Lâu đài cổ tích Boldt, nơi chứng kiến một câu chuyện tình cảm động
- An Chi
- •
Hồ Nghìn đảo (Thousand Islands) trên sông St. Lawrence ở biên giới phía đông của Hoa Kỳ và Canada. Mặt hồ trong như ngọc với hơn 1.800 hòn đảo tự nhiên nằm rải rác xung quanh. Trong đó, nổi tiếng nhất là ‘Đảo trái tim’ với Lâu đài Boldt mang phong cách Rheinland, nơi chứng kiến một câu chuyện tình lãng mạn nhưng cũng đầy đau thương vào đầu thế kỷ trước.
Vào cuối thế kỷ 19, George Charles Boldt Sr. người Mỹ gốc Phổ, ông vừa là chủ của một khách sạn có tên Waldorf Astoria vừa là một triệu phú nổi tiếng. Vào thời điểm đó, ông đã mua hòn đảo đẹp như tranh vẽ này, khi ấy nó được gọi là đảo Hart, nhưng khi nhìn thấy hòn đảo trông giống như hình một trái tim nên ông đã đổi tên thành Đảo Trái Tim (Heart Island). Vào mùa hè, ông trùm khách sạn sẽ đưa người vợ yêu quý là bà Louise và 2 người con đến đây nghỉ dưỡng.
Đến năm 1900, khi bắt đầu một thế kỷ mới, ông Boldt đã quyết định đầu tư 25 triệu USD để xây dựng một tòa lâu đài tráng lệ theo phong cách Đức trên hòn đảo hình trái tim rộng 5 mẫu Anh này. Ông dự định rằng đây sẽ là “món quà tình yêu” mà ông dành tặng cho người vợ yêu quý Louise của mình.
Với phong cảnh tuyệt đẹp và giao thông thuận tiện. Hồ Nghìn Đảo đã trở thành một địa điểm nghỉ dưỡng yêu thích của giới nhà giàu New York. Một thời gian sau, nhiều nhà giàu cũng đã đến đây để mua đảo tư nhân làm nơi tận hưởng riêng cho mình.
Ngay sau đó, ông Boldt đã thuê một đội xây dựng chuyên nghiệp, bao gồm 300 thợ xây, thợ mộc và nghệ thuật gia để bắt đầu dự án xây dựng pháo đài kéo dài 4 năm. Lâu đài sang trọng lộng lẫy bậc nhất này bao gồm 6 tầng lầu và 120 phòng. Theo kế hoạch đây sẽ là một trong những dinh thự tư nhân lớn nhất ở Hoa Kỳ vào thời điểm đó.
Công việc xây dựng ban đầu dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 14/6/1904, để kịp kỷ niệm ngày cưới của ông và vợ. Nhưng không may, bà Louise đã qua đời vì một cơn đau tim vào tháng 1/1904, ở tuổi 43. Bởi nỗi đau mất mát và cú sốc quá lớn vì sự ra đi đột ngột của người vợ, ông Boldt lúc ấy đã cho dừng việc thi công công trình trên đảo. Ông không muốn những kỷ niệm và những dự định đang dang dở vì người vợ sẽ làm ông tăng thêm nỗi buồn. Cũng từ đó, ông không bao giờ đặt chân vào lâu đài nữa.
12 năm sau, vào năm 1916, ông Boldt cũng đã qua đời tại New York. Lâu đài trên đảo Trái Tim cũng không còn được quan tâm chăm sóc, nó bị bỏ mặc cho mưa, gió, băng, tuyết và trở nên hoang vắng trước sự phá hoại của một số người dân đảo. Sự hoang vắng này đã kéo dài 73 năm.
Cho đến năm 1977, người quản lý của ông Boldt đã bán Lâu đài Boldt cho Cơ quan quản lý hồ Nghìn Đảo (TIBA) với giá “1 đô-la” theo nguyện vọng cuối cùng của ông. Ông hy vọng rằng họ sẽ sửa chữa, hoàn thành dự án và đưa nó ra công chúng. Nó là một điểm thu hút khách du lịch quan trọng trong khu vực hồ Nghìn Đảo.
Để đạt được mục tiêu này, Cục Quản lý Hồ Nghìn Đảo đã đầu tư hàng chục triệu đô-la vào việc trùng tu và trang trí lại toàn bộ lâu đài, để món quà tình yêu mà cựu doanh nhân giàu có này dành tặng cho vợ mình có thể được giới thiệu một cách hoàn hảo ra thế giới.
Khi du khách đặt chân lên đảo Trái Tim, họ sẽ ngay lập tức bị thu hút bởi nhiều chi tiết kiến trúc khéo léo trên đảo. Với sự tinh xảo và công phu của những tấm thảm quý nhập khẩu từ châu Âu, sàn lát đá cẩm thạch, trần kính màu, đồ thủ công khảm, các sản phẩm từ gỗ sồi và đồ nội thất tinh xảo, đã khiến toàn bộ lâu đài trông giống như lâu đài nguy nga trong những câu chuyện cổ tích. Ngoài ra, lâu đài còn có bể bơi trong nhà, phòng chơi bida, lối đi dành cho người hầu và thư viện.
Ngoài lâu đài chính tráng lệ thì còn có 5 tòa nhà phụ xung quanh bao gồm: Tháp Ulster với một nhà hát và sân chơi bowling, một “nhà điện” thời trung cổ, một “tháp chim bồ câu”, một cổng vào theo phong cách kiến trúc La Mã và một vọng lâu.
Ngày nay, Lâu đài Boldt, chỉ mở cửa cho công chúng từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 10, nơi đây đã trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Hoa Kỳ và Canada. Đặc biệt đây là địa điểm duy nhất tổ chức lễ cưới không có tiệc rượu.
Từ khóa Lâu đài cổ tích chuyện tình cảm động Hồ Nghìn đảo Thousand Islands sông St. Lawrence