thủ tướng Slovakia Tomas Taraba nói với đài truyền hình nhà nước Anh BBC…

8 phút ago

Bầu cử ở xã thôn ngày xưa

Các chính sử chép rất sơ lược về tổ chức xã thôn. Sở dĩ sử…

30 phút ago

Chi Nê: Làng khoa bảng bên dòng sông Bùi

Trong lịch sử khoa bảng, làng Chi Nê với 3 dòng họ Ngô, Nguyễn, Trần…

40 phút ago

Tâm an là phúc đức lớn nhất của đời người

Một người có nội tâm an tường tự nhiên cũng sống được thản đãng hơn.

50 phút ago

Iran: Nếu một tổng thống đương nhiệm qua đời, điều gì xảy ra tiếp theo?

Trong trường hợp xấu nhất xảy ra với ông Raisi, Hiến pháp Iran đã có…

51 phút ago

Inamori Kazuo: Huyền thoại của giới kinh doanh Nhật Bản (P1)

Inamori Kazuo được xem là một huyền thoại của giới kinh doanh Nhật Bản, cũng…

1 giờ ago