Nhiều người dân Trung Quốc bất ngờ khi biết tin ngày 26/4, ông Dương Hiểu Minh, “Cha đẻ của vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc”, đã bị thu hồi chức vụ và bị điều tra. Điều này khiến dư luận lo ngại về chất lượng vắc-xin nội địa do ông phát triển.

Sinopharm
Ngày 26/4, ông Dương Hiểu Minh (Yang Xiaoming), kỹ sư trưởng, kiêm nhà khoa học trưởng của Tập đoàn Sinopharm, đã bị thu hồi chức vụ đại biểu Quốc hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì nghi ngờ vi phạm pháp luật nghiêm trọng. (Ảnh ghép)

Ngày 26/4, ông Dương Hiểu Minh (Yang Xiaoming), kỹ sư trưởng, kiêm nhà khoa học trưởng của Tập đoàn Sinopharm, đã bị thu hồi chức vụ đại biểu Quốc hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì nghi ngờ vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Các nguồn tin của giới chức cho biết, ông “bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng”. Đáng chú ý, đây không phải là hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật thông thường, mà là ở mức độ “vi phạm nghiêm trọng”. Nhưng cụ thể nghiêm trọng ở khía cạnh nào, thì giới chức vẫn chưa đưa ra lời giải thích cụ thể.

Theo Đài truyền hình NTD, trong một cuộc phỏng vấn, ông Trương Chấp Trung, hiệu trưởng Học viện Khoa học Xã hội và Nhân văn tại Đại học Khai Nam ở Đài Loan, phân tích rằng việc ông Dương Hiểu Minh bị sa thải có thể liên quan đến tham nhũng dược phẩm, hoặc liên quan đến việc nghiên cứu và phát triển loại vắc-xin ngừa virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), như hiệu quả và giá thành của vắc-xin.

Từ năm 2010, ông Dương Hiểu Minh làm việc tại Công ty TNHH Công nghệ sinh học Quốc gia Trung Quốc, công ty con của Tập đoàn Sinopharm.

Ông đã tập trung nghiên cứu cơ bản về ứng dụng của vắc-xin trong việc phòng bệnh truyền nhiễm, thiết lập hệ thống công nghệ kỹ thuật và tạo ra các sản phẩm chủ chốt trong gần 40 năm qua. Các loại vắc-xin mà ông tham gia phát triển bao gồm vắc-xin bại liệt bất hoạt và vắc-xin kết hợp bạch hầu, ho gà, uốn ván vô bào.

Sau đợt bùng phát COVID-19 ở Vũ Hán vào năm 2020, ông Dương Hiểu Minh đã lãnh đạo một nhóm phát triển và tiếp thị loại vắc-xin bất hoạt COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Nhờ đó, ông trở nên nổi tiếng và được mệnh danh là “Cha đẻ của vắc-xin Sinopharm” và được đánh giá là “Cá nhân tiên tiến quốc gia trong cuộc chiến chống lại COVID-19”.

Tính đến tháng 12/2021, nhân kỷ niệm một năm ngày ra mắt, vắc-xin này đã được đăng ký ở 10 quốc gia và được cấp phép sử dụng tại 112 quốc gia và khu vực trên thế giới. Nó cũng trở thành vắc-xin ngừa COVID-19 được nhiều quốc gia phê duyệt nhất, với nguồn cung trên phạm vi rộng nhất, và số lượng tiêm chủng lớn nhất vào thời điểm đó.

Theo truyền thông đảng Tân Hoa Xã, tại “Diễn đàn Thâm Quyến”, hội nghị trao đổi nhân tài quốc tế Trung Quốc lần thứ 19 tổ chức vào ngày 24/4/2021, ông Dương Hiểu Minh cho biết, trước tình hình dịch bệnh, ĐCSTQ đã huy động nguồn lực của cả nước, chỉ trong 98 ngày, vắc-xin bất hoạt ngừa COVID đã được phát triển, khiến Trung Quốc “đứng đầu thế giới, không chỉ về tốc độ mà còn về chất lượng”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tốc độ phát triển vắc-xin của Trung Quốc không phù hợp với kinh nghiệm chung về y tế. Trước đây, một loại vắc-xin thông thường phải mất hơn 10 năm từ khi phát triển đến khi ra mắt, vắc-xin nhanh hơn cũng phải mất 5 – 6 năm.

Sau khi người dân được tiêm vắc-xin nội địa, nhiều di chứng đã xảy ra. Số bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu, bệnh tim mạch, mạch máu não tăng lên đáng kể, dẫn đến số ca đột tử ngày càng nhiều.

Nhìn lại 3 năm xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là 2 năm vừa qua, dưới áp lực kép từ sự ép buộc của chính phủ và sự lừa dối của chuyên gia, người dân Đại Lục thường phải tiêm vắc-xin sản xuất trong nước.

Nếu 1 mũi không hiệu quả, thì tiêm 2 mũi. Nếu 2 mũi không hiệu quả, thì tiêm 3 mũi. Nếu 3 mũi vẫn không hiệu quả, thì phải tiêm thêm một mũi tăng cường. Người dân không thể không tiêm, ngày nào họ cũng bị ép phải tiêm vắc-xin COVID-19.

Vào thời điểm điên cuồng nhất, ngay cả các trường mẫu giáo, trẻ phải có hồ sơ tiêm chủng mới được đến trường. Thuốc này có tác dụng phụ hay không? Sẽ không ai nói cho bạn biết. Người dân cũng không dám hỏi, chứ không nói tới việc có hỏi được hay không.

Trước đó, truyền thông đảng Tân Hoa Xã đưa tin, tính đến ngày 18/9/2021, 31 tỉnh (khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương) và Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương đã báo cáo, tổng cộng có 2.174.043.000 liều vắc-xin ngừa COVID. Tổng số người được tiêm vắc-xin đã lên tới 1.100.842.000 người, tức hơn 1 tỷ người đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 78% tổng dân số cả nước.

Tổng số mũi tiêm chủng được thực hiện và số người được tiêm chủng của Trung Quốc đứng đầu thế giới. Tỷ lệ tiêm chủng cho người dân của Trung Quốc cũng đứng đầu thế giới.

Hiện ông Dương Hiểu Minh, ““Cha đẻ của vắc-xin ngừa COVID-19 của ĐCSTQ”, đã bị cách chức vì “bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng“, liệu việc này có liên quan đến vắc xin sản xuất trong nước hay không? Nếu có mối liên quan thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến độ an toàn của vắc xin sản xuất tại Trung Quốc? Chính quyền ĐCSTQ có nên đưa ra lời giải thích thuyết phục cho công chúng về những vấn đề ảnh hưởng đến hơn một tỷ người này không?