Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm nay sử dụng 100% “tuyết giả” (tuyết nhân tạo) để phục vụ giải đấu. Ngành công nghiệp tạo tuyết này đang phát triển nhanh chóng nhờ sự ấm lên của Trái Đất.

tuyết giả, tuyết nhân tạo
(Ảnh: GoShiva/Shutterstock)

Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 chứng kiến ​​các vận động viên thi đấu trên những mảng tuyết nhân tạo. Nhưng chính xác tuyết nhân tạo là gì?

Câu trả lời rất đơn giản: “Tuyết giả” được tạo ra bằng cách kết hợp nước và khí nén trong “súng bắn tuyết”. Súng sẽ bắn hỗn hợp này vào không khí, nó đóng băng lại và rơi xuống.

Nhưng không phải tất cả nước đóng băng đều giống nhau. Nhà vật lý Caltech Ken Libbrecht cho biết tuyết nhân tạo hình thành nhanh hơn và trông giống như những viên băng dưới kính hiển vi chứ không giống những bông tuyết xinh đẹp và độc đáo như tuyết thật.

Các vận động viên cũng có thể cảm nhận được sự khác biệt. Tuyết giả cứng hơn, dày hơn và có thể tốt cho tốc độ, nhưng nhiều người cảnh báo rằng nó kém an toàn hơn cho các vận động viên.

Tuyết nhân tạo cũng rất đắt đỏ. Năm nay Bắc Kinh không có nhiều tuyết, vì vậy Trung Quốc đã mua thiết bị tạo tuyết trị giá 60 triệu đô la từ công ty TechnoAlpin của Ý với ước tính ban đầu là sử dụng khoảng 0,2 triệu lít nước. Nhưng công ty này cho biết thực tế ​​sẽ cần khoảng 1,5 triệu m3 nước để tạo tuyết cho Thế vận hội – lượng nước đủ cấp cho 900 triệu người uống trong một ngày.

Mặc dù Trung Quốc cam kết sẽ thu hồi lại lượng nước đó nhưng vẫn có khoảng 40% bị bay hơi mất. Điều này làm gia tăng những quan ngại về môi trường khi sử dụng nước để tạo tuyết, đặc biệt là khi Bắc Kinh đang thiếu nước.

Thế vận hội năm nay không phải là lần đầu tiên người ta sử dụng tuyết nhân tạo. Nó đã được sử dụng tại Thế vận hội mùa đông năm 1980 tại Lake Placid, Hoa Kỳ; hơn 90% lượng tuyết ở PyeongChang, Hàn Quốc tại Thế vận hội mùa đông năm 2018 là nhân tạo; tại Sochi, Nga năm 2014 là 80%. Còn tại các khu trượt tuyết ở Bắc Mỹ thì gần 90% là tuyết giả.

tuyết giả, tuyết nhân tạo
(Ảnh: Gherzak/Shutterstock)

Tại sao? Thật không may khi nguyên nhân chủ yếu là vì biến đổi khí hậu. Một báo cáo cho thấy ngay cả trong kịch bản các nước đạt lượng phát thải thấp, thì 13 trong số 21 địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông trước đây vẫn sẽ không có đủ tuyết vào những năm 2050.

Tuy nhiên, các môn thể thao trên tuyết không vì thế mà chậm lại. Tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc đang nhắm tới mục tiêu phát triển ngành công nghiệp “băng tuyết” trị giá 23 tỷ USD vào năm 2025, trong đó có sản xuất thiết bị trượt tuyết trị giá khoảng 19 tỷ USD. Kể từ năm 2015, khi Bắc Kinh giành được quyền đăng cai Thế vận hội 2022, số lượng các khu trượt tuyết của Trung Quốc đã tăng 40% lên 800 địa điểm.

Và nhìn chung, thị trường hệ thống tạo tuyết toàn cầu trị giá 153 triệu đô la vào năm 2020 dự kiến sẽ tăng lên 240,9 triệu đô la vào năm 2027 với tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép) là 6,7%.

Tuyết nhân tạo không chỉ dành riêng cho các môn thể thao mùa đông, mà còn thường được sử dụng tại các điểm du lịch nổi tiếng như công viên Disneyland tại nam California, Mỹ trong những dịp lễ hội.