Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vốn có cấu trúc lỏng lẻo, bất ngờ tuyên bố sẽ tập trận quân sự chung vào tháng 9 năm nay ở Biển Đông nhạy cảm. ASEAN khi mới thành lập dù có thuộc tính chống cộng sản mạnh, nhưng trong nhiều năm đã kiềm chế và chịu đựng ức hiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bây giờ đột ngột thay đổi lập trường cho thấy khả năng muốn đoàn kết cùng Mỹ trong cuộc chiến này.

image007
Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 20 (ACDFM-20) tổ chức tại Bali – Indonesia. (Nguồn ảnh: Bộ Quốc Phòng)

Lần đầu ASEAN tuyên bố tập trận chung

Ngày 8/6 tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Chủ tịch luân phiên ASEAN là Indonesia thông báo về việc 10 nước ASEAN vào tháng 9 năm nay sẽ lần đầu tiên tổ chức tập trận chung ở Biển Đông nhằm mục đích phòng thủ. Ngoài các nước thành viên, nước tham gia sẽ bao gồm Đông Timor hiện là quan sát viên và Myanmar là nước nằm dưới sự kiểm soát của quân đội.

Thông tin này cũng được xác nhận sau khi Tư lệnh Quân đội Quốc gia Indonesia là Yudo Margono nói với hãng thông tấn nhà nước Antara của Indonesia hôm 8/6. Tư lệnh Margono cho biết cuộc tập trận được tổ chức vào tháng 9 không liên quan đến bất kỳ hoạt động huấn luyện tác chiến nào, chỉ nhằm tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.

Người phát ngôn Julius Widjojono của quân đội Indonesia giải thích rằng cuộc tập trận có liên quan đến nguy cơ cao xảy ra thảm họa ở châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á.

Vào tháng 9 khi diễn tập quân sự chung, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ được tổ chức với chủ đề chính là vấn đề Biển Đông.

Theo thông tin trên trang thông tin điện tử “Quân đội nhân dân Việt Nam”, sáng 7/6 tại Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 20 (ACDFM-20) tổ chức tại Bali – Indonesia, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN đã thông qua kế hoạch xây dựng “Cộng đồng Tình báo Quốc phòng ASEAN” (AMIC).

Như vậy có thể nhận thấy hợp tác giữa các nước ASEAN đang có xu hướng mở rộng từ kinh tế chính trị sang lĩnh vực quân sự.

Vị trí diễn tập đầy nhạy cảm

Tại cuộc họp của các chỉ huy quân sự ASEAN ở Bali, địa điểm diễn tập quân sự chung đầu tiên được thống nhất là “Biển Bắc Natuna” ở cực nam của Biển Đông. Cả chính quyền Indonesia và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này: Indonesia tuyên bố Biển Bắc Natuna là vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng ĐCSTQ phản đối và nói rằng vùng biển này nằm trong lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông dọc theo “đường 9 đoạn”, Trung Quốc cũng đã gửi tàu đến đó.

Giới quan sát có quan điểm chỉ ra, dù Biển Bắc Natuna nơi diễn ra cuộc tập trận quân sự là một khu vực tranh chấp ở Biển Đông, nhưng nó không liên quan đến tranh chấp về chủ quyền các đảo và đá ngầm, mà chỉ là tranh chấp về vùng biển kinh tế phạm vi 200 hải lý, về mặt kỹ thuật đây chỉ là vấn đề phân chia quyền lợi kinh tế vùng biển. Việc Indonesia chọn khu vực ít tranh cãi này chỉ là một cơ hội để gây áp lực lên ĐCSTQ, sẽ không dẫn đến xung đột bạo lực.

Ba năm trước các tàu đánh cá Trung Quốc đã nhiều lần đánh cá trong vùng biển này khiến Indonesia và chính quyền ĐCSTQ rơi vào căng thẳng vì vấn đề bảo vệ nguồn cá. Khi chính phủ Indonesia phản đối, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã phản ứng rất mạnh rằng hành vi của ngư dân Trung Quốc là “hoàn toàn hợp pháp và hợp lý”.

Indonesia, nước hiện đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, thực sự đang nhân cơ hội này để cho ĐCSTQ thấy rằng các đồng minh Đông Nam Á sẽ kiên quyết cùng nhau bảo vệ chủ quyền của họ.

Điều khá bất ngờ là, do lợi ích của các nước ASEAN khác nhau, trong đó có một số yếu tố lịch sử đôi khi không dễ đạt được đồng thuận khiến tiến độ thúc đẩy những chính sách chung của ASEAN thường rất chậm, nhưng lần quyết định tổ chức tập trận chung lần đầu tiên này đã đạt được đồng thuận rất nhanh.

Đây có thể nói là diễn biến ấn tượng.

