Giao thông đường sắt ở Nhật Bản nổi tiếng thế giới với sự đúng giờ, đến mức mà chỉ cần trễ 1 phút thôi cũng bị xem là vấn đề rất lớn. Gần đây tại tỉnh Okayama, một tài xế xe lửa đã bị công ty trừ 56 Yên vì lái tàu chậm 1 phút. Người tài xế không đồng ý với hình phạt và đã đệ đơn kiện công ty.

tài xế xe lửa
(Ảnh minh họa/Pixabay)

Theo tờ Yomiuri Shimbun đưa tin, do sơ suất, nam tài xế thuộc ga Okayama của Công ty Đường sắt Tây Nhật Bản (JR West Japan) đã khiến một chuyến tàu trống xuất phát từ ga muộn 1 phút vào ngày 18/6 năm ngoái

Người lái tàu này cho biết, vào sáng hôm đó anh phụ trách đưa tàu trống về kho. Mặc dù anh đã đến sân ga đúng giờ để chờ, nhưng anh đã bị nhầm sân ga. Khi một người tài xế khác lái tàu vào ga và bàn giao công việc với anh trên đúng sân ga thì anh đã bị chậm hơn 2 phút so với thời gian dự kiến. 

Kết quả là người lái tàu này đã xuất phát muộn 1 phút dẫn đến đưa đoàn tàu vào nhà kho muộn 1 phút.

Hãng JR West Japan đã trừ 85 Yên cho 2 phút bị muộn vào lương tháng 7 của người lái tàu này. Công ty cho biết, người lái tàu đã không làm việc trong 2 phút nên họ không trả lương.

Sau khi người lái tàu tham khảo ý kiến ​​của Cục Lao động Okayama, JR West Japan đã nhận được đề xuất thay đổi của Cục, nhưng họ không hoàn toàn chấp nhận. Cuối cùng, công ty này đã trừ lương của người lái tàu trong 1 phút, tương đương với 56 Yên.

Vào tháng 3 năm nay, người lái tàu này đã kiện JR West Japan lên Tòa án tỉnh Okayama về vấn đề này, yêu cầu công ty phải hoàn trả cho anh 56 Yên (bao gồm 43 Yên lương và 13 Yên làm thêm) và 2,2 triệu Yên khác để bồi thường về mặt tinh thần.

Mặc dù người lái tàu này cho rằng công ty JR West Japan không nên trừ lương của anh vì sự việc sơ suất này xảy ra trong thời gian trực ban của anh và không gây ra bất cứ tổn thất nào cho công ty, nhưng công ty này lại nói rằng theo nguyên tắc “không làm không được hưởng” thì không nên trả tiền khi không làm việc.

Người lái tàu này chỉ trích công ty sử dụng các khoản khấu trừ lương như một biện pháp “chế tài” cho sự sơ suất của con người. Anh cho rằng không nên coi những sai sót nhỏ như vậy trong công việc là vi phạm hợp đồng lao động. 

Minh Ngọc (Theo Epoch Times)

Xem thêm: