Các sản phẩm gia dụng, quần áo với chức năng chống nước, mồ hôi, vết bẩn nghe có vẻ rất tiện lợi và lành mạnh nhưng trên thực tế, hóa chất độc hại trong chúng đang thấm vào cơ thể chúng ta mỗi ngày.

hóa chất vĩnh cửu
Ngày nay, các hóa chất nguy hiểm phổ biến đến mức chúng có mặt ở trong nguồn nước, thực phẩm chúng ta ăn và thậm chí cả quần áo chúng ta mặc. (Ảnh: NDAB Creativity/ Shutterstock)

PFAS là gì?

PFAS là từ viết tắt chỉ các chất perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl – còn được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”. Sở dĩ chúng có tên gọi như vậy là bởi chúng không phân hủy trong môi trường mà sẽ tích tụ hoặc tích lũy sinh học trong cá, động vật hoang dã và con người. PFAS đại diện cho một nhóm gồm hàng nghìn hóa chất nhân tạo được sử dụng trong một số ngành công nghiệp và được tìm thấy trong rất nhiều sản phẩm gia dụng như thảm trải sàn, chỉ nha khoa.

PFAS là một nhóm hóa chất được sử dụng để tạo ra các sản phẩm (hoặc lớp phủ bên ngoài sản phẩm) có khả năng chống nhiệt, dầu, vết bẩn, dầu mỡ và nước. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các lớp phủ này tồn tại trong rất nhiều loại sản phẩm như đồ nội thất, quần áo, chất kết dính, bao bì thực phẩm, bề mặt các sản phẩm làm bếp có chức năng chống dính chịu nhiệt, phần cách điện của dây điện.

Nhờ có các tính chất hóa học và vật lý độc đáo mà PFAS có thể đẩy lùi dầu, nước, vết bẩn, đất. Khả năng ổn định nhiệt, hóa học và giảm ma sát của PFAS lại khiến chúng trở thành “con cưng” trong nhiều ngành công nghiệp. Theo ghi nhận của Hội đồng Quản lý Công nghệ Liên bang, PFAS được ứng dụng trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, chất bán dẫn, điện tử, y tế, ô tô, xây dựng, điện tử và hàng không.

shutterstock 2303772261
“Hóa chất vĩnh cửu” PFAS là một nhóm hóa chất được sử dụng để tạo ra các sản phẩm (hoặc lớp phủ bên ngoài sản phẩm) có khả năng chống nhiệt, dầu, vết bẩn, dầu mỡ và nước. (Ảnh: Francesco Scatena/ Shutterstock)

Kiện cáo

Tuy hiện nay PFAS được sử dụng rất phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp và các sản phẩm gia dụng nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng hài lòng với chúng. Ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy chúng có liên kết với nhiều vấn đề sức khỏe. Khi biết đến những rủi ro này, tất nhiên người tiêu dùng sẽ chú ý hơn khi đọc nhãn mác sản phẩm và thậm chí còn thực hiện các hành động pháp lý để chống lại các công ty sản xuất. 

Gần đây, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ kiện tập thể với nội dung chống lại các công ty và sản phẩm quần áo của họ. Các vụ kiện cho rằng các thương hiệu thời trang đang quảng cáo sai sự thật về sản phẩm bằng những từ ngữ hoa mỹ như “bền vững”, “tự nhiên” hoặc “lành mạnh”, trong khi sự thật là các sản phẩm này đều chứa PFAS độc hại. Một vụ kiện chống lại REI (Recreational Equipment Inc.), chủ yếu nhắm vào dòng sản phẩm áo mưa của hãng, đang được chuyển qua các tòa án.

Theo Bloomberg Law, hơn 6.400 vụ kiện liên quan đến PFAS đã được đệ trình kể từ năm 2005 và con số này đang ngày càng tăng lên. Trong hai năm qua, số vụ kiện tăng lên chóng mặt vì người tiêu dùng đang bắt đầu có nhận thức rõ ràng về PFAS.

Công ty Thinx đã từng tung ra thị trường sản phẩm đồ lót phụ nữ có thể tái sử dụng “an toàn”, “lành mạnh”, “không có chất độc hại” và rất được ủng hộ. Sau đó, người dùng phát hiện ra sản phẩm có chứa PFAS “gây nguy hiểm cho cơ thể phụ nữ và môi trường” nên đã kiện công ty. Thinx phải chi ra 5 triệu USD để dàn xếp tất cả các cáo buộc này.  