10 nước ASEAN lần đầu tập trận chung

Trong quá khứ ASEAN không tiến hành các cuộc tập trận quân sự đơn lẻ, đặc biệt là các cuộc tập trận chung có sự tham gia của tất cả các nước Đông Nam Á, nhưng đã có những nhóm nhất định tập trận với hải quân của Mỹ và Ấn Độ.

Theo Thailand Headlines vào tháng 8/2019, cuộc tập trận quân sự trên biển Mỹ – ASEAN được tổ chức từ ngày 2 – 6/9 năm đó nhằm tăng cường trao đổi đa bên, duy trì an ninh hàng hải, chống tội phạm hàng hải và tăng cường hợp tác đa phương. Cuộc tập trận giả định rằng có những con tàu đáng ngờ trên biển bị tình nghi buôn lậu ma túy, lao động bất hợp pháp, buôn người và cướp biển. Các nước thành viên ASEAN và Mỹ sẽ thành lập lực lượng đặc nhiệm chung để cùng thực hiện các hoạt động tuần tra, trinh sát trên biển, đánh chặn các tàu khả nghi. Khi đó, quân đội Mỹ cử ba “tàu khả nghi” tham gia cuộc tập trận.

Tháng 5/2023, hải quân Ấn Độ và các nước ASEAN tổ chức diễn tập quân sự kéo dài 2 ngày ở Biển Đông, có 8 nước tham gia tập trận gồm Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia và Brunei. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên của hải quân Ấn Độ và ASEAN, không chỉ là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai bên, mà còn là động thái lớn để Ấn Độ tích cực thúc đẩy “Chính sách Hành động hướng Đông”.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN không tốt, thậm chí có thời gian còn căng thẳng. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, để giảm bớt lo ngại của các nước ASEAN về việc mở rộng sức mạnh quân sự của Ấn Độ, đầu những năm 1990 Ấn Độ đã liên tiếp tổ chức tập trận hải quân chung với Indonesia, Malaysia và Singapore, đồng thời mở Cảng hải quân Blair cho tùy viên hải quân ASEAN để tránh gây lo ngại.

ASEAN cũng phản hồi tích cực. Năm 1995, ASEAN và Ấn Độ thiết lập “Đối tác Đối thoại Toàn diện”. Sau khi bước vào thế kỷ 21, quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN đã phát triển nhanh chóng. Năm 2002, ASEAN và Ấn Độ thiết lập đối tác đối thoại “10+1”, sau đó Ấn Độ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại Ấn Độ – ASEAN vào năm 2022, mối quan hệ song phương được nâng cấp thành “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.

Cuộc tập trận chung do Ấn Độ và ASEAN tổ chức lần này đánh dấu việc hai bên bắt đầu mở rộng phạm vi hợp tác sang lĩnh vực an ninh quân sự. Cuộc tập trận quân sự chung được tổ chức vào tháng 9 năm nay (2023) sẽ không có sự tham gia của các nước bên ngoài ASEAN.

ASEAN quay sang chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở rộng của Mỹ

Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN vào tháng 6, cuộc họp lần thứ 14 của Ủy ban song phương ASEAN – Mỹ đã được tổ chức vào ngày 17/5 tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta của Indonesia, hai bên một lần nữa cam kết quan hệ đối tác chiến lược ngày càng có ý nghĩa, thực chất và cùng có lợi.

Theo Thông Tấn xã Việt Nam đưa tin từ Jakarta, hai bên đánh giá cao quan hệ đối tác lâu dài giữa ASEAN và Mỹ đã mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác trên ba trụ cột của ASEAN, đã có những tiến bộ đạt được trong việc triển khai Kế hoạch hành động ASEAN – Mỹ giai đoạn 2021 – 2025, qua đó hỗ trợ các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN và thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Hai bên cũng thảo luận về các lĩnh vực hợp tác tiềm năng như: hàng hải, chống tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người, an ninh mạng, kinh tế số, thương mại, đầu tư và ổn định tài chính, vấn đề doanh nghiệp vừa và nhỏ, an ninh năng lượng, khoa học công nghệ và công nghệ thân thiện với môi trường, thành phố thông minh và cơ sở hạ tầng.

Giới quan sát bên ngoài đã nhận thấy rằng quân đội của ĐCSTQ gần đây cũng tích cực thúc đẩy tiếp xúc với quan chức quân sự của các nước ASEAN, theo đó đã sắp xếp cho các tùy viên quân sự các nước trú tại Trung Quốc cùng vợ/chồng của họ đến thăm Thiểm Tây, lắng nghe các quan chức quân đội ĐCSTQ và tỉnh Thiểm Tây giới thiệu về sự phát triển kinh tế xã hội cũng như việc xây dựng sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường”.

