Mới đây, tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới hiện nay với giá trị tài sản ròng khoảng hơn 260 tỷ USD, cho biết rằng việc ông đề nghị “mua đứt” Twitter là vì lợi ích cộng đồng, nhằm đảm bảo mang lại sự tin cậy cho nền tảng chứ hoàn toàn không phải để kiếm tiền. Trước đó, ông từng tiết lộ rằng Twitter sẽ không phục vụ cho yêu cầu tự do ngôn luận của xã hội nếu cứ vận hành như hiện tại và hãng này cần phải được chuyển đổi sang hình thức một công ty tư nhân.

shutterstock 2067380384
Tỷ phú Elon Musk. (Ảnh: Naresh111/Shutterstock)

“Đây không phải là cách để tôi kiếm tiền”, ông Musk phát biểu trong cuộc phỏng vấn tại hội thảo TED 2022 diễn ra hôm 14/4 vừa qua. “Tôi tin chắc rằng một nền tảng cộng đồng được tin tưởng tối đa và mang tính bao trùm là điều rất quan trọng đối với tương lai của nền văn minh“.

CEO Tesla và SpaceX phản đối những gì ông coi là thiếu tự do ngôn luận trên Twitter. Ông Musk cho rằng nền tảng nên mở mã nguồn thuật toán để tăng tính minh bạch trong các quyết định về nội dung. Đây sẽ là thay đổi lớn với cách hoạt động của Twitter.

Khi được hỏi làm cách nào để thay đổi việc kiểm duyệt nội dung của Twitter, ông Musk giải thích rằng bài kiểm tra một nền tảng có tuân thủ các nguyên tắc tự do ngôn luận hay không rất đơn giản. “Nếu bạn cho phép người bạn không ưa nói điều bạn không thích, đó là tự do ngôn luận”, ông nói.

CEO Tesla cho rằng nếu một bài đăng trên Twitter gây tranh cãi, công ty không nên quảng cáo cho nội dung đó. “Tôi cho rằng chúng ta cần cân nhắc khi xóa mọi thứ và thận trọng với các lệnh cấm vĩnh viễn. Cấm tạm thời tốt hơn“, ông Musk nói thêm.

Tỷ phú này cũng thừa nhận rằng ngay cả khi Twitter về tay mình, sẽ vẫn có những sai sót xảy ra. “Tôi nghĩ mọi người vẫn sẽ đổ lỗi cho tôi về mọi thứ“, ông nói. “Nếu tôi mua lại Twitter và xảy ra sự cố, 100% là lỗi của tôi”.

Khi được hỏi về kế hoạch dự phòng nếu nỗ lực mua Twitter không thành công, Musk cho biết ông có nhiều ý tưởng khác nhau. Nhưng CEO SpaceX từ chối giải thích và nói rằng những điều này sẽ cần chờ một thời điểm khác.

Hôm 10/4 vừa qua, CEO Twitter Parag Agrawal thông báo rằng tỷ phú Elon Musk, cổ đông cá nhân lớn nhất của công ty, đã quyết định không tham gia vào ban lãnh đạo của công ty truyền thông xã hội này.

Ông Elon Musk từng được mời vào ban lãnh đạo Twitter. Vị CEO này hiện nắm giữ 9,2% cổ phần của Twitter (tương đương 73,5 triệu cổ phiếu) với tổng giá trị lên đến 2,9 tỷ USD theo giá giao dịch chốt phiên ngày 1/4.

Trong một bức thư gửi tới ban lãnh đạo của Twitter, ông Musk cho biết bản thân mình tin rằng Twitter sẽ không phát triển mạnh mẽ cũng như không phục vụ cho yêu cầu tự do ngôn luận của xã hội nếu cứ vận hành như hiện tại và Twitter cần phải được chuyển đổi sang hình thức một công ty tư nhân.

“Tôi đầu tư vào Twitter vì tin tưởng vào tiềm năng của nó trong việc trở thành nền tảng phục vụ cho tự do ngôn luận trên toàn cầu và tôi cho rằng tự do ngôn luận là một yêu cầu của xã hội đối với một nền dân chủ”, ông cho biết. “Twitter có tiềm năng rất lớn và tôi sẽ khai mở nó”.

Tháng trước, tỷ phú Elon Musk từng chia sẻ ông đang “suy nghĩ nghiêm túc” về việc xây dựng một nền tảng truyền thông xã hội mới.

Ông Musk hiện có trên 80 triệu người theo dõi trên Twitter kể từ khi tham gia vào năm 2009 và đã sử dụng nền tảng này để đưa ra nhiều thông báo.

Theo danh sách tỷ phú dựa trên thời gian thực của tạp chí Forbes, giá trị tài sản ròng của CEO Elon Musk của hãng Tesla và SpaceX đã đạt mốc kỷ lục 267,3 tỷ USD vào hôm 24/3 vừa qua. Vị CEO 50 tuổi này được dự đoán trở thành người đầu tiên tích lũy tài sản ròng 1 nghìn tỷ USD vào năm 2024, theo phân tích xu hướng tăng trưởng trung bình hàng năm của Tipalti Approve.

Trước đó, CEO Elon Musk đã gửi đến Ukraine 2 lô hàng gồm các thiết bị Internet vệ tinh Starlink của SpaceX cũng như các thiết bị hỗ trợ để dùng Internet ở những nơi không có điện trong bối cảnh nước này đang bị Nga tấn công.

Phan Anh (tổng hợp)