Hãng xếp hạng quốc tế Fitch Ratings đã hạ triển vọng xếp hạng của 6 ngân hàng quốc doanh Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực“, do lo ngại về khả năng hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc khi ngành ngân hàng chịu áp lực.

Fitch
(Nguồn: 4kclips/ Shutterstock)

Hôm 16/4, Fitch Ratings đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của 6 ngân hàng quốc doanh Trung Quốc gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Giao thông và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc, từ mức ổn định xuống mức âm.

Fitch Ratings cũng công bố việc điều chỉnh Triển vọng về Xếp hạng phát hành ngoại tệ dài hạn (IDR- trái phiếu chính phủ) của Trung Quốc từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”.

Fitch cho biết, việc hạ triển vọng xếp hạng quốc gia của Trung Quốc có nghĩa là khả năng của Chính phủ Trung Quốc trong việc “cung cấp mức hỗ trợ đặc biệt tương tự cho các ngân hàng này” đã giảm, mặc dù xu hướng hỗ trợ các ngân hàng quốc doanh của Chính phủ Trung Quốc vẫn không thay đổi.

Kể từ năm 2008, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng, với tổng tài sản đạt 417.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 57.620 tỷ USD) vào năm 2023, tương đương 330% GDP của Trung Quốc Đại Lục trong cùng năm. Hơn nữa, 6 ngân hàng quốc doanh lớn chiếm hơn 40% thị trường.

Trung Quốc hiện chỉ định 19 ngân hàng là “ngân hàng quan trọng trong hệ thống trong nước”. Con số lớn này sẽ hạn chế khả năng hỗ trợ của chính quyền đối với hệ thống ngân hàng.

Ngày 10/4, Fitch đã hạ triển vọng xếp hạng nợ nước ngoài dài hạn của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực. Nguyên nhân là do rủi ro đối với tài chính công của Trung Quốc. Bởi nền kinh tế Trung Quốc không thể tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng trong quá khứ, và phải đối mặt với sự bất ổn ngày càng tăng. Tài chính công cũng gặp rủi ro.

Nợ công của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng trong hơn một thập kỷ trở lại đây khi chính phủ nước này nỗ lực duy trì đà tăng trưởng “thần tốc” đạt được trong nhiều năm trước đó. Với việc thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng đe dọa thời thành quả tăng trưởng, Chính phủ Trung Quốc đã vạch ra nhiều giải pháp hỗ trợ, bao gồm trợ cấp cho hộ gia đình và doanh nghiệp. Nợ công chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên.

Tính tới giữa năm 2023, nợ công của Trung Quốc tăng lên ngưỡng gần 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 2015, theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế. Tuy vẫn thấp hơn so với một số nền kinh tế phát triển như Nhật Bản và Mỹ, tỷ lệ trên vẫn được coi là cao đối với một thị trường mới nổi.

Fitch dự kiến ​​nợ chính quyền trung ương và địa phương của Trung Quốc sẽ tăng lên 61,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2024, từ mức 56,1% vào năm 2023.

Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm từ mức 5,2% (3023) xuống 4,5% vào năm 2024, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ tăng 4,6%

Tháng 12/2023, Moody’s, một trong ba hãng định mức tín dụng hàng đầu trên thế giới, đã thực hiện một động thái tương tự. Nguyên nhân chính là do chính quyền Trung Quốc phải trả giá đắt khi giải cứu chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước, cũng như kiểm soát cuộc khủng hoảng bất động sản.

Bình Minh (t/h)