Về đối ngoại, ĐCSTQ cũng thường xuyên tiến hành giao lưu quân sự với các nước láng giềng. Tại Quảng Châu – Trung Quốc vào cuối tháng 5, nhóm công tác quân sự 6 bên gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã tổ chức vòng tham vấn đầu tiên về tập trận chung đa quốc gia “Hòa bình và Hữu nghị 2023”; trước đó vào giữa tháng 5 còn bố trí cho tàu của Hải quân ĐCSTQ tập trận trên biển đồng thời thăm 4 nước là Việt Nam, Thái Lan, Brunei và Philippines.

Về phía Mỹ cũng tích cực hợp tác với các đồng minh. Vào ngày 8/5 tại một sự kiện của think tank, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là Ely Ratner cho biết rằng ông sẽ tiếp tục mở rộng các nỗ lực an ninh song phương trong ứng phó các mối đe dọa bất đối xứng trên biển Philippines và các vấn đề an ninh khác.

Để tuyên bố chủ quyền, vào tháng 5 chính quyền ĐCSTQ và Philippines lần lượt thiết lập phao ở vùng biển gần các đảo và rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã mời một số phóng viên truyền thông lên tàu từ ngày 18 – 24/4, cùng họ thực hiện hành trình trên biển dài 1670 km để vạch trần hành vi ngày càng độc đoán và ngang ngược của ĐCSTQ ở Biển Đông. Trong hành trình này, các tàu tuần tra BRP Malapascua và BRP Malabrigo của Philippines đã bị các tàu hải quân và tàu cảnh sát biển ĐCSTQ theo dõi và nhiều lần ra lệnh rời khỏi vùng biển này, các tàu vũ trang của ĐCSTQ thậm chí còn tiến vào luồng tàu của Philippines để ngăn chặn, suýt gây va chạm. Vụ việc càng khiến căng thẳng giữa hai bên leo thang.

Có nhận định, hành vi bắt nạt của ĐCSTQ là phản ứng đối với việc mở rộng “Thỏa thuận hợp tác tăng cường quốc phòng” giữa Mỹ và Philippines – động thái thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. của Philippines lên nắm quyền.

ASEAN vào giai đoạn quá độ từ liên minh kinh tế sang liên minh toàn diện?

Trong lịch sử, các thế hệ chính phủ các nước ASEAN luôn căm ghét kiểu xâm nhập  lật đổ của ĐCSTQ.

ASEAN (ASA) được thành lập ngày 31/7/1961. Các nước sáng lập là nước chống cộng sản gồm Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Indonesia. Nhiệm vụ chính của 5 nước trong giai đoạn đầu là ngăn chặn sự bành trướng của các lực lượng cộng sản trong khu vực, đồng thời đảm bảo an ninh quân sự và trung lập chính trị.

Ngày 6/8/1967, ngoại trưởng 5 nước họp tại Bangkok, ngày 8/8 ra Tuyên bố ASEAN” và ASEAN đổi tên thành “Hiệp hội các nước Đông Nam Á”. Các nước tiếp theo tham gia bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Brunei, được gọi chung là 10 nước ASEAN (ASEAN 10). Ngoài ra còn có một nước ứng cử viên là Đông Timor và một nước quan sát viên là Papua New Guinea.

Vào thời kỳ đầu thành lập ASEAN, Trung Quốc khi đó đang ở giữa làn sóng “Cách mạng Văn hóa”, được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Chính phủ và người dân các nước ASEAN đã bị quấy rối nghiêm trọng bởi các tổ chức vũ trang cộng sản địa phương được ĐCSTQ hỗ trợ, theo đó các cuộc bạo loạn và tàn sát kéo dài. Trong số đó, Đảng Cộng sản Indonesia, Đảng Cộng sản Philippines, Đảng Cộng sản Thái Lan, Đảng Cộng sản Malaysia, và đặc biệt là Khơ-me Đỏ khét tiếng ở Campuchia là thế lực ghê tởm và được thế giới biết đến nhiều nhất.

ĐCSTQ ủng hộ các tổ chức cộng sản Đông Nam Á này, coi ASEAN là một nhóm chống cộng sản.

Mãi đến năm 1972 khi Tổng thống Mỹ Nixon chính thức thăm Trung Quốc và quan hệ Trung-Mỹ tan băng, các thành viên ASEAN mới bắt đầu theo chân Mỹ trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với chế độ ĐCSTQ và dỡ bỏ lệnh cấm thương mại đối với Trung Quốc.

Những năm gần đây, ĐCSTQ đã thể hiện quyền lực và bắt nạt các nước láng giềng bằng nhiều cách khác nhau, một lần nữa làm lộ ra những vết thương mãi không lành, điều đó chỉ khiến các nước ASEAN đoàn kết hơn.

Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay bao vây ĐCSTQ, áp lực của ĐCSTQ đã khiến các nước ASEAN vào giai đoạn quá độ nâng cấp liên minh quân sự, điều này đồng nghĩa thúc đẩy gia nhập phe chống cộng sản Trung Quốc do Mỹ đứng đầu.