Dự kiến từ đầu tháng 7, Công ty xe khách Phương Trang sẽ thay thế vận hành 5 tuyến xe buýt bị ngừng hoạt động vừa qua ở TP Đà Nẵng. Nguyên nhân do người lao động thuộc Công ty Quảng An 1 bị nợ lương vài tháng, không được đóng bảo hiểm,…

xe buýt 109 phương trang xe buýt sân bay
Xe buýt Phương Trang. (Ảnh minh họa: toquoc.vn)

Ngày 14/6, Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng (DATRAMAC – thuộc Sở GTVT Đà Nẵng) đã ký kết hợp đồng vận tải hành khách công cộng cho 5 tuyến xe buýt trợ giá ở thành phố giai đoạn 2022 – 2027.

Ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, Phó giám đốc phụ trách DATRAMAC cho biết sau khi ký kết hợp đồng, dự kiến bắt đầu từ tháng 7 các tuyến xe buýt này sẽ hoạt động trở lại.

Trước đó, sáng hôm 8/6, hơn 100 người lao động của Công ty CP Quảng An 1 đã đình công, phản ánh việc bị công ty nợ đến 5 tháng lương, không được đóng bảo hiểm,… khiến cuộc sống bấp bênh, mất thu nhập,…

Ông Nguyễn Văn Dũng (56 tuổi, Đà Nẵng) cho biết ông làm tài xế xe buýt trợ giá từ những ngày đầu hệ thống xe buýt đi vào hoạt động, mức lương vào khoảng 8 triệu đồng/tháng, báo Giao thông đưa tin.

Đầu năm 2023 đến nay, Quảng An 1 mới chỉ mới trả được lương tháng 1, còn các tháng 2,3,4,5,6 vẫn chưa chi trả.

“Bức xúc lắm chúng tôi mới phải đình công thế này”, ông Dũng nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Nhật (57 tuổi, Đà Nẵng) cho hay mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều do vợ ông cáng đáng với thu nhập ít ỏi. Có lúc ông phải đi vay tiền bạn bè, họ hàng để lo cho gia đình.

Đây không phải lần đầu tiên hệ thống xe buýt ở Đà Nẵng tê liệt vì tài xế đình công.

Tính đến ngày 31/8/2022, tổng số tiền nợ BHXH (không bao gồm nợ lãi) của công ty này là hơn 7,2 tỷ đồng. Riêng nợ BHYT là gần 900 triệu đồng.

Như vậy, quyền lợi của người lao động thuộc Công ty cũ Quảng An 1 chưa rõ sẽ xử lý ra sao khi 5 tuyến xe buýt do Công ty Phương Trang vận hành.

Trọng Minh