PFAS được tìm thấy trong rất nhiều loại quần áo, từ quần áo mặc ngoài trời như áo khoác, áo mưa, quần đi bộ, áo sơ mi, đến quần áo thể thao như quần tập yoga, quần legging, áo ngực thể thao (được sản xuất bởi các thương hiệu nổi tiếng như Lululemon, Gaiam, Old Navy, Athleta). Nguồn ô nhiễm PFAS trong các loại quần áo này thường đến từ quá trình xử lý vải – để giúp vải có khả năng chống vết bẩn, chống nước, thấm ẩm, thấm mồ hôi, giúp hút ẩm và mồ hôi ra khỏi da.

PFAS đã được tìm thấy trong hàng trăm sản phẩm tiêu dùng và quần áo bán trên toàn nước Mỹ (và thế giới). Những rủi ro sức khỏe liên quan đến việc mặc quần áo chứa PFAS vẫn chưa rõ ràng, nhưng các hóa chất này có liên quan đến rất nhiều tình trạng nghiêm trọng như cholesterol cao hay ung thư.

PFAS và sức khỏe con người

shutterstock 2130337088
Có một số loại PFAS cực kỳ nguy hiểm, ngay cả mức độ phơi nhiễm cực thấp cũng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của chúng ta. (Ảnh: shisu_ka/ Shutterstock)

PFAS được phát minh từ những năm 1940 nên không phải là điều gì mới lạ. Kể từ đó đến nay, chúng liên tục tích tụ trong môi trường, chuỗi thức ăn và cả cơ thể con người. Theo CDC, PFAS hiện diện trong máu của gần như tất cả người Mỹ – điều này cho thấy loại hóa chất này đang được sử dụng cực kỳ rộng rãi.

Erik D. Olson, giám đốc chiến lược cấp cao về sức khỏe và thực phẩm của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC), cho biết PFAS nguy hiểm vì ba lý do quan trọng: “Thứ nhất, PFAS có cấu trúc chống lại sự phân hủy trong môi trường và trong cơ thể con người. Thứ hai, chúng di chuyển tương đối nhanh trong môi trường, làm cho sự ô nhiễm lan nhanh và khó kiểm soát. Thứ ba, có một số loại PFAS cực kỳ nguy hiểm, ngay cả mức độ phơi nhiễm cực thấp cũng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của chúng ta.”

Theo U.S. Right to Know, một nhóm điều tra về sức khỏe cộng đồng, các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ của việc phơi nhiễm PFAS với nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm: Bệnh ung thư, dị tật bẩm sinh, bệnh tiểu đường, cholesterol, nội tiết tố, khả năng tăng trưởng và phát triển của trẻ, béo phì, chức năng gan, chức năng thận, bệnh viêm ruột, các vấn đề về tuyến giáp, viêm loét đại tràng.

PFAS và sức khỏe trẻ em

shutterstock 1044580621
Trẻ em đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các hóa chất độc hại như PFAS vì cơ thể và bộ não của chúng vẫn đang dần tăng trưởng và phát triển. (Ảnh: Black Salmon/ Shutterstock)

Một nghiên cứu được Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ công bố vào năm 2022 đã kiểm tra chất lượng của 72 sản phẩm dệt may dành cho trẻ em được bán tại Mỹ và Canada. Các sản phẩm này được quảng cáo là có khả năng “chống vết bẩn”, và rất nhiều trong số đó là đồng phục học sinh. Các nhà nghiên cứu muốn đánh giá xem quần áo của trẻ em có chứa nhiều PFAS hay không. Kết quả cho thấy, đồng phục học sinh có mức PFAS cao – thậm chí cao tương đương với đồng phục mặc ngoài trời. Các sản phẩm mặc ngoài trời thường có mức PFAS cao vì chúng giúp chống ố và thấm nước.

Mức độ phơi nhiễm này đặc biệt nguy hiểm vì đồng phục học sinh được mặc trực tiếp trên da trong thời gian dài mỗi ngày từ 8 đến 10 giờ. Nghiên cứu nói rằng khoảng một phần tư trẻ em ở độ tuổi đi học của Canada và Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng bởi sự tiếp xúc này.

Cách hạn chế PFAS

PFAS rất phổ biến nhưng vẫn có nhiều cách giúp bạn hạn chế mức độ tiếp xúc. Hãy bắt đầu bằng việc nâng cao nhận thức xem PFAS xuất hiện ở những đâu. 

shutterstock 1379304191
Các chuyên gia cho biết bộ lọc thẩm thấu ngược được coi là một trong những loại tốt nhất để hạn chế PFAS trong nước. (Ảnh: Krakenimages.com/ Shutterstock)

Một bài báo từ U.S. Right to Know của Hoa Kỳ đã trình bày chi tiết về các mối lo ngại sức khỏe liên quan đến PFAS và liệt kê các lộ trình tiếp xúc với PFAS (được xác định bởi các nhà nghiên cứu) như sau:

