Công ty Điện lực Nhật Bản (JERA) hôm thứ Ba cho biết họ sẽ đầu tư 15 tỷ Yên (khoảng 112 triệu USD) vào 35% cổ phần Công ty Điện Gia Lai (GEC) của Việt Nam. Việc mua lại nhằm tăng danh mục công suất năng lượng tái tạo của JERA trong nỗ lực giảm thải carbon.

JERA mua 35 cổ phần Diện Gia Lai GEC nhà máy diện gió ia bang Diện lực Nhật Bản mua cổ phần GEC scaled
Công ty Điện lực Nhật Bản dự kiến sẽ hoàn thành việc mua 35% cổ phần của GEC trong tháng 10 hoặc tháng 11. (Ảnh: Nhà máy Điện gió Ia bang/geccom.vn)

JERA – liên doanh giữa Tokyo Electric Power và Chubu Electric Power, đã ký thỏa thuận mua 35,1% cổ phần của GEC từ các cổ đông hiện hữu, trị giá khoảng 112 triệu USD (gần 2.600 tỷ đồng).

Được biết, GEC sở hữu các nhà máy thủy điện, năng lượng mặt trời và điện gió với tổng công suất phát điện khoảng 600 MW. Theo JERA, Công ty này đặt mục tiêu mở rộng công suất lên 1.700 MW vào năm 2025.

Việc mua lại diễn ra khi JERA đặt mục tiêu tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, JERA đã tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo trên khắp châu Á, bao gồm cả ở Ấn Độ và Thái Lan.

Công ty Nhật Bản đã vận hành một nhà máy nhiệt điện khí tại Việt Nam từ năm 2005 và cho biết họ coi quốc gia này là “ưu tiên” nơi họ “có tiềm năng mạnh mẽ để tham gia vào cả LNG và các dự án năng lượng tái tạo”.

Điện lực Nhật Bản đặt mục tiêu nâng công suất phát điện năng lượng tái tạo lên 5.000 MW vào năm 2025. Cổ phần của GEC sẽ tăng thêm 190 MW, nâng tổng công suất năng lượng tái tạo của công ty lên 1.900 MW. JERA cũng sẽ xem xét cùng phát triển các dự án năng lượng mặt trời và gió trên bờ với GEC.

Công ty Việt Nam báo cáo doanh thu hàng năm đạt 1,38 nghìn tỷ đồng (60 triệu USD) và lợi nhuận sau thuế 282 tỷ đồng vào năm 2021, theo báo cáo tài chính của công ty.

Chính phủ Việt Nam đang chuyển dần việc giảm sử dụng năng lượng hóa thạch và giảm carbon trong lĩnh vực điện năng của đất nước trong khi vẫn đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế.

Theo một báo cáo năm 2022 của tổ chức nghiên cứu khí hậu Ember, Việt Nam đã giảm phát thải carbon được khoảng 8% từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng mặt trời trong hai năm qua.

JERA sẽ mua cổ phần của GEC từ International Finance Corp., một tổ chức có liên hệ với Ngân hàng Thế giới và Armstrong S.E. Quỹ Năng lượng Sạch Châu Á, một quỹ đầu tư tư nhân do Armstrong Asset Management có trụ sở tại Singapore quản lý.

Tiền thân của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai là Công ty Thủy điện Gia Lai – Kon Tum trực thuộc UBND tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Với 33 năm hoạt động, hiện tại GEC sở hữu 12 Nhà máy Thủy điện vừa và nhỏ, 5 Nhà máy Điện Mặt trời và 34 hệ thống Điện Áp mái và 3 Nhà máy Điện Gió với tổng công suất 545 MW, theo trang CafeF.

GEC niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào tháng 9/2019 với giá 28.000 đồng/cổ phiếu. Phiên giao dịch ngày 16/8/2022, mã GEC có giá 22.500 đồng/cổ phiếu.

Tuấn Minh theo Nikkei Asia