Do hạn chế về hạ tầng, buýt nhanh thành “buýt chậm” nên BRT Kim Mã – Yên Nghĩa sẽ được thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị số 11, theo Phó chủ tịch TP. Hà Nội.

bus BRT ha noi
Tuyến BRT Kim Mã – Yên Nghĩa. (Ảnh: hanoitv.vn)

Ngày 15/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh, đặt vấn đề liệu Hà Nội có nên tiếp tục xây dựng các tuyến BRT còn lại theo quy hoạch hay không, trong bối cảnh BRT Kim Mã – Yên Nghĩa đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều? Ông cũng đề nghị rút kinh nghiệm từ những hạn chế của tuyến BRT hiện tại nếu tiếp tục thi công các tuyến đường khác.

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết Hà Nội đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của Quy hoạch chung Thủ đô.

4 tuyến được bổ sung nâng tổng số tuyến đường sắt đô thị của thành phố lên 14, tổng chiều dài 550 km. “Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ là xương sống của giao thông đô thị, kết nối đường bộ, đường không và tương lai cả đường thủy”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, BRT là tiền đề để chuẩn bị cho đường sắt đô thị. Quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 và quy hoạch giao thông vận tải năm 2016, thành phố có 8 tuyến BRT nhưng hiện nay mới làm được một tuyến. Nhưng tuyến BRT này rất hạn chế vì lấy 1/3 mặt cắt của trục xuyên tâm Giảng Võ – Láng Hạ – Lê Văn Lương làm đường ưu tiên.

“Buýt nhanh trở thành buýt thường, buýt chậm. Điều chỉnh quy hoạch chung có lĩnh vực giao thông, thành phố sẽ thay thế BRT Kim Mã – Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị số 11”, ông Tuấn nói.

Tuyến BRT Kim Mã – Yên Nghĩa được phê duyệt từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư khoảng 55 triệu USD, tương đương 1.100 tỷ đồng. Tuyến dài hơn 14 km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỷ đồng/xe.

Ngày 1/1/2017, tuyến bắt đầu hoạt động theo lộ trình Yên Nghĩa – Ba La – Lê Trọng Tấn – Tố Hữu – Lê Văn Lương – Láng Hạ – Giảng Võ – bến xe Kim Mã.

Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là hợp phần trong lộ trình dài hơi phát triển giao thông công cộng Hà Nội mà WB tham gia. Cơ quan này đưa ra nhiều mục tiêu khi xây dựng tuyến buýt nhanh, như cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm; làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng; thúc đẩy người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng và các chuyên gia, sau gần 6 năm vận hành, tuyến BRT chưa đáp ứng được kỳ vọng ở cả ba tiêu chí là không thu hút người dân, không thúc đẩy giao thông công cộng, không giảm ùn tắc.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Thủ đô sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417km, trong đó đi trên cao 342km, ngầm 75km. Hiện chỉ có tuyến Cát Linh – Hà Đông vận hành thương mại từ tháng 1/2022, tuyến Nhổn – ga Hà Nội dự kiến khai thác đoạn trên cao dịp 30/4 – 1/5/2024 và chạy toàn tuyến vào năm 2027.

Các tuyến đang triển khai như tuyến số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đang đề xuất điều chỉnh ga tổng mặt bằng ga C9, cạnh hồ Gươm; tuyến số 3 ga Hà Nội đến Hoàng Mai và tuyến số 5 Văn Cao – Ngọc Khánh – Hòa Lạc được thành phố thông qua chủ trương đầu tư. Tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi đang lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật.

TP cũng đã giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội chuẩn bị các tuyến còn lại gồm: Nam Thăng Long – Nội Bài; Trần Hưng Đạo – Thượng Đình; Cổ Nhuế – Vành đai 3 – Lĩnh Nam – Bát Tràng – Dương Xá.

Minh Long