– Uống nước

– Đất và nước gần (hoặc ngay tại) các bãi thải

– Bọt chữa cháy

– Các cơ sở sản xuất hoặc khu vực sản xuất sử dụng hoặc tạo ra PFAS

– Đồ ăn

– Bao bì thực phẩm

– Sản phẩm gia dụng

– Sản phẩm chăm sóc cá nhân

Một trong những con đường phổ biến nhất khiến bạn tiếp xúc với PFAS là uống nước. Nhóm Công tác Môi trường (EWG) đã tạo cơ sở dữ liệu nước máy quốc gia (có thể tìm kiếm bằng mã zip) để hỗ trợ người dân Mỹ tìm nguồn nước sạch. Nếu thành phố bạn ở có mức độ ô nhiễm cao, hãy cân nhắc mua máy lọc nước để hạn chế tiếp xúc, đặc biệt nếu bạn có con nhỏ. Các chuyên gia cho biết bộ lọc thẩm thấu ngược được coi là một trong những loại tốt nhất. NSF (trước đây là Tổ chức Vệ sinh Quốc gia) có một danh sách các bộ lọc nước tốt nhất giúp hạn chế PFAS, bạn có thể cân nhắc.

Trong một bản tin tháng 3, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã lần đầu tiên đề xuất Quy định về Nước uống Quốc gia liên quan đến PFAS (đặc biệt nhấn mạnh đến 6 loại PFAS). Theo đó, nếu các công ty và người dân tuân thủ đúng các quy tắc này thì sẽ có thể “ngăn ngừa hàng nghìn ca tử vong và giảm hàng chục nghìn ca bệnh nghiêm trọng do PFAS gây ra”.

EWG cũng đã tạo một bản đồ quốc gia về tình trạng ô nhiễm PFAS theo địa điểm, vì vậy bạn có thể chủ động xem mức độ phơi nhiễm tại nơi bạn sinh sống.

shutterstock 309420602
Các sản phẩm được dán nhãn chống nước, vết bẩn hoặc mồ hôi hầu như đều có chứa PFAS, kể cả sản phẩm của các hãng thời trang lớn. (Ảnh: ARTFULLY PHOTOGRAPHER/ Shutterstock)

Về các sản phẩm thời trang, quần áo ngoài trời và quần áo thể thao có nguy cơ chứa PFAS cao hơn vì loại quần áo này thường có chức năng chống nước, vết bẩn và mồ hôi. Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý với những sản phẩm được giới thiệu có khả năng chống vết bẩn khi mua quần áo cho con nhỏ, bởi các sản phẩm được dán nhãn chống nước, vết bẩn hoặc mồ hôi hầu như đều có chứa PFAS.

Bạn cũng có thể kiểm tra trang web của thương hiệu quần áo để xem liệu họ có đưa ra tuyên bố công khai nào liên quan đến việc sử dụng PFAS hay không. NRDC đã tạo ra sáng kiến thẻ PFAS để chấm điểm mức độ sử dụng hóa chất của các thương hiệu may mặc. PFAS Central, một dự án của Viện Chính sách Khoa học Xanh, đã đăng tải một danh sách ghi lại các thương hiệu và sản phẩm cung cấp thiết bị, quần áo ngoài trời (và nhiều dòng sản phẩm khác) không chứa PFAS.

Một trong những cách tốt nhất giúp bạn hạn chế tiếp xúc với những hóa chất vĩnh cửu là giữ cho cuộc sống đơn giản. Trong quá khứ, con người đã từng sống mà không cần mặc quần áo. Chúng ta đâu phải lo về những bộ đồ tập giúp bay mồ hôi trong lớp yoga hay loại vải chống lại vết cà phê vô tình rơi xuống. Có vẻ như những tiện nghi thời hiện đại đang ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nhiều hơn chúng ta nghĩ. 

shutterstock 148017509
Hãy giữ một lối sống đơn giản, thoải mái, đôi lúc tận hưởng việc bị ướt dưới mưa hay đừng cảm thấy căng thẳng khi quần áo dính bẩn. Hãy từng bước loại bỏ PFAS ra khỏi thói quen sống của bạn. (Ảnh: gpointstudio/ Shutterstock)

Vết bẩn và mồ hôi là những hiện tượng tự nhiên, bạn không cần phải cố gắng loại bỏ chúng. Hãy giữ một lối sống đơn giản, thoải mái, đôi lúc tận hưởng việc bị ướt dưới mưa hay đừng cảm thấy căng thẳng khi quần áo dính một vết bẩn. Hãy từng bước loại bỏ PFAS ra khỏi thói quen sống của bạn.