Đầu tháng Năm, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình sẽ thăm châu Âu, nhằm tận dụng cơ hội sử dụng các biện pháp kinh tế để chia rẽ mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu. Cách đây 2 năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thành lập một “Đội đặc nhiệm 8 thành viên”, nhằm đáp trả sự ép buộc kinh tế của ĐCSTQ đối với các nước khác.

Tap Can Binh Macron
Ông Tập Cận Bình (phải) đang tiếp ông Macron tại Bắc Kinh vào tháng 4/2023. (Ảnh chụp màn hình video CCTV)

Các chuyên gia phân tích rằng ép buộc kinh tế là chiến thuật phổ biến của ĐCSTQ. “Đội đặc nhiệm 8 thành viên” của Hoa Kỳ là một chiến lược cấp cao, hỗ trợ đồng minh xây dựng các kế hoạch khác nhau, để đối phó với các thủ đoạn khác nhau của Bắc Kinh trong hòa bình khu vực.

Vì sao ông Tập Cận Bình tới thăm 3 nước này?

Ngày 29/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm châu Âu từ ngày 5/5 – 10/5. Đây sẽ là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau 5 năm kể từ khi dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát.

Chuyến đi của ông Tập diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và EU gia tăng. EU đang tiến hành một loạt cuộc điều tra về trợ cấp của nhà nước bị nghi ngờ giúp công ty Trung Quốc cạnh tranh với các đối thủ châu Âu.

3 nước ông Tập Cận Bình tới thăm là Pháp, Hungary và Serbia. Pháp rất coi trọng thương mại với Trung Quốc và được coi là mắt xích yếu trong EU. Hungary là quốc gia thân thiện nhất với ĐCSTQ ở EU, và Serbia bị cáo buộc là thân ĐCSTQ.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nằm trong số rất ít quan chức châu Âu tham dự Diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh “Vành đai và Con đường” ở Bắc Kinh vào tháng 10/2023.

Ông Lại Vinh Vĩ, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Truyền Cảm hứng Đài Loan (TIA), tiết lộ với Epoch Times lý do ông Tập Cận Bình muốn đến thăm 3 quốc gia này.

Ông nói: “Họ (ĐCSTQ) muốn tạo ra sự bất hợp tác và mất đoàn kết giữa các nước châu Âu, thậm chí muốn tạo ra sự khác biệt giữa Châu Âu và Hoa Kỳ. Sau đó muốn phá giải từng vòng vây ĐCSTQ của Hoa Kỳ.”

“ĐCSTQ muốn đoàn kết các kẻ thù thứ yếu để tấn công kẻ thù chính của mình. Họ chỉ muốn chia rẽ mối quan hệ giữa châu Âu và Hoa Kỳ.”

Ông nói rằng kinh tế là một công cụ phổ biến được ĐCSTQ sử dụng. “Ông Tập Cận Bình có kế hoạch sử dụng lại thủ đoạn cũ của mình – ép buộc kinh tế”. “Các thủ đoạn kinh tế mà Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng trong tương tác với thế giới chính là NUÔI – BẪY – GIẾT.”

Ông đưa ra một ví dụ rằng nhiều người từ Đài Loan đến Trung Quốc để kinh doanh. ĐCSTQ lần lượt uy hiếp những người này, và sử dụng kinh doanh làm chính trị, sử dụng kinh tế để buộc đối phương truyền bá một số tin tức sai sự thật trong nội bộ Đài Loan, nhằm tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ Đài Loan, khiến những người này trở thành người thúc đẩy rất quan trọng cho các hoạt động nhận thức của ĐCSTQ.

Hoa Kỳ thúc đẩy “Đội đặc nhiệm 8 người” để đối phó với ĐCSTQ

Khi chuyến thăm châu Âu của ông Tập được công bố, Bloomberg cũng đưa tin về “Đội đặc biệt 8 thành viên”.

Ông Lại Vinh Vĩ nói rằng Hoa Kỳ công bố tin tức về “đội đặc nhiệm 8 thành viên” nhằm tiếp tục sử dụng các hành động cụ thể, giải thích với thế giới rằng Hoa Kỳ có thể giúp đỡ các nước nếu họ bị ĐCSTQ ép buộc về mặt kinh tế.

Theo báo cáo, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thành lập một nhóm gồm 8 thành viên vào năm 2021, chuyên hỗ trợ các nước ứng phó với sự ép buộc kinh tế của ĐCSTQ, do bà Melanie Hart, Điều phối viên Chính sách Trung Quốc tại Văn phòng Thứ trưởng Ngoại giao về Tăng trưởng Kinh tế và Môi trường Jose Fernandez phụ trách.

Thông tin công khai cho thấy, bà Melanie Hart đã nghiên cứu các vấn đề chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc trong gần hai thập kỷ.

Bà tập trung phát triển chiến lược toàn diện của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, phân tích các yếu tố chính trị nội tại trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình, theo dõi các chính sách công nghiệp của Trung Quốc trong ngành năng lượng và công nghệ thông tin, đồng thời đánh giá ý đồ của Trung Quốc đối với trật tự toàn cầu.

