Nhập viện khi đã vào giai đoạn viêm não, não bị tổn thương nặng, hai bé trai 8 tuổi và 13 tuổi hiện vẫn trong tình trạng nguy kịch.

lien tiep hai be trai bi ton thuong nao nang sau khi bi cho dai can
một bệnh nhi mắc bệnh dại ở giai đoạn tổn thương não đang được lọc máu Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). (Ảnh: Benhviennhi.org.vn)

Ngày 22/9, BS.CK2 Đỗ Châu Việt – Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Nhiễm và COVID-19 Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết trong hai tuần qua khoa đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh dại.

Hai bệnh nhi lần lượt là bé trai 8 tuổi cư ngụ tại tỉnh Gia Lai và bé trai 13 tuổi cư ngụ tại tỉnh Đắc Nông. Ghi nhận tình trạng lúc nhập viện các bệnh nhân đều vào giai đoạn viêm não, tổn thương não nặng, tính mạng nguy kịch.

Người nhà cho hay trước đó các bé không kể cho gia đình biết bị chó cắn nhưng ở khu vực quanh nhà có phát hiện chó chết bất thường.

Hiện bé trai 13 tuổi ngụ tỉnh Đắk Nông đã được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM).

Bác sĩ Việt khuyến cáo không nên chủ quan với bệnh dại. Bệnh dại do vi-rút dại (Rhabdovirus) gây nên. Vi rút này lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt.

Thông thường, bệnh dại có thời gian ủ bệnh từ 2-8 tuần, nhưng khi ngắn thì khoảng 10 ngày và khi dài có khi tới 1-2 năm, tùy lượng vi-rút và độ nặng của vết thương. Người bệnh sẽ nhiễm vi-rút cấp tính tại hệ thần kinh trung ương.

Triệu chứng khởi đầu của bệnh dại gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi,…. Bước vào giai đoạn viêm não, người bệnh thường có biểu hiện như mất ngủ, tăng cảm giác kích thích (sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió). Mức độ nguy hiểm nhất là rối loạn thần kinh thực vật với đồng tử giãn, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, rối loạn huyết động,….

Nguồn lây bệnh dại là động vật hoang dã và cả động vật sống gần người (chó, mèo,…). Phương pháp để xác định bệnh dại là xét nghiệm PCR virus dại trong nước bọt. Vi-rút gây bệnh có sức đề kháng yếu và bất hoạt trong khoảng 2 phút ở 70 độ C, cụ thể dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn thông thông thường có thể làm mất độc lực.

Trước thềm Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9), bác sĩ Việt lưu ý dù bệnh dại vô cùng nguy hiểm nhưng có thể chủ động phòng tránh cho con trẻ. Người nhà nên giúp trẻ hiểu và báo cho người lớn sớm nếu bị động vật làm bị thương. Cần rửa sạch và sát trùng vết thương, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc-xin, huyết thanh kháng dại, chích ngừa uốn ván theo chỉ định của nhân viên y tế nếu có.

Vật nuôi trong nhà cần được tiêm ngừa dại và diệt ổ bệnh khi phát hiện, theo dõi sát những vật nuôi chưa phát bệnh trong ổ. Những người tiếp xúc thường xuyên với động vật như nhân viên thú y, kiểm lâm,… cũng cần tiêm ngừa định kỳ.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ở Nam Mỹ, Trung Mỹ, Mexico, ổ chứa vi-rút dại ở loài dơi hút máu và dơi ăn hoa quả. Ở Mỹ, Canada, Châu Âu còn thấy loài dơi ăn sâu bọ bị nhiễm vi rút dại.

Ở các nước đang phát triển, ổ chứa vi-rút dại chủ yếu ở chó, ngoài ra còn thấy ở mèo, chuột…

Ở Việt Nam, chó là ổ chứa vi-rút dại chủ yếu chiếm 96-97% sau đó là mèo: 3- 4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc…) chưa phát hiện được.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo khi bị động vật cắn, làm xây xước, cần rửa ngay thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng (như cồn, cồn iốt) để làm giảm lượng vi-rút tại vết cắn.

Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày. Tiêm vắc-xin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.

Dùng vắc-xin dại tế bào hoặc dùng cả vắc-xin và huyết thanh kháng dại để điều trị dự phòng tuỳ theo tình trạng súc vật, tình trạng vết cắn, tình hình bệnh dại ở súc vật trong vùng. Không được lạm dụng trong sử dụng vắc-xin và huyết thanh kháng dại.

Việc khám bệnh nhân bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc để có chỉ định điều trị dự phòng bằng vắc xin dại hoặc vắc xin + huyết thanh kháng dại phải thực hiện càng sớm càng tốt. Hiệu quả điều trị dự phòng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại vắc-xin, kỹ thuật tiêm, bảo quản sinh phẩm, đáp ứng miễn dịch của người bệnh. Việc giám sát, kiểm soát để thực hiện các nội dung chuyên môn là hết sức cần thiết.

Nguyễn Sơn