Hart là một chuyên gia về Trung Quốc. Bà từng học tiếng Trung tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh và làm phiên dịch tiếng Trung-Anh cho tạp chí “Caijing” (Kinh tế Tài chính).

“Đội 8 người” do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thành lập được gọi một cách không chính thức là “công ty” (firm) và hoạt động giống như một công ty tư vấn.

Các nhà kinh tế thuộc “Đội 8 người” phân tích những điểm yếu thương mại của Trung Quốc, sau đó tìm cách giúp các nước bị bắt nạt đa dạng hóa thị trường xuất khẩu khỏi Trung Quốc, và công khai bày tỏ sự ủng hộ nếu được yêu cầu. Nhóm cũng tiến hành các cuộc tập trận trên bàn, để dự đoán các phản ứng khác nhau đối với Bắc Kinh.

“Việc thành lập ‘Đội 8 thành viên’ này là để nói với mọi người rằng đây là cấp độ chiến lược, cấp độ rất cao. Trong tương lai, nhóm này sẽ hỗ trợ các đồng minh về hòa bình trong khu vực và cách ngăn chặn Trung Quốc (ĐCSTQ) có những hành vi làm suy yếu hiện trạng”, bà Hart nói.

Châu Âu và Mỹ thực hiện hàng loạt hành động chống ĐCSTQ

Trước chuyến thăm châu Âu của ông Tập Cận Bình, tin tức về “đội đặc nhiệm 8 thành viên” được truyền thông rộng rãi. Trước đó, trong vòng một tuần, Đức đã bắt giữ 4 điệp viên bị tình nghi làm việc cho ĐCSTQ. Cơ quan tình báo Đức tiếp tục đưa ra cảnh báo cho các công ty Đức, yêu cầu họ đừng ngây thơ và quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ông Vương Quốc Thần, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, nói với Epoch Times rằng: “Bức tranh tổng thể về Châu Âu và Hoa Kỳ có lẽ rất rõ ràng, tức là từ cuộc đối đầu đơn phương ban đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hiện đang dần mở rộng sang Liên minh Châu Âu và Nhật Bản. Hơn nữa, từ các cuộc chiến thuế quan truyền thống lan sang kiểm soát công nghệ, giờ đây đã leo thang sang an ninh kinh tế và sau đó là các nỗ lực chung nhằm chống lại sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc Đại Lục (ĐCSTQ).

Trước thềm chuyến thăm các nước châu Âu của ông Tập Cận Bình, nhiều nước châu Âu, bao gồm Đức, Anh và Thụy Điển, bất ngờ vạch trần các vụ án gián điệp của ĐCSTQ.

Các nhà phân tích nói rằng việc phơi bày nhiều vụ gián điệp nổi tiếng chứng tỏ, cuối cùng châu Âu cũng hiểu được mối đe dọa mà ĐCSTQ đặt ra đối với an ninh quốc gia châu Âu và họ không còn sợ đắc tội với ĐCSTQ nữa.

Ông Ngô Văn Hân, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với Vision Times rằng ĐCSTQ có lịch sử lâu dài trong việc gửi gián điệp đến các nước châu Âu.

Ông nói: “Trước đây, để không khiến ĐCSTQ mất mặt, mọi người đều im lặng. Vì lúc đó mọi người sợ đắc tội với ĐCSTQ, sẽ không được chia miếng bánh thị trường lớn của Trung Quốc, nên đều nhẫn nhục nín lặng.” Trừ khi phát hiện ra những điệp viên đó đã đi quá xa thì mới trục xuất họ, nhưng không quá ồn ào.

Tới nay,“các chính phủ châu Âu không còn ngại lên tiếng vì sợ mất lợi ích kinh tế”. Các quốc gia châu Âu đầu tiên hành động lần này là Na Uy và Hà Lan. Họ cho biết: “Trung Quốc Đại Lục là mối đe dọa lớn nhất đối với quốc gia của họ”.

Ông Ngô Văn Hân chỉ ra rằng các sự cố gián điệp đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, nhưng chúng chưa bao giờ được công bố với mức độ cao và cảnh báo mạnh mẽ như hiện nay.“Điều này cho thấy châu Âu đã hiểu rằng mối đe dọa từ ĐCSTQ sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Đồng thời, thị trường ở Trung Quốc Đại Lục không còn hấp dẫn như trước”.

Nikkei Asian Review dẫn lời các chuyên gia tình báo cho rằng, trên thực tế, những vụ gián điệp Trung Quốc thường xuyên xảy ra ở châu Âu chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đã cài gián điệp vào các đấu trường chính trị, công ty và trường đại học châu Âu, với hy vọng lợi dụng các nhà lãnh đạo và cử tri châu Âu, để thao túng các tiến trình chính trị của châu Âu phù hợp với “trật tự thế giới mới” mà Bắc Kinh nỗ lực tạo ra.

Bình Minh (